Không tuyển sinh bằng mọi giá để đảm bảo chất lượng

Cùng với cả nước, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đang gấp rút triển khai công tác tuyển sinh năm 2018. Tiến độ thực hiện đến thời điểm này; các giải pháp thu hút thí sinh đăng ký; định hướng đào tạo cũng như quan điểm chỉ đạo trong quá trình tuyển sinh năm nay ra sao? - là những nội dung có trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Báo Thái Nguyên với GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN.

P.V: Hiện nay, công tác tuyển sinh của ĐHTN đã tiến hành được tới đâu thưa ông?

Năm nay, ĐHTN có chỉ tiêu tuyển sinh hơn 10 nghìn sinh viên, theo hai hình thức xét tuyển là dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và kết quả ghi trong học bạ THPT. So với chỉ tiêu tuyển sinh và các ngành học của năm trước, ĐHTN đã có những điều chỉnh phù hợp với thực tế nhu cầu và cơ hội làm việc theo đúng chuyên môn đào tạo của xã hội. Cụ thể là giảm 700 chỉ tiêu đào tạo hệ đại học, cao đẳng; tạm dừng hoặc bổ sung một số ngày tùy thuộc vào nhu cầu của xã hội.

GS.TS Phạm Hồng Quang: Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, việc tuyển sinh đại học và cao đẳng đã được giao cho các trường tự chủ. Theo lộ trình, các trường đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển chính thức của thí sinh. Cùng với đó là phân tích dữ liệu để xác định điểm trúng tuyển, dựa trên ngưỡng điểm đảm bảo đã công bố. Năm nay, Đại học Sư phạm có ngưỡng điểm đảm bảo cao nhất là 17 điểm; một số ngành đào tạo dao động từ 13-15 điểm. Tinh thần chỉ đạo chung của ĐHTN là phải nâng ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng so với năm trước, không thể vì mục tiêu số lượng mà hạ điểm đầu vào gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

P.V: Trong bối cảnh các trường đại học, cao đẳng cả nước đều khó khăn trong công tác tuyển sinh, ĐHTN cũng không phải ngoại lệ. Thực tế, những năm gần đây ĐHTN đều không tuyển đủ so với chỉ tiêu đề ra. Vậy năm nay, đơn vị có những giải pháp nào đối với vấn đề này, thưa ông?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Trước hết có thể thấy, nguồn thí sinh tốt nghiệp THPT ở nhóm có điểm thấp chủ yếu đi học nghề hoặc tham gia lao động tại các công ty ngày càng phổ biến. Mọi người đã hướng tới các mục đích thiết thực hơn là đi lao động kiếm sống trước và cơ hội để học đại học không chính quy vẫn mở. Do vậy, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chính quy ngày càng giảm, nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Đây là khó khăn chung, chắc chắn các trường phải có giải pháp trên cơ sở quan điểm càng ít thì càng phải đảm bảo chất lượng. Số lượng tuyển sinh giảm cũng là cơ hội để các trường kiến thiết, tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chuyển hướng hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác với doanh nghiệp để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu. Trước đây, các trường phần lớn trông vào nguồn tuyển sinh thì nay buộc phải năng động hơn trong mọi lĩnh vực.

P.V: Điều thí sinh và gia đình quan tâm nhất khi đăng ký vào một ngành học là nội dung đào tạo và cơ hội việc làm khi ra trường. Xin ông cho biết một số điểm mới trong công tác đào tạo của ĐHTN thời gian qua?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Việc làm là yếu tố quan trọng nhất đối với người đi học. Việc làm sau tốt nghiệp cũng được các thí sinh tìm hiểu và đòi hỏi bản thân các em phải có sự lựa chọn kỹ. Bởi thị trường luôn năng động, biến đổi trong khi tên ngành nghề học thì thay đổi chậm. Cần phải tư duy rằng giáo dục đại học chỉ là một trong những điều kiện để tham gia vào thị trường lao động nhưng không phải là duy nhất. Các thí sinh hiện nay đã cơ bản lựa chọn ngành học theo nguyện vọng và nhu cầu xã hội.

Những năm gần đây, ĐHTN đã có sự điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và ngành nghề cho phù hợp thực tế. Một số chuyên ngành đã lỗi thời, ít nhu cầu được điều chỉnh giảm số lượng tuyển sinh hoặc bỏ hẳn. Đồng thời mở thêm các chuyên ngành mới theo nhu cầu nhân lực của xã hội. Nội dung, hình thức đào tạo, định hướng cơ hội việc làm đều được các trường giới thiệu bằng nhiều hình thức để thí sinh tham khảo, cân nhắc trước khi đăng ký xét tuyển.

P.V: Để thu hút thí sinh có kết quả điểm thi THPT Quốc gia cao đăng ký, từ đó làm cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo đã được các trường thành viên của ĐHTN thực hiện như thế nào, thưa ông?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Những năm gần đây, nhiều đơn vị của ĐHTN đã vận dụng những chính sách thu hút sinh viên, khuyến học để nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là cấp học bổng toàn phần cho những sinh viên có điểm số tuyển sinh cao, tặng máy tính, miễn giảm học phí, hỗ trợ nội trú… Năm 2017, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã cấp học bổng toàn phần cho các thí sinh trúng tuyển có mức điểm từ 22 trở lên. Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông hỗ trợ những sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; sinh viên hệ cử tuyển; dự bị đại học, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được miễn 100% học phí toàn khóa... Năm nay, các trường tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút thí sinh có điểm thi cao đăng ký. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao trong quá trình học.

ĐHTN đã giao quyền tự chủ cho các trường. Chúng tôi kiểm soát chất lượng trên cơ sở ngưỡng điểm đầu vào, đội ngũ giảng viên, cũng như điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

P.V: Nhận định của ông về thực tế tuyển sinh năm nay của ĐHTN so với chỉ tiêu đề ra liệu có khả thi?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Theo nhận định của tôi, một số trường sẽ tuyển sinh đủ so với chỉ tiêu đề ra nhưng có cơ sở cũng gặp khó khăn do tỷ lệ thí sinh đăng ký ít, điểm thi hoặc điểm học bạ không đáp ứng ngưỡng đảm bảo. Quan điểm chỉ đạo của ĐHTN là không tuyển sinh bằng mọi giá để đảm bảo chất lượng.

 
Hồng Tâm 
(thực hiện)