Phấn đấu trở thành trường trọng điểm của khu vực và cả nước

Sau 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015), Trường Đại học Sư phạm đã cơ bản hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra; xây dựng đơn vị trở thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh, khẳng định được vị thế của Nhà trường trong Đại học Thái Nguyên và hệ thống các trường đại học trong toàn quốc.

Qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ XVIII, Trường Đại học Sư phạm gặp rất nhiều khó khăn do tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường và ảnh hưởng của sự khủng hoảng kinh tế trên thế giới cũng như trong nước, dẫn đến đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế. Đặc biệt do cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của của Nhà trường... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên, Đảng bộ Nhà trường đã xây dựng khối đoàn kết nội bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong Trường tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường, tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Nhà trường trong khu vực và trên cả nước.
 
 
 
Trong 5 năm qua, Đảng bộ Nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tổ chức sắp xếp lại hệ thống quản lí chuyên môn; phát triển hợp lý quy mô đào tạo đại học theo hướng điều chỉnh giảm gần 35% số lượng để tăng cường chất lượng đào tạo; mở mới nhiều chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đưa tổng số chuyên ngành đào tạo thạc sĩ lên 23, tiến sĩ lên 13 chuyên ngành; nâng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi ở hệ chính quy tăng  lên trên 70% trong năm học 2013-2014 (đầu nhiệm kỳ, số sinh viên khá, giỏi chiếm tỷ lệ 40%). Về công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), trong nhiệm kỳ đã thực hiện 2038 đề tài NCKH (nhiệm kỳ trước là 2.003 đề tài), trong đó có 1 đề tài độc lập cấp Nhà nước; 3 đề tài cấp Bộ trọng điểm; 57 đề tài cấp Bộ; 74 đề tài cấp Đại học; 138 đề tài cấp cơ sở; 1 dự án cấp Bộ và 1.764 đề tài NCKH sinh viên.... Ngoài ra, số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước và nước ngoài tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước, gần 100 lượt sinh viên đạt các giải thưởng cao trong phong trào sinh viên NCKH và giải thưởng Olympic của sinh viên.
 
Cùng với việc làm tốt công tác thanh tra, pháp chế, khảo thí, bảo đảm chất lượng, nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Nhà trường còn quan tâm công tác hợp tác quốc tế và xây dựng đội ngũ. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cho hàng trăm sinh viên, học viên các nước như: Mỹ, Trung Quốc, Lào, Campuchia (hiện tại Trường đang đào tạo 226 người, trong đó đại học 99 người; sau đại học 51 người; học tiếng Việt 76 người). Số cán bộ được phong phó giáo sư là 17 người (nhiệm kỳ trước có 8 người); bảo vệ thành công luận án tiến sĩ 86 người (nhiệm kỳ trước là 33 người). Đến nay, Nhà trường có tổng số 392 giảng viên, trong đó 135 cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên, đạt tỷ lệ 34,17% (chỉ tiêu 25%); 32 giáo sư và phó giáo sư, đạt tỷ lệ 8,10% (chỉ tiêu là 8%)... Về công tác đầu tư cơ sở vật chất, 5 năm qua, Nhà trường đã đầu tư trên 97 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển kỹ năng sư phạm, nhà luyện tập thể thao cho cán bộ, viên chức (CBVC); đầu tư cho Thư viện và nâng cấp sân vận động, nhà làm việc cho giảng viên; bổ sung thiết bị thí nghiệm và thiết bị phục vụ dạy học.
 
Song song với việc tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và đầu tư cơ sở vật chất, công tác giáo dục chính trị tư tưởng và xây dựng Đảng cũng được Đảng bộ đặc biệt chú trọng. Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, viên chức, xây dựng khối đoàn kết, nhất trí cao trong toàn đơn vị, Đảng bộ còn tập trung triển khai, thực hiện tốt việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo các chuyên đề được hướng dẫn. Kết hợp với các cuộc vận động lớn khác như Cuộc vận động “Hai không”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng nhận thức Đảng cho 2.200 đối tượng; tổ chức kết nạp 649 đảng viên mới (chỉ tiêu từ 500 đến 580 người)...
 
Xác định giai đoạn 2015-2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường, để hoàn thành mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mọi nguồn lực, xây dựng Trường Đại học Sư phạm trở thành trường trọng điểm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”, Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm đã đề ra một số giải pháp, trong đó chú trọng công tác nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và NCKH; tăng cường công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị vững mạnh… Qua đó tiếp tục khẳng định vị thế của Nhà trường trong Đại học Thái Nguyên và hệ thống các trường đại học trong toàn quốc; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực trung du miền núi phía Bắc và cả nước.
 
Do có nhiều thành tích trong công tác giáo dục - đào tạo và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2010 đến nay, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Thái Nguyên trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 2 Huân chương Lao động; 27 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; 11 cá nhân được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú… Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua xuất sắc 5 năm liền; Nhà trường liên tục đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc trong khối thi đua Đại học Thái Nguyên.
 
 
PGS-TS Phạm Hồng Quang 
(Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường)