Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Học ngoại ngữ không phải để lấy chứng chỉ“

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến qua mạng internet tại 6 điểm cầu gồm Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Trong giai đoạn 2016-2020, Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” xây dựng 6 mục tiêu cơ bản, trong đó tập trung vào đối tượng người học. Đó là đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3 tiểu học, 70% học sinh lớp 6 trung học phổ thông và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới 10 năm. Đến năm 2025 phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông.

Ở bậc giáo dục chuyên nghiệp, đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, tất cả sinh viên cao đẳng đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. Đối với giáo dục đại học chuyên ngữ và không chuyên ngữ, đến năm 2019, tất cả các trường đại học triển khai đào tạo chương trình Tiếng Anh tăng cường. Đến năm 2020, 70% sinh viên đại học không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên đại học không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp...

Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” nhấn mạnh, đến năm 2020, 100% học sinh lớp 3 tiểu học được học ngoại ngữ (ảnh minh họa).

 Tại hội nghị, đại diện các địa phương, trường đại học thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, trong đó trọng tâm là việc nâng cao chất lượng, đào tạo đội ngũ giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, củng cố nâng cao chất lượng công tác khảo thí.

Ông Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ thì cần tính đến yếu tố người học, để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ việc học có hiệu quả hơn.

“Đối với Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 thì đối tượng giáo viên và đối tượng người học là được quan tâm như nhau. Giai đoạn 2008-2015 chúng ta quan tâm nhiều đến giáo viên. Tôi không phủ nhận vai trò của giáo viên, nhưng người dậy muốn thực hiện tốt vai trò của mình thì thực sự cần sự hợp tác của người học. Vì vậy một đề án cho cả quốc gia thì tôi nghĩ rằng bên cạnh việc đầu tư cho giáo viên thích đáng thì phải đầu tư phù hợp cho đối tượng người học. Chúng ta xem người học họ cần cái gì, nếu là thích đáng thì chúng ta phải có trách nhiệm đáp ứng”.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ phải được thực hiện bởi các cơ sở hay trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ có uy tín, đủ khả năng và kinh nghiệm. Phương thức tổ chức bồi dưỡng bằng cả hình thức trực tiếp và online để các giáo viên đều có thể sắp xếp thời gian theo học. Hoạt động khảo thí, kiểm tra, đánh giá phải được thực hiện thống nhất với tiêu chuẩn chung là Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc học ngoại ngữ là để phục vụ cuộc sống, công việc, chứ không phải để thi, để lấy chứng chỉ. Trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng các năm tiếp theo các địa phương và các trường cần tập trung thực hiện 8 nội dung để nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ, trong đó cần thực hiện rà soát lại các chuẩn giáo viên, chương trình đào tạo để xây dựng tài liệu giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phù hợp, thống nhất trong toàn quốc. Đối với người học, cần tăng cường giám sát chất lượng người học để tạo được chuẩn theo các khung năng lực.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Chúng ta phải chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ của các địa phương và các bậc học chứ không chỉ có nhấn mạnh tiếng Anh. Tiếng Anh là quan trọng là ưu tiên, nhưng ngoài ra còn có các ngoại ngữ khác, để dần dần ngoại ngữ chúng ta không chỉ có tiếng Anh, ngoại ngữ 2, ngoại ngữ 3. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên dàn trải phân tán, trong cách làm thì có ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.  Chúng ta phải tạo ra môi trường rất tốt, hình thành các câu lạc bộ để tạo ra một phong trào toàn dân quan tâm học tiếng Anh, làm sao tiếng anh từ áp lực trở thành động lực, mà người học cảm thấy có ý nghĩa”.

 Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay, khó khăn nhất trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ ở Việt Nam là phần lớn học sinh, sinh viên chưa có ý thức học ngoại ngữ để phục vụ công việc, cuộc sống mà chủ yếu là học để lấy bằng. Vì vậy, đề án cần đẩy mạnh công tác truyền thông để học sinh, sinh viên và cán bộ công chức hiểu, từ đó có ý thức thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng./.


Nguồn: VOV.vn