Muôn dặm không mây - Hành trình khám phá con đường tơ lụa

Tôn Thư Vân - một phụ nữ Trung Quốc lớn lên trong thời kỳ cách mạng văn hóa - đã quyết định một mình khám phá hành trình của ngài Huyền Trang - vị cao tăng nhà Đường từng đi con đường tơ lụa sang Ấn Độ thỉnh kinh.

Chuyến đi của bà được thuật lại trong Ten thousand miles without a cloud (Muôn dặm không mây). Thành công vang dội của cuốn sách khuyến khích bà tự dịch và xuất bản tại Trung Quốc năm 2004.

Cuộc lữ hành bắt đầu từ thành phố Tây An, tức kinh đô Trường An thời nhà Đường, đến Turpan là ốc đảo lớn nhất tại Tân Cương, đến Kucha - Urumqi, qua một số nước phía nam Nga như Kyrgyzstan, vòng qua Afghanistan, tới Ấn Độ. Khi về bà còn ghé thăm Vu Điền và Mạc Cao Đôn Hoàng, những địa danh quan trọng trên con đường tơ lụa. Bà chỉ đi bằng ôtô và tàu hỏa, trực tiếp tìm hiểu cuộc sống của người dân các vùng đi qua để gạn tìm những dấu tích của ngài Huyền Trang.

Năm 646, con đường ngài Huyền Trang đi chứa đầy hiểm nguy, tưởng như một con người nhỏ bé không thể vượt qua. Ngài từng suýt chết trong sa mạc, trên núi tuyết cao vạn trượng, từng bị giặc cướp bắt tế thần, bị các quốc vương ép lưu lại và gả công chúa... Những chi tiết đó đều xuất hiện trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân mà nhiều người từng biết. Cuối cùng, sau 17 năm ngài vẫn trở về được thành Trường An cùng nhiều bộ kinh sách quý giá, giúp Phật giáo nhà Đường đại thịnh. Bản thân ngài là một sứ giả văn hóa kỳ diệu.

Chuyến đi năm 1999 của Tôn Thư Vân vẫn không ít hiểm nguy. Bà phải đi qua nhiều vùng tình hình bất ổn của Tân Cương, đến gần Afghanistan trong thời điểm Taliban đang chiếm đóng.

Bỗng dưng từ bỏ cuộc sống thường nhật để bắt đầu hành trình dài hàng năm trời đầy bất trắc, điều đó hoàn toàn không đơn giản. Trải nghiệm trên đường đi khiến Tôn Thư Vân có những khoảnh khắc tin rằng mình đã đến gần hơn với ý nghĩa của sự “tìm kiếm”:
 
“Tôi đứng dưới cội bồ đề. Tiếng tụng kinh đã ngừng, chỉ còn những tiếng lầm rầm của người khấn nguyện và tiếng lao xao của lá cây. Hốt nhiên, giờ khắc này tôi cảm thấy gần ngài Huyền Trang hơn. Trên chuyến Tây hành, tôi mãi tìm cầu cảm giác, tư tưởng của ngài, từ đó mà hiểu được thế giới nội tâm của ngài. Đôi lúc, ngài và Huệ Lập như đang nói với tôi; lúc ngài bị cường đạo đưa lên đài chuẩn bị tế thần sông, ngài nghĩ gì; có lúc tôi lại nghĩ như “đuổi gió bắt bóng” khi ngài phải đối mặt với những tình huống đặc biệt như gặp băng tuyết trên ngọn Thiên San. Nhiều lúc tôi phải thừa nhận đã hoàn toàn thất bại...
Con đường tơ lụa - Hành trình huyền ảo mà không ít hiểm nguy

Chúng tôi không cùng thời đại, không cùng không gian, quan trọng hơn là không đồng cảnh giới. Nhưng hiện tại, dưới cây bồ đề, ngay trên mảnh đất thánh này, sự kiền thành của những người triều bái đã cảm động tôi, tôi cũng cảm nhận được tiếng khóc của ngài Huyền Trang dưới cội bồ đề, tôi cảm thấy khoảng cách giữa chúng tôi rút ngắn lại. Dù ở một thế giới khác mà tôi không thể tiếp cận, nhưng ngài vẫn hiện hữu và theo từng bước chân tôi”.

Cuộc hành trình mang lại nhiều kết quả nhưng cũng nhiều thất vọng, vì con đường cũ đang dần biến mất. Những năm qua, các di tích Phật giáo vẫn liên tục bị phá hoại, đánh cắp, bị hư hỏng như hai bức tượng Đại Phật ở Afghanistan, như hàng ngàn bích họa quý giá ở Đôn Hoàng... Nhưng vẻ đẹp của các thành tựu văn hóa vẫn không ngừng làm tác giả kinh ngạc:

“Tôi vốn nghĩ Tân Cương là vùng đất hoang vắng, thế mà không ngờ nơi sa mạc tịch tĩnh, khô cằn này lại ẩn tàng thế giới đa nguyên, ẩn tàng nền văn minh xán lạn như vậy. Các tiên nữ đang múa trong Thiên Phật động không khác gì hình ảnh trong các tự viện Ấn Độ...; các kỵ sĩ mặc giáp phục của vương triều Ba Tư đang chiến đấu để giành xá lợi Phật; chim muông trong các bích họa mang âm vị bích họa Trung Quốc; thần mặt trời, mặt trăng trên đỉnh động nhìn xuống chúng tôi, thần Apollo đang ngồi trên chiến xa, quầng sáng bao phủ, trên xe đối diện là nữ thần Artemis, xung quanh là quầng tối tượng trưng cho bóng đêm... Những nhân chứng của nền văn minh bị quên lãng đã không thể cho chúng ta biết nguyên nhân nào khiến họ xa quê, đến vùng đất hoang vu này kiến lập thiên đường nhân gian. Trong thời đại chinh chiến, đố kỵ, họ lại khoan dung và tôn trọng những bộ tộc không cùng quan điểm”.

Một chuyến đi để tìm kiếm, như vậy, có thể chỉ để biết là không tìm được và biết là mình còn biết quá ít. Nhưng quan trọng là người ta đã lên đường.

Ý nghĩa của Muôn dặm không mây là tâm không còn bị trói buộc, không phiền não. Chỉ ai có nghị lực trải qua gian khổ để chiến thắng bản thân mình mới có thể đạt đến cảnh giới đó. Khi tâm con người đã được giải phóng thì khoảng cách hữu hình hay vô hình đều có thể vượt qua.

Nguồn Theo Tuổi trẻ

Quý thấy cô và bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách theo ký hiệu xếp giá 294.3092/ VAN

 Vị trí: kho sách giáo trình tầng 2 - Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên.