Những yêu cầu đối với cán bộ thư viện thông tin trong thời đại mới

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Câu nói của ông cha xưa luôn đúng trong mọi thời đại. Ở bất cứ lĩnh vực nào, con người luôn đóng vai trò trung tâm, là nhân tố quyết định sự thành bại. Trong lĩnh vực thông tin – thư viện cũng vậy, “Cán bộ thư viện được coi là linh hồn của thư viện”. Vai trò đó càng được phát huy hơn nữa trong xã hội ngày nay.

. Thư viện và cán bộ thư viện phải đương đầu với những yêu cầu của một xã hội mà thông tin được coi là nền tảng của mọi sự phát triển. Cán bộ thư viện phải có kiến thức, kỹ năng và công cụ trong việc xử lý thông tin kỹ thuật số để trở thành người sáng tạo, thu thập, tổng hợp và truyền thông tin đầy đủ năng lực. Cán bộ thư viện với kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết của những người làm công tác thông tin chuyên nghiệp sẽ là nhân tố thành công chủ yếu, cho phép thư viện thực hiện vai trò của mình là một hệ thống cung cấp thông tin cho xã hội. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết vai trò đó theo đúng nghĩa, bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn và đạo đức,… đòi hỏi người cán bộ thư viện phải có cả những yêu tố cần thiết như sau:

Thứ nhất là lòng yêu nghề. Dù làm ở bất kỳ công việc nào, nghề nghiệp nào thì lòng yêu nghề vẫn luôn là một nhân tố quan trọng giúp cho con người có thể vượt qua những khó khăn, cám dỗ, thử thách để đi đến điểm đích cuối cùng. Không ai có thể làm tốt công việc nếu như không có lòng yêu nghề, đặc biệt là đối với nghề thư viện – một nghề nghiệp mà xã hội ta còn chưa nhìn nhận đúng đắn về vị trí và vai trò của nó. Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù trong bất kỳ bài viết, bài phỏng vấn, báo cáo nào cũng đều nhấn mạnh thư viện là trái tim, là lá phổi, là huyết mạch cung cấp cấp tri thức cho con người, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, xã hội nhưng thực tế thì sự đầu tư cho thư viện thì quá ít ỏi, manh mún, chưa đồng bộ, ngân sách “nhỏ giọt”, làm việc chủ yếu vẫn theo cơ chế “xin - cho”; đồng lương của cán bộ thư viện thấp, đời sống chưa được thực sự quan tâm. Điều này đã dẫn tới hiện tượng “chảy máu chất xám” – những người có trình độ, có năng lực đã không thể ở lại lâu để xây dựng và phát triển các thư viện. Các thư viện không chỉ không giữ được chân những cán bộ thư viện có trình độ mà các cơ sở đào tạo cũng không thu hút được những sinh viên giỏi theo học chuyên ngành thông tin – thư viện. Theo khảo sát thì đa phần sinh viên khi được hỏi có thực sự yêu nghề thư viện và gắn bó với nghề không thì đều có câu trả lời theo chiều hướng phủ định. Chính vì vậy, để có thể gắn bó lâu dài với nghề thư viện cũng như để có thể phát triển được thư viện đáp ứng với yêu cầu của thời đại mới, nhất thiết cần phải có những cán bộ có lòng yêu nghề, hết lòng vì nghề thư viện. Những người sẵn sàng hy sinh quyền lợi trước mắt của bản thân vì sự nghiệp phát triển lâu dài của thư viện trong tương lai.

Thứ hai đó là có kiến thức. Cán bộ thư viện là cầu nối giữa tri thức của nhân loại với người dùng tin, là người làm nhiệm vụ sưu tầm, xử lý, lưu trữ và phổ biến thông tin; cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thông tin có chất lượng tới cho người dùng tin. Chính vì vậy, cán bộ thư viện phải là người có những hiểu biết xã hội, hiểu biết về nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Một nhà thư viện học đã từng nói: ‘‘Sinh viên ngành thư viện càng có khả năng là một cuốn bách khoa toàn thư sống bao nhiêu thì càng có khả năng trở thành cán bộ thư viện giỏi bấy nhiêu”. Không chỉ dừng lại ở những kiến thức hiểu biết xã hội chung, để làm tốt công việc chuyên môn, cán bộ thư viện còn phải được trang bị đầy đủ kiến thức nghiệp vụ (cả truyền thống như mô tả, phân loại, định từ khóa, định chủ đề,… và hiện đại như: marketing thư viện, dịch vụ tham khảo, kiến thức thông tin, thiết kế web,…). Bởi vì trong thời đại mới, thư viện sẽ không phải chỉ là nơi lưu giữ sách như những nhìn nhận trước đây mà sẽ còn là nơi cung cấp, quảng bá những thông tin có giá trị, có chất lượng tới người dùng tin một cách chủ động. Cùng với sự phát triển của xã hội, thông tin cũng ngày càng “bùng nổ” nhiều hơn. Nếu như không có sự hỗ trợ, định hướng, người dùng tin sẽ rất dễ bị chơi vơi giữa biển thông tin đó. Chính cán bộ thư viện với những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ được đào tạo sẽ là “ngọn hải đăng” chỉ đường giúp người dùng tin sử dụng thông tin một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất và kịp thời nhất. Hiện nay các thư viện đang cố gắng để đạt mục tiêu: tăng khả năng truy cập thông tin; thu thập thông tin nhanh hơn; xác định vị trí, phân tích và kết nối tới thông tin một cách tinh vi hơn; tiếp tục nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thư viện và tăng các khoản đầu tư cho công nghệ. Để thực hiện tốt các mục tiêu này, các cán bộ thư viện trong tương lai cần được trang bị thêm nhiều kiến thức để phục vụ có hiệu quả trong môi trường thư viện đang phát triển nhanh chóng.

Thứ ba đó là luôn năng động, sáng tạo, đổi mới. Các thư viện trên thế giới hiện nay đã và đang phát triển, đổi mới từng ngày. Họ không ngừng phát huy sáng tạo, ứng dụng những công nghệ mới, chuẩn mực mới vào thư viện để làm thay đổi cả về chất và lượng. Mỗi cán bộ thư viện là một nhân tố góp phần vào sự thay đổi không ngừng đó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thì các cán bộ thư viện Việt Nam vẫn được coi là “trầm tính”, là “thuần”. Họ rất ngại đổi mới, chỉ luôn muốn đi theo lối mòn của những người đi trước, chưa có nhiều sự sáng tạo, thay đổi ngay cả trong nếp nghĩ. Điều này góp phần tạo nên “sức ì” quá lớn làm hạn chế tiến trình phát triển sự nghiệp thư viện Việt Nam. Chính vì vậy, cán bộ thư viện trong thời đại mới đòi hỏi phải thoát được ra khỏi “sự trì trệ” đó, phải luôn chấp nhận và chủ động thay đổi, không ngừng sáng tạo và năng động, luôn mong muốn ứng dụng những cái mới vào thực tế công việc để nhanh chóng làm thay đổi về chất các hoạt động thư viện. Để xây dựng thư viện hiện đại, cán bộ thư viện phải luôn nhận thức được những mặt còn yếu kém của mình để có thể nâng cao khả năng thích ứng, luôn là người hướng dẫn nhiệt thành trong quá trình thỏa mãn nhu cầu sử dụng thư viện của mọi người.

Thứ tư đó là trình độ ngoại ngữ và tin học. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã có sức lan tỏa làm ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có hoạt động thư viện thông tin. Nhiều thành tựu tiên tiến của công nghệ thông tin đã được ứng dụng vào công tác thư viện làm không chỉ giảm bớt công sức lao động cho cán bộ thư viện mà còn nâng cao được hiệu quả phục vụ người dùng tin. Việc ứng dụng này đã làm cho xu hướng phát triển của thư viện cũng dần thay đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số và trong tương lai là thư viện ảo. Hầu hết mọi hoạt động trong thư viện đều có sự trợ giúp của máy tính. Là người làm việc trong môi trường như vậy thì trình độ tin học là yêu cầu tất yếu đặt ra đối với cán bộ thư viện. Tuy nhiên, trình độ tin học ở đây không chỉ dừng lại ở biết mà phải sử dụng được thực sự và sử dụng được thành thạo. Ngoài ra, ngoại ngữ cũng là một yếu tố rất cần thiết phục vụ cho công tác chuyên môn. Cùng với sự hội nhập quốc tế, các thư viện hiện nay đều đang và sẽ phát triển theo xu hướng liên thông, liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong nước và ngoài nước. Cán bộ thư viện có trình độ ngoại ngữ sẽ có thêm tự tin trong quá trình giao tiếp, đàm phán để hoàn thành công việc. Ngoại ngữ chính là công cụ giúp cán bộ thư viện hoàn thành tốt vai trò của mình trong tiến trình hội nhập.

Thứ năm là kỹ năng mềm. Bên cạnh những yêu cầu đã nêu ở trên thì yêu cầu về các kỹ năng mềm cũng rất cần thiết. Cán bộ thư viện trong thời đại mới phải là người năng động, có khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, khả năng thuyết trình,… để có thể quảng bá hình ảnh của thư viện, giới thiệu những dịch vụ và sản phẩm thông tin của thư viện tới người dùng, thu hút được ngày càng đông người dùng tin đến với thư viện và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của thư viện. Đây là những kỹ năng còn đang rất thiếu và yếu đối với cán bộ thư viện hiện nay.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, thông tin và tri thức đóng vai trò nền tảng, việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng một đội ngũ cán bộ thư viện có trình độ chuyên môn cao, có năng lực, có tâm huyết với nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội là điều tất yếu và rất cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều đó đỏi hỏi các cơ sở đào tạo cũng phải luôn tạo được môi trường học tập tích cực; thay đổi nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy mới; chú trọng, quan tâm sản phẩm đầu ra có chất lượng. Bên cạnh đó là sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành tạo ra được những điều kiện thuận lợi để cán bộ thư viện có thể yên tâm làm việc và cống hiến hết khả năng của mình. Có như vậy, chắc chắn trong một tương lai không xa, ngành Thư viện Việt Nam sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ đông đảo có đầy đủ những kiến thức và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời đại mới.

 

ThS. Đinh Thúy Quỳnh

Phó Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội