Nhiều mô hình sáng tạo được áp dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện

(Cinet)- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành thư viện đã và đang gặp phải không ít khó khăn và thách thức. Chính vì vậy, đổi mới và sáng tạo để nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra.

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra hàng loạt các sản phẩm công nghệ hiện đại. Các loại hình sản phẩm này đã mang đến hệ thống kênh thông tin vô cùng đa dạng với tính tiện ích cao. Chỉ cần ở nhà và có một máy tính được kết nối internet là chúng ta có thể dễ dàng tra cứu được những thông tin cần thiết. Cũng chính bởi vậy, đa số bạn đọc hiện nay đã chọn cách này thay vì việc lên thư viện đọc sách báo, tìm kiếm thông tin theo cách truyền thống.

 Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động thư viện. (Ảnh: Internet)

Trước yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành thư viện phải xác định được những biện pháp thích hợp để tồn tại và phát triển. Và việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện công cộng theo hướng tiện ích, sáng tạo, đa chức năng là giải pháp cần thiết.

Trong những năm vừa qua, nhiều đơn vị, tỉnh/thành trên cả nước đã áp dụng và triển khai các mô hình thư viện, dự án thư viện tiện ích, sáng tạo. Trong đó, nhiều mô hình đã thu hút sự quan tâm rất lớn của bạn đọc ở mọi lứa tuổi, góp phần làm cầu nối tri thức, giúp mọi người dân nâng cao hiểu biết, phục vụ cho cuộc sống thường ngày. Điển hình có thể kể đến một số mô hình, dự án thư viện như:

Xe thư viện lưu động

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Tập đoàn Vingroup triển khai Dự án “xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện” với tên gọi “Ánh sáng tri thức”.

 Sách và máy tính được trang bị trên xe ô tô thư viện lưu động. (Ảnh: Minh Khánh)

Khác với một chiếc xe thông thường, có thể hình dung ô tô thư viện lưu động là một thư viện thu nhỏ đặt trên một chiếc xe. Thư viện lưu động không chỉ có sách mà còn có cả  DVD, CD, các tài liệu điện tử, máy tính, hình ảnh, bản đồ, đồ chơi và các tờ rơi. Các giá sách trên xe có thể xếp từ 3000-4000 bản sách. Bên cạnh đó, mô hình này còn được trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại như: máy tính, máy chủ, máy chiếu, phần mềm cài đặt cho xe để giúp thư viện có thể quản trị tốt vốn tài liệu truyền thống và tài liệu điện tử; các thiết bị chiếu sáng, máy phát điện, ti vi, một số xe còn được hỗ trợ thêm các thiết bị phục vụ người khiếm thị, cài đặt phần mềm phục vụ người khiếm thị, sách nói, …

Xe buýt sách tại TP. Hồ Chí Minh

Xe buýt sách là chiếc xe được thiết kế theo mô hình một thư viện thu nhỏ có chiều dài 6 m, rộng 1.5 m với các kệ trưng bày sách, báo và các dãy bàn ghế phục vụ bạn đọc.

Việc ra mắt xe buýt sách nhằm tạo một không gian đọc mới mẻ, sáng tạo tại đường sách vừa dùng hình ảnh xe buýt để tuyên truyền ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng, một trong những giải pháp tránh ùn tắc giao thông cho thành phố hiện nay.

Không gian chia sẻ S.hub

Mô hình “Không gian chia sẻ S.hub” phục vụ sinh viên và giới trẻ được hình thành và thử nghiệm đầu tiên tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và sau đó là Thư viện Quốc gia Việt Nam.

“Không gian chia sẻ S.hub” bao gồm 3 yếu tố: Không gian hiện đại và thiết bị công nghệ cao; Không gian trao đổi trực tuyến; Các hoạt động theo chủ đề.

Không chỉ là một không gian hiện đại được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ tiên tiến như: màn hình trình chiếu LFD, TV thông minh, máy tính màn hình cong, máy tính bảng, màn hình tương tác thông minh,….nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu và các hoạt động tương tác của người sử dụng với mục tiêu tạo ra nhiều giá trị tri thức hơn, S.hub còn cung cấp nền tảng trực tuyến để người tham gia có thể đăng ký và tổ chức các hoạt động rèn luyện, phát triển năng lực bản thân, chia sẻ tri thức với mọi người.

Thư viện xanh

Nhằm phát huy hết năng lực của Thư viện, đồng thời đổi mới hình thức để phục vụ bạn đọc tốt hơn, ngày 01/01/2017, Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã ra mắt mô hình Thư viện Xanh.

Đây là mô hình đột phá năm 2017 của Thư viện Tỉnh với các nội dung: Mô hình “Xe sách em yêu”; Tổ chức các hoạt động truyền thông vận động, phục vụ các chương trình, Đề án của tỉnh; Đa dạng hóa các hình thức phục vụ văn hóa đọc kết hợp giải khát nhằm thu hút người đọc đến tham quan, khám phá những thông tin hữu ích, tìm hiểu về lịch sử, quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp, tạo một môi trường phục vụ người đọc năng động, thân thiện và là địa chỉ hưởng thụ sách báo, internet miễn phí.

Thư viện Văn hóa Thiếu nhi

Cuối năm 2017, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã khai trương Thư viện Văn hóa Thiếu nhi.

Thư viện Văn hóa Thiếu nhi Việt Nam được xây dựng trên tổng diện tích 240 m2, không chỉ cung cấp khoảng 2.000 đầu sách, tài liệu đọc bằng tiếng Hàn, tiếng Việt, tiếng Anh mà còn là nơi lý tướng để các bạn thiếu nhi nuôi dưỡng ước mơ, trau dồi kiến thức thông qua những trải nghiệm văn hóa của Việt Nam và Hàn Quốc đầy thú vị trong các không gian về âm nhạc, trò chơi, phòng chiếu phim, từ đó kích thích sự sáng tạo ham tìm hiểu, xây dựng niềm vui và thói quen đọc sách.
Đây là lần đầu tiên, Thư viện Văn hóa Thiếu nhi được xây dựng tại Việt Nam theo một mô hình phức hợp mới. Dự án lần này mang ý nghĩa rất lớn nhằm mang tới cơ hội thưởng thức văn hóa và tạo ra nền tảng, mở ra những ước mơ và tương lai cho thiếu nhi Việt Nam.

Các em học sinh đọc sách tại Thư viện Văn hóa thiếu nhi.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương trong cả nước đã đầu tư nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động thư viện và có các chỉ số về hiệu quả hoạt động thư viện cao trong những năm qua được giữ vững như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ,…

Các thư viện lực lượng vũ trang và thư viện trường học cũng có sự khởi sắc rõ rệt thông qua nhiều mô hình được triển khai như: thư viện thân thiện, thư viện xanh, tủ sách lớp học,…Tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình trong năm 2017 đã triển khai thí điểm các dự án xây dựng thư viện thân thiện với hơn 10 tỷ đồng làm thay đổi bộ mặt của các thư viện trường tiểu học, tạo môi trường đọc hấp dẫn học sinh.

Có thể thấy, việc đổi mới và sáng tạo trong hình thức phục vụ bạn đọc tại Thư viện trên đã đem đến hiệu quả và chuyển biến cho toàn ngành thư viện. Tuy nhiên, để không bị “dậm chân tại chỗ”, ngành thư viện cần chủ động và thay đổi từng ngày. Đặc biệt, cần tận dụng tối đa những lợi thế và cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc xây dựng các thư viện điện tử/thư viện số. 

Bên cạnh việc chuyển đổi cấu trúc không gian thư viện hợp lý, thân thiện có khả năng truyền cảm hứng cho người sử dụng, cần chủ động khai thác các nguồn tài liệu số mở để tăng cường thêm nguồn lực cho thư viện; tăng cường sự phối hợp trong hoạt động, chia sẻ nguồn lực, triển khai các liên kết liên thông giữa các thư viện trong phục vụ người đọc.

 

Nguồn http://toquoc.vn