Đọc sách thì được cái gì?

Hình như với rất nhiều loại công việc khác, chúng ta đều dễ dàng xác định cứu cánh rằng, ta dồn hết tâm sức làm để đạt được một mục tiêu cuối cùng nào đó. Và cứu cánh, cái mục tiêu cuối cùng ấy, là động lực thôi thúc sự quyết tâm, đôi khi là chấp nhận những đánh đổi, hy sinh.

Đọc một cuốn sách trong thời buổi này thì sao? Hay nói khác đi, nếu có một bạn đọc thời nay hỏi vị chuyên gia cả đời vùi mình trong thế giới của sách vở chữ nghĩa rằng, thưa ông, đọc sách thì làm được cái gì? E rằng, nếu cố không lậm vào những câu trả lời có tính kinh viện giáo điều quen thuộc, khuôn sáo (đại loại: đọc để định hình, mài sắc tư duy, phát triển nhận thức, để giải trí, trải nghiệm một thế giới khác lạ hay có cái nhìn sáng sủa hơn về đời sống, đạt đến sự tự do trong tư tưởng, khai minh, khai phóng…) thì đây là một nan đề, đủ sức gây lúng túng cho cả những ai dành sự mơ tưởng trên mức bình thường cho sách vở.

Trong vô vàn câu trả lời có thể hình dung được từ vị chuyên gia đang sống chết với niềm đam mê khổ hạnh kia, tôi hình dung ra một câu trả lời theo chiều hướng “thú đau thương”: đọc để mà biết. Vậy hỏi thêm, biết để làm gì?

Nghe ra có vẻ nghịch lý và hết sức. Một việc không mục đích rõ ràng, hoang phí thời gian, lại có nguy cơ gây ra phiền não cho bản thân, sao vẫn cố tình làm? Ma lực của cải chưa biết trong trời đất thực sự kinh khủng đến vậy sao?

Cái chưa biết, phần chưa bị nếm cảu quả táo thôi thúc người ta tìm kiếm, tự đày ải trong cuộc phiêu lưu khám phá đầy khổ nhọc. Nhưng để làm gì? Một hôm, những cái chưa biết đó dần dần được sở đắc, trở thành thứ nhận thức sáng tỏ soi rọi một thực tế đảo chiều: trước mắt chúng ta, bên ngoài trang sách lại là thế giới đời sống có những điều phi lý, tráo trở, trắng trợn thách thức cái biết, trêu ngươi đối với sự suy tư, phỉ báng những giá trị tinh thần tốt đẹp mà sách vở mách bảo.
Hơn ai hết, kẻ lấy sách vở tri thức làm niềm vui hứng tâm kia sẽ nhận thức rõ nhất nỗi khổ ải và sự bất lực trước thực tế, sự vô dụng, thậm chí là dằn vặt của cái biết. Cái biết không thống nhất với cái nói, cái viết, cái làm. Suy nghĩ, nhận thức chối từ sự trung thực trong diễn ngôn và hành động. Mọi nỗ lực của sự biết dồn cả cho những kỹ xảo làm sao để lách, tự kiểm soát, khéo léo tránh cái nhìn trực diện vào hiện thực bạc màu.

Biết mà không làm gì được ngoài việc lanh lõi hơn để được sống sót, lướt qua thực tế đầy bất trắc. Cái biết trở nên vô dụng vì nó không gắn với sự truy cầu, truy vấn thường trực. Kẻ biết trở nên lúng túng, ù lì hoặc viển vông trước thực tại.



 

2. Hỏi vậy là có vẻ quá bi quan. Sự thực thì tôi vẫn nghe thấy trong những buổi hội thảo giới thiệu sách, kinh nghiệm đọc sách, những trí thức cộng đồng thường chia sẻ đại ý, cuốn sách A, B, C đã đột ngột thay đổi cuộc đời tôi; tôi lại nghe những doanh nhân thành đạt bật mí rằng, sau khi đọc cuốn sách X, Y, Z đã giúp tôi thay đổi quyết định và đi đến thành công… Những bài học trực quan sinh động đó được người đọc tán thưởng bằng những tràng pháo tay rất dài và hào hứng. Ít ra những lúc ấy, có một cảm xúc lây lay rất nhanh trong khan phòng: niềm tin vào công dụng tức thời – những cuốn sách có tác dụng nhanh như một thứ thuốc bổ thần kỳ, hơn thế, là thứ thuốc tăng lực. Thậm chí, có những người chưa trải nghiệm được sự thay đổi thần tốc, cuộc đời họ chưa bị sách bẻ ngoặt 180 độ, thì cũng sẽ phải tự trấn an, đấm ngực “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, rằng, mình chưa có duyên tìm được cuốn sách cần thiết đúng vào các điểm rơi nhẹ dạ chơi vơi cần định hướng nào đó của cuộc sống.

Trên thực tế, tôi lại không đánh giá cao lắm những cuốn sách có tác dụng giống như thứ thuốc tăng lực. Tôi cũng không tin lắm vào cái gọi là công dụng của đọc nơi những kẻ nhẹ dạ tin có thể nốc một ly ngọt ngào và lập tức vươn vai từ thân xác của tiều tụy bỗng chốc, phù, biến thành lực sĩ. Điều đó chỉ có trên các mẩu quảng cáo dụ dỗ trẻ con. Mà dẫu có thực chuyện đó đi nữa trên đời, thì tôi làm sao có thể nghe lọt tai được có những kẻ bỏ cả cuộc đời mình ra để cho những cuốn sách bẻ cong, xoắn vặn, uốn nắn biến dạng liên tục. Quá nhiều loại “bước ngoặt” dễ dãi nhanh chóng được tạo ra bởi những cuốn sách, dẫu là sách nghệ thuật sống, dạy nấu ăn hay giải trí mì ăn liền, thì e rằng đó chưa hẳn là điều đúng.

Ý nghĩa tối hậu có lẽ nằm ở chỗ đọc sách phải luôn luôn được tiến hành với sự khảo nghiệm qua lại với thực tế, sự đọc sách cần được tiến hành trong tương quan với quá trình “đọc đời sống”. Như vậy thì đọc sách, rồi, phê phán sách bằng con mắt thực tế, hay đọc thực tế bằng con mắt của kẻ có tri thức, trong bối cảnh mà giữa thực tế đời sống và sách vở là một khoảng cách khôn tả, thì hoạt động phê phán sẽ diễn ra trong thách thức. Nó khiến người ta ít nhiều hoang mang và bất tín vào bản thân; sẽ dẫn dắt đến những phản ứng sau: hoặc giữ một khoảng lùi, hoặc ngược lại, dễ dàng chấp nhận những thứ tri thức dường như có thể xài ngay vào thực tế để đổi đời, làm giàu (kiểu sách nghệ thuật sống, các bước để làm giàu, làm sao để chinh phục trái tim người yêu hay bí quyết trên giường…), không phải bận tâm nhiều đến việc suy tư về cuộc tồn tại chỉ chuốc thêm phiền não.

Tình thế đáng sợ nhất, đó là, trong đầu kẻ viển vông vừa vang lên tiếng “eureka” với các tri thức sở đắc được nơi sách vở thì nhiều trường hợp đã phải khôn khéo giấu nhẹm, tự giới hạn suy nghĩ, tỏ ra biết điều, gọt chân cho vừa với chiếc giày thực tế của cuộc tồn sinh. Đáng lo là thái độ phải đạo, tinh thần nệ thực như thế có lẽ đang diễn ra thật phổ biến trong đời sống tinh thần của người đọc sách trí thức hôm nay.

Về lâu dài, cái thói quen tự giới hạn nhận thức, tự che mắt, bịt tai trước cái biết để khỏi rước vào thân phiền não, đau buồn, tránh đưa mình vào tình thế khó xử trước thực tại sẽ khiến cho đời sống trí thức tự triệt tiêu. Khốn khổ thay, kẻ ấy, người đọc ấy nhìn thấy điều đó, cảm nhận điều đó như cách một con rắn quằn quại trong hân hoan khi nuốt dần cơ thể của chính mình.


 

3. Sách vẫn được xuất bản dưới dạng giấy và điện tử khá ồ ạt. Văn chương, giải trí, học thuật, toàn cầu hóa, khoa học kỹ thuật, triết học, nghệ thuật nói chung… và dĩ nhiên, cả những sách cẩm nang, kỹ năng làm sao có thể đọc nhiều, nhanh và ít tốn thời giờ nhất. Thoạt nghe, đó là những điều kiện trọn gói để biến bất cứ ai thành một con mọt. Kênh đọc tưởng chừng đã rất mở rộng. Hoàn cảnh đọc tưởng chừng đã tốt lắm cho mọi loại độc giả. Người ta cũng nói, hô hào nhiều thành quen những mỹ từ kiểu như: nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức. Giữa xôn xao tưng bừng đó, kẻ nào đứng ra kêu gào rằng, sự đọc đang gặp những thách thức từ thực tế, e rằng, sẽ bị ném đá và khai trừ khỏi môi trường trí thức chỉ vì tư tưởng bi quan chủ nghĩa.

Nhưng, trước khi bị ném đá đến chết, chính kẻ ấy sẽ phải nói một lời hết sức chua chat mai mỉa rằng, việc xuất bản sách ào ạt như hiện nay, có khi lại là một sự tố cáo, lăng nhục xã hội (theo cách nói của George Eliot, nguyên văn: “sản xuất dư thừa các tác phẩm văn chương là một sự lăng nhục xã hội”) khi mà sách học thuật, kích hoạt khả năng trí thức nơi người đọc chỉ chiếm một phần rất nhỏ, phát hành rất yếu so với các loại sách giải trí như truyện khiêu dâm, văn chương bột nở…. dễ tiêu hóa và đạt được định mức khuây khỏa cần thiết.

      4.Trong diễn từ của những nhà văn đoạt giải Nobel gần đây, từ J. M. G. Le Clézio, Orhan Pamuk đến Mario Vargas Llosa bên cạnh nói về công việc viết thì cũng đề cao vai trò của sự tự do đọc trong tưng quan tự do ấn hành (xuất bản). Trong đó, quyết liệt nhất có lẽ là Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru, một đất nước mà “có rất ít người đọc, lại có quá nhiều người nghèo và mù chữ, có quá nhiều bất công và văn học là đặc quyền của một số ít người”; “những người còn nghi ngờ rằng văn chương không chỉ đưa chúng ta chìm vào giấc mơ của cái đẹp và hạnh phúc mà còn cảnh báo cho chúng ta về tất cả những hình thức áp bức, hãy tự hỏi mình vì sao tất cả các chế độ cố tình kiểm soát hành vi của các công dân từ lúc còn nằm nôi cho đến khi chết đều sợ tự do đến mức phải thiết lập hệ thống kiểm duyệt và phải theo dõi các nhà văn có tư tưởng độc lập một cách kỹ lưỡng đến như thế? Họ làm như thế vì biết rằng nếu để cho trí tưởng tượng tự do lang thang trên những trang sách thì họ sẽ gặp nguy hiểm đến mức nào, họ hiểu rằng khi người đọc so sánh cái tự do được thể hiện trong đó, so sánh cái tự do đủ sức làm cho trí tưởng tượng trở thành khả dĩ với chính sách ngu dân và sự sợ hãi đang đứng đợi ngoài đời thì trí tưởng tượng sẽ trở thành lực lượng dễ bùng nổ đến mức nào1)

Và trở lại thực tại, tôi tự hỏi, giữa một bên là nỗi thống khổ của sự mù chữ nghĩa đen nằm trong sự kiểm soát mà văn cảnh trên nêu ra với một bên là sự tự hoại của bầu khí quyển trí thức, nơi những độc giả tự chọc vào mắt mình, tự giới hạn không gian trí tưởng, tư duy như một cách né tránh nỗi khổ sở dằn vặt mà việc đọc, suy nghĩ tự do, việc bày tỏ thái độ sống và hành động trước hối thúc từ thực tế như những hoạt động trí thức đúng nghĩa, thì điều gì đáng sợ hơn?

 

5.Cuối cùng, câu hỏi thực dụng trên là một truy vấn báo trước những thách đố, sự lâm nguy của việc đọc trong tình cảnh mà cái biết và việc làm theo mach bảo của cái biết, cái nghĩ và việc nói điều trung thực với cách nghĩ khiến người ta dùng dằng, dằn vặt, khó tương thích với hiện thực sống.

Thế nhưng, đâu đó, việc đọc vẫn cứ diễn ra âm thầm. Làm một độc giả thời bây giờ, trong đời sống của chúng ta, là tự đặt mình vào nỗi hân hoan của những nan giải khôn cùng. Đôi khi, ý nghĩa tối hậu lại nằm trong một thông điệp đầy ương ngạnh: “Ừ, thì đọc chỉ để mà được trầm tư!”.

 

Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta