Bài giảng điện tử là gì ?

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, chúng ta được biết đến các tên gọi như thương mại điện tử, thư điện tử, chính phủ điện tử. Và trong giáo dục, nhiều người cũng bắt chước theo cách đó để gọi “giáo án điện tử”, “bài giảng điện tử” ngoài cái tên quen thuộc là “giáo án”. Vậy, cách gọi tên như thế nào là đúng?

Trước hết, chúng ta tìm hiểu sơ lược một số khái niệm sau:

  •  “Giáo án”: Có thể hiểu là bản thiết kế cho tiến trình một tiết dạy/học, là bản kế hoạch mà người giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp cho  học sinh cụ thể.
  • “Bài giảng” là sự thực thi một giáo án (kế hoạch dạy học) nào đó trên đối tượng học sinh. Nói cách khác, một giáo án chỉ có thể trở thành bài giảng khi nó được thực thi.
  • “Bài giảng điện tử” là một hình thức tổ chức bài lên lớp mà ở đó toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học đều được chương trình hoá do giáo viên điều khiển thông qua môi trường multimedia do máy vi tính tạo ra. Cũng có thể hiểu bài giảng điện tử là những tệp tin có chức năng chuyển tải nội dung giáo dục đến học sinh,
  •  “Giáo án điện tử”: Có thể hiểu là bản thiết kế cụ thể toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học của giáo viên trên giờ lên lớp, toàn bộ hoạt động dạy học đó đã được multimedia hoá một cách chi tiết, có cấu trúc chặt chẻ và logic được quy định bởi cấu trúc của bài học. Giáo án điện tử là một sản phẩm của hoạt động thiết kế bài dạy được thể hiện bằng vật chất trước khi bài dạy học được tiến hành. Giáo án điện tử chính là bản thiết kế của bài giảng điện tử, chính vì vậy xây dựng giáo án điện tử hay thiết kế bài giảng điện tử là hai cách gọi khác nhau cho một hoạt động cụ thể để có được bài giảng điện tử.

Trong quá trình giảng dạy của giáo viên nảy sinh một số vấn đề:

  •  Vấn đề thứ nhất hiện nay là: Nhiều người dùng thuật ngữ “giáo án điện tử” để chỉ các bài trình chiếu PowerPoint. Đó là sai lầm về thuật ngữ và cách hiểu vì đây chỉ là tập hợp các slide để trình bày vấn đề giáo viên muốn truyền đạt, còn hệ thống câu hỏi, những gợi ý, dẫn dắt …. thường không thể hiện ra ở các slide. Thực tế, các bài giảng kiểu này có thể được soạn trên PowerPoint, Violet, Flash, được giảng dạy qua máy vi tính và được coi như là một loại thiết bị dạy học điện tử. Hơn nữa, trong tiếng Anh chúng ta chỉ tìm được từ giáo án (lesson plan), không tìm được từ bài giảng điện tử mà chỉ có từ “presentation”.
  • Vấn đề thứ hai là: Nhiều người lẫn lộn khái niệm giáo án (lesson plan) với bài giảng điện tử hoặc coi bản trình chiếu PowerPoint là giáo án. Cấn thống nhất rằng khi dùng bài giảng điện tử, giáo viên phải có giáo án (kịch bản) chi tiết kèm theo, nêu rõ phần nội dung bài giảng nào cần dùng thiết bị dạy học điện tử này, dùng như thế nào…
  • Vấn đề thứ ba là: Khi sử dụng bài giảng điện tử và trình chiếu trên lớp, nhiều giáo viên không viết bảng. Cần nhấn mạnh rằng bài giảng điện tử không phải là một công cụ để thay thế “bảng đen phấn trắng” mà là cái đóng vai trò định hướng trong tất cả các hoạt động trên lớp, minh họa cho bài giảng của mình.

Cũng có ý kiến cho rằng:

Hiện tại chưa có định nghĩa chính xác do đó cũng chưa có qui chế sử dụng tuy nhiên có thể hiểu bài giảng  điện tử là giáo án được soạn thảo bằng máy tính và có thể in ra để thay thế cho giáo án viết tay. Trong bài giảng  điện tử này có chứa các nội dung trình chiếu, các mô phỏng ( hay được gọi là thí nghiệm ảo) cũng như hình ảnh, âm thanh và các dụng cụ thí nghiệm thật (đương nhiên chỉ có thể mô tả cách sử dụng ).

 

Nguồn Internet