Đọc để tu thân

Người xưa đọc sách, đốt hương trầm. Thảnh thơi đọc trong vườn có tiếng chim hót. Tây thì pha trà nhấm bánh đọc sách và cười một mình. Nay "vận đổi sao dời" sao nỡ đọc trong ác tâm rồi chửi nhau trên xa...

Giờ thì các thể chế cũng dân chủ hơn nên cũng không dẹp yên tâm tư của đám "ào ào", chỉ còn cách kêu gọi sự tu thân từ chính mỗi người đọc, mỗi người bình và hơn cả là kêu gọi mọi người đọc thì hãy "tu thân" trước. Rồi bình gì thì bình sau. 

Nhu cầu đọc sách cũng giống như nhu cầu ăn uống hay đúng hơn là nhu cầu hưởng thụ. Không đọc sách thì có lẽ cũng chẳng chết ai, nhưng đọc mà không hiểu và hiểu sai thì đó là một thảm kịch. Tệ hại cho người đó, có khi còn tệ hại cho xã hội. Và quyền được cảm nhận đúng với những điều tác giả truyền tải lại luôn là một thước đo văn hóa của người đọc sách. Ít nhất đó là vấn đề tác giả kêu gọi người đọc theo đúng.
Thông kinh vạn quyển chưa bao giờ là điều xấu, người xưa cũng có vài ý kiến mang tính triết học như thể "Biết mà không tới nơi thì không đọc lại chẳng hay hơn sao", nhưng việc hiểu biết hơn tầm mắt mình là nhu cầu. Cảm nhận nhiều hơn đời sống thật của mình thì  cũng chẳng có gì là xấu, nên nhu cầu đọc thì từ trẻ nhỏ, người già cho tới thanh niên càng cần đọc. Đối với nhiều nhà văn có quan điểm "sách chẳng cứu được ai, nhưng sách làm tâm hồn đẹp hơn". Có lẽ đó chỉ là dành cho vài cách đọc đúng hay hiểu đúng. 

Ảnh minh họa


Giờ  sách thì tràn lan, Tây Tàu đủ cả nên việc chọn lựa mà đọc lại là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Không thì "ngộ sách" cũng là điều thường gặp. Đại để là vào một buổi chiều lang thang chọn vài cuốn, thu xếp thời gian đọc nó thì cách đó cũng có thể là bạn giải trí hay ít ra cũng có vài tiếng trong cuộc đời bạn đắm mình trong lối sống của người khác thông qua cuốn sách. Để từ đó luận ra cuộc đời mình, âu cũng là một nét đẹp, dẫu là chỉ cho cá nhân mình. 

Vài người khác thì lại thích nghe "điểm sách", tin tưởng vào mấy vị lý luận, nhà báo văn hóa điểm sách trên thông tin đại chúng. Đi mua những cuốn đó, đọc và cũng nhiều chiều hướng xảy ra. Có thể là bằng lòng vô cùng với mức độ uy tín của người điểm sách. Thấy hân hoan vui sướng và đầy tin tưởng về gout hay bình luận về cuốn sách đó. Nhưng cũng có thể là thất vọng tràn trề, sao không giống "nó" nói nhỉ, quan điểm thì khác nhau, cảm nhận thì khác nhau, dĩ nhiên là tác giả nào chẳng muốn người đọc mình có những "mẫu số" chung như tác giả mong muốn. Tức là mức độ đọc và hiểu cho đúng điều tác giả dự định. Nhưng cuốn sách có số phận của nó.

Lúc viết thì tác giả đã "hình dung ra người đọc của mình" (Jean Paul Satre - văn học là gì, 1964) nên may cho họ thì việc xuất bản tới tay người đọc mà anh ta hình dung. Nhưng nhiều cuốn sách với sự dịch thuật ầm ầm trong sự giao lưu văn hóa ngày nay thì lại tới những độc giả không trong khu vực anh ta muốn họ đọc. Vậy thì kỹ năng hiểu bối cảnh của cuốn sách hay đúng hơn văn hóa của tác phẩm đấy ra đời lại là một điều nên bàn tới và thấu hiểu nó. Và đa phần là trường hợp thứ 2 xảy ra, đặc biệt trong cái thời mà chúng ta ngồi đây nhưng vươn tận cùng thế giới bằng mạng Internet.

Lại có cách khác đi tìm cuốn sách theo những điều mà mình quan tâm, thiếu hụt. Đọc nó rồi bổ sung vào kiến thức, tình cảm, nhận biết của mình về con người hay bất kỳ kiến thức về lĩnh vực gì. Cách này thì có vẻ nhiều nhà khoa học hay ai đó thích nghiên cứu hay làm. 
Thầm lặng bổ sung vào kho kiến thức của mình cũng là một thú vui con người nên có. Nhưng nếu chỉ đọc sách để phục vụ cho việc ác tâm cũng như soi mói và gây sự thì  đó là một cách có thể gọi là "dã man một cách văn minh". Và điều đó lại rất phổ biến.  Nhiều nhà lý luận đọc để tiêu diệt đối phương, tiêu diệt bạn văn. Đó là "hạ nhân" nó cũng chẳng khác mấy bà đôi lê kiếm chuyện, duy chỉ có anh ta văn minh hơn và cũng có ác ý.

Vài người lại hóng hớt a dua đọc. Dĩ nhiên chẳng yêu quý thời gian đọc và những trải nghiệm của cuốn sách. Anh ấy đọc để trang bị thêm những kiến thức "vặt" hòng cố bày tỏ cho công luận hay ít nhóm người hiểu "tôi cũng theo dõi, cũng tiếp nhận và cũng có những  phản ứng". Và thế là một đám thầy bói mù đi vịnh về "con voi" sách về các chủ đề trong đó lại được dịp. Anh thì nói "nó phản kháng" bạn thì thốt lên rằng "chúng ca ngợi", mạt sát có, luận điểm có, lý luận cũng nhiều mà liên tưởng còn mạnh hơn. 

Duy chỉ có ích lợi đọc sách để tu tỉnh cảm nhận bản thân mình và thấu hiểu thêm cho mình thì họ lại quên. Nên cũng dễ hiểu vài anh phê bình không đọc sách đó mà vẫn viết ời ời. Vài anh "độc giả" chưa đọc cuốn đó thì cũng nói lên luận điểm ầm ầm. Công cụ Internet giờ thì quá "dân chủ" nên cũng thật dễ dàng để họ có thể bày tỏ quan điểm về sách, về nhận định của họ trên trang cá nhân hay các diễn đàn văn học mạng. 
Chính thống hoặc không chính thống có nghĩa gì. Khi mà số lượng người theo các phe tăng dần theo số lượng bình luận. Bắt đầu thì chia làm hai phe. Người "có vẻ đọc" và đã đọc cãi nhau. Sau chia làm 3 phe đẩy người "có vẻ đọc” - chủ nhân của trang tin cá nhân đứng giữa hai khách mời cãi nhau. Đương nhiên nhiều ý kiến và quan điểm. Rồi chuyển sang chửi đổng, chửi cá nhân, rồi tất cả sau khoảng tranh luận bằng "comment" khoảng hơn 100 cái gì đó thì chuyển sang lạc đề. 

Lẽ nào vì một cuốn sách, vì một quan điểm cá nhân với một định hướng cho nhóm độc giả của tác giả lại chuyển sang thành cãi nhau, chửi nhau, mạt sát nhau của đám người không thuộc khu vực độc giả mà nhà văn mong muốn. 

Suy ngẫm kỹ thì có lẽ sự cãi nhau, đè dập nhau có sẵn trong họ, cuốn sách hay những quan điểm chỉ là cái cớ. Ai châm ngòi trước cũng vậy. Đểu giả có thể đến với cả 2 phía, thắng cũng như thua.

Có làm ra lúa gạo như những người dân kia không. Chắc là không rồi, vậy thì vấn đề đọc và hiểu, thưởng ngoạn hay lợi dụng lại trở nên rất to lớn. Nó định hướng cho cá nhân, cho tâm hồn của chính từng người hay rộng hơn xã hội một văn hóa "đọc", "chọn" lành mạnh.
Người xưa đọc sách, đốt hương trầm. Thảnh thơi đọc trong vườn có tiếng chim hót. Tây thì pha trà nhấm bánh đọc sách và cười một mình. Nay "vận đổi sao dời" sao nỡ đọc trong ác tâm rồi chửi nhau trên xa lộ thông tin. Vậy là đã sai ngay từ cái tâm thế đọc, vậy cái ác lại luôn hiện hữu ngay cả trong những lúc thầm đọc, những lúc tĩnh lặng soi mình thu nạp kiến thức, tình cảm. 

Đọc thì có nhiều kiểu. Kiểu gì cũng được nhưng hiểu được thì lại quan trọng hơn. Chẳng thà như người nông dân kia, không đọc vui sống hòa mình với tự nhiên đồng ruộng lại chẳng mấy lành tâm hơn sao. Dẫu là giống mấy doanh nhân bận bịu kinh doanh thương mại mà có đủ tài chính dư thừa mua sách về để trang trí thì âu cũng được thêm chút phần kính trọng từ đối tác làm ăn. Kiên định kéo bè kéo cánh đồng minh hòng đọc sách cũng phải có bày đàn là một hành xử làm chính bản thân mình thiệt thòi. Rủ nhau chán trên mạng rồi tới tâm sự thì thụp ngoài đời trông cũng lén lút lắm, đọc sách như vậy là mất đi công đọc, mất đi cái hay của tác giả. 

Có những nhà bình luận chuyên nghiệp thì đã rõ, họ đi đâu cũng khoe "Tôi vừa phang cho thằng ấy một bài", thế thì đã đành, cũng vì cái danh hư ảo mà nghiệp nó quàng vào. Nhưng còn những vị không chuyên, giờ thì cũng hết trò với phản ứng đời tư, cách hành xử nay quay sang vấn đề "hot" hơn là sách, phát hiện  luôn gây cho người ta cảm giác có quyền lực "khai sơn phá thạch". 

Chiêm nghiệm một mình chưa hay họ lôi kéo bạn, đồng hướng vào chiêm nghiệm xem chừng có vẻ đầy tính "đội ngũ". Giống hệt muông thú, chó đi một mình thì lặng lẽ nhưng hễ cứ có đàn thì ngay lập tức có khuôn mặt mũi to hơn mồm. 

Người cũng đọc sách lấy làm thú vui khuây khỏa nên đứng ngoài mà "mỉm cười lặng lẽ vui vẻ" ngắm nhìn sự ồn ào thì có người cho rằng đó cũng là thú vui nghiên cứu tình trạng "bạn đọc" đang "đọc" cũng đáng để vui trong một buổi chiều buồn. 

Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ người xưa đã dạy thế. Hẳn là tu thân là tối thượng. Bụng một bồ sách mà chẳng có cơ giúp ích người thì cũng nên bình an cho chính mình, vì ai cũng vậy có lẽ xã hội cũng bớt được loạn. 

Ngày xưa Tần Thủy Hoàng nhận thấy "lắm thầy nhiều ma" nên cũng dùng các biện pháp cứng dẹp yên bớt vài tư tưởng không tạo ra lúa gạo. Vậy là giúp dân một cách gián tiếp cho dân vui hăng say lao động.

Giờ  thì các thể chế cũng dân chủ hơn nên cũng không dẹp yên tâm tư của đám "ào ào", chỉ còn cách kêu gọi sự tu thân từ chính mỗi người đọc, mỗi người bình và hơn cả là kêu gọi mọi người đọc thì  hãy "tu thân" trước. Rồi bình gì thì bình sau. Nếu được vậy văn hóa đọc trở nên lành mạnh, giản dị và người đọc cũng như tác giả nở nụ cười hiền triết hơn. 
 

Minh Trí

Nguồn: Công an nhân dân