Học từ xa: câu chuyện không chỉ trên đất Mỹ

Mới đây kênh VOA (Voice of America) đã đăng một đoạn phóng sự liên quan đến trào lưu giáo dục mới: học đại học từ xa qua mạng. Các chuyên gia khẳng định: “lớp học trực tuyến sẽ thay đổi các lớp đại học”

Tiết kiệm và linh hoạt

Có một sự thật rõ ràng rằng, học từ xa – học trực tuyến – học qua mạng không chỉ có lợi cho học viên mà còn có ích cho đơn vị đào tạo. Đối với học viên, một trong những lợi ích thiết thực nhất của phương pháp này chính là tiết kiệm chi phí. Trước tiên, chi phí phải trả cho một khóa học trực tuyến luôn rẻ hơn so với việc trực tiếp đến lớp học. Bên cạnh việc giảm thiểu chi phí đi lại, học qua mạng cũng cho phép họ không cần phải tìm thuê một phòng trọ gần trường. Lợi ích to lớn thứ hai mà họ có thể nhận được đó chính là học tập hiệu quả theo thời gian như ý. Phương pháp này hoàn toàn linh hoạt và phù hợp với người đi làm. Đối với các đơn vị đào tạo, họ có thể tuyển sinh với số lượng lớn mà không cần phải lo ngại vấn đề phòng ốc hay các vấn đề cơ sở vật chất khác.

Tại Việt Nam, thông qua các nghị định, quyết định ta có thể thấy rằng giáo dục từ xa cũng được các cấp lãnh đạo coi trọng. Dự báo đến năm 2020, trên cả nước sẽ có khoảng 30% (tương đương với 500.000 người) theo học các loại hình giáo dục từ xa. Tuy nhiên, để phát triển loại hình đào tạo này, còn cần phải vượt qua nhiều rào cản, thách thức lớn.
a22 Học từ xa: câu chuyện không chỉ trên đất Mỹ.



Học đại học từ xa qua mạng đang là trào lưu của giáo dục hiện đại

 

Rào cản lớn: ngân sách, đầu vào và bằng cấp

Rào cản lớn nhất là nền giáo dục đã chính quy hóa, với sự ra đời của hàng loạt các trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập, đã đáp ứng đáng kể nhu cầu của người học, nên các loại hình đào tạo từ xa, không chính quy ít được coi trọng hơn. Thêm nữa là do đứng sau loại hình đào tạo chính quy nên nguồn ngân sách đầu tư cho loại hình này cũng thua kém, rồi bằng cấp hệ không chính quy cũng bị đánh giá thấp hơn…

Theo TS. Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Một thách thức không kém phần quan trọng là “đầu vào”, một trong những nhân tố quyết định đối với chất lượng đào tạo đại học. Trong khi đó, ở loại hình đào tạo từ xa chủ yếu là những người cán bộ đang công tác do xa cách về địa lý, điều kiện thời gian eo hẹp, hoặc là những cán bộ địa phương cần nâng chuẩn bằng cấp, rồi thứ đến là những học sinh có học lực trung bình không thi đỗ được vào các hệ chính quy các trường…. Với đầu vào như vậy, thì không thể nói là đảm bảo chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng không thể mở ra đào tạo rồi chấp nhận chất lượng kém cho đầu ra. Đây là thách thức không nhỏ buộc các trường bằng cách này, hay cách khác phải vượt qua.

Cần nỗ lực từ 2 phía

Thực tế cho thấy, với hình thức học đại học từ xa qua mạng, phần lớn đối tượng đi học là cán bộ, công chức đã có kinh nghiệm công tác. Thế nên những bài giảng mang tính nghiệp vụ đối với họ cũng không phải là điều xa lạ. Họ đi học cũng là để hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức cần thiết, ít nhiều trong họ cũng có một nền tảng kiến thức chuyên môn nhất định. Nếu phát huy được tính tự học, quản lý tốt và có những giải pháp hợp lý, mô hình giáo dục này lại phát huy được khả năng tự học, sáng tạo của người học và chất lượng đầu ra đảm bảo là điều hoàn toàn có thể.

Theo ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Trung tâm phát triển đào tạo, Viện Đại học Mở Hà Nội: Có 2 yếu tố căn bản quyết định chất lượng đào tạo cho loại hình đào tạo từ xa là khả năng tự học của người học và cách thức tổ chức lớp học, hệ thống giáo trình và các hình thức hỗ trợ học tập, thi cử, thông qua trực tuyến… cũng là những tác nhân quan trọng góp phần xúc tác ý thức học tập của mỗi cá nhân. Như ở Viện Đại học Mở, song song với việc kết hợp với các đơn vị liên kết quản lý hiệu quả các lớp đào tạo, chúng tôi liên tục hoàn thiện, cập nhật thông tin, các giáo trình, bài giảng thực hành, qua hệ thống các thư viện học liệu mở, sao cho người học có đủ thông tin cần khai thác. Cách thức tổ chức thi và ra đề cũng hướng tới các giá trị thực tế, để làm được bài người học cần phải hiểu chứ không phải là học thuộc.

Nguồn VOV