Cải thiện cơ sở hạ tầng cho 7,5 triệu người dân đô thị ở Việt Nam

Dự án Nâng cấp Đô thị Việt Nam để cải tạo hơn 200 khu thu nhập thấp và các hạ tầng chính yếu liên quan, mang lại lợi ích cho 7,5 triệu người dân đô thị.

TP. Hồ Chí Minh, 19 /12/2014 – Bà Bùi Thị Mai có một tiệm tạp hóa đông khách nằm trong Hẻm 76 trên đường Tôn Thất Thuyết, TP. Hồ Chí Minh. Bà vẫn nhớ chỉ cách đây bốn năm, con hẻm chật chội, bẩn thỉu và thiếu an toàn này đã khiến bà không thể mở rộng buôn bán.

“Hồi đó, con hẻm này nhỏ lắm, chỉ có một chiếc xe gắn máy đi vào được thôi.” Bà Mai chia sẻ. “Mỗi khi trời mưa là đường ngập, rác rưởi trôi đầy, muỗi cũng sinh sôi nảy nở, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân. Đèn đường thì tối nên bọn tội phạm có chỗ núp.”

Mặc dù công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp nhưng tình trạng nghèo ở đô thị vẫn tăng lên đáng kể từ đầu những năm 2000, đặc biệt trong nhóm di dân không có hộ khẩu và thường là nhóm nghèo nhất tại đô thị. Các khu thu nhập thấp phải đối mặt với các vấn đề như ngập lụt thường xuyên và điều kiện vệ sinh kém. Các hộ gia đình không được đấu nối nước sạch và hệ thống thoát nước. Những vấn đề này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và môi trường sống của người nghèo đô thị.

Được triển khai từ năm 2004 đến năm 2014, Dự án Nâng cấp Đô thị Việt Nam đã giải quyết những thách thức này ở bốn thành phố Hải Phòng, Nam Định, Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Trong khuôn khổ dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ này, hơn 200 khu thu nhập thấp đã được nâng cấp, mang lại lợi ích trực tiếp cho 2,5 triệu người nghèo đô thị.

Các gia đình trong vùng dự án giờ đã có nước sạch và hệ thống thoát nước, có điện và các dịch vụ vệ sinh. Những con ngõ, con hẻm trước kia chật hẻm, bẩn thỉu, lầy lội giờ đã rộng rãi, sạch sẽ và an toàn hơn với mặt đường được nâng cấp. Xe cứu hỏa, cứu thương có thể vào tận nhà. Trẻ em có chỗ vui chơi và người dân có thể mở rộng buôn bán, kinh doanh.

“Buôn bán bây giờ rất là dễ dàng vì đường sạch đẹp, xe chở hàng vô tới tận nơi.” Bà Mai chia sẻ.

Dự án còn cải tạo, nâng cấp nhiều con đường, kênh, hồ, cầu, cống, mang lại lợi ích cho thêm 5 triệu người. Khoảng 500 km hệ thống thoát nước và 580 km đường đã được nâng cấp để tăng cường khả năng tiếp cận, giảm tình trạng ngập lụt và cải thiện điều kiện môi trường ở các cộng đồng nghèo. Gần 30 km kênh, rạch và 7,5 héc-ta hồ đã được nạo vét và kết nối với hệ thống thoát nước. Hơn 800 mét cầu và 240 km đường xung quanh các khu vực cầu đã xây dựng hoặc nâng cấp giúp giảm ngập lụt, cải thiện tình hình giao thông và cảnh quan đô thị. Dự án cũng đã nâng cấp nhà trẻ, trường học, bệnh viện và nhà văn hóa ở các khu thu nhập thấp.

Rạch Bần ở Cần Thơ sau khi được cải tạo đã biến từ một dòng kênh ô nhiễm trở thành dòng nước xanh, sạch.

Open Quotes

Buôn bán bây giờ rất là dễ dàng vì đường sạch đẹp, xe chở hàng vô tới tận nơi. Close Quotes

Bà Bùi Thị Mai 
Người dân Quận 4, TP. Hồ Chí Minh

Một em bé vui chơi ở hẻm 128 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Con hẻm đã được nâng cấp, mở rộng, sạch sẽ và thoáng mát hơn.

Mục tiêu kép

Dự án không chỉ đầu tư vào hạ tầng mà còn cung cấp 95.000 khoản vay nhỏ để sửa chữa nhà cửa và phát triển kinh tế cho những gia đình thuộc nhóm 40% thu nhập thấp nhất trong xã hội tại bốn thành phố của dự án

“Tôi cũng có vay vốn ở khu phố 5 triệu, nhờ đó mà tôi mở quán buôn bán nhỏ cũng kiếm được thu nhập để mà lo cho gia đình, lo cho con cái trong nhà. Đời sống gia đình cũng tốt hơn.” Chị Võ Thanh Khương, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

“Được tiếp cận với tín dụng giúp người nghèo có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cơ sở hạ tầng được nâng cấp.” Bà Keiko Sato, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh. “Cách tiếp cận này rất phù hợp với mục tiêu kép của Ngân hang Thế giới là xóa nghèo cùng cực vào năm 2030 và thúc đẩy thịnh vượng chung thông qua nâng cao điều kiện sống cho nhóm 40% thu nhập thấp nhất ở tất cả các quốc gia.”

Sự tham gia của cộng đồng

Cộng đồng địa phương đã tích cực tham gia vào thiết kế và triển khai dự án. Người dân thường xuyên tham gia các cuộc họp, giám sát các hoạt động của dự án. Họ cũng đóng góp thời gian, tâm sức và thậm chí còn tự nguyện hiến đất để mở rộng các con ngõ, con hẻm qua nhà mình.

“Tôi cùng với người dân trong khu thường xuyên kiểm tra, giám sát thi công dự án để đảm bảo dự án thực hiện tốt và đúng hạn.” Ông Nguyễn Thanh Tú, thành viên ban giám sát cộng đồng, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Với 382 triệu đô la Mỹ hồ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới và 140 triệu đô la Mỹ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, dự án đã biến 200 khu thu nhập thấp thành các cộng đồng năng động và tươi đẹp, làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người nghèo đô thị.

“Thu nhập của gia đình tôi đã tăng lên gấp đôi từ năm 2010.” Bà Mai chia sẻ. “Cả nhà đều rất vui và chúng tôi sẽ cố gắng duy trì môi trường sống xanh và sạch này vì lợi ích của chính mình.

http://www.worldbank.org/