Chiến tranh giải phóng dân tộc và những chiến sĩ nằm trong lòng địch: 7 anh hùng tình báo quân đội nhân dân Việt Nam

Cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta đã kết thúc. Những chiến sĩ cách mạng đã trở lại với cuộc sống đời thường nhưng những chiến công của họ vẫn mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc.

Trong cuộc chiến ấy, những chiến sĩ ngoài mặt trận với những chiến hào và đồng đội… không thể nào quên những con người sống lẩn khuất đâu đó trong lòng địch đã góp phần đáng kể vào chiến thắng vẻ vang đó. Họ là những người từ nhân dân đi vào cuộc chiến. Không một trường lớp nào đào tạo nhưng bao kẻ thù phải nghiêng mình kính phục. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là những anh hùng tình báo Việt Nam.

Để góp phần ghi lại những tấm gương sáng ngời ấy cho các thế hệ sau học tập đồng thời để vinh danh những chiến sĩ ấy, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc quyển sách "7 anh hùng tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam: Chiến tranh giải phóng dân tộc và những chiến sĩ nằm trong lòng địch". Sách do Nhà xuất bản Thời đại ấn hành, dày 434 trang, tái hiện lại những cuộc đấu trí quyết liệt của 7 anh hùng tình báo xuất sắc nhất của Việt Nam với kẻ thù.

Anh hùng tình báo đầu tiên được đề cập đến đó là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) với biệt tài bắn súng hai tay như một và nổi tiếng là người tài hoa, mưu lược, gan dạ, dũng cảm… đã lãnh đạo thành công mạng lưới tình báo H.63 làm nên những chiến công lừng lẫy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975.

Đó là Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, một nhà tình báo huyền thoại đã có công rất lớn trong hầu hết các trận thắng vẻ vang của quân đội ta. Trong suốt thời gian hoạt động tại Sài Gòn đến những năm giải phóng 1975, Phạm Xuân Ẩn bằng những mối quan hệ rộng lớn của một nhà báo, cùng khả năng khai thác và phân tích thông tin của mình, đã bí mật gửi cho Trung ương những tin tức tình báo quý giá, góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử của dân tộc ta như: trận Ấp Bắc 1963, trận Khe Sanh 1968, trận Đường 9 Nam Lào 1971…; đồng thời, đập tan Kế hoạch chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Hay đó là Thiếu tướng Đặng Trần Đức (hay còn gọi là Ba Quốc) – một trong bốn con át chủ bài của mạng lưới tình báo A.36. Suốt thời gian hoạt động tình báo trong hàng ngũ của địch, ông Ba Quốc đã tỏ rõ khí tiết, bản lĩnh kiên cường, tinh thần chủ động tiến công địch ở mọi tình huống, mưu lược, sáng tạo, một cuộc đấu trí tuyệt vời của người chiến sĩ tình báo làm nên những điệp vụ phi thường, trong đó có việc cứu ông hoàng Norodom Shihanouk và cứu ông Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng)...

Góp mặt trong cuốn sách này, còn có "ông cố vấn" Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thương; nữ tình báo viên xinh đẹp Nguyễn Thị Yến Thảo và nữ tình báo Nguyễn Thị Nhung.

Tất cả họ - những đóa hoa sen "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" – thật sự xứng đáng được tôn vinh là những anh hùng tình báo huyền thoại với những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nguồn http://www.thuvientinh.vinhlong.gov.vn/

Ký hiệu xếp giá: 959.7/ LIE

Vị trí kho:  Sách chuyên khảo tầng 2 - Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên.