Nhiều thay đổi trong quy định tuyển sinh năm 2017

Ngày 16-12 , Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chính thức công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017 để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Theo dự thảo quy chế có khá nhiều điểm mới đáng chú ý.

Không giới hạn nguyện vọng, bỏ “điểm sàn”

Theo Bộ GD và ĐT, công tác tuyển sinh năm 2017 dự kiến sẽ không quy định số nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) như những năm trước đây (năm 2016 đợt một thí sinh được đăng ký bốn nguyện vọng vào hai trường) mà thí sinh được đăng ký tối đa nguyện vọng theo mong muốn. Mặt khác, thay vì ĐKXT sau khi đã biết điểm thi, năm 2017, thí sinh sẽ đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh vẫn có thể thay đổi nguyện vọng đã đăng ký để chọn ngành, trường học yêu thích, phù hợp với điểm số đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng một là nguyện vọng cao nhất). Việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

Đối với các đợt xét tuyển bổ sung, các trường tự chủ hoàn toàn, có thể thực hiện một lần hay nhiều lần. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt một. Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định. Các trường phải bảo đảm khi tổ chức tuyển sinh không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội. Các trường phải bảo đảm sử dụng 25% chỉ tiêu của ngành cho các khối thi truyền thống, còn lại có thể sử dụng tổ hợp các môn thi (bài thi) mới…

Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Đáng chú ý, trong tuyển sinh năm 2017, Bộ GD và ĐT không quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn). Dự thảo quy chế chỉ qui định điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường tự chủ qui định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh. Bộ GD và ĐT sẽ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh (bao gồm các thông tin về: chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh…).

Bảo đảm quyền lợi thí sinh

Những điểm mới dự kiến trong công tác tuyển sinh năm 2017 nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh nhưng cũng gây nên một số băn khoăn về tình trạng thí ảo, kiểm soát chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đều cho rằng việc đổi mới là phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. GS, TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, việc cho đăng ký tối đa nguyện vọng sẽ tạo thuận lợi nhất cho thí sinh mà không lo ảo. Vì khi ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin có thể sàng lọc được thí sinh đã trúng tuyển hay chưa. Đối với “điểm sàn” cũng không cần thiết vì thí sinh đã đỗ tốt nghiệp theo quy định có thể được đi học đại học; nếu cứng nhắc phải có “điểm sàn” sẽ hạn chế với người học và không thuận lợi cho một số trường, nhất là trường “tốp dưới”.

PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng: Nếu phân tích kỹ sẽ cho thấy việc đăng ký tối đa nguyện vọng không xảy ra tình trạng thí sinh “ảo”. Thí dụ năm 2016, thí sinh có thể đăng ký bốn nguyện vọng nhưng thực tế, kết thúc đăng ký xét tuyển, tính trung bình mỗi em chỉ đăng ký 1,5 nguyện vọng. Như vậy, thí sinh cũng đã có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ chứ không phải cứ đăng ký “ào ào” để xảy ra “ảo”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, năm 2016 công tác tuyển sinh vẫn tồn tại bất cập: Thí sinh không ĐKXT được ngành yêu thích; các trường gặp khó khăn trong xác định tỉ lệ thí sinh trúng tuyển mà không nhập học khiến nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu; không công bằng đối với thí sinh khi các trường hạ điểm trúng tuyển. Vì vậy, trong quy định tuyển sinh năm 2017, việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi (điều chỉnh trực tuyến) sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các em.

Bên cạnh đó, việc không hạn chế nguyện vọng ĐKXT nhằm khắc phục tình trạng thí sinh cố đỗ cho được vào ĐH với bất kỳ ngành nào mà không phải ngành yêu thích để học tập đạt kết quả tốt; cơ hội thí sinh trúng tuyển vào ngành yêu thích sẽ cao hơn. Việc Bộ GD và ĐT hỗ trợ cổng thông tin tuyển sinh và thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất theo đăng ký sau đó hệ thống xóa những nguyện vọng còn lại thì sẽ không lo tình trạng thí sinh “ảo” đối với các trường.

Đối với vấn đề không quy định “điểm sàn”, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc qui định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng như hiện nay. Mặt khác, thực hiện quyền tự chủ của các trường, tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng, uy tín… mà các trường sẽ có những quy định khác nhau.

Đáng chú ý, trong đào tạo hiện nay, việc kiểm soát chất lượng không chỉ tập trung ở đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo. Bộ GD và ĐT đã yêu cầu các trường công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng…

Vì vậy, năm 2017, quy chế tuyển sinh chỉ qui định điều kiện cần, chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường qui định. Thí sinh khi ĐKXT nên suy nghĩ thật kỹ khi chọn, ngành, trường yêu thích vì thời gian, cách thức đăng ký khá dài và có khoảng thời gian nhất định nếu thí sinh muốn sửa đổi…


Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử