Mối lo về văn hóa đọc

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc gần đây, bình quân mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 đầu sách/năm. Trong khi đó, cách đây 10 năm, ở Ma-lai-xi-a, mỗi người dân đã đọc trung bình 2 đầu sách/năm; đến năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10 đến 20 đầu sách/năm. Với các quốc gia ở châu Âu, con số này còn lớn hơn nhiều. Vậy, văn hóa đọc ở nước ta liệu có đang ở mức báo động?

Lý giải về vấn đề này, một số người cho rằng: Nguyên nhân chính là do giá sách quá cao so với mức thu nhập của số đông người dân. Thêm vào đó là chất lượng sách chưa tốt, số sách quá ít ỏi phân bổ tại các thư viện bình quân cũng chỉ đạt 0,35 bản/người. Những lý giải nêu trên cũng đúng, nhưng chưa đủ. Theo chúng tôi, nguyên nhân chính nằm ở phía chủ quan của người Việt chúng ta, đó là ý thức đọc sách để tích lũy tri thức vẫn còn rất hạn chế.

Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, hiện nay ngay cả học sinh, sinh viên - lứa tuổi thích khám phá, tìm tòi kiến thức từ sách, cũng rất lười đọc sách. Ví dụ, ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) có hẳn một thư viện, với hàng nghìn đầu sách các loại, đủ phục vụ nhu cầu đọc của gần 1.500 học sinh của nhà trường. Thế nhưng, thời gian đầu, mỗi ngày có khoảng vài ba chục lượt học sinh tới đọc sách, hoặc mượn sách về nhà để đọc. Nhưng đến nay, số học sinh đến thư viện giảm dần. Cán bộ phụ trách thư viện than thở: "Làm công tác thư viện thật buồn chán, có ngày chỉ có vài ba học sinh lên đọc, nhưng nhiều ngày chẳng thấy bóng em nào. Nhiều sách, tư liệu quý, nhưng cứ nằm yên trên giá mà chẳng thấy ai mượn đọc cả. Thật phí hoài!"

Không riêng gì Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng mà ở hầu hết thư viện nhà trường phổ thông, thư viện tỉnh ở nhiều địa phương khác cũng chung tình cảnh thưa vắng học sinh, giáo viên đến đọc, mượn sách. Còn tại các trường cao đẳng, đại học, mặc dù đã được đầu tư nhiều tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, khang trang (như Thư viện Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm thư viện Trường Đại học Bách khoa hay Trường Đại học Kinh tế quốc dân ở Hà Nội…), thế nhưng những thư viện này vẫn không “hút” được sinh viên đến đọc sách. Thời gian sinh viên đến thư viện đông nhất tập trung vào tháng 12 và tháng 6 (thời điểm chuẩn bị thi cuối kỳ). Còn những ngày thường khá vắng vẻ. Trong khi đó, tại các phòng internet ở thư viện các trường đại học lúc nào cũng đông sinh viên lui tới để sử dụng wifi, internet miễn phí vào việc riêng.

Một bộ phận cán bộ, công chức, giáo viên, giảng viên cũng lười đọc sách nhưng lại đưa ra lý do: Không có thời gian, hoàn cảnh gia đình, kinh tế eo hẹp; tuổi tác, sức khỏe hạn chế, thích đọc mạng hơn sách…

Được biết, hiện nay nước ta có tới hơn 24.000 tiến sĩ và hàng trăm nghìn thạc sĩ… Số lượng này được xếp vào loại nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Song những công trình khoa học, bài báo khoa học được đăng trên những tạp chí uy tín trên thế giới lại thuộc loại thấp nhất. Trong 10 năm, trung bình mỗi giảng viên đại học, cao đẳng ở nước ta chỉ có được 0,58 sáng kiến khoa học. Không ít người cho rằng, khi đã trang bị đủ bằng cấp, yên vị rồi, những tiến sĩ, thạc sĩ không còn mấy mặn mà với việc đọc sách, ít tìm tòi, sáng tạo nên làm gì có sáng kiến, công trình khoa học? Giới trí thức, khoa học mà “quay lưng”, thờ ơ với thư viện, với đọc sách thì quả là đáng lo ngại.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, từ năm 2011 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức hàng loạt các hoạt động, sự kiện cho “Ngày hội đọc sách 21-4” hằng năm. Hoạt động này đã và đang thu hút sự quan tâm, chú ý của một số tầng lớp nhân dân. Song về lâu dài, cần có sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhất là ngành văn hóa và giáo dục cho hệ thống thư viện, giảm giá thành sách các loại. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh giá trị của sách, việc đọc sách, những người mê sách... Còn phía nhà trường, cần nghiên cứu giảm bớt áp lực thi cử, học hành, kiến thức khô cứng cho học sinh. Riêng phía gia đình, các bậc làm cha, làm mẹ cần nêu gương và quan tâm, cổ vũ, khích lệ con trẻ yêu sách, mê đọc sách. Làm được điều này, chúng ta mới có cơ hội đẩy văn hóa đọc của người Việt lên tầm cao mới.

 

Đỗ Tấn Ngọc

Theo Báo Quân đội nhân dân