Cải cách quản lý tài khoá khi Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình

Sau khi nghiên cứu chi tiết và tham vấn trong suốt hơn 5 năm, Việt Nam đã sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước mang tính bước ngoặt của mình (năm 2002), nhờ đó giúp hiện đại hóa quản lý tài khoá để vượt qua các thách thức mới phát sinh về chính sách tài khoá, cung cấp dịch vụ công và trách nhiệm giải trình của chính phủ trong bối cảnh một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh. Những biện pháp này bao gồm cải cách để tăng cường kỷ luật ngân sách, đảm bảo chi tiêu của chính phủ hiệu quả hơn, và thúc đẩy tính minh bạch.

Thách thức

Các chính sách và hoạt động quản lý tài khoá trong 20 năm qua đã cho phép sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với chi tiêu của chính phủ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam, đặc biệt là tại những địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều thách thức mới đã nổi lên trong đó có áp lực tài khoá do giảm nguồn thu ngân sách (từ 25% xuống 20% GDP trong giai đoạn 2009-2014), nợ tiềm tàng ngày càng tăng, nhiều khoản đầu tư lớn đòi hỏi phải lập kế hoạch trung hạn, tăng cường thẩm định, và thêm nhiều nguồn tài chính mới, nhu cầu về thông tin tài khoá tăng lên, ảnh hưởng đến xếp hạng kinh tế và tín dụng, hoạt động cung cấp dịch vụ công được phân cấp mạnh hơn (chi của địa phương chiếm hơn 50% trong tổng chi ngân sách), và yêu cầu đối với khu vực công phải hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm giải trình lớn hơn.

Những thách thức này đòi hỏi phải cải cách để đảm bảo Ngân sách Nhà nước có thể theo kịp với nền kinh tế và nhu cầu về dịch vụ công đang thay đổi một cách nhanh chóng của Việt Nam. Mối quan tâm về chính sách và quản lý tài khoá đã tập trung nhiều hơn vào chất lượng và hiệu quả của chi ngân sách, nhằm đảm bảo tính bền vững tài khoá, và ngày càng nhiều thông tin được cung cấp để thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Giải pháp

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chuẩn bị một loạt những thông tin nhất định để cung cấp cho các cuộc trao đổi về sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước. Những thông tin này được chuyển giao một cách sáng tạo để tối đa hóa tác động đối với quốc gia có thu nhập trung bình hiện đang được tư vấn từ nhiều nguồn. Phương pháp tiếp cận bao gồm:

1. Khảo sát cơ bản đối với các bên liên quan để thu thập được bằng chứng về nhu cầu thông tin tài khoá của khu vực tư nhân, các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội dân sự và phương tiện truyền thông nhằm giúp cung cấp thông tin cho hoạt động thiết lập trật tự ưu tiên trong các cuộc cải cách về minh bạch tài khoá.
2. Nghiên cứu toàn diện về phân cấp tài khoá ở Việt Nam, trong đó có phân tích thực nghiệm chi tiết đối với những tác động đến sự phát triển của chính sách phân cấp tài khoá, và tìm hiểu biện pháp nhằm tăng cường kỷ luật ngân sách, phân phối nguồn lực công bằng, và nâng cao hiệu quả của chi ngân sách.
3. Giới thiệu kinh nghiệm quốc tế và thông lệ tốt liên quan đến những nội dung rất cụ thể và kỹ thuật trong các bản dự thảo của Luật Ngân sách Nhà nước.
4. Hợp tác giữa các đối tác và chính phủ trong việc phân tích chẩn đoán hệ thống và quy trình quản lý tài chính công, và tìm hiểu về chi tiêu công để xây dựng năng lực phân tích và thúc đẩy tính làm chủ của chính phủ để tạo ra được các sản phẩm phân tích.
5. Tổ chức cùng tham vấn về vấn đề ASA nêu trên với Bộ Tài chính, Ủy ban về các vấn đề ngân sách của Quốc hội, và các chính quyền địa phương để trao đổi quan điểm, cung cấp minh chứng và đạt được sự đồng thuận trong công cuộc cải cách.

Kết quả

Nhờ có hoạt động tư vấn chuyên môn đáng tin cậy của Ngân hàng Thế giới, kết hợp với sự tham gia với nhiều bên liên quan khác nhau, nhiều khuyến nghị được đề xuất sau khi tham gia vào PPFR đã được tiếp thu trong Luật sửa đổi, bổ sung (năm 2015), trong đó bao gồm rất nhiều điểm tiến bộ hơn so với đề xuất ban đầu. Những điểm nổi bật bao gồm:

• Tăng cường phân bổ chiến lược và bền vững tài khóa (thông qua việc áp dụng Khuôn khổ tài khoá và Khuôn khổ chi tiêu trung hạn).
• Mức độ toàn diện và minh bạch của ngân sách được nâng lên (với việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khi đưa ra định nghĩa về cân đối ngân sách, cách thức phân loại được tiêu chuẩn hóa và thống nhất hơn để cung cấp thông tin về chính sách ngân sách một cách minh bạch hơn, tài liệu về ngân sách toàn diện hơn trong đó nổi bật các liên kết giữa ngân sách nhà nước, các quỹ ngoài ngân sách và doanh nghiệp nhà nước).
• Tăng cường sự tham gia của người dân (thông qua việc lần đầu tiên công khai dự toán ngân sách, xây dựng và công bố một bản "ngân sách của công dân").
• Tăng cường cách thức tổ chức và kỷ luật phân cấp tài khoá (thông qua những quy định tài khoá mới đối với tiền vay của địa phương, kiểm soát chặt hơn chi chuyển nguồn).
• Chú trọng hơn đến quản lý ngân sách dựa trên hiệu quả, đòi hỏi việc phân cấp mạnh hơn các yếu tố đầu vào phải đi đôi với gia tăng trách nhiệm và trách nhiệm giải trình đối với kết quả.
• Thúc đẩy quyền lập pháp và giám sát (đối với cả các chỉ tiêu tổng hợp tài chính trung hạn và mối quan hệ tài khoá giữa các cấp chính quyền, lẫn ngân sách hàng năm thông qua kế hoạch ngân sách được nới lỏng và thẩm tra bổ sung đối với khoản chênh lệch giữa số chi thực tế và dự toán ban đầu).

Sự hỗ trợ kịp thời và cụ thể dành cho Chính phủ trong việc thực hiện Đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính (PEFA) và Đánh giá chi tiêu công (PER) lần đầu tiên trong 10 năm qua đã giúp thiết lập được:

• Phân tích chẩn đoán ban đầu về những điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống quản lý tài chính công tại Việt Nam và các quy trình để áp dụng khuôn khổ được quốc tế công nhận, cũng như khuyến nghị những ưu tiên cần cải cách.
• Phân tích thực nghiệm về việc thực hiện các chính sách và thể chế tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng công bằng, đồng thời đảm bảo sự bền vững về tài khoá, cung cấp thông tin kịp thời cho các phản ứng chính sách về ngân sách trong 5 năm tiếp theo ở cả trung ương và địa phương.
• Nâng cao năng lực phân tích và tính làm chủ của Chính phủ trong công tác phân tích định kỳ.

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng Thế giới

Hoạt động ASA được tài trợ bằng ngân sách của Ngân hàng Thế giới (khoảng 250.000 USD) và quỹ tín thác (khoảng 750.000 USD). Một nhóm các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã chủ trì hoạt động ASA, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ủy ban về các vấn đề ngân sách của Quốc hội, các đối tác phát triển, chính quyền địa phương và giới học thuật.

Các đối tác phát triển

Các đối tác phát triển đã góp phần tài trợ cho PPFR ASA gồm có Bộ phát triển quốc tế Anh (DFID) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT).

Trong thời gian tới

Nhiều khuyến nghị từ các hoạt động PPFR đã được thể chế hóa trong Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, và có thể trong Nghị định sắp ban hành về cho vay lại của Chính phủ. Các quy định hướng dẫn chi tiết đang được dự thảo để đưa những văn bản pháp luật này đi vào hoạt động.

Các phân tích thực nghiệm đã giúp cung cấp thông tin cho các chính sách của chính phủ và chính phủ cũng mong muốn sử dụng nhiều hơn kết quả nghiên cứu làm bằng chứng để ra quyết định trong thời gian tới. Những nghiên cứu này cũng cung cấp thông tin cho hỗ trợ kỹ thuật, đối thoại chính sách, hoạt động tài trợ dự án cụ thể và chương trình cho vay chính sách phát triển trong tương lai của các đối tác phát triển với các cơ quan hành pháp và lập pháp ở cả cấp trung ương và địa phương.
Chính phủ dường như đã sẵn sàng để thực hiện một số khuyến nghị của Đánh giá chi tiêu công (PER) thông qua các biện pháp hợp nhất tài khoá, chính sách tài chính công và cải cách thể chế.

Quá trình tham gia và làm việc chung chặt chẽ với đối tác đã giúp các cán bộ và lãnh đạo của Chính phủ cũng như Quốc hội được tiếp cận nhiều hơn đến kiến thức và kinh nghiệm quốc tế, và tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện chính sách của chính phủ.

Đối tượng hưởng lợi  

Người hưởng lợi cuối cùng của Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi là những người dân Việt Nam nhờ tiếp cận đến các dịch vụ được cung cấp tốt hơn và thành tựu trong hoạt động xóa đói giảm nghèo, vốn là kết quả của việc quản lý ngân sách hiệu quả hơn.

 

Nguồn http://www.worldbank.org/