Một số dịch vụ thông tin thư viện dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin & truyền thông và khả năng áp dụng tại Việt Nam

Dịch vụ mượn trực tiếp (Borrow Direct)

Xuất phát từ nhu cầu mượn tài liệu nhanh, thời gian sử dụng ngắn so với dịch vụ Mượn liên thư viện, tháng 12/1999, thư viện của 3 trường Đại học Columbia, Yale và Pennsylvania (Mỹ) cùng thực thi đề án “Dịch vụ mượn trực tiếp” (Borrow Direct)  cung cấp cho bạn đọc  khả năng tìm kiếm và nghiên cứu, yêu cầu các tài liệu từ một thư mục liên hợp với khoảng 70 triệu cuốn sách. Điểm nổi trội của dịch vụ là thời gian chờ đợi ngắn, từ khoảng 3 đến 4 ngày làm việc thay vì 2 tuần đối với mượn liên thư viện. Thời gian sử dụng tài liệu là 6 tuần, và không được gia hạn. Thông tin theo dõi về tài liệu yêu cầu sẽ tự động cập nhật vào email. Trong thời gian bạn đọc đang giữ tài liệu, nếu có bạn đọc khác cần đến thì bạn đó phải trả tài liệu ngay trong 3 ngày. 

Có thể thấy, thực chất dịch vụ mượn trực tiếp chính là dịch vụ mượn liên thư viện chất lượng cao hay mượn liên thư viện “siêu tốc” và do đó, việc áp dụng vào các cơ quan thông tin thư viện (TTTV)  Việt Nam là không quá khó khăn. Chúng ta cần xây dựng một cơ chế, chính sách giữa các thư viện thành viên (thời gian mượn, số lượng học liệu được phép mượn, chi phí …), thiết lập mục lục liên hợp và sử dụng phần mềm. Với mục lục liên hợp, trong trường hợp chưa thể tạo lập được ngay, có thể sử dụng một cổng thông tin (portal) để kết nối và tập hợp các Mục lục truy nhập công cộng trực tuyến (OPAC) của các đơn vị thành viên, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dùng trong việc tra cứu các nguồn tài nguyên. Với phần mềm, khả thi nhất là sử dụng chung một phần mềm hoặc tạo ra sự liên kết và tương thích giữa các phần mềm khác nhau của các đơn vị thành viên.

Ảnh minh họa

Dịch vụ đa phương tiện (Information Commons)

Information Commons (tạm dịch là “Dịch vụ đa phương tiện”) là loại dịch vụ tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin và thư viện (lưu hành, tham khảo, hỗ trợ máy tính và khu vực học tập, kể cả nghe nhìn). Dịch vụ này rõ ràng mang tính ưu việt, thu hút nhiều hơn nữa người dùng do tính chất đa phương tiện và thuận tiện của nó. Loại dịch vụ này rất được ưu chuộng, nhất là đối với các thư viện mới xây dựng. Nó đặc biệt rất tiện tích trong việc hỗ trợ bạn đọc sử dụng theo tính cá nhân hoặc hướng dẫn kỹ năng nghiên cứu theo nhóm. Tuy nhiên, đối với cán bộ TTTV, dịch vụ này đòi hỏi họ phải am hiểu cả công tác thư viện và công nghệ thông tin. Việc phân công cán bộ thực hiện dịch vụ này có thể linh động theo điều kiện thực tế của từng đơn vị, như cán bộ thông tin thư viện phối hợp với cán bộ công nghệ thông tin, hay cán bộ phục vụ là người thành thạo cả kỹ năng thông tin thư viện cũng như công nghệ thông tin.

Tuy có tiếng là tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin và thư viện, việc cung cấp hình thức dịch vụ này có thể thực hiện ở hầu hết các thư viện cao đẳng đại học của Việt Nam. Đơn giản nhất, chúng ta có thể cung cấp máy tính (máy tính để bàn hoặc máy tính cá nhân) có kết nối mạng internet, ổ điện để phục vụ cho các hoạt động như tra cứu tin, lưu hành, hỗ trợ kỹ năng trích dẫn tài liệu tham khảo, kỹ năng thuyết trình …Hiện đại hơn, chúng ta có thể cung cấp thêm hệ thống wifi miễn phí, máy chiếu, tivi, máy chụp kỹ thuật số, máy scan, máy in, máy photocopy, phòng học nhóm, góc khán giả đi kèm với dịch vụ xử lý sự cố máy tính, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, làm thí nghiệm ảo trên internet, tạo lập các video clips, xây dựng các trò chơi, làm bài tập dự án (project based learning) …Việc triển khai sâu rộng và mạnh mẽ dịch vụ này là rất khả thi, nhất là khi phương pháp dạy và học đang thay đổi theo hướng tập trung vào người học (learner-centered), hoạt động nhóm (team work) và làm bài tập dự án (project based learning) như hiện nay. 

Không gian trải nghiệm và sáng tạo (Maker spaces)

Maker Spaces (tạm dịch là “không gian trải nghiệm và sáng tạo”) cung cấp không gian và các thiết bị hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu sử dụng các công nghệ mới để biến ý tưởng thành hiện thực. Nói cách khác, Maker spaces là một loại xưởng sản xuất mini trong cơ quan thông tin thư viện hay một loại hình dịch vụ đa phương tiện (Information Commons) hướng đến việc tạo ra một sản phẩm cụ thể, thường là sản phẩm mang tính vật lý hoặc hữu hình.

Cũng giống như dịch vụ tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin và thư viện, dịch vụ Maker spaces hoàn toàn có thể triển khai tại đa số các thư viện cao đẳng đại học Việt Nam. Gọi là không gian nhưng không nhất thiết chúng ta phải tạo phòng ốc, xây dựng thêm các phòng hay khu vực, mà có khi chỉ đơn giản là sử dụng vách ngăn di động hay vách ngăn đơn giản tận dụng từ các banner cũ. Cả dịch vụ Information Commons và Maker spaces, không chỉ đòi hỏi trình độ công nghệ cao của cán bộ phục vụ mà còn đòi hỏi chính sách, các quy định rõ ràng về sử dụng các dịch vụ này cũng như các hướng dẫn cụ thể cho việc trải nghiệm chúng.

Sử dụng công nghệ in 3D tạo ra các sản phẩm theo nhu cầu

Công nghệ 3D trong các cơ quan thông tin thư viện đang mở ra rất nhiều điều thú vị. Với một cái máy in 3D, người dùng có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm theo ý tưởng của mình mà không phải tốn kém quá nhiều chi phí cho việc này. Chỉ với một máy in 3D, các cán bộ của bất kỳ thư viện hay trung tâm thông tin nào cũng có thể biến nó thành một dịch vụ tiện ích, mới mẻ, với điều kiện cả cán bộ và người dùng tin của cơ quan, đơn vị phải biết cách vận hành nó cũng như có khả năng tìm kiếm hay sáng tạo ra các mô hình để biến các mô hình đó thành sản phẩm thực tế.

Câu chuyện về cậu bé Mason Wilde là một ví dụ sinh động về tính hiệu quả và nhân văn của dịch vụ in 3D. Từ các bản vẽ thiết kế trên mạng, MasonWilde, một học sinh trung học ở bang Kansas của Mỹ, đã sử dụng máy in 3D trong thư viện để chế tạo ra một "bàn tay robot" cho cậu bé Matthew, vốn bị mất bàn tay trong một tai nạn. Hiện tại, Matthew có thể dùng bàn tay này để cầm nắm đồ vật, viết chữ và làm nhiều việc khác.

 

Tài liệu tham khảo

American Library Association. Why we must talk about the Information Commons. Retrieved from http://www.ala.org/offices/oitp/publications/infocommons0204/brollier

Drewes, K. & Hoffman, N. (2010). Academic embedded librarianship: an introduction. Retrieved from http://www.lib.umd.edu/binaries/content/assets/public/architecturelibrary/embedded-librarian.pdf

Carlson, J. & Kneale, R. (2011). Embedded librarianship in the research context: navigating new waters. Retrieved from

http://crln.acrl.org/content/72/3/167.full

http://www.loc.gov/bibframe/pdf/marcld-report-11-21-2012.pdf

Huỳnh, T.T. (2009). Một số dịch vụ mới trong các thư viện trường ĐH của Mỹ. Truy cập tại http://webapp.lrc.ctu.edu.vn/bantin/index.php/chuyen-de/22-chuyen-de/42-mt-s-dch-v-mi-trong-cac-th-vin-trng-h-ca-m

Oblinger, D.G. (2006). Learning spaces. Retrieved from https://net.educause.edu/ir/library/pdf/PUB7102g.pdf

Oyler, P. G. (2013). Xu hướng phát triển của thư viện đại học và thư viện chuyên ngành. Bài giảng tại tọa đàm “Xu  hướng phát triển của thư viện đại học, thư viện công cộng tại Hoa Kỳ: gợi mở cho Việt Nam”, tổ chức tại Thái Nguyên, năm 2013.

Shumaker, D. & Talley, M. (2009). Models of embedded librarianship: final report . Retrieved from http://hq.sla.org/pdfs/embeddedlibrarianshipfinalrptrev.pdf

Student News Daily (2014). Kansas teen uses 3D print to make hand for boy. Retrieved from

http://www.studentnewsdaily.com/daily-news-article/kansas-teen-uses-3-d-printer-to-make-hand-for-boy/

Trung tâm công nghệ thông tin – Đại học Thái Nguyên (2013). Tìm hiểu về mô hình điện toán đám mây. Truy cập tại địa chỉ

http://itc.tnu.edu.vn/notice/details/254

Univeristy of Sheffield. Information Commons. Retrieved from https://www.sheffield.ac.uk/infocommons

Weibel, K. (2013). Thư viện công cộng Hoa Kỳ hỗ trợ hoạt động phát minh, đổi mới công nghệ & tương lai của thư viện công cộng Hoa Kỳ. Bài giảng tại tọa đàm “Xu  hướng phát triển của thư viện đại học, thư viện công cộng tại Hoa Kỳ: gợi mở cho Việt Nam”, tổ chức tại Thái Nguyên, năm 2013.

 

Vũ Minh Huệ, Nông Bích Ngọc – Phòng Công tác Nghiệp vụ

(trích từ Kỷ yếu hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước năm 2015).