Đại học Thái Nguyên: Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện cho Đề án xây dựng CSDL bài báo khoa học

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có 4232 cán bộ trong đó có 389 cán bộ, giảng viên đạt trình độ tiến sỹ, 1770 thạc sỹ. Trung bình mỗi năm có 500 bài báo do cán bộ, giảng viên của ĐHTN đã được đăng tải. Tính từ năm 2000 đến nay có khoảng 6720 bài báo (5600 bài báo trong nước và 1120 bài báo quốc tế) của cán bộ, giảng viên chưa được tập hợp lại.

Dưới sự chỉ đạo của ĐHTN, Trung tâm Học liệu (TTHL) phối hợp với Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thực hiện Đề án xây dựng CSDL bài báo khoa học của cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHTN.

GS. TS Đặng Kim Vui – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc ĐHTN nêu cao tầm quan trọng của việc xây dựng CSDL bài báo khoa học

Để hoàn thiện hơn nội dung và đưa Đề án vào thực thi cần có sự đồng thuận của các cơ sở giáo dục trong toàn đại học, sáng ngày 22/9 tại phòng họp số 2, ĐHTN đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý bản Đề án xây dựng CSDL bài báo khoa học. Tham dự Hội nghị có GS. TS Đặng Kim Vui – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc ĐHTN; PGS. TS Nguyễn Hữu Công – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHTN, đến dự Hội nghị còn các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban: Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đào tạo, Pháp chế thi đua, các đồng chí đại diện lãnh đạo phòng Quản lý khoa học & quan hệ quốc tế phụ trách khoa học, ban quản lý khoa học môi trường, Ban đào tạo thuộc các trường đại học.

Theo GS. TS Đặng Kim Vui – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc ĐHTN: “Trong 5 năm qua đại học ta có rất nhiều bài hay, nhiều bài đăng trên tạp chí quốc tế nhưng ta chưa tập hợp. Việc thống kê bài báo không phải là biết được có số lượng bao nhiêu bài mà quan trọng là biết được năng lực khoa học của một trường đại học thể hiện ở các công trình nghiên cứu đó. Các bài báo, các công trình khoa phải được công bố trên các tạp chí nhằm chia sẻ trao đổi giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế, ý nghĩ đó mới lớn mà nó thể hiện rõ vị thế, sức mạnh của 1 trường đại học. Ngoài ra, các bài báo khoa học còn thể hiện thực chất thành tích kết quả hoạt động hàng năm, 5 năm, 10 năm hay suốt đời của 1 nhà khoa học, cho nên đây là một căn cứ quan trọng để xét vào tiêu chí thi đua của đơn vị, cá nhân”.

PGS. TS Nguyễn Duy Hoan - Giám đốc TTHL kiêm trưởng khoa Quốc tế trình bày những nội dung của Đề án cần thảo luận trong Hội nghị

Qua Hội nghị này, lãnh đạo ĐHTN cũng yêu cầu TTHL và Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xây dựng hoàn thiện nội dung Đề án để tập hợp, phân loại, thống kê đầy đủ hàng năm cho các bài báo; Đề án này sẽ trở thành quy chế nội bộ của đại học nhằm theo dõi, thống kê, khai thác, sử dụng, quy định dùng chung.

Hội nghị đã được lắng nghe nhiều ý kiến xây dựng đề án từ đại diện lãnh đạo các phòng, Ban quản lý Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban đào tạo tại các trường thuộc thành viên của đại học; nhìn chung các ý kiến đều nhất chí và tán thành với nội dung của Đề án, nhưng để Đề án hoàn thiện và mang lại lợi ích thiết thực thì cần lưu ý một số những điểm mà Hội nghị đưa ra như:

  • Bài báo khoa học có thể chia sẻ trên trường quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh của ĐHTN và nâng cao việc xếp hạng trong hệ thống các trường đại học
  • Phần mềm quản lý CSDL các bài báo khoa học sẽ được xây dựng tại TTHL theo chuẩn thế giới và đảm bảo tính bản quyền cho tác giả
  • Tạo modun công bố số bài báo cho từng cá nhân tập thể trong toàn đại học, từng năm, từng tháng, từng giai đoạn 
  • Xây dựng chính sách thi đua khen thưởng cho tập thể và cá nhân cũng sẽ dựa vào kết quả nghiên cứu và bài báo khoa học của cán bộ, giảng viên hàng năm.

Có thể thấy, việc tập hợp và lưu giữ, sử dụng các bài báo khoa của cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHTN là việc làm thực sự cần thiết nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện vị trí xếp hạng của ĐHTN. Đây cũng là một căn cứ để phân loại thi đua hàng năm cho các cá nhân, đơn vị trong đại học, tôn vinh tập thể, cá nhân xuất sắc trong việc viết các bài báo khoa học. Việc tập hợp các bài báo khoa học giúp ĐHTN quyết tâm tạo nên sản phẩm khoa học công nghệ mang thương hiệu riêng của mình; từng bước khẳng định vị trí, vai trò của Đại học Vùng trong hệ thống giáo dục đào tạo và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Thanh Bắc (P. Phát triển và ứng dụng thông tin điện tử)