Giáo dục Việt Nam bỏ quên định hướng đọc sách cho học sinh

Thư viện phủ bụi, học sinh không đọc gì ngoài sách giáo khoa, mục đích đọc cũng chỉ để thi cử. Thậm chí, thời gian học tập, chạy theo bài vở đã khiến nhiều em “đuối sức”, huống gì là dành thời giờ cho sách. Đó là thực trạng vừa được Bộ GD&ĐT “đào xới” lại, chuyện mà vốn dĩ không hề mới trong giáo dục Việt Nam nhiều năm qua.

Cha mẹ phải là người giúp đỡ các em chọn sách phù hợp với lứa tuổi, dần hình thành thói quen cho các em.

90% người Việt chưa từng mượn sách đọc

Ngày 9.12 vừa qua, hội thảo “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng”, do Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ VHTT&DL tổ chức lần đầu tiên đã nêu lên nhiều vấn đề xung quanh việc đọc sách của học sinh hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình "Sách hóa nông thôn", đã tiến hành hơn 20.000 phỏng vấn cá nhân và tập thể trên 30 tỉnh, thành trong 10 năm nghiên cứu thiết kế ra các mô hình tủ sách. Kết quả, mỗi học sinh nông thôn chỉ đọc 1 - 2 đầu sách ngoài sách giáo khoa trong năm học. Qua phỏng vấn trên 3.000 người chủ yếu là độ tuổi từ 10 - 40 thì có 90% người chưa từng mượn sách ở thư viện nhà trường về nhà đọc.

Cũng cùng kết quả này, theo Cục Xuất bản, Bộ VHTT&DL, bình quân mỗi người VN đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện, người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách tới 44%, đọc thường xuyên chỉ chiếm 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số.

Từ những con số cụ thể đó, Bộ GD&ĐT đã phải thừa nhận thực trạng giới trẻ nói chung và học sinh trong các nhà trường phổ thông đang gần như “nói không” với sách. Nguyên nhân được đưa ra là do những hình thức nghe nhìn khác lôi cuốn nhiều hơn là đọc, tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần vấn đề.

Đối với học sinh nông thôn, các em hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa. Nguyên nhân có thể đến từ những yếu tố như thu nhập gia đình thấp, hệ thống thư viện nhà trường và điểm bưu điện văn hóa xã yếu kém. Vậy tức là giáo dục ở cả gia đình và nhà trường chưa thực sự đầu tư vào việc định hướng cho học sinh đọc sách.

Còn với những học sinh thành phố, lại có những nguyên nhân khác có phần “nguy cấp” hơn. Các em đang bị quá tải trước sức ép từ việc học tập, thi cử, học chính khóa rồi học ngoại khóa. Trong khi chương trình giáo dục chưa kích thích học sinh tìm kiếm tri thức ngoài sách giáo khoa, xã hội chưa ý thức được tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ em từ 4 - 15 tuổi. Bên cạnh đó, gia đình dù có điều kiện cũng không chú ý đến việc đọc cho con cái, chạy theo giáo dục dập khuôn.

Hiện nay, cả nước có 27.541 trường học, trong đó 24.746 trường có thư viện, chiếm tỉ lệ 89,9%. Con số này không hề nhỏ, vậy tức lại có gần 90% học sinh đã có thể tiếp cận được với sách. Thế nhưng, một thực tế lại đang cho thấy, phần lớn thư viện các trường đều phủ bụi, chưa hoạt động hết công suất. Bằng chứng là mỗi thư viện trường học thường chỉ có một cán bộ, nhiều người chưa được đào tạo cơ bản, chỉ một số ít người có trình độ đại học và trung cấp. Cán bộ thư viện trong các nhà trường chỉ được xem như “nhân viên giữ chìa khóa phòng đọc sách”. Họ chưa thực hiện được vai trò tư vấn, hướng dẫn học sinh chọn sách, đọc sách, khích lệ đam mê đọc sách của học sinh. Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Phó vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTT&DL - cho rằng, thư viện được coi là “trái tim” của trường học, là nơi cung cấp tri thức vô tận và phải được xem là người thầy của sự học.

Một mặt khác của việc tiếp cận sách hiện nay là nhiều học sinh có quan tâm đến việc đọc thì chủ yếu vẫn đến với truyện tranh, ngại ngần với truyện chữ. Điều này dẫn đến việc các em sợ văn trong nhà trường vì ít đọc, vốn từ nghèo nàn, cảm xúc khô cứng.

Giáo dục đang bỏ qua một người thầy lớn - Sách

“Không đọc sách, học sinh thiếu nhiều kỹ năng trong cuộc sống” là nhận định của ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ông cho rằng, hạn chế của học sinh hiện nay là thiếu kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn, thiếu kỹ năng sống và làm việc theo nhóm.

Nhìn nhận lại thực tế, một trong những lời khuyên của những người thành công trên thế giới dành cho giới trẻ là đọc sách. Không ít những người tự học qua sách và xem sách như người thầy của mình. Trong một chia sẻ về việc dạy học cho con, mẹ của em Đỗ Nhật Nam, người được biết đến với biệt danh thần đồng, cho biết, chị đã đọc sách cho con nghe từ khi trong bụng mẹ. Đến khi lớn lên, thói quen này vẫn được duy trì. Với chị, dạy con yêu sách, tôn trọng sách như người thầy vì đó là thế giới sẽ dạy con rất nhiều điều mà cả bố mẹ hay thầy cô đều sẽ không hiểu biết hết. Từ cách học đó, Nhật Nam vừa qua đã nhận được bằng khen của Tổng thống Mỹ về thành tích học tập xuất sắc của mình dù đây là lần đầu tiên em học ở nước ngoài.

Lấy ví dụ như vậy để thấy, giáo dục hiện tại dường như đang bỏ qua một người thầy rất lớn của các em học sinh, người sẽ dạy các em cả cuộc đời chứ không phải qua những năm tháng thi cử. Có thể khẳng định, phong trào đọc sách trong cộng đồng nói chung và trong nhà trường nói riêng tại Việt Nam hiện nay đang dần bị quên lãng. Bởi thậm chí, điều này còn không được sự khuyến khích của giáo viên và phụ huynh - những người đóng vai trò then chốt trong giáo dục học sinh. Những yêu cầu về kiểm tra đánh giá giáo dục cũng chưa khuyến khích học sinh phải đọc thêm nhiều tài liệu để có kết quả tốt. Vì vậy muốn thay đổi thực trạng này thì định hướng đọc sách phải trở thành nhiệm vụ bắt buộc của giáo dục.

Văn hóa đọc với ba yếu tố chính là: “Thói quen đọc, khả năng đọc và cách đọc”. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, hầu hết học sinh Việt Nam hiện nay đều chưa có cả ba yếu tố này. Và dù cho việc hô hào phát triển văn hóa đọc không phải là chuyện đến nay mới bàn thì vẫn còn hiếm nhà trường hay phụ huynh chấp nhận bỏ ra một khoảng thời gian trong ngày để cho phép trẻ đọc sách. Vậy nên, muốn thay đổi và hình thành một thói quen cho học sinh thì sự thay đổi đầu tiên phải ở cấp quản lý trong nhà trường và ở các bậc cha mẹ.

Về phía phụ huynh, cần xác định lại mục đích của việc học để tránh “sa đà”, vô tình đẩy con vào những cuộc chạy đua với thi cử, với điểm số. Giáo dục nhà trường sẽ còn những lỗ hổng, trong đó có việc đọc sách thì gia đình phải bù đắp những điều đó cho con bằng việc chọn sách, đọc sách cùng các em.

Về phía nhà trường, tuyệt đối không biến đọc sách trở thành môn văn thứ hai, cũng không thể bắt ép các em đọc sách theo cách “trả bài”, “lấy lệ” mà phải khuyến khích để việc đọc trở thành một thói quen cho mỗi học sinh. Giáo dục phải nhen nhóm đam mê đọc sách cho giới trẻ, và không có nơi nào hiệu quả hơn các nhà trường.

Ở mỗi cấp học, ngoài việc tạo môi trường đọc sách cho học sinh, các trường cần tư vấn, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng đọc sách phù hợp với mỗi đối tượng học sinh. Ví dụ học sinh các bậc học cao hơn phải được rèn luyện kỹ năng chọn sách, sàng lọc kiến thức cần thiết, bổ ích... Kỹ năng này càng cần thiết khi học sinh học đến THPT và ĐH-CĐ.

 

Nguồn http://laodong.com.vn/