Bạn đã sẵn sàng cho giáo dục từ xa?

Giáo dục từ xa là một khái niệm không mấy xa lạ đối với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, giáo dục từ xa lại yêu cầu người học giữ kỷ luật với bản thân hơn bao giờ hết.
 
Học từ xa rẻ hay đắt?
 
Khái niệm "giáo dục từ xa" đã làm người ta liên tưởng ngay đến chuyện người học không cần đến lớp để tiếp thu kiến thức. Thật vậy, với phương pháp giáo dục này, các tài liệu, bài giảng sẽ được chuyển đến người học bằng đường bưu điện, thư điện tử dưới dạng bản in, đĩa CD hoặc thậm chí là qua màn hình ti vi hay làn sóng phát thanh. Người học giao tiếp với giáo viên của mình theo thời gian biểu lựa chọn thông qua các phương tiện như điện thoại, mạng internet hay các phương thức truyền thông khác.
 
Sau đó, người học sẽ làm bài tập hay bài kiểm tra rồi gửi cho giáo viên có thể là từ một khoảng cách rất xa. Trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, giáo dục trực tuyến sử dụng nền tảng là mạng internet thông dụng hơn cả. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã sử dụng phương pháp giáo dục trực tuyến và người tham gia khóa học cũng được cấp bằng như các sinh viên bình thường. Có thể nói, giáo dục từ xa chủ yếu nhắm vào các đối tượng là người đã đi làm và không có thời gian đến lớp như những sinh viên bình thường. Họ có thể tranh thủ bất cứ thời gian nào rảnh trong ngày để đọc tài liệu hay viết bài luận.
 
Nếu có gì thắc mắc, họ có thể viết thư điện tử hay điện thoại để hỏi giáo viên. Những người ở quá xa trường mà mình muốn theo học cũng có thể sử dụng phương pháp này. Cần lưu ý rằng các chương trình dạy học mà chúng ta thường thấy trên kênh VTV2 không phải là hình thức giáo dục từ xa vì không có sự tương tác giữa người học và giáo viên. Ở trường hợp này cũng không có chuyện người học làm bài tập hay kiểm tra.
 
 
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
 
Những tưởng giáo dục từ xa không mất chi phí trường lớp hay các tiện ích học tập khác thì học phí sẽ rẻ hơn cách học thông thường, nhưng không hẳn vậy. Xét riêng về giáo dục trực tuyến mà internet và công nghệ thông tin là nền tảng, học phí cao hơn nhiều so với giáo dục truyền thống. Ông Sanjib Subba, Giám đốc điều hành của trường Đại học Webster (Mỹ) chi nhánh ở Thái Lan cho hay, chi phí lập trình phần mềm và xây dựng, bảo trì cũng như bảo mật hệ thống giáo dục trực tuyến rất đắt. Chính điều này đã đẩy học phí lên cao. Ông Subba dẫn chứng ở Mỹ, chi phí một môn học bình thường có thể là 1.400 USD nhưng đối với giáo dục trực tuyến, số tiền này có thể là 1.700 USD. Tuy nhiên, tùy trường hợp, học trực tuyến có thể rẻ hơn học kiểu truyền thống. Nếu sinh viên Việt Nam sang học một trường ở Mỹ, họ sẽ phải trả tiền đi lại, ăn ở và các khoản phí sinh hoạt khác. Trong trường hợp này, học trực tuyến sẽ rẻ hơn. Còn nếu sang học ở một nước gần hơn như Thái Lan chẳng hạn, chi phí học theo kiểu truyền thống có thể bằng hoặc rẻ hơn.
 
Hoạt động độc lập và nghiên cứu nhiều hơn
 
Cần phải nói thêm rằng, tuy học trực tuyến có thể rẻ hơn học kiểu thông thường nhưng người học theo phương pháp này sẽ bị thiệt thòi vì thiếu tính tương tác với giáo viên hay các bạn đồng môn. Học thầy không tày học bạn. Môi trường học truyền thống giúp cho người học có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với giáo viên và các người học khác. Do vậy, họ có cơ hội tiếp nhận nhiều thông tin và kiến thức hơn là học trực tuyến. Sự tương tác trực tiếp giữa người học với giáo viên hay các đồng môn cũng giúp cho họ năng động hơn, nhất là kỹ năng làm việc theo nhóm. Ông Subba cho rằng người châu Á sẽ thích kiểu học truyền thống hơn bởi nó có sự tương tác giữa người và người trong cộng đồng, trái ngược hẳn với người phương Tây thích hoạt động độc lập. Qua sự so sánh này, học từ xa cũng bộc lộ ưu điểm là buộc người học phải hoạt động độc lập và chịu khó nghiên cứu hơn.
 
Với giáo dục từ xa, ý thức và kỷ luật của người học phải cực cao vì họ không bị sự quản lý trực tiếp hay bị ép vào khuôn khổ theo cách thông thường. Người học phải sắp xếp thời gian hợp lý để kịp đọc tài liệu và hoàn thành bài tập hay bài kiểm tra đúng thời hạn. Nếu không họ có thể bị đánh trượt môn đó. Học từ xa cũng buộc người học phải đọc rất nhiều tài liệu. Điều này cũng dễ hiểu vì với phương pháp học truyền thống, người học nghe giáo viên giảng nhiều hơn là đọc.
 
Người học cũng phải trang bị một số kỹ năng cơ bản về vi tính để có thể thuận tiện trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông phục vụ cho việc học, nhất là đối với học trực tuyến. Về tính trung thực của mỗi người học khi theo học từ xa, mà cụ thể ở đây là học trực tuyến, liệu họ có thể gian lận bằng cách nhờ ai đó làm bài tập hay bài kiểm tra rồi nộp cho giáo viên không? Trả lời thắc mắc này của Báo Thanh Niên, ông Subba khẳng định ngay: "Nếu họ chỉ cần tấm bằng thôi thì không cần phải đăng ký một khóa học từ xa quá tốn kém như vậy. Họ có thể đi làm một tấm bằng giả, rẻ hơn nhiều". Ông Subba giải thích, một khi người ta đăng ký học từ xa thì người ta đã ý thức được số tiền mình bỏ ra và thực sự cần thiết tiếp thu kiến thức. Mặt khác, nếu như một người không học thật và được cấp bằng thạc sĩ, khi đi làm anh ta sẽ bị giao những việc tương xứng với tấm bằng nhưng không tương xứng với khả năng của mình. Lúc đó, hậu quả của sự lừa dối sẽ rất nặng nề.
 
Tại một số trường đại học trên thế giới, sinh viên còn có thể vừa học theo kiểu truyền thống, vừa kết hợp với học từ xa. Học kỳ này bạn đến lớp học nhưng học kỳ sau nhà bạn có việc bận hay phải đi thực tập, bạn có thể đăng ký học từ xa trong học kỳ đó. Sự kết hợp linh động này giúp cho sinh viên không bị gián đoạn việc học của mình.
 
 
Theo Thanh Niên