30 giảng viên lĩnh vực Khoa học tự nhiên tham gia chia sẻ kinh nghiệm viết và xuất bản bài báo khoa học

Nối tiếp thành công từ những khóa tập huấn trước trong việc chia sẻ kinh nghiệm viết và xuất bản bài báo khoa học. Ngày 8/9, Trung tâm Học liệu phối hợp với trường Đại học Khoa học tổ chức chương trình khai mạc khóa tập huấn chia sẻ kinh nghiệm viết và xuất bản bài báo khoa học cho 30 giảng viên của Đại học Thái Nguyên và Đại học Hùng Vương thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.Tham dự buổi khai mạc có TS. Mai Anh Khoa – Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, GS. TS Nguyễn Duy Hoan – Giám đốc Trung tâm Học liệu kiêm trưởng khoa Khoa Quốc tế.

Toàn cảnh buổi khai mạc khóa tập huấn

Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao kỹ năng viết và xuất bản bài báo khoa học cho giảng viên trẻ của Đại học Thái Nguyên và các trường Đại học trong khu vực” do Trung tâm Học liệu đề xuất và được tổ chức INASP tài trợ. Dự án được triển khai từ năm 2015 tới năm 2018.

INASP là một tổ chức có uy tín hàng đầu thế giới về vấn đề xuất bản các ấn phẩm khoa học, INASP đã hợp tác với đối tác nhiều tạp chí, nhà xuất bản và các cơ quan phát triển để thực hiện chương trình tăng cường thông tin nghiên cứu (PERI) ở hơn 40 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Từ năm 2010, Trung tâm Học liệu đã ký văn bản hợp tác toàn diện với tổ chức này trong việc cung cấp và chia sẻ thông tin.

TS. Mai Anh Khoa – Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ - Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi khai mạc

Tại những hoạt động này, các học viên của khóa học đã được các diễn giả chia sẻ các nội dung như: kinh nghiệm viết, đăng bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế; chia sẻ về cách nghiên cứu, cách làm luận văn, cách viết bài báo khoa học; suy nghĩ về cách viết và xuất bản các bài báo khoa học quốc tế.

Trong năm 2016, Đại học Thái Nguyên có 589 bài báo được đăng tải các tạp chí trong nước và 186 bài báo đăng tải trên tạp chí quốc tế. Trong đó, có 775 bài báo được công bố trong tổng số 2768 cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trung bình mỗi một giảng viên chỉ có 0,27 bài báo/1 năm; 0,7 bài/1 tiến sĩ (với 518 tiến sĩ) và 0,15 bài/ 1PGS (trên 100 PGS). Với thực tế khó khăn trong việc đăng tải bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế, như vậy, khóa tập huấn nhằm hỗ trợ cán bộ, giảng viên của Đại học Thái Nguyên các kỹ năng cần thiết, cách thức viết bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí quốc tế. 

GS. TS Nguyễn Duy Hoan – Giám đốc Trung tâm Học liệu kiêm trưởng khoa Khoa Quốc tế khẳng định tầm quan trọng của khóa tập huấn

Phát biểu tại buổi khai mạc của khóa học, GS. TS Nguyễn Duy Hoan – Giám đốc Trung tâm Học liệu kiêm trường khoa Khoa Quốc tế khẳng định tầm quan trọng của một bài báo khi được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, đây không chỉ khẳng định năng lực của cá nhân các tác giả mà còn niềm tự hào của đơn vị công tác, của Đại học Thái Nguyên nói chung. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng phân tích về những khía cạnh khó khăn trong cách thức trình bày, bố cục cho một bài báo với những tiêu chuẩn khắt khe để được đăng tải quốc tế.

Các đại biểu và học viên chụp ảnh lưu niệm

Khóa học là cơ hội cho các giảng viên trong và ngoài Đại học Thái Nguyên được trao đổi, chia sẻ với các diễn giả trong việc viết và gửi đăng các bài báo, các nghiên cứu khoa học trên các xuất bản phẩm trong và ngoài nước, góp phần thiết thực vào việc nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu trong toàn Đại học.

 

Thanh Bắc (P. PT&UDTT ĐT)