Chờ được công bố quốc tế, không thể sốt ruột

Từ khi gửi bài tới lúc được công bố trên các tạp chí khoa học “tử tế” thường đòi hỏi các nhà nghiên cứu một chặng đường dài nhọc nhằn, một bài viết trên Tạp chí Nature cho biết.

Sau 18 tháng nghiên cứu hàng nghìn loài động vật hóa thạch từ 36 triệu năm trước trên khắp Bắc Mỹ, Danielle Fraser rút ra một kết luận lý thú: các quần thể động vật phân bố rộng nhất trên các vĩ độ ở những vùng có khí hậu ấm và ẩm ướt. Phát hiện này có thể giúp dự đoán về phản ứng của các loài động vật có vú trước hiện tượng biến đổi khí hậu, và đây cũng đồng thời là một công trình quan trọng giúp Fraser giành học vị tiến sĩ tại trường Đại học Carleton, Ottawa, Canada. Và thế là, được sự khích lệ của giáo sư hướng dẫn, cô viết bài gửi tạp chí Science vào tháng 10/2012.

10 ngày sau, cô nhận được một lá thư từ chối soạn sẵn theo mẫu. Cô tiếp tục liên hệ với Proceedings of the National Academy of Sciences, rồi đến Ecology Letters. Tất cả đều từ chối mà không hề cho cô biết lý do.

Tháng 5/2013, Fraser thử vận may với Proceedings of the Royal Society B, một tạp chí được coi là khá có ảnh hưởng trong ngành, và cô thở phào khi họ đồng ý gửi bài báo đi bình duyệt. Nhưng sau này cô mới biết đó chỉ là khởi đầu cho chặng đường gian nan tiếp theo. Sau hai tháng gửi đi bình duyệt và nhận về những kết quả không thống nhất, bài báo của cô bị từ chối. Fraser tiếp tục gửi bài đi và bị từ chối thêm hai lần nữa, bài báo phải sửa toàn diện thêm hai lần, thay đổi qua vô số phiên bản khác nhau, khiến cô mệt mỏi tới mức không muốn nhìn lại nó nữa.

Tháng 10/ 2013, Fraser thử sức với PLoS ONE, một tạp chí có hệ số ảnh hưởng thấp (3) nhưng xuất bản nhanh có tiếng. PLoS ONE gửi bài viết của cô cho một người bình duyệt. Hai tháng sau, Fraser nhận được thông báo từ chối nhưng nếu cô hiệu chỉnh theo gợi ý của họ thì họ có thể bình duyệt lại. Cô sửa sang, bổ sung thêm một chút rồi gửi lại để họ chuyển cho một người bình duyệt khác. Hai tháng nữa trôi qua, cô nhận về một tin: hãy tiếp tục “đại tu” thêm nữa. Fraser kiên nhẫn đáp ứng những yêu cầu của người bình duyệt, và tới tháng 6/2014, cô gửi lại bài viết cho PLoS ONE lần thứ ba. Thành công!

Vậy là, sau 23 tháng kể từ lần đầu tiên cô liên hệ với Science, công trình của cô mới được công bố. Quá trình bình duyệt tới 200 lần và vô số các hiệu chỉnh quả là giúp cải thiện bài viết hơn. Nhưng kết luận chính của nghiên cứu có gì thay đổi không? – “Không hề”, Fraser nói.

Trường hợp của Fraser không phải là cá biệt. Các nhà nghiên cứu ngày càng mệt mỏi vì sự tốn thời gian của quy trình xuất bản công trình nghiên cứu. Đối với nhiều người, đó là một vòng luẩn quẩn kéo dài hàng tháng trời, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc và những đề xuất xin tài trợ hay xin việc của họ, đồng thời làm chậm lại thời gian công bố kết quả. Sau khi tốn 317 ngày theo đuổi với vô vàn lần bị từ chối để rồi cuối cùng xuất bản được công trình của mình, Stephen Royle, một nhà sinh học tế bào tại trường Đại học Warwick, Anh, đã lật lại quá khứ để tìm hiểu về 28 công trình mà phòng thí nghiệm của anh đã công bố trong 12 năm qua. Kết quả cho thấy, thời gian tính từ khi các công trình được gửi đi lần đầu cho tới ngày đăng tải kéo dài ngang ngửa với thời gian thai nghén của một sản phụ – khoảng chín tháng.

Theo một số dữ liệu, thời gian chờ đợi gia tăng trong một số nhóm đặc thù như nhóm các tạp chí nguồn mở hoặc các đề tài được tìm kiếm nhiều. Quy trình xuất bản và thời gian chờ đợi cũng có sự chênh lệch đáng kể theo từng lĩnh vực, trong đó các ngành khoa học xã hội nổi tiếng là chậm chạp. Trong ngành vật lý, áp lực xuất bản được giảm tải nhờ vào việc đăng tải bản in trước – tức những phiên bản ban đầu của một công trình trước khi gửi bình duyệt – trên server arXiv. Các ngành sinh học nhận được nhiều lời than phiền nhất vì những trì hoãn trong quy trình xuất bản, bởi ngành này mang tính cạnh tranh cao và có bài đăng trên các tạp chí uy tín là yêu cầu bắt buộc để các nhà khoa học phát triển sự nghiệp.
Vậy do đâu mà có những sự trì hoãn?

Vì hoa nên bướm lượn vòng

Khi có công trình muốn xuất bản, giới khoa học lâu nay vẫn đi theo con đường sau: trước tiên là liên hệ với các tạp chí uy tín hàng đầu trong ngành (thường là những tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao), sau đó là tìm đến những tạp chí hạng sau. Giới khoa học và các ủy ban phê duyệt tài trợ/ tuyển dụng vẫn thường coi hệ số ảnh hưởng hay uy tín của tạp chí làm thước đo chất lượng công trình được đăng tải. Nhưng theo ý kiến của giới phê bình, biên tập viên các tạp chí lại chỉ chú ý đến những công trình hấp dẫn, có khả năng thu hút sự chú ý để qua đó làm tăng hệ số ảnh hưởng của tạp chí mình, và điều này khiến các nhà nghiên cứu phải đi lòng vòng liên hệ với nhiều tạp chí hơn, gia tăng tỉ lệ từ chối và khiến thời gian chờ đợi kéo dài hơn.

Trong số 28 công trình mà Royle tìm hiểu, hơn nửa đều từng được gửi đi “lòng vòng”, và thời gian “lòng vòng” này chiếm từ vài ngày cho tới hơn tám tháng. Anh phân tích tất cả các công trình công bố năm 2013 được lưu tại PubMed để tìm hiểu xem liệu có mối tương quan nào giữa hệ số ảnh hưởng của các tạp chí với thời gian xuất bản nghiên cứu hay không. Kết quả anh thu về là một hình chuông ngược – những tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao và thấp nhất có thời gian bình duyệt dài hơn so với những tạp chí xếp hạng giữa. Đối với phần lớn các tạp chí tầm trung, thời gian bình duyệt trung bình là khoảng 100 ngày. Những tạp chí có hệ số ảnh hưởng rất cao (30–50) có thời gian bình duyệt trung bình là 150 ngày. Như vậy, kết quả này hậu thuẫn cho quan điểm rằng việc gửi bài cho các tạp chí hàng đầu có thể dẫn tới những trì hoãn đáng kể trong việc xuất bản công trình.

Nhà bình duyệt ngày càng khó tính

Phân tích về các tạp chí trực thuộc hệ thống PLOS (Thư viện Khoa học Công cộng) cho thấy, thời gian chờ đợi trung bình ở các tạp chí này đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, từ 50-130 ngày lên đến 150-250 ngày. Còn khi Royle tìm hiểu tám tạp chí xuất bản các công trình nghiên cứu về sinh học tế bào trong thập kỷ qua, anh nhận thấy thời gian công bố ở bảy tạp chí trong số đó cũng bị kéo dài hơn, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian bình duyệt bị kéo dài.

Trong một phân tích thực hiện năm 2015 nhằm xếp hạng thời gian bình duyệt trung bình cho tổng số 3.482 tạp chí có công trình đăng tải từ tháng 1/2014 tới tháng 6/2015 theo cơ sở dữ liệu của PubMed, kết quả cho thấy: PeerJ có thời gian bình duyệt tương đối nhanh: 74 ngày sau khi công trình được gửi đến. eLife cần 108 ngày, PLoS ONE 117 ngày, Cell 127 ngày, Nature 173 ngày, PLoS Medicine 177 ngày; Developmental Cell nằm trong số những tạp chí uy tín trong ngành y sinh học có thời gian bình duyệt lâu nhất với 194 ngày. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng khó có thể thực hiện so sánh trực tiếp như vậy bởi các tạp chí có những định nghĩa khác nhau về ngày nhận, ngày hiệu chỉnh và ngày chấp nhận công trình, và có những tạp chí đặt ưu tiên cao cho việc bình duyệt đúng thời hạn.

Một nguyên nhân được đưa ra ở đây là các nhà bình duyệt ngày nay đòi hỏi nhiều hơn. Ron Vale, một nhà sinh học tế bào tại trường Đại học California, San Francisco, đã đối chiếu các công trình sinh học được xuất bản trên các tạp chí Cell, Nature và Journal of Cell Biology trong sáu tháng đầu năm 1984 với thời điểm sáu tháng đầu năm 2014. Kết quả cho thấy, số lượng người thực hiện cũng như số lượng các bảng dữ liệu thí nghiệm đều tăng từ 2-4 lần. Theo anh, hiện tượng này cho thấy yêu cầu về số lượng dữ liệu đặt ra cho mỗi công trình muốn xuất bản ngày một tăng – theo đó đòi hỏi số lượng người tham gia thu thập, xử lý dữ liệu cũng tăng theo – và anh đoán rằng phần lớn những dữ liệu thêm này đều xuất phát từ yêu cầu của người bình duyệt. Dường như những người bình duyệt ngày nay lúc nào cũng muốn có thêm nhiều thí nghiệm hơn nữa để đi tới một kết luận thuyết phục. “Nhưng những sự hiệu chỉnh đó rất hiếm khi mang lại điểm thay đổi cơ bản nào trong các nghiên cứu – ngay cả tựa đề của bài viết cũng không hề thay đổi,” Royle nói. Theo tìm hiểu của anh đối với 28 công trình mà phòng thí nghiệm của anh đã công bố, trong thời gian chín tháng chờ đợi, phải mất tới bốn tháng cho công việc hiệu chỉnh các công trình này.

Nhiều nhà khoa học cũng quy trách nhiệm cho biên tập viên các tạp chí bởi họ dùng dằng, không đưa ra những hướng dẫn và quyết định rõ ràng khi tiếp nhận những ý kiến bình duyệt mâu thuẫn nhau, từ đó kéo dài không cần thiết quá trình bình duyệt và hiệu chỉnh. Về phía mình, các biên tập viên cho rằng bản thân khoa học đang ngày một dồi dào dữ liệu hơn, rằng họ nỗ lực để duy trì những tiêu chuẩn cao trong biên tập và bình duyệt, và rằng họ cũng đang phải chật vật với số lượng các bài viết đổ về ngày một nhiều hơn. Theo ước tính, số lượng các công trình trong PubMed đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2000 tới 2015, đạt tới xấp xỉ ngưỡng một triệu công trình. Còn tại PLOS, số lượng các công trình gửi tới họ đã tăng từ 200 năm 2006 tới 30.000 mỗi năm như hiện nay – và điều đó đòi hỏi họ phải có thời gian tìm kiếm và phân bổ công việc cho các biên tập viên và người bình duyệt. (Năm 2015 PLOS làm việc với 76.000 người bình duyệt). Các biên tập viên cũng nhận thấy ngày càng khó tìm người bình duyệt hơn so với trước đây, “có lẽ là do ngày càng có thêm nhiều công trình cần bình duyệt”, một người chia sẻ.

Một nguyên nhân khác, theo ý kiến lãnh đạo các tạp chí, là số lượng những điểm cần kiểm tra kỹ lưỡng – chẳng hạn như những nghiên cứu mang tính xung đột lợi ích, những báo cáo về quyền lợi động vật, và những biện pháp ngăn chặn nạn đạo văn – đã gia tăng trong thập kỷ qua.

Những nỗ lực thay đổi

Theo các biên tập viên, những tiến bộ công nghệ ngày nay khiến cho hoạt động nghiên cứu ngày càng phải liên quan đến nhiều dữ liệu hơn, và cộng đồng nghiên cứu cần phải nhận thức được điều này. Tuy vậy, những tiến bộ công nghệ cũng đang giúp giảm bớt thời gian ở các khâu trong quá trình xuất bản. Chẳng hạn, nhờ xuất bản điện tử, thời gian xuất bản nghiên cứu đã giảm đi một nửa kể từ đầu những năm 2000 và hiện nay đang giữ ở mức khá ổn định là khoảng 25 ngày.

Một số tạp chí và nền tảng xuất bản online mới xuất hiện cũng đã đưa ra những cam kết về việc thúc đẩy quá trình xuất bản nhanh hơn nữa. PeerJ, một tổ hợp tạp chí thành lập từ năm 2013, là một trong số những tổ chức hiện đang khuyến khích hình thức bình duyệt mở, trong đó tên tuổi và các nhận xét của người bình duyệt được đăng tải ngay bên cạnh các công trình nghiên cứu. Họ làm thế với hy vọng rằng sự minh bạch sẽ giúp ngăn chặn những trì hoãn không cần thiết hoặc những yêu cầu hiệu chỉnh rắc rối từ các nhà bình duyệt.

Tạp chí khoa học đời sống và y sinh học eLife ra mắt năm 2012 đưa ra cam kết sẽ gói gọn thời gian ra quyết định ban đầu của biên tập viên trong vài ngày và thực hiện bình duyệt nhanh chóng. Các nhà bình duyệt sẽ không được yêu cầu nhà khoa học phải thực hiện những “thí nghiệm hoàn hảo”, và họ chỉ có thể yêu cầu phân tích bổ sung nếu như việc đó có thể hoàn thành trong thời hạn hai tháng. Trong trường hợp khác, công trình được gửi đến sẽ bị từ chối. Theo Randy Schekman, Tổng biên tập tờ eLife, những chính sách trên sẽ giúp cho khoảng trên hai phần ba các công trình được tạp chí này chấp thuận chỉ phải trải qua một đợt bình duyệt.

Ngoài ra, các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau cũng có thể áp dụng hình thức xuất bản bản in trước để đẩy nhanh thời gian công bố nghiên cứu của mình. Một bản in trước khi được gửi đến bioRxiv – một server do Phòng thí nghiệm Cold Spring vận hành tại New York – sẽ được đăng tải trên mạng trong vòng 24 giờ sau đó đồng thời được cấp một mã số DOI; những lần hiệu chỉnh về sau đều được ghi rõ thời gian và bất kỳ ai cũng có thể đọc và nhận xét trên công trình đó. “Khi một nghiên cứu được đăng tải trên một miền công cộng, nó sẽ nhận được một lợi ích cụ thể là nó sẽ nhận được sức mạnh từ tập thể, nhiều người cùng bình luận về chủ đề mà nó nêu ra,” Vale nói. Hơn nữa, theo quan điểm của những người ủng hộ phương pháp này, việc xuất bản bản in trước có thể dễ dàng được bổ sung vào quy trình công bố nghiên cứu truyền thống. F1000Research, nền tảng xuất bản công trình nghiên cứu trực tuyến ra mắt năm 2012, cũng áp dụng phương thức này bằng cách trước tiên đăng tải các công trình rồi mời gọi các nhà khoa học tham gia bình duyệt và hiệu chỉnh công khai.

Một số nhà khoa học còn sử dụng những nền tảng xuất bản trực tuyến như GitHub, Zenodo và Figshare để đăng tải từng luận điểm, từng dữ liệu mà họ vừa thực hiện được. Mỗi tệp thông tin đều có một mã số DOI riêng nên dễ trích dẫn và theo dõi.

Nhưng những bản in trước và việc xuất bản online trực tiếp không phải là thuốc trị bách bệnh. Nhiều nhà khoa học “sợ” các bản in thử, bởi họ sợ rằng ý tưởng của mình sẽ bị người khác “nẫng tay trên” hoặc họ không giữ được quyền sở hữu trí tuệ đối với các ý tưởng của mình. Hơn nữa, tuy đã đăng tải các bản in thử nhưng các nhà khoa học có thể vẫn phải trải qua quá trình bình duyệt đầy gian nan, và họ vẫn phải theo đuổi những tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao để làm đẹp cho CV của mình. Fraser cho rằng cộng đồng khoa học vẫn phải dựa vào những tạp chí truyền thống, lấy đó làm “bộ lọc uy tín” để sao cho những công trình quan trọng có thể thu hút được sự chú ý của đúng đối tượng độc giả. Dẫu vậy, cô vẫn không muốn đi lại con đường trên nữa. Vì thế giờ đây cô sẽ gửi các công trình mới của mình cho các tạp chí tầm trung, bởi họ thường có thời gian công bố nhanh hơn. “Nếu mục tiêu cuối cùng của tôi là được một viện nghiên cứu tuyển dụng, tôi sẽ không thể chờ tới hai năm để xuất bản một công trình,” cô nói.

--

Tác giả: Kendall Powell

Thu Trang lược dịch

Nguồn tiếng Anh: 
Does it take too long to publish research  
http://www.nature.com/news/does-it-take-too-long-to-publish-research-1.19320

Nguồn tiếng Việt: tiasang.com.vn