Các thủ thư của thư viện công cộng giúp xác lập khái niệm tự do Internet

Tại Hoa Kỳ, thư viện công cộng là một nguồn truy cập Internet quan trọng. Thủ thư giúp bảo vệ tự do tri thức và cân bằng giữa quyền sở hữu trí tuệ với quyền tiếp cận các nội dung Internet của công chúng. 

Barbara M. Jones là Giám đốc Văn phòng Tự do Tri thức thuộc Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ có trụ sở tại Chicago, Illinois. 

Tôn chỉ “Những tác phẩm hay nhất, phục vụ số đông nhất, với mức chi phí thấp nhất” đã được Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA) đề cao ngay từ ngày đầu thành lập cách đây hơn 100 năm và nội dung của tôn chỉ này cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đôi khi chúng ta phân vân rằng liệu những đồng nghiệp của chúng ta ở những thế hệ trước có từng mơ về những công cụ và nguồn lực mà chúng ta sử dụng trong công việc ngày nay không – sự phát minh ra thông tin số hóa, sự sao chép hầu như không hạn chế các nguồn thông tin và sự truyền bá thông tin trên toàn cầu. 

 

Truy cập Internet công cộng là hình thức dịch vụ phổ biến nhất và thường xuyên được sử dụng nhất tại các thư viện Hoa Kỳ ngày nay. Chúng ta có thể dễ dàng sao chép các nội dung thông tin cần thiết để mang về hoặc chia sẻ thông qua hệ thống máy in và máy phô-tô.
Thủ thư muốn độc giả có thể truy cập Internet, nhưng họ cũng là người chịu trách nhiệm ngăn chặn việc phổ biến thông tin vi phạm bản quyền. Do đó, thủ thư gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải lựa chọn giữa tự do tri thức và quyền sở hữu trí tuệ. Các nội dung của trang web có thể được phổ biến cho nhiều người một cách nhanh chóng. Một số nội dung do chính công chúng tạo ra và do đó không mất phí – với sự tăng trưởng của những nội dung “ra đời từ kỹ thuật số” như blog, bách khoa toàn thư Wikipedia. Âm nhạc, phim và các phương tiện truyền thông khác có thể dễ dàng chia sẻ qua các công nghệ sao chép kỹ thuật số theo cách thức chưa từng có ở thời kỳ âm nhạc được chia sẻ thông qua các đĩa nhựa hoặc băng cát-xét.

 

Sự thuận lợi trong việc truy cập các nội dung qua Internet thực sự mang lại nhiều lợi ích cho thư viện cũng như độc giả. Nhưng đây lại là cơn ác mộng đối với các nhà xuất bản, những doanh nghiệp mong muốn duy trì hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế truyền thống. Sự thuận tiện trong việc sao chép và tốc độ phổ biến đã đe dọa các nhà xuất bản này và dồn họ vào nguy cơ phá sản. Các nhà xuất bản đã đối phó bằng các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của họ: tăng giá của các tạp chí học thuật một cách chóng mặt và hạn chế các nội dung trực tuyến thông qua việc bán bản quyền. Ngành công nghiệp thu âm đã chứng kiến các vụ kiện đối với các cá nhân vì lý do tải nhạc một cách phi pháp.
 

Chúng tôi, những người làm việc trong cộng đồng thư viện phải đấu tranh giữa mong muốn ủng hộ các ngành cung cấp các thông tin phong phú và không kiểm duyệt và những độc giả, những người thường xuyên bị chặn truy cập hoặc đối mặt với giá cả các tài liệu ngày một gia tăng.

Nguyên tắc của thủ thư

 

Giới thủ thư tại các thư viện công của Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm pháp lý và đạo đức theo Điều sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ thứ nhất: “Quốc hội không được đưa ra bất kỳ luật nào… hạn chế tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí….”. Đây cũng là nguyên tắc thiêng liêng trong ngành chúng tôi:  Dự luật của Thư viện và cách giải thích Quy tắc Đạo đức của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ. Khẩu hiệu của cộng đồng Internet “Thông tin muốn được tự do” cũng nằm trong nguyên tắc này. 
 

Bên cạnh đó, các thủ thư cũng bị ràng buộc bởi một quy định khác trong Hiến pháp Hoa Kỳ, trong đó trao cho “các tác giả và người sáng chế quyền độc quyền đối với những tác phẩm và phát hiện của họ”. Luật về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ được xây dựng dựa trên nền tảng của nguyên tắc này. Các thủ thư phải đấu tranh nhằm cân bằng giữa các giá trị của “quyền tự do đọc” với những yêu cầu đối nghịch của pháp luật và các quy định về bản quyền. Trong khi đó, một số người theo trường phái cách mạng thông tin lại cho rằng thông tin được đăng tải trên Internet thuộc về công chúng và phớt lờ quyền của người tạo ra chúng. Độc giả ngày càng đòi hỏi nhiều thông tin hơn còn các nhà xuất bản hạn chế bằng việc bán lại quyền sử dụng hoặc bằng các cách thức khác để duy trì sự ổn định kinh doanh của họ.
 

Vậy làm sao các thủ thư có thể bắt tay với các nhà xuất bản để tạo ra một mô hình kinh tế cho phép độc giả tiếp cận thông tin mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng tới kế sinh nhai của các tác giả và nhà xuất bản?

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sử dụng hợp lý: Quan điểm về quyền sử dụng hợp lý của luật bản quyền Hoa Kỳ cho phép sử dụng có hạn định các tác phẩm được đăng ký tác quyền phục vụ mục đích phê bình, giảng dạy hoặc đưa tin. Ví dụ, một nhà phê bình sách có thể trích dẫn một số đoạn từ một cuốn sách mới; hoặc một hãng tin có thể in lại lời của một bài hát gây tranh cãi. Được phát triển qua nhiều các quyết định mang tính pháp lý, quyền sử dụng hợp lý vẫn là một quy định mơ hồ và thường chỉ dựa trên những đánh giá chuyên môn của các thủ thư hoặc người sử dụng. Tuy nhiên, người phê bình không thể trích dẫn lại toàn bộ các chương của một cuốn tiểu thuyết và các hãng tin cũng không được phép dùng cả một bài hát cho hoạt động của mình. Nếu thư viện tại một trường đại học muốn sao chép một bài báo trong một tạp chí bất kỳ ra 10 bản để học viên sử dụng trong bài học, thủ thư có thể xác định rằng hai bản sao là mức “hợp lý hơn”, xét tới nhu cầu và số lượng học viên trong lớp. Quyền sử dụng hợp lý thậm chí còn phức tạp hơn đối với các thông tin lưu trữ điện tử và việc sử dụng các bộ phim, các bản ghi âm và các phương tiện kỹ thuật số khác trong lớp học. 

 

Chuyện gì sẽ diễn ra nếu ai đó sao chép 100 bản từ một bài báo để phục vụ mục đích giảng dạy hoặc đăng tải một bài báo lên trang mạng mà không xin phép nhà xuất bản từ trước? “Thông lệ tốt nhất” của thư viện quy định rằng tại khu vực các máy phô-tô công cộng cần đưa ra những cảnh báo trích dẫn luật bản quyền của Hoa Kỳ và các thư viện cũng cần phổ biến cho độc giả về điều luật này qua các thông báo, tờ rơi hoặc các buổi tuyên truyền thông tin cho công chúng. Nhưng độc giả của thư viện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của chính họ và trên thực tế vài năm gần đây, những người sử dụng thư viện cũng từng bị kiện vì tải nhạc và các nội dung khác một cách phi pháp.

Giấy phép bản quyền của tổ chức Creative Commons: Thủ thư giúp độc giả tìm kiếm thông tin có thể tìm kiếm các tài liệu có bản quyền nằm trong thỏa thuận cấp phép bản quyền do tổ chức Creative Commons soạn thảo. Những thỏa thuận kiểu này cho phép tác giả, nghệ sỹ và những nhà sáng tạo nội dung khác đưa sản phẩm của mình ra cho công chúng mà vẫn giữ được bản quyền của mình, tất cả chỉ qua một văn bản dễ hiểu. Trang mạng bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia là một ấn phẩm thuộc diện được cấp phép bản quyền của tổ chức Creative Commons. Giấy phép bản quyền của Creative Commons là một lựa chọn đặc biệt quan trọng cho các nhà nghiên cứu, các học giả mong muốn tác phẩm của họ được đưa vào các tác phẩm chuyên môn lớn hơn mà không phải từ bỏ tất cả quyền lợi bản quyền của mình.

Bảo vệ tự do tri thức

Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ đã đưa ra những hướng dẫn và nguyên tắc đạo đức cho các thủ thư nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP), nhưng cũng xem việc bảo vệ tự do tri thức (IF) là một giá trị cốt lõi. Phòng Tự do Tri thức (OIF) của Hiệp hội này giữ vai trò chủ chốt trong việc phổ biến, tuyên truyền và xây dựng chính sách tự do biểu đạt. Cuốn Sổ tay Tự do tri thức, ấn bản thứ 8 (ấn bản của ALA, 2010) gồm các tài liệu hiện hành và các tài liệu lưu trữ về những tiến triển của bản Quy định về các Quyền của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ. Bản này quy định các quyền của độc giả đối với tự do tri thức và các bước thư viện cần thực hiện để bảo vệ các quyền đó. Ví dụ, khi bản gốc của Quy định này được thông qua vào năm 1948, các vấn đề về quyền riêng tư của người dùng thư viện chưa phải là một vấn đề nổi trội. Để giải quyết những quan ngại ngày nay về quyền riêng tư đối với tài liệu trên các danh mục trực tuyến của thư viện và các mạng xã hội, Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ đã thông qua văn bản “Quyền riêng tư: Giải thích về Quy định về các Quyền của Thư viện” vào năm 2002. 

 

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 năm 2001 và sau đó là Đạo luật Yêu nước của Hoa Kỳ đã làm gia tăng căng thẳng giữa vấn đề an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người sử dụng. Thỉnh thoảng lại có các nhân viên điều tra truy tìm các đối tượng tình nghi tại các thư viện và các tài liệu mà người dùng thư viện đã sử dụng. Hoạt động này đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới nghề nghiệp của chúng tôi vì nó xung đột với các điều luật về bảo mật mà thư viện giúp bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng thư viện. 
 

Và do đó ở thế kỷ 21 này, các thủ thư tiếp tục cho phép công chúng truy cập lượng thông tin lớn hơn bao giờ hết trong khi đồng thời tôn vinh một nhiệm vụ đạo lý và pháp lý cũng không kém phần quan trọng – tuân thủ luật pháp về tác quyền giúp bảo vệ tác giả của thông tin. Các thủ thư hợp tác tích cực với cộng đồng người sử dụng, xuất bản và pháp lý để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Hướng dẫn về quyền sở hữu trí tuệ

Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ đã đưa ra những hướng dẫn cho nhân viên trong ngành khi phải đương đầu với các vấn đề trong thời đại mới này trong tài liệu “Hướng dẫn và Xem xét Thông qua Chính sách Sử dụng Internet trong Thư viện Công cộng”. 

 

Tuyên truyền giáo dục người sử dụng thư viện là một hoạt động quan trọng đảm bảo các điều luật về tác quyền được thực hiện. Một trong những cẩm nang thiết thực tốt nhất cho các thủ thư là tác phẩm Toàn cảnh về Tác quyền: Hướng dẫn dành cho các Thủ thư của tác giả Carrie Russell (Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ: Phòng Chính sách Công nghệ Thông tin, 2004). Trung tâm Sở hữu Trí tuệ thuộc Đại học Maryland cung cấp các thông tin cập nhật tại địa chỉ: http://www.umuc.edu/distance/odell/cip/cip.shtml. Trung tâm này có các khóa học cấp chứng chỉ từ xa cho các thủ thư để cập nhật các vấn đề mới nhất liên quan tới sở hữu trí tuệ được các học giả thỉnh giảng và luật gia trong ngành chịu trách nhiệm giảng dạy. Hầu hết các trường đại học đều đã xây dựng các chính sách toàn diện về sở hữu trí tuệ, ví dụ như trường hợp của Đại học Indiana:http://www.iub.edu/~vpfaa/download/IPPolicy_Adopted_050208.pdf
 

Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Công, Trường Luật thuộc Đại học Duke đã cho xuất bản cuốn truyện tranh, “Quy định bởi pháp luật”, có thể được tải miễn phí và là một cách hay để thu hút sự quan tâm của người lớn vào vấn đề này: www.law.duke.edu/cspd/artsproject/index.

 

http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/​