Cơ hội và thách thức của giáo dục đại học trong xu thế toàn cầu hóa

Về chất lượng đào tạo, ở đây xin được đồng nhất khái niệm này với khối lượng kiến thức và các kỹ năng mà người học thu nhận được sau khi tốt nghiệp đại học. Dưới góc độ này, dư luận đang bức xúc về chất lượng đào tạo đại học của ta. Nguyên nhân có phải tại nhà trường không? Không hoàn toàn như vậy, vì ngoài vấn đề về nội dung và chương trình đào tạo còn có vấn đề việc làm sau tốt nghiệp.

Trong một xã hội chủ yếu là nền sản xuất đơn giản và dịch vụ, số đông sinh viên thường chỉ học để mà học thôi, không có định hướng nghề nghiệp, không thấy có cơ hội việc làm, hay nói rộng ra là không thấy rõ nhu cầu xã hội về ngành mình được đào tạo, cho nên không thể tâm niệm được điều "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" mà chỉ học cầm chừng, học để đối phó, phải dành thời gian tự chuẩn bị cho khả năng thích ứng các lao động đơn giản, "đa ngành, đa nghề" về sau.

Ảnh minh họa

Để cùng với ngành giáo dục và đào tạo giải quyết vấn đề chất lượng đào tạo, đề xuất của chúng tôi là: Nhà nước cần tạo thêm nhiều cơ sở sản xuất và dịch vụ cần lao động trình độ cao... Khi biết có nhu cầu nhân lực trình độ cao thật sự, sinh viên không những cố gắng học tốt chương trình trên lớp, mà còn có nhu cầu tự học để nâng cao kiến thức của mình. Môi trường và điều kiện làm việc chuyên môn mới chính là thước đo chất lượng đào tạo và khả năng cống hiến của sinh viên. Điều này nằm ngoài tầm tay của ngành giáo dục.

Trong tất cả các giải pháp về đổi mới giáo dục, giải pháp củng cố và xây dựng đội ngũ giảng viên nên được coi là vấn đề then chốt, bởi vì đó là những "máy cái" quyết định không những chất lượng đào tạo mà cả tâm hồn và hoài bão của nguồn nhân lực mới. Thực lực của đội ngũ này cần được đánh giá đúng mức và phải có những giải pháp mạnh để giải quyết cả vấn đề về số lượng và chất lượng trong một thời gian ngắn (đòi hỏi sự nỗ lực của đội ngũ này và các chính sách của Nhà nước). Giáo dục đại học của chúng ta không thể hội nhập, không thể tiến kịp trình độ khu vực và quốc tế nếu như các máy cái của nó không đáp ứng yêu cầu đó. Không giải quyết được điều này, thì có tăng cường đầu tư trang thiết bị cho đào tạo cũng vô nghĩa, chủ trương cải tiến chương trình, đổi mới phương pháp dạy học,... cũng trở thành "lực bất tòng tâm". Giáo dục đại học của ta đến lúc phải chuẩn bị để sẵn sàng trả lời cho câu hỏi nếu có điều kiện đầu tư mạnh thì những ai có thể sẵn sàng đáp ứng sứ mệnh của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Về chương trình đào tạo, không nên chỉ nghĩ tới việc thiết lập một mẫu số chung cho tất cả sinh viên, mà phải thừa nhận rằng cộng đồng sinh viên đa dạng, mỗi sinh viên có những khả năng và hoài bão khác nhau. Vì vậy, mỗi sinh viên cần được tác động vào khả năng trí tuệ theo các cách khác nhau để nhận ra tiềm năng cao nhất của bản thân họ. Trong trường hợp này, chương trình đào tạo cần có những mô-đun đào tạo đặc biệt mang tính thử thách để mở rộng khả năng trí tuệ của sinh viên ở các mức độ khác nhau. Sinh viên tham gia các mô-đun ở cấp độ nào nên có các bằng cấp tương ứng cho các cấp độ đó. Đó vừa là cách phân loại khích lệ  được tinh thần học tập và hoài bão của sinh viên, vừa là giải pháp để có thể mở rộng quy mô đào tạo đại học đồng thời có thể đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Ở Việt Nam hiện nay, để có thể học thêm được các mô-đun mới như vậy phải học lên ở các bậc cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ,...). Tuy vậy, điều vừa nêu đôi khi còn mang hình thức. Trong một số chương trình đào tạo thạc sĩ, khối lượng kiến thức trùng lặp với nội dung đã đào tạo ở chương trình đào tạo cử nhân còn nhiều; chất lượng đào tạo thạc sĩ hạn chế. Để tránh sự trùng lặp, thật sự cung cấp các mô-đun mới trong các bậc học khác nhau và thực hiện được sự liên thông trong đào tạo, nên chăng chúng ta cần suy nghĩ để có thể bổ sung thêm một mô hình mới vào quy trình đào tạo thạc sĩ. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện mô hình đào tạo tiến sĩ cho các đối tượng chỉ có bằng cử nhân. Trong mô hình đào tạo này, nghiên cứu sinh phải hoàn thành các môn học của chương trình đào tạo thạc sĩ, nhưng không phải làm luận văn thạc sĩ mà chỉ làm luận án tiến sĩ. Mô hình này đặc biệt có hiệu quả đối với các đối tượng chuyển tiếp nghiên cứu sinh từ bậc cử nhân. Áp dụng và mở rộng mô hình này, có thể đề xuất một loại hình đào tạo thạc sĩ mới như sau: những sinh viên có kết quả học tập của bảy học kỳ đầu đạt  loại khá và giỏi có thể chuyển tiếp lên học bậc cao học mà không cần làm khóa luận tốt nghiệp. Để làm được điều này, một chương trình đào tạo liên thông, không trùng lặp và thật sự có các mô-đun mới phải được xây dựng. Khi đó, hình thức đào tạo liên thông cử nhân - thạc sĩ với tổng thời gian là 5 năm hoàn toàn có thể thực hiện được.

Đồng thời với các chương trình đào tạo đại học chuẩn, một số trường đại học ở Việt Nam tổ chức đào tạo các hệ cử nhân tài năng, cử nhân chất lượng cao. Đối tượng đào tạo của các hệ này là các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc ở trung học phổ thông. Các chương trình đào tạo này thật sự có các mô-đun nâng cao, các mô-đun đặc biệt, góp phần đào tạo được nguồn lực chất lượng cao phục vụ CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình đào tạo mà chúng tôi vừa đề xuất còn tạo ra sự khác biệt lớn với các sinh viên thường và rút ngắn thời gian đào tạo đối với đối tượng sinh viên tài năng này.

Kết hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo là phương thức vừa để tăng cường chất lượng đào tạo đại học, đồng thời cũng là giải pháp trước mắt tự nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên hiện tại. Bằng cách giảm số giờ lên lớp, tăng tỷ lệ thời gian nghiên cứu theo một tỷ trọng hợp lý, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và kiến thức của giảng viên sẽ được cải thiện. Theo ý tưởng này, ngoài việc xây dựng các đại học đa ngành, đa lĩnh vực, nên có các cơ chế để các đại học Việt Nam phát triển theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu, trong đó nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, số lượng công trình khoa học công bố hằng năm,... cần được quy định cụ thể trong chức trách giảng viên.

Về quan điểm định hướng chỉ đạo, nên chọn giải pháp phát triển giáo dục đại học theo cách đi riêng phù hợp điều kiện nước ta, nhưng phải lấy chuẩn mực quốc tế để phấn đấu và đánh giá. Các trường đại học trên thế giới hiện đang được xếp hạng không phải dựa trên số lượng sinh viên đào tạo hằng năm, mà là số phát minh, sáng chế và các giải thưởng quốc tế; không phải chỉ bằng số lượng nghiên cứu sinh đào tạo được, mà là số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng của thế giới và thậm chí cả số lần các công trình khoa học đó được trích dẫn, số các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng và khoản kinh phí các hợp đồng này mang lại... Đó là các đánh giá định lượng, khách quan.

 

GS, TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC
CÔNG NGHỆ (ĐHQG HÀ NỘI)