GS.TS Nguyễn Duy Hoan- Người thầy bản lĩnh và tư duy sáng tạo, đổi mới

 Được biết đến là một trong lớp người lãnh đạo đầu tiên và có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Đại học Thái Nguyên trưởng thành và vững mạnh. Trong mắt bạn bè, đồng nghiệp và sinh viên, ông không chỉ là người thầy, người lãnh đạo, người làm khoa học tâm huyết; bản lĩnh mà những đề tài nghiên cứu của ông còn mang tính thực tiễn, ứng dụng cao vào cải tạo sản xuất nền nông nghiệp. Với ông, khoa học là phải sáng tạo, đổi mới, tránh tư duy lối mòn và ngoài những công trình khoa học đã được áp dụng vào thực tế, GS.TS Nguyễn Duy Hoan còn tạo ra những đề tài phù hợp với hoàn cảnh của từng vùng, từng địa phương. GS.TS Nguyễn Duy Hoan hiện đang là Giám đốc Trung tâm Học liệu kiêm Trưởng khoa Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên.

Ước mơ của cậu bé sinh ra từ lũy tre Làng

 GS.TS Nguyễn Duy Hoan sinh ngày 18 tháng 07 năm 1961, tại một vùng quê nghèo thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, nơi mà có đến 80% dân số làm nông nghiệp.

Tuổi thơ ông gắn liền với những tháng ngày lam lũ của quê hương, đã vậy, gia đình lại đông anh em (7 anh em), bố mẹ đều làm nông nghiệp nên một năm có 12 tháng thì có đến 3 tháng không có gạo ăn, những tháng còn lại rau, cháo, cơm độn qua ngày và gần như cái đói luôn đeo đuổi, bám riết lấy gia đình ông.

Suốt những năm phổ thông, ông vừa đi học vừa làm đủ mọi việc của con nhà nông dân, giúp đỡ bố mẹ; ngay từ thời cuối cấp 2 ông đã phải đi vào rừng bẻ măng, kiếm củi về bán; lớn hơn một chút thì con đường từ Phú Bình lên Trại Cau cách 15-20 km đã trở thành quen thuộc cho những chuyến đi giao, bán hàng kiếm sống, ông gồng gánh 45-50 kg hàng hóa trên tấm thân gầy mòn, bé nhỏ. Những ngày tháng oằn mình, bươn bả, bao mô hôi, nước mắt, cơ cực nỗi gian truân... nơi miền ký ức của cậu học trò năm xưa đã lắng đọng theo ông suốt cả cuộc đời.

Vì vậy, ngay từ nhỏ đã chứng kiến sự nghèo khó của gia đình, dân làng và đất nước lúc bấy giờ. Chứng kiến nhiều bi kịch đau lòng vì nghèo khổ, hay đáng thương hơn là những đứa trẻ đói lả, những người lớn, người già héo gầy, sơ xác vì cái đói. Những hình ảnh ấy ám ảnh và lay động tâm hồn trẻ thơ của ông, ông tự nhủ phải cố gắng thoát nghèo và mục tiêu ấy ngấm sâu, in hằn vào tâm hồn trở thành động lực, sức mạnh cháy bỏng để ông vươn lên tự thay đổi cuộc sống.

Hết cấp 3, ông chọn thi vào Nông nghiệp vì nó gần gũi gắn bó với ông từ nhỏ, hơn nữa một ước mơ cháy bỏng là học tập để đổi mới, để về đóng góp cho quê hương, mang nền khoa học tiên tiến cải thiện đời sống cho người nông dân. Đó cũng là động lực thôi thúc ông học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông thi vào trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với số điểm top đầu, năm 1983 ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường làm giảng viên.

Đến năm 1989, ông được cử đi học tập và nghiên cứu sinh tại Liên Bang Nga, từ đó con đường học tập và nghiên cứu của ông được mở rộng thêm một bước nữa đưa ông tiến gần đến với ước mơ của mình. Sang Nga 6 năm học về chuyên ngành sinh học, khác với bạn bè cùng trang lứa, nhiều người chỉ biết dồn sức cho học tập không phải lo cơm áo gạo tiền, còn ông vừa học, vừa tính toán vừa xoay sở, buôn bán, làm đủ mọi việc ở nơi xứ người với bao nhiêu điều lạ lẫm để trang trải cuộc sống và hoàn thành giấc mơ trên con đường học tập.

Với năng khiếu quản lý từ nhỏ, suốt những năm đi học ông luôn tham gia ban cán sự, làm lớp trưởng suốt 10 năm phổ thông, 5 năm đại học làm bí thư chi đoàn, lớp phó học tập; khi sang Nga làm đơn vị trưởng đơn vị lưu học sinh - được tôi luyện từ rất sớm và những kinh nghiệm này cũng giúp ích cho ông rất nhiều để sau này ở những cương vị lãnh đạo cơ quan, đoàn thể, dìu dắt đơn vị trưởng thành lớn mạnh và đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục, kinh tế ….

Ông cũng tâm sự với chúng tôi rằng; một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm tháng tuổi trẻ đó là năm ông 24 tuổi, mới ra trường ông đã được phân công phụ trách đơn vị có 47 cán bộ, viên chức trong đó có nhiều kỹ sư, bác sĩ thú y lớn tuổi, thậm chí so với ông họ là những người chú, người bác, lúc đầu ông cũng không được tự tin vì tuổi đời còn trẻ lại lãnh đạo những người lớn tuổi, nhưng bằng đức tính chăm chỉ, cần cù, bạo dạn, khéo léo trong cư xử và bản lĩnh trước mọi vấn đề xảy ra đã dần dần gây dựng được lòng tin và sự cảm phục của mọi người. Từ đó đến nay cũng đã được mấy chục năm làm công tác quản lý nhưng dù đứng trên cương vị nào ông cũng đều hoàn thành tốt công việc và tạo được lòng tin từ phía cấp trên, đồng nghiệp và nhân viên.

Năm 1994, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công với chuyên ngành Sinh học nông nghiệp, tại Học viện Thú y Moscow Liên Bang Nga. Với đề tài: Nghiên cứu ảnh hưởng của các mức năng lượng khác nhau trong điều kiện protein thấp đến sức sản xuất và trao đổi lipit trong cơ thể gà mái đẻ. Sau khi tốt nghiệp tại Nga, ông quay trở về trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, lúc đấy ông đang là Phó phòng đào tạo kiêm giảng viên. Đến năm 1996, ông được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Khoa Sau đại học, là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho công tác đào tạo sau đại học của trường Đại học Nông lâm nói riêng và Đại học Thái Nguyên nói chung. Từ năm 2005, do yêu cầu về công tác cán bộ, ông tiếp tục được bổ nhiệm Trưởng khoa Khoa Khuyến nông và Phát triển nông thôn, đây là khoa mới thành lập nên rất cần những người có kinh nghiệm quản lý để xây dựng những bước đi đầu tiên. Chỉ sau hơn 2 năm Khoa đã trở thành 1 trong 3 khoa có quy mô sinh viên lớn nhất trường. Năm 2007, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Học liệu, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa - Đại học Thái Nguyên, giảng viên cao cấp trường Đại học Nông lâm, và từ năm 2015 đến nay ông là Giám đốc Trung tâm học liệu kiêm Trưởng khoa Khoa Quốc tế  - Đại học Thái Nguyên.  

Trong quá trình giảng dạy, ông không ngừng mở rộng nâng cao thêm kinh nghiệm cho mình, do đó ông vừa giảng dạy vừa theo học thêm Cử nhân Văn Anh tốt nghiệp năm 1999 và Cử nhân chính trị tốt nghiệp năm 2004. Với nhiều thành tích và sự vươn lên nỗ lực không ngừng cũng như các đóng góp to lớn của ông, năm 2002 ông được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước phong học hàm PGS và phong hàm Giáo sư vào năm 2016.

GS.TS Nguyễn Duy Hoan (vị trí thứ tư từ bên phải)

Là một người làm khoa học, một nhà giáo hết lòng tận tụy với sinh viên, cuộc đời ông là những tháng ngày miệt mài trên giảng đường, bên những trang sách; thậm chí có những thời gian thức thâu đêm để nghiên cứu, tìm tòi bản chất, yếu tố cốt lõi của một vấn đề nhưng con người ấy không thể hiện ra sự mệt mỏi trước đồng nghiệp, sinh viên, ông vẫn luôn giữ cho mình được ánh mắt tinh tường, tác phong làm việc sáng tạo, quyết đoán và hiệu quả.

Cả một cuộc đời, vượt qua bao thăng trầm khó khăn của cuộc sống, nỗ lực không ngừng cho công việc và quá trình học hỏi, trau dồi tri thức, ngoài thời gian dành cho công việc, đối với ông quan trọng nhất có lẽ chính là hai từ thiêng liêng – gia đình.  Con cái với ông chính là tất cả, là động lực chính cho ông hoàn thành tốt cả vai trò làm thầy, vai trò làm cha, vai trò làm nhà quản lý và nhà nghiên cứu khoa học.  

Một con người, một cuộc đời, hai vai trò quản lý.

Là một người thầy hết lòng vì sinh viên và quan tâm đến đồng nghiệp, đến hoàn cảnh cụ thể từng người là cấp dưới, nhân viên của mình. Ông luôn tận tình hỏi han, thăm hỏi, quan tâm giúp đỡ họ. Đặc biệt, nhiều sinh viên thành công được như ngày hôm nay cũng từng nhận được sự giúp đỡ từ ông, không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên đã ra trường nhưng họ vẫn luôn dành cho ông sự yêu mến, kính trọng. Thậm chí có những người đã ở vị trí lãnh đạo cao trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, công việc bận rộn quanh năm nhưng mỗi khi có dịp, họ lại ghé thăm thầy, thăm trường và ôn lại những kỷ niệm xưa. Những lúc như thế, ông thấy ấm lòng và cảm động với những gì sự nghiệp trồng người cao quý đã mang lại.

Với vai trò vừa là giảng viên, vừa là nhà quản lý, ông giữ vai trò là người lãnh đạo 2 đơn vị quan trọng của Đại học Thái Nguyên. Đó là vai trò Trưởng khoa Khoa Quốc tế và Giám đốc Trung tâm Học liệu; ông còn là Ủy viên của Ban chấp hành Đảng ủy Đại học Thái Nguyên, dù quản lý 2 nơi và những công việc của Đảng ủy Đại học nhưng với trách nhiệm, nhiệt huyết của người *đầu tàu*, ông luôn hoàn thành tốt mọi việc đã đưa Khoa, đưa Trung tâm Học liệu vượt qua khó khăn phát triển bền vững, đặc biệt là Trung tâm Học liệu – đã trở thành một trong những thư viện điện tử lớn nhất nhì trong cả nước.

Ngành thư viện vốn là ngành đặc thù, sự quan tâm của xã hội còn hạn chế; với GS.TS. Nguyễn Duy Hoan: Thư viện, Thư viện điện tử chính là nền móng vững chắc của khối các trường Đại học, cao đẳng trong xã hội hiện đại ngày nay. Thư viện cũng chính là nhân tố quan trọng trong việc xếp hạng các trường Đại học. Đổi mới giáo dục cũng chính là đổi mới và nâng tầm quan trọng của ngành thư viện. Theo GS, những nước càng văn minh thì thư viện càng phát triển và trở thành một trung tâm văn hóa, ngôi nhà tri thức không thể thiếu cho người dân trong cả nước. Từ năm 2007, sau khi được Đại học Thái Nguyên phân công giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Học liệu, ông đã rất tích cực tham gia Hội thư viện Việt Nam, cụ thể ông tham gia BCH Liên hiệp thư viện các trường Đại học Cao đẳng khu vực phía Bắc trực thuộc Hội Thư viện Việt Nam (năm 2007); với cương vị là người đúng đầu Trung tâm Học liệu, thành viên chủ chốt của Liên hiệp, bản thân ông đã cố gắng phấn đấu đưa Trung tâm Học liệu trở thành thành viên gương mẫu, có uy tín, góp phần quan trọng phát triển Ngành thư viện Việt Nam. Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên đã tích cực hỗ trợ hơn 40 Trung tâm thư viện các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước trong việc cải tiến, nâng cấp và xây dựng từ thư viện  truyền thống sang mô hình thư viện điện tử, thư viện số; cung cấp nguồn tài nguyên điện tử và tạo mạng lưới kết nối, liên thư viện phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu của bạn đọc. Tháng 11/2017 này Trung tâm Học liệu kỷ niệm tròn 10 năm kể từ khi xây dựng và phát triển. 10 năm một chặng đường không dài nhưng thành quả của Trung tâm đạt được có thể bằng cả giai đoạn 20-30 năm những nơi khác. Đó là niềm tự hào cũng là động lực mạnh mẽ để ông và tập thể cán bộ viên chức trong Trung tâm tiếp tục phấn đấu.

GS.TS Nguyễn Duy Hoan tại Hội nghị Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống quản trị thư viện tích hợp thành lập chi hội thông tin thư viện Đại học, khu vực Trung du Miền núi Bắc Bộ năm 2014

Với tư cách là Ủy viên BCH (2011) và Ủy viên thường vụ Hội thư viện Việt Nam (2016), ông đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội như: các Đại hội cán bộ thư viện các nước Đông Nam Á (CONSAL) ở cả 3 kỳ Đại hội (XIV, XV và XVI) tại Việt nam, Indonesia và Thái Lan. Ngoài ra, để phát triển Hội, ông đã tham gia vận động thành lập Chi Hội thư viện các trường đại học, cao đẳng khu vực trung du miền núi phía Bắc (2012) và được Hội Thư viện Việt Nam cử chức vụ Chi Hội trưởng. Đến nay Chi hội đã có 27 thành viên tham gia và hàng năm có nhiều hoạt động bổ ích.

 Gần 40 năm cống hiến trong ngành giáo dục, cho Đại học Thái Nguyên, ông vừa là một nhà giáo ưu tú hết lòng hết sức vì học trò, vừa là một nhà quản lý giáo dục tâm huyết, đồng thời là một nhà khoa học uy tín. Trong vai trò là một người thầy, Nhà giáo Ưu tú, GS.TS Nguyễn Duy Hoan đã trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn hàng trăm lượt sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, gần 40 thạc sĩ, đã và đang hướng dẫn 06 tiến sĩ, nghiên cứu sinh. Rất nhiều học trò của ông hiện đã trưởng thành, nắm giữ những vị trí quan trọng và có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh phía Bắc.

Là một nhà khoa học, GS. TS Nguyễn Duy Hoan đã xuất bản gần 100 bài báo, báo cáo khoa học quan trọng, chủ trì hàng chục đề tài NCKH trong đó có 04 đề tài cấp Bộ, 01 đề tài cấp nhà nước. Ông đã trực tiếp chủ biên và tham gia biên soạn 10 giáo trình và tài liệu tham khảo. Các nghiên cứu khoa học của ông mang tính thực tiễn, ứng dụng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Nông - Lâm nghiệp tại khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Trong quá trình Đại học Thái Nguyên hội nhập quốc tế, Trung tâm Học liệu nơi ông làm Giám đốc là một trong những điểm sáng về hợp tác quốc tế, là cầu nối quan trọng giữa Đại học Thái Nguyên và các tổ chức lớn có uy tín hàng đầu thế giới, đã tìm kiếm và đưa lại nguồn kinh phí tài trợ quốc tế lớn cho Đại học Thái Nguyên. Có thể kể ra một vài dự án quốc tế nổi bật như: Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam" do quỹ Bill & Melinda Gates (Hoa Kỳ) tài trợ; Dự án hỗ trợ viết, đăng và chia sẻ bài báo khoa học cho các giảng viên trẻ Đại học Thái Nguyên do Quỹ Elsevier tài trợ năm 2009-2010; Dự án Phát triển bền vững Trung tâm Học liệu 2007 - 2011 do Tổ chức Atlantic Philanthropies (Hoa Kỳ) tài trợ; Dự án xây dựng “ Trung tâm truy nhập thông tin Internet Việt Nam - Hàn Quốc” do chính phủ Hàn Quốc tài trợ năm 2012, Dự án trao đổi và kết nối toàn cầu Việt Nam (GCE) do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ năm 2011-2013.

Năm 2015, do yêu cầu công tác, ông được điều động kiêm nhiệm sang Khoa Quốc tế để tiếp nhận thêm công tác quản lý; thời gian này, Khoa đang thực sự bước vào giai đoạn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, gánh nặng trong việc tuyển sinh. Nhưng trước mọi khó khăn ông đã không chùn bước, với ý chí mạnh dạn, năng động vốn có của một người từng nếm trải nhiều nỗi vất vả trên con đường “tự thân lập nghiệp”! Không ngại khó! Một lần nữa Giáo sư lại đem sức mình để cùng tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Khoa Quốc tế có thêm được giải pháp mới, hướng đi mới; hiện tại, Khoa đã bước đầu đang dần khởi sắc.

Trong năm học vừa qua, Khoa Quốc tế đã đánh dấu thành công bước đầu trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hội nhập quốc tế, sinh viên tốt nghiệp ra trường với trình độ tiếng Anh 5.5 IELTS Quốc tế trở lên và chứng chỉ IC3 Quốc tế, toàn Khoa có 79% sinh viên có xếp loại học tập, nghiên cứu đạt loại khá trở lên, 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đã có việc làm với thu nhập cao.

Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, Khoa đã đào tạo các chương trình tiên tiến nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện nhằm cung cấp nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn và thành thạo về ngoại ngữ, Khoa luôn chú trọng vào việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên, công tác giảng dạy và học tập thực hiện nghiêm túc. Tại Khoa đã có 20 đến 30% giảng viên đến từ các nước như Mỹ, Anh, Philippines sẽ giúp khắc phục khó khăn về ngoại ngữ cho học sinh. “Hiện Khoa Quốc tế đang là tiền thân của Đại học quốc tế trong tương lai nên, ngay từ bây giờ, ngoài sinh viên các tỉnh quanh miền Tây Bắc, chúng tôi còn nhận được sự mến mộ của học sinh nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Đặc biệt, hàng năm chúng tôi có 10%  sinh viên quốc tế đến học tập”. Đây là chia sẻ của GS. TS Nguyễn Duy Hoan – Trưởng khoa Khoa Quốc tế trong bài báo phỏng vấn với phóng viên báo Tiền phong ngày 06/10/2016.

GS.TS Nguyễn Duy Hoan cùng sinh viên Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên

Với bản tính sáng tạo và năng động, luôn tự đặt ra cho mình và đội ngũ cán bộ viên chức những yêu cầu, nhiệm vụ mới, GS. TS Nguyễn Duy Hoan luôn miệt mài bên bàn làm việc, với chiếc máy tính nối mạng và với rất nhiều dự án đang thực hiện, với những kế hoạch phát triển bền vững lâu dài và với cả những trăn trở làm thế nào để cải thiện đời sống cán bộ viên chức, duy trì sự phát triển bền vững cho Trung tâm Học liệu và Khoa Quốc tế.

Với những thành tích đã đạt được, ông đã được tặng 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 25 bằng khen cấp Bộ, Tỉnh; được tặng 4 kỷ niệm chương của các Bộ GD & ĐT, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Chăn nuôi Việt Nam và Ủy ban Dân tộc.

Nhà khoa học nặng tình với người nông dân

Khi được hỏi về những điều còn trăn trở ông tâm sự với chúng tôi: “Nghiên cứu khoa học của Việt Nam phần lớn không phù hợp, không xuất phát từ đời sống, kết quả không áp dụng được thực tế, bỏ thùng, bỏ tủ nhiều vừa gây lãng phí vừa thiếu các sáng tạo khoa học”

Theo quan điểm của ông: ủng hộ nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương và những ứng dụng thực tiễn bởi nó gắn liền với cuộc sống, gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện cuộc sống người dân, bộ mặt nông thôn và nền kinh tế đất nước phục vụ thực tiễn yêu cầu và đòi hỏi. Cái thành công nhất là các dự án khuyến nông, phát triển sản xuất an toàn sinh học, nuôi gà sạch, ong sạch, thực phẩm sạch, công nghệ sạch…. Và ông cũng đã áp dụng thành công mô hình nuôi gà sạch, ong sạch ở 15 tỉnh và hiện đang được nhân rộng trong phạm vi khắp các tỉnh thành trên cả nước, đã cải thiện được chất lượng cuộc sống người dân, thịt, trứng và sản phẩm nông nghiệp.

Cả cuộc đời ông luôn trăn trở, làm thế nào để đưa những ứng dụng vào quy trình sản xuất cho người nông dân, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, làm thế nào để người nông dân, đỡ khổ, bớt đi cảnh “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Có thể nói, mang trái tim của một người làm thầy của “nghề thầy”, GS.TS Nguyễn Duy Hoan đã cống hiến cho đời, cho nghề, cho sự nghiệp bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm. Ghi dấu và nhìn nhận những đóng góp và cống hiến to lớn của ông cùng các nhà khoa học đã và đang cống hiến cho quốc gia, đất nước một cách *thực sự*. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Học liệu. Chúng tôi chúc cho ông – người thuyền trưởng sức khỏe, vững tay lái đưa con thuyền Trung tâm Học liệu và Khoa Quốc tế tiến xa và vững bước trên con đường phát triển, hội nhập. Chúng tôi mong muốn và hi vọng tổ quốc sẽ còn nhiều hơn nữa những tấm gương khoa học đang chung tay xây dựng cộng đồng vì một nền kinh tế, một xã hội xanh, sạch, nhân văn và tốt đẹp.

 

Hồng Phấn