Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)

"Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)" - Cuốn sách ghi lại những hồi ức sống động của những chuyên gia Liên Xô - LB Nga về trận "Điện Biên Phủ trên không" của Việt Nam.

Những hình ảnh về một dân tộc anh hùng, về một cuộc đấu tranh không cân sức nhưng hết sức ngoan cường của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong trận “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 đã được những chuyên gia Liên Xô - LB Nga ghi lại trong cuốn sách nhan đề “Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)”, xuất bản vào năm 2005. 
 
Lời đề tựa của Nhà xuất bản khi cho ra mắt cuốn sách thật giản dị: “Để tưởng nhớ các chuyên gia quân sự Xô-viết – các cựu chiến binh tại Việt Nam”, nhưng ý nghĩa của cuốn sách cũng rất lớn khi nó còn được khẳng định “có thể làm sách giáo khoa về chiến tranh yêu nước cho sinh viên”. 
 
Nói về cuốn sách lịch sử này, Thượng tướng, giáo sư tiến sỹ khoa học quân sự A-na-tô-li Khiu-pê-nhen cho biết: “Chúng tôi quyết định ra cuốn sách này để ghi lại những hồi ức của những người từng có mặt tại Việt Nam, tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không phải là nhà văn, nhà báo mà là những chiến sỹ, sỹ quan trong quân đội và chúng tôi ghi lại những gì đã chứng kiến bằng ngôn ngữ thân quen của mình, ghi lại những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi viết nên sự thật chứ không một chút hư cấu nào. Điều rất đáng quý là với sự giúp đỡ của Học viện Kinh tế và Pháp luật Mat-xcơ-va do ông Bu-a-nôv là Giám đốc, cuốn sách đã được ấn hành góp phần củng cố quan hệ hữu nghị Nga – Việt”.
 
Trong cuốn sách này, Thượng tướng Khiu-pê-nhen giữ vai trò cố vấn các vấn đề quân sự trong Hội đồng biên tập, đồng thời trực tiếp tham gia bằng một bài viết nhan đề “Giai đoạn kết thúc của cuộc chiến tranh trên không”. Là người có mặt ở Việt Nam vào đúng những ngày diễn ra trận “Điện Biên phủ trên không” 12 ngày đêm, trong bài viết của mình, Thượng tướng Khiu-pê-nhen đã ghi lại thật chi tiết, thật tỉ mỉ những trận đánh, những chiến công mà lực lượng phòng không – không quân Việt Nam lập nên trên bầu trời Thủ đô với sự hỗ trợ về kỹ thuật quân sự của các chuyên gia Liên Xô.
 
Cuốn sách tập hợp 29 bài viết mà mỗi bài viết, từ những góc nhìn của mỗi sỹ quan, mỗi chuyên gia là một hồi ức, một trải nghiệm rất sâu sắc, rất sống động và cũng rất bổ ích. Lời mở đầu của cuốn sách giới thiệu sơ lược cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, trong đó nhấn mạnh bối cảnh và tình thế của cuộc chiến đấu chống trả cuộc tấn công bằng đường không của Mỹ. Những bài viết với những tựa đề khác nhau đã thể hiện được rất rõ những khía cạnh đáng nhớ của cuộc chiến đầy gian khổ, khốc liệt nhưng cũng rất oai hùng. Đó là bài viết “Những hồi ức về cuộc chiến tranh Việt Nam” của Thiếu tướng Bê-lôv; “Khẩu đội chiến đấu của chúng tôi” của Thiếu tướng Ca-na-ev; “Cuộc chiến tranh Việt Nam qua sự đánh giá của người đã tham gia” của Đại tá Cônacôv; “Những năm tháng không thể nào quên” của nữ quân nhân Rô-xlia-cô-va v.v…
 
Bài viết của Thiếu tướng Đem-sen-kô nhan đề “Đã có bao điều trải qua ở Việt Nam…” thể hiện rất sinh động những tình huống, những sự việc xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 3/1965 đến tháng 2/1966, khi ông cùng một số chuyên gia quân sự được cử sang Việt Nam trong nhóm đầu tiên. Đó là những buổi huấn luyện trước khi lên đường sang Việt Nam, đó là những buổi gặp gỡ đầu tiên, những cuộc trao đổi kinh nghiệm và huấn luyện sử dụng khí tài cho các chiến sỹ, sỹ quan quân đội Việt Nam… Rồi cả những câu chuyện khi giao lưu văn nghệ với đoàn văn công Phòng không – không quân Việt Nam và người dân địa phương nơi đơn vị ông đóng quân v.v…

Tất cả như mới xảy ra ngày hôm qua, đọng lại sâu sắc trong tâm trí viên sỹ quan chỉ huy khẩu đội bệ phóng, tiểu đoàn hỏa lực số 82 thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không số 238 của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cũng như thế, bài viết “300 ngày trên đất nước Việt Nam anh hùng” của đại tá Sô-zra-nôv là một câu chuyện về công tác huấn luyện các khẩu đội chiến đấu cho Việt Nam. Và ông đã đưa ra những nhận xét rất khách quan về năng lực, tinh thần làm việc của các đồng nghiệp Việt Nam. Bài viết của ông có đoạn: “Tôi muốn đặc biệt nhận xét rằng, các sỹ quan và hạ sỹ quan Việt Nam rất chăm chỉ, được đào tạo không tồi trong việc sử dụng thực tế các bộ khí tài tên lửa phòng không. Họ thành thạo trong việc thao tác các công việc được quy định… Trong đội ngũ các sỹ quan Việt Nam có nhiều chuyên gia giỏi và thành thạo. Đa số họ đã học tại các trường quân sự ở Liên Xô”. Và kết thúc bài viết của mình, ông Sô-zra-nôv đã viết: “Tôi còn lưu giữ những hồi ức tốt đẹp về Việt Nam, về tất cả những người công dân nước chúng ta đã có mặt trong những ngày gian khổ ấy bên cạnh dân tộc anh hùng ấy. Tôi hy vọng rằng quan hệ hữu nghị truyền thống ấy sẽ được gìn giữ”. Sau nhiệm kỳ công tác 300 ngày ở Việt Nam giữa thời kỳ khói lửa, Đại tá Sô-zra-nôv trở về Nga và tiếp tục binh nghiệp của mình. Ông cũng tham gia giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự Nga và trong những bài giảng của mình, hẳn ông có nhiều dịp để kể cho các thế hệ học sinh về những gì ông từng chứng kiến trong cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam.

 
Có mặt tại Việt Nam năm 1970 đến năm 1971 với nhiệm vụ phó trưởng đoàn chuyên gia phòng không phụ trách chính trị trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, trong bài viết nhan đề “Thử lửa”, Thiếu tướng A-na-tô-li Pô-zơ-đê-ev đã ghi lại những ấn tượng sâu sắc về những buổi sinh hoạt chính trị để xây dựng và củng cố tinh thần sẵn sàng chiến đấu và quyết thắng trong toàn lực lượng phòng không không quân cả phía Việt Nam lẫn phía các chuyên gia quân sự Liên Xô. Ông cũng là ủy viên trong Hội đồng biên tập cuốn sách. Nói về những người quan tâm và đón đọc cuốn sách này, Thiếu tướng Pô-zơ-đê-ev cho biết: “Điều rất thú vị là cuốn sách được cả các cựu chiến binh, cả giới trẻ đều đọc. Giới trẻ muốn biết là các thế hệ đi trước đã làm gì vào thời điểm những năm 70- 80 của thế kỷ trước. Cuốn sách ra đời đáp ứng nhu cầu rất lớn của bạn đọc nhưng rất tiếc là vì lý do tài chính số lượng xuất bản không được nhiều. Có thể nó sẽ được tái bản lần tiếp theo.” 
 
Vào năm 2007, được sự đồng ý của các tác giả, cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt và năm 2008 thì ra mắt bạn đọc Việt Nam với ấn phẩm của Nhà xuất bản Chính Trị Quốc gia. Đây cũng là một cách thiết thực tỏ lòng tri ân đất nước và nhân dân Liên Xô, nhân dân Nga đã gửi những người con thân yêu của mình sang giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn từ 1965 đến 1973, giai đoạn có trận “Điện Biên Phủ trên không” oai hùng cách đây tròn 40 năm./. 
 
(Điệp Anh, VOV Mat-xcơ-va, 12/2012)
 
Trang bìa cuốn sách với bản tiếng Nga(xuất bản năm 2005) và bản tiếng Việt(xuất bản năm 2007)
 
 
Thiếu tướng Khiu-pe-nen và cuốn sách "Chiến tranh VIệt Nam"
 
 
Thiếu tướng Pozdeev kể với phóng viên về bài viết và những tấm ảnh lưu niệm của mình in trong cuốn sách
 
 
Những tấm ảnh in trong cuốn sách ghi lại chiến công bắn hạ máy bay Mỹ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm trận địa sau một trận đánh
 
 
Các chuyên gia QS Liên Xô chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng
 
 
Các chuyên gia quân sự Liên Xô chụp ảnh với các tướng lĩnh và sỹ quan Viện Nam
 
 
Thiếu tướng Khiu-pe-nen với phi công Phạm Tuân chụp ảnh lưu niệm tại sân bay Nội Bay tháng 12-1972 ngay sau khi phi công Phạm Tuân bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội
 
 
Bức ảnh kỷ niệm những ngày tháng Thiếu tướng Pozdeev(bên trái) có mặt ở VIệt Nam 
 
 
Những trang ảnh lưu niệm cưa các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô và Nga trong cuốn sách
 
 
Nguồn vov