Nơi đào tạo nguồn nhân lực hội nhập quốc tế

Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần đông đảo nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ phát triển và cạnh tranh. Do vậy, ngay từ những năm 2006,2007, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã quan tâm mở rộng chương trình đào tạo tiên tiến, nhập khẩu chương trình và trao đổi giảng viên, sinh viên. Khoa Quốc tế là một trong những mô hình đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế đã và đang nhận được sự quan tâm của xã hội cũng như các nhà tuyển dụng nhân lực quốc tế.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; coi đây là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế trong điều kiện nước ta chủ động hội nhập quốc tế và cũng là giải pháp chiến lược nhằm tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là cụm từ chúng ta đã nhắc đến khá nhiều trong văn kiện của Đảng gần đây. Đến Đại hội XII của Đảng, tình hình trong nước, quốc tế có nhiều biến đổi mạnh mẽ. Đặc biệt là việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập (31-12-2015) và việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cần phải thấy cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta sẽ được gia tăng mạnh mẽ, nhưng đồng thời áp lực cạnh tranh cũng tăng gấp bội cùng nhiều thử thách về an ninh-quốc phòng. Để tận dụng được thuận lợi, giảm tác động tiêu cực, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tri thức trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao là một tất yếu. Cho nên, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” thì trọng tâm và chủ yếu phải là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi hội nhập quốc tế sâu rộng, chỉ với lực lượng lao động có trí tuệ và kỹ năng bậc cao mới có thể tạo ra giá trị gia tăng nhiều cho các sản phẩm, qua đó tăng năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh, tận dụng được những lợi thế của thời kỳ hội nhập mới và giảm được những tác động tiêu cực cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.

Chương trình đào tạo nhập khẩu được các giảng viên, nhà khoa học đến từ các trường đại học thuộc Vương quốc Anh trực tiếp giảng dạy.

Theo thống kê của Bộ Lao động TB&XH, tính đến cuối năm 2014, cả nước có gần 150 nghìn cử nhân trình độ đại học và trên đại học ra trường không tìm được việc làm. Nguyên nhân là do các hầu hết các sinh viên mới tốt nghiệp CĐ, ĐH chưa đáp ứng được ngay các yêu cầu của nhà tuyển dụng về kỹ năng và thái độ làm việc. Cũng theo ngành Lao động TB&XH, năm 2014, ở nước ta 63% số sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhận sinh viên vào làm việc phải mất từ 1 đến 2 năm đào tạo lại. Trong số 37% sinh viên ra trường có việc làm thì về cơ bản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc... Rõ ràng là chất lượng nguồn nhân lực của nước ta chưa cao, có sự mâu thuẫn giữa lượng và chất của nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đạt mức 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng. Điểm yếu lớn nhất là năng lực ngoại ngữ và kỹ năng thực hành trong làm việc còn rất lúng túng và nặng lý thuyết, chưa sát thực tế, dẫn đến tính hiệu quả không cao.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tế, ĐHTN đã triển khai chương đào tạo quốc tế, tiền đề để đưa chương trình này vào đào tạo bắt đầu từ Khoa Quốc tế, tiếp đó là các chương trình tiên tiến nhập khẩu triển khai tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp và Đại học Nông lâm. Khác biệt lớn nhất của chương trình đào tạo quốc tế này chính là áp dụng gần như nguyên mẫu chương trình đào tạo của trường đại học đối tác từ khâu đào tạo đến kiểm tra, đánh giá, nên cơ cấu nội dung đào tạo, khung chương trình, giáo án… đều áp dụng theo các trường đại học làm đối tác. Việc chọn lựa các trường trên thế giới làm đối tác cũng là một trong những lựa chọn hết sức nghiêm ngặt, được thẩm định thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia và quan trọng là bảo đảm uy tín trên toàn thế giới. Chính vì vậy, sản phẩm đào tạo ra cũng là những cử nhân, những kỹ sư và cao hơn nữa phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện làm việc trong môi trường khu vực châu lục và lớn hơn. Để từng bước đáp ứng những yêu cầu thực tiễn này, hiện nay, ĐHTN đã và đang triển khai thực hiện 7 chương trình đào tạo quốc tế, trong đó tại Khoa Quốc tế đã và đang thực hiện 4 chương trình.

PGS, TS Nguyễn Duy Hoan, Trưởng Khoa cho biết: “Thuận lợi nhất là chúng ta có một môi trường quốc tế ngay tại chỗ. Từ khâu ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, văn hóa và học thuật… từ các trường quốc tế du nhập về đây. Sinh viên được học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vì vậy khi ra trường các em không những vững chuyên môn mà có cả trình độ tiếng Anh. Yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên hội nhập quốc tế sau khi ra trường. Cơ hội việc làm của sinh viên cũng rất cao. Ngoài ra, học chương trình này sinh viên còn được tiếp cận với trường đối tác. Mối quan hệ quốc tế của sinh viên chương trình tiên tiến được thể hiện qua sự năng động, tự chủ trong việc tìm kiếm và xử lý thông tin”.

PGS,TS Đỗ Anh Tài, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế ĐHTN chia sẻ: “Khi nói là lấy chương trình đào tạo của nước ngoài về, nghe rất đơn giản nhưng để có thể chuyển giao toàn bộ mọi thứ, các giảng viên của chúng tôi phải ra nước ngoài học, ngược lại, các giảng viên từ nước ngoài cũng phải qua đây làm việc. Nội dung đào tạo ở nước ngoài khác biệt với thực tiễn tại Việt Nam, vì vậy, cần có sự điều chỉnh và thích nghi các quá trình lại với nhau. Và như vậy, thầy của ta, môi trường đào tạo của ta cũng phải chuẩn quốc tế”. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngay từ những năm 2005-2006 ĐHTN đã có sự chủ động chuẩn bị. Đến nay, tại Khoa Quốc tế đã có một đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn sâu, toàn diện, giàu kinh nghiệm và giỏi ngoại ngữ, gồm: 02 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư, 25 Tiến sỹ, 30 Thạc sỹ.

Khi đã quen dần với môi trường phối hợp quốc tế, những ưu thế của chương trình xuất hiện ngày một nhiều. Do vậy, từ hơn 40 sinh viên theo học trong năm 2011 đến nay, mặc dù tiêu chuẩn đầu vào rất khắt khe nhưng đã có gần 600 sinh viên của ĐHTN theo học chương trình tiên tiến tại Khoa Quốc tế. Về chất lượng đào tạo nhập khẩu quốc tế, sinh viên Nguyễn Thu Hằng, lớp Kinh doanh quốc tế Khóa 1 (IBK1) chia sẻ: “Những kiến thức của mình sau khi học tập tại khoa Quốc tế đã giúp mình trả lời tốt những câu hỏi phỏng vấn của chuyên gia, bên cạnh đó, những kỹ năng qua các buổi hội thảo, seminar của Khoa Quốc tế mà mình được tham dự trong suốt những năm qua đã giúp mình hoàn thiện hơn rất nhiều”. Ngài Viktor - chuyên gia quốc tế của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LASUCO) nói: “Tôi đã phỏng vấn 3 sinh viên của Khoa Quốc tế, tôi cảm thấy ấn tượng với khả năng sử dụng tiếng anh lưu loát và những câu hỏi hay, rất nghiêm túc của họ. Tôi rất vui vì họ có kiến thức, kỹ năng cùng vốn từ vựng tốt. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng để ghi điểm đối với các nhà tuyển dụng”.

Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ chuyên môn cao, nhất là có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ là yếu tố then chốt bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Với những gì mà ĐHTN và Khoa Quốc tế đã và đang thực hiện, đó chính là nền móng bước đầu, đang định hình vững chắc cho một hướng đi đúng, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước cũng như của ĐHTN trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Trịnh An

http://baothainguyen.org.vn/​