Đi thư viện công cộng ở Mỹ

Không biết có phải tất cả những thị trấn và thành phố ở Mỹ đều có một thư viện công cộng dành cho người dân địa phương hay không, nhưng ở những nơi mà tôi đi qua như Boston, Chelsea, Randolph, Salem (bang Massachusetts) hay Cheektowaga (bang New York) đều có một thư viện công cộng.

Đưa con đi thư viện là một thói quen của người dân Mỹ

 

Góc chơi và truyện tranh dành cho trẻ nhỏ. Trẻ em sống ở Mỹ được khuyến khích đến thư viện và thói quen này được hình thành từ bé

Có lẽ đẹp nhất và to nhất trong số này là thư viện công cộng ngay trung tâm Boston - thành phố gần như là kinh đô của bang Massachusetts. Thư viện này nằm ngay quảng trường Copley Square, đối diện với một nhà thờ cổ kính và lớn nhất Boston là Trinity. Được mở cửa vào năm 1848, thư viện công cộng Boston là thư viện lớn thứ hai tại Mỹ với hơn 24 triệu đầu sách.

Đến Cheektowaga, một thị trấn thuộc thành phố Buffalo, hạt Erie County bang New York, nơi chỉ có khoảng hơn 100.000 dân vào một ngày nắng đẹp đầu tháng 5.2014, tôi đã có một ngày làm việc tại thư viện công cộng ở đây. Thư viện mà tôi đến mang tên Anna Reinstein Memorial (gần một công viên ở đường Harlem), nằm trong hệ thống thư viện của hạt Erie, mang tên chung là Buffalo & Erie County Public Library, bao gồm 37 thư viện.

Người dân địa phương có thẻ thành viên (với mức phí hơn 1 USD/năm) có thể mượn sách hay DVD về nhà xem. Thời gian cho mượn sách là 3 tuần, DVD thì một tuần, mỗi thứ được gia hạn thêm hai lần và phải đến thư viện để gia hạn nếu chưa đọc (hay xem) xong.

Khi quá hạn trả người mượn sẽ bị phạt với giá gấp đôi nên hầu như ai cũng trả đúng hạn. Cách mượn sách hay DVD ở đây thật nhanh-gọn-lẹ: người mượn chỉ cần đưa sách hay DVD mình muốn mượn lên máy, chọn Checking Out rồi bấm bấm vài cái là xong. Khi ra khỏi cửa, người nào mượn sách hay phim mà quên “check-out”, cái máy cài trong cửa sẽ ré lên “nhắc nhở”! Khi đến thời hạn trả thì họ mới cầm sách hay đĩa phim đưa cho thủ thư.

Thư viện Anna Reinstein Memorial rất rộng và sạch đẹp, có chỗ riêng dành cho trẻ em và chỗ dành cho người lớn nhưng không gian nào cũng tĩnh lặng. Trẻ em ở đây được dạy không được làm ồn ào ở nơi công cộng và ít thấy đứa trẻ nào mè nheo cha mẹ làm cái này cái kia cho mình. 

Không gian dành cho trẻ em lại chia thành hai: chỗ của các bé nhỏ chưa biết đọc có trải thảm và nhiều loại đồ chơi; chỗ của các bé lớn biết đọc thì có bàn ghế thấp ngồi đọc sách, có máy vi tính để bé nghe nhạc, xem phim hay lướt web (cần nói thêm là vào thư viện công cộng ở đây được lướt mạng miễn phí).

Tôi thấy nhiều bố mẹ đưa con cùng đến, bởi ai cũng có không gian riêng. Thư viện cũng tổ chức những cuộc thi đọc sách hay thi vẽ, thi thiết kế logo… cho các bé với phần thưởng là đồ chơi. Nói chung, trẻ em sống ở Mỹ được khuyến khích đến thư viện và thói quen này được hình thành từ bé.

 

Mang sách ra khỏi cửa mà quen check-out sẽ bị máy nhắc nhở

 

Một góc của thư viện

Ở giữa thư viện có những dãy bàn lớn đặt nhiều máy vi tính để người dân có thể sử dụng miễn phí, với quy định mỗi người chỉ được sử dụng trong vòng 1 giờ (để người khác còn dùng), giống như những bãi đậu xe hơi công cộng tại các thành phố hoặc khu du lịch tại đây quy định tối đa chỉ 1 giờ đậu xe, nếu quá giờ chủ xe không di chuyển sẽ có giấy phạt dán vào xe. Nếu mang theo laptop hay iPad vào thư viện thì vô tư, bạn cứ kiếm góc nào đó ngồi đọc tin tức hay làm việc thoải mái hết giờ đóng cửa thì thôi.

Sách ở đây được sắp xếp theo chuyên đề, với những cái kệ thấp và nhỏ hẹp, dễ lựa chọn. Và đặc biệt ở đây còn có một nhà sách nhỏ, bày bán những quyển sách đã được sử dụng với giá rẻ, còn “mua một tặng một” nữa.

Thời gian mở cửa thư viện được niêm yết ngay ngoài cửa: có hai ngày trong tuần mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, một ngày mở cửa từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, hai ngày mở cửa từ 1 giờ trưa đến 9 giờ tối, còn 2 ngày thứ 6 và chủ nhật hoàn toàn đóng cửa.

Người dân ở đây rất gắn bó với thư viện công cộng của thị trấn. Khi cần in tài liệu từ internet hay photo hồ sơ, họ cũng đến thư viện, tất nhiên phải trả tiền như dịch vụ bên ngoài nhưng đối với họ, thời gian đến thư viện có thể cùng lúc làm nhiều việc khác. Một trong những việc đó là gặp gỡ bạn bè. Điều thú vị trong đời sống ở đây là không ít những cặp vợ chồng đã nên duyên sau khi gặp gỡ ở thư viện công cộng.

Và giống như mọi dịch vụ khác ở Mỹ đều được vi tính hóa,  hệ thống thư viện của Buffalo & Erie County Public Library có chung một trang web trên mạng để người dân có thể chia sẻ trên nhiều mạng xã hội từ thông tin giờ mở cửa của từng thư viện, danh sách sách mới, sự kiện sẽ diễn ra…

Mặt khác, trang web còn thiết kế “sân chơi” riêng cho từng đối tượng: trẻ em (Kids), tuổi teen (từ 11 - 19 tuổi), giáo viên, giới nghiên cứu…để bàn luận về một cuốn sách hay một bộ phim mà mình quan tâm.

Một người dân ở đây nói với tôi: "Thỉnh thoảng không có thời gian đến thư viện đọc sách, tôi vẫn vào trang web này để đọc sách báo mới. Tôi cũng có thể lên mạng mượn sách và DVD của thư viện ở một tiểu bang khác, chỉ cần nói mình sẽ lấy sách hoặc DVD đó ở thư viện nào là họ sẽ chuyển đến ngay để tôi đến mượn". 

Đi thư viện là một nét văn hóa cộng đồng đáng học hỏi ở Mỹ.

 

Bài, ảnh: Ben Khôi

Nguồn: http://ihay.thanhnien.com.vn/