Đánh giá thông tin trên Internet

Sự bùng nổ của Internet và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin – truyền thông đã tạo cơ hội cho tất cả mọi người trở thành các nhà cung cấp thông tin. 

Thế giới thông tin trở nên đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đi cùng với sự nở rộ của blog, wiki,và các kênh xuất bản online khác nhau là một thực tế không thể tránh khỏi: thông tin trở nên hỗn tạp và người dùng tin có thể phải trả giá cho việc sử dụng thông tin thiếu chất lượng, thiếu độ tin cậy, thậm chí sai lạc. Bài viết này là một hướng dẫn ngắn gọn giúp người dùng tin có cách tiếp cận các nguồn thông tin tìm được  trên Internet một cách đúng đắn và sử dụng những thông tin đó một cách hợp lý.

Khi quyết định sử dụng một nguồn tin nào đó tìm được trên Internet, người dùng tin nên xem xét 10 điểm quan trọng dưới đây. Tác giả không cung cấp câu trả lời cho mỗi câu hỏi, vì điều đó phụ thuộc vào mục tiêu và cách thức sử dụng thông tin của người dùng tin. Nói cách khác, đây là những gợi ý về những điều người dùng tin cần cân nhắc khi sử dụng một nguồn tài liệu online.

1. Kiến thức của bạn

- Nguồn tin mới này khác gì so với những thông tin mà bạn đã biết?

- Thông tin đó tác động như thế nào đến những gì bạn đã biết?

2. Tác giả

- Ai cung cấp nguồn tin đó? Là người quản trị website hay một tác giả độc lập?

- Thông tin về tác giả nguồn tin đó ở đâu?

- Bạn có thể liên hệ được với tác giả không?

- Tác giả có đưa ra các thông tin về nghề nghiệp, kinh nghiệm, chức vụ, quá trình đào tạo, hay những thông tin chứng thực nào khác?

- Nếu là website của một tổ chức/cơ quan thì tên của tổ chức/cơ quan có được nêu rõ trong tài liệu? Tổ chức đó có được thừa nhận trong lĩnh vực mà bạn đang nghiên cứu/tìm hiểu? Có những dấu hiệu gì chứng tỏ tài liệu đó có nguồn gốc từ một website học thuật chính thức hay của một tổ chức khoa học? Bạn có thể liên hệ với người quản trị website từ tài liệu đó hay không?

- Hãy kiểm tra tên miền của tài liệu, hãy ưu tiên nhiều hơn tới các tên miền có phần mở rộng là .edu, .gov, .org, hay .net.

3. Tính cập nhật

- Lần cuối thông tin này được xuất bản hay cập nhật là khi nào?

- Tài liệu đó có thể hiện những thông tin về những vấn đề hiện tại?

4. Tính khách quan

- Tác giả có cung cấp các luận điểm và ví dụ nhằm chứng minh cho các quan điểm của họ?

- Bạn nghĩ vì sao tác giả lại cung cấp thông tin đó?

- Mục tiêu/mục đích của tài liệu đó là gì? Đối tượng sử dụng của tài liệu đó là ai?

- Tác giả đã thể hiện những quan điểm gì (nếu có)?

- Tác giả có tham chiếu đầy đủ và đúng cách đến những nguồn tài liệu tham khảo mà tài liệu đó sử dụng?

5. Phạm vi thông tin
 
- Mức độ chi tiết của thông tin như thế nào?
 
- Độ rộng của phạm vi chủ đề mà tài liệu đó thể hiện?
 
- Độ sâu của thông tin đó ra sao?
 
6. Hình thức
 
- Thông tin đó được trình bày dưới hình thức nào?
 
- Đó là một trang web dạng www, một đề mục chủ đề, một file văn bản, một bài viết của nhóm tin tức, một nhật ký cá nhân (blog), một diễn đàn trực tuyến, hay một nội dung thư điện tử?
 
- Tài liệu đó dạng chữ, hình ảnh, hay/hoặc dạng âm thanh?
 
7. Mức độ rõ ràng
 
- Thông tin đó có được trình bày một cách rõ ràng?
 
- Có được tổ chức tốt?
 
- Giao diện có thân thiện với người dùng?
 
8. Sự khuyến cáo từ những người khác
 
- Bạn có nhận được khuyến cáo/giới thiệu nào từ những người mà bạn tôn trọng (bạn bè, giáo viên, cán bộ thư viện, hoặc người thân gia đình …) rằng đây là một nguồn thông tin tốt?
 
9. Tính hợp thức
 
- Bạn thấy mức độ đúng đắn của thông tin này như thế nào?
 
- Điều gì khiến bạn nghĩ như vậy?
 
10. Độ quan trọng
 
- Đây có phải là thong tin quan trọng đối với bạn không?
 
- Nếu phải, vì sao nó lại quan trọng?
 
Tùy theo yêu cầu, mục tiêu, và cách thức sử dụng, bạn hãy đưa ra quyết định một cách sáng suốt. Khi xem xét những vấn đề nêu trên và trả lời các câu hỏi trong mỗi vấn đề đó tức là bạn đã thực hiện việc đánh giá thông tin online một cách khách quan. Bạn cần/nên/phải là người đưa ra quyết định cuối cùng cho việc sử dụng thông tin của mình.
 
Nghiêm Xuân Huy (VietnamLib.Net)