Nhận diện quyền lực

Khi bản thảo Nhận diện quyền lực chuẩn bị đến nhà in thì xảy ra sự kiện ngày 11.9.2001, hai chiếc máy bay bị không tặc chiếm giữ đâm vào toà tháp đôi trung tâm thương mại Thế giới, biểu tượng sức mạnh và phồn vinh của nước Mỹ.

Không tiên tri một cách chính xác về sự kiện này cũng như những cuộc khủng bố sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng từ góc nhìn phê phán đầy uyên bác của một trí thức cánh tả sống trong lòng nước Mỹ, Noam Chomsky đã tiên liệu được tất cả, thậm chí, cắt nghĩa những gì sẽ xảy ra ở thì tương lai của nước Mỹ, với người Mỹ rất sáng rõ qua cuốn sách này.

Cuốn sách là tập hợp những ghi chép từ hàng chục cuốn băng trao đổi, phỏng vấn với giáo sư, triết gia, nhà trí thức Noam Chomsky; mục đích là đưa ra được tổng quan tư tưởng của “nhà trí thức quan trọng nhất hiện đang còn sống” (theo cách nói của New York Times).

Hơn 550 trang sách tập hợp nội dung nhiều cuộc trao đổi diễn ra ở nhiều không gian, nhiều sự kiện khác nhau, song những người biên tập đã có một sự sắp xếp khoa học, có kịch tính, sự hài hước thông thái, giúp người đọc đi vào các vấn đề nặng nề như chính trị, sự trung thực của truyền thông, triết lý giáo dục, trí thức và thay đổi xã hội, cuộc đấu tranh quần chúng... một cách rất riêng, đầy cuốn hút.

Như chương nói về mô hình tuyên truyền của các phương tiện truyền thông lớn đang đứng về quyền lợi của ai trong xã hội là một chủ đề thú vị. Trước đó, trong một cuốn sách viết chung với Ed Herman, có tựa Manufacturing consent (Tạo dựng sự đồng thuận, viết năm 1988), Noam Chomsky đã đối chiếu hai mô hình: phương tiện truyền thông cần phải hoạt động như thế nào và trên thực tế, chúng thực sự hoạt động ra sao. Từ những dữ liệu điều tra xã hội, nghiên cứu phương thức kinh doanh, thương cuộc của các hãng truyền thông Mỹ đã phân tích trong Tạo dựng sự đồng thuận, ở cuốn sách này, ông đi đến khẳng định: “Các phương tiện truyền thông khác (quan điểm, thái độ, nguyện vọng) với quảng đại quần chúng, chúng rất giống với giới chóp bu ở Mỹ”. Không chỉ truyền thông, mà môi trường học giới, chính sách giáo dục, thị trường kinh tế và xa hơn, là sách lược đối nội đối ngoại đều nằm trong sự kiểm soát thao túng của giới chóp bu này, đẩy quần chúng vào trong tình trạng không ngừng ngơ ngác, lo lắng khi những thông điệp tuyên truyền quá xa lạ với thực tế mà họ đang sống và trải nghiệm.

Ông mổ xẻ, chính vì là công cụ của giới chóp bu, cho nên các cuộc tranh luận chính trị xã hội trên truyền thông chẳng qua chỉ là một cuộc tiếp nhận tập hợp các giả định thể hiện những quan điểm cơ bản của hệ thống tuyên truyền, rồi trình bày phạm vi của cuộc tranh luận bên trong khuôn khổ, vì vậy tranh luận chỉ làm tăng thêm sức mạnh những giả định, gieo chúng vào tâm trí người ta như thể đó là toàn bộ phạm vi các quan điểm khả nhiên. Ông phơi bày những biểu hiện của thứ “dân chủ giả hiệu”: “Vì vậy, bạn có thể thấy trong hệ thống của chúng ta, cái mà các bạn có thể gọi là “tuyên truyền nhà nước” không được thể hiện như nó thường được thể hiện trong xã hội chuyên chế – mà được giấu kín và được tiên định, nó cung cấp một khuôn khổ để tranh luận giữa những người được nhận vào cuộc thảo luận chính thống”.

Một trong những vấn đề thú vị mà cuốn sách đề cập đến được người đọc Việt Nam ưu tư tìm thấy nữa, đó là mối quan hệ nhân quả giữa thúc đẩy giáo dục với một xã hội trí thức. Noam Chomsky cũng cho rằng, xã hội muốn phát triển bền vững phải trang bị một “nền văn hoá trí thức”.

Với thân phận trí thức hiện tại, ông quan niệm, đó phải là những người đứng bên ngoài thể chế, để không tạo ra những kiểu “phản biện trung thành” “tranh luận trong khuôn khổ”. Vì: “không có lý do giải thích tại sao các thể chế quyền lực và thống trị lại dung thứ hoặc khuyến khích những người cố gắng ngầm phá hoại họ cả. Điều đó sẽ làm cho họ hoàn toàn bị mất quyền năng. Vì vậy, về mặt điển hình, các bạn sẽ tìm thấy những cố gắng lớn được tạo nên để đưa ra ngoài lề những trí thức chân thật và nghiêm túc, những người tận tâm với cái mà tôi gọi là những giá trị khai sáng, những giá trị chân lý, độc lập, tự do và công lý. Và những cố gắng ở một phạm vi lớn sẽ thành công”.

Các vấn đề: chiến tranh lạnh, thị trường tự do, căn bệnh người Mỹ sợ hãi có mối quan hệ thế nào với các chính sách đối ngoại chính trị của Mỹ thực hiện ở các nước thế giới thứ ba, quan điểm về triết học hiện đại, vai trò của trí thức cánh tả... được mổ xẻ trong những phân tích sâu sắc, lắm khi gay gắt trong cuốn sách. Đặc biệt, việc nhiều lần đề cập đến chiến tranh Việt Nam theo quan điểm độc lập của ông được lãnh đạo NXB Tri Thức “phản hồi” ngay trong lời nói đầu, rằng, cụm trang từ 141 đến 144 “không trùng với quan điểm của nhà xuất bản”.

Đây là cuốn sách thứ hai của Noam Chomsky được giới thiệu tại Việt Nam, sau Tham vọng bá quyền (cũng do NXB Tri Thức in, 2006). Cuốn sách giúp người đọc thủ đắc một bộ khung nhận diện quyền lực chính trị và những gợi ý về phương pháp phẫu thuật thực trạng xã hội. Bộ khung, phương pháp phẫu thuật đó có thể áp dụng linh hoạt vào những “ca phẫu thuật” xã hội bên ngoài nước Mỹ.

NOAM CHOMSKY sinh năm 1928, người Mỹ gốc Do Thái; là nhà ngôn ngữ, tâm lý học, triết gia, sử gia, nhà phê bình chính trị và hoạt động xã hội, một trí thức cánh tả nổi tiếng bậc nhất của Mỹ hiện nay.

Là tác giả của hơn 100 đầu sách chính trị, lịch sử, truyền thông đại chúng..., ông được tờ Chicago Tribune bình chọn là tác giả được trích dẫn nhiều nhất còn sống.

Một số tác phẩm phê bình chính trị quan trọng gần đây nhất: War against people (Chiến tranh chống lại dân chúng, 2001), Profit over people (Kiếm lời trên đầu người dân, 2002), Failed states: The abuse of power and the assault on democracy (Những nhà nước thất bại: lạm dụng quyền lực và tấn công nền dân chủ), Interventions (Can thiệp, 2007)...

 

Ký hiệu xếp giá:320.092/PET

Vị trí: Kho sách chuyên khảo tầng 2 - Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên.

 

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

 

Nguồn http://www.sachhay.org

TTHL