TTHL giới thiệu nguồn tài nguyên thông tin tới các tân sinh viên Đại học Thái Nguyên

Từ ngày 28/8 đến hết tháng 9/2014, Trung tâm Học liệu (TTHL) - Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã đẩy mạnh công tác tổ chức giới thiệu và hướng dẫn khai thác nguồn tài nguyên thông tin tại các trường: Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Khoa học, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Sư phạm, Đại học Y dược, Đại học Nông lâm và Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật… thành phần tham gia là các sinh viên khóa mới nhập học tại các trường.

Giới thiệu nguồn tài nguyên và hướng dẫn khai thác nguồn tài nguyên thông tin là công việc thường niên mà TTHL thực hiện vào đầu năm học cho các em sinh viên khóa mới. Qua các buổi giới thiệu các em sinh viên sẽ được biết đến “giảng đường thứ 2” của mình trong việc hỗ trợ thiết thực quá trình học tập và nghiên cứu, các em biết đến một mô hình Trung tâm Thông tin Thư viện kiểu mới, đạt tiêu chuẩn quốc tế với chức năng chính là hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và học tập của cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Qua các buổi giới thiệu, các em còn được biết đến TTHL nơi có một không gian hiện đại, thoáng mát, khuôn viên rộng; xanh; sạch; đẹp, thái độ phục vụ của cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm và đặc biệt TTHL là nơi cung cấp nguồn tài liệu đa dạng, phong phú.

Buổi thuyết trình tại Đại học Khoa học

Ngoài ra, đến với TTHL các em còn được cán bộ hỗ trợ cách truy cập tài liệu in ấn, tài liệu điện tử qua các bước thực hiện trên máy để các em làm quen dần với môi trường truy cập mới khác xa với bậc học PTTH. Bên cạnh đó các em sẽ được hỗ trợ một số dịch vụ: Sử dụng mạng không dây Wifi; hướng dẫn sử dụng máy tính nối mạng; hướng dẫn tìm tài liệu trên các bộ cơ sở dữ liệu; hướng dẫn đăng ký phòng học nhóm; hướng dẫn tìm tin…


Giới thiệu nguồn tài nguyên thông tin tại Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật

Hiện nay, thế mạnh tại Trung tâm Học liệu là nguồn tài liệu điện tử, các bạn sinh viên sẽ được làm quen với các bộ cơ sở dữ liệu sau:


 Bộ CSDL tiếng Việt:

Bộ CSDL giáo trình, bộ CSDL tài liệu tham khảo, bộ CSDL luận văn luận án, bộ CSDL bài giảng, bộ CSDL bài trích - báo tạp chí, bộ CSDL kết quả nghiên cứu và Tài liệu nghe nhìn.

Bộ CSDL tiếng Anh:

ProQuest Central là bộ CSDL đa lĩnh vực với hơn 13.000 tạp chí khoa học (trong đó có 8.000 tạp chí toàn văn), 30.000 công trình nghiên cứu khoa học toàn văn, và nhiều ấn phẩm phong phú về loại hình video, audio v.v… có giá trị cao. Bạn đọc tìm tài liệu bằng cách truy nhập vào đường link: http://lrc.tnu.edu.vn:2048

 AGORA (“Truy cập mạng toàn cầu cho nghiên cứu Nông nghiệp”) bao gồm 1136 tạp chí chuyên về nông nghiệp, sinh học và các nghành liên quan. Bạn đọc tìm tài liệu bằng cách truy nhập vào đường link: http://www.aginternetwork.org

HINARI (“Cổng truy cập liên mạng y tế cho các nhà nghiên cứu”) bao gồm 3750 tạp chí chuyên về y – sinh học và các ngành khoa học xã hội có liên quan.  Bạn đọc tìm tài liệu bằng cách truy nhập vào đường link: http://www.who.int/hinari/

OARE “Truy cập mạng cho việc nghiên cứu môi trường” bao gồm khoảng 1300 bài viết đã qua thẩm định liên quan đến các vấn đề môi trường như sinh học, công nghệ sinh học, di truyền học, thực vật học, đa dạng sinh học, khí hậu, kinh tế học về tài nguyên thiên nhiên và môi trường, quản lý chất thải …Đây là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, và hữu ích đối với việc nghiên cứu, học tập, giảng dạy các vấn đề về môi trường. Đường Link: http://www.oaresciences.org/

Bộ sách điện tử tiếng Anh của IGPUBLISH – bao gồm các bộ sách điện tử của các nhà xuất bản F.A. DAVIS, KOGAN, IEC và WORLD SCIENTIFIC về các chủ đề khác nhau như: Y học, điều dưỡng, sức khỏe, quản lý, nguồn nhân lực, marketing, thương mại, khoa học truyền thông, khoa học đời sống, thương mại và quản l, khoa học vật chất, toán học, khoa học máy tính, y học và sức khỏe, kinh tế và tài chính, vật lý học, khoa học môi trường, khoa học xã hội... Bạn đọc tìm tài liệu bằng cách truy nhập vào đường link: http://lrc.tnu.edu.vn:2048/
 
Nguồn dữ liệu mở của Ngân hàng thế giới: Bạn đọc truy cập vào các địa chỉ sau để tìm kiếm thông tin theo các nội dung:

Dữ liệu phát triển: http://data.worldbank.org

 Kho dữ liệu mở của Ngân hàng Thế giới cho phép truy cập trên 2.000 chỉ số về phát triển từ các nguồn dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Một số cơ sở dữ liệu chủ chốt là: Chỉ số Phát triển Thế giới, tài chính Phát triển toàn cầu, giám sát Kinh tế Toàn cầu, cơ sở dữ liệu Môi trường Kinh doanh…

Dự án và chương trình: http://www.worldbank.org/projects

 Cơ sở dữ liệu dự án: Gồm thông tin chi tiết về các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 1947 đến nay, trong đó có nhiều tài liệu dự án toàn văn, có thể tải xuống dưới các dạng file PDF, Text.

Các kết quả hoạt động: http://www.worldbank.org/results

Thông tin liên quan đến Việt Nam: http://www.worldbank.org/vn

Tài liệu báo cáo: http://www.worldbank.org/documents

Cơ sở dữ liệu và báo cáo bao gồm các tài liệu của Ngân hàng Thế giới công bố cho công chúng nhằm chia sẻ tốt hơn nguồn tri thức của mình, bao gồm các xuất bản phẩm, báo cáo nghiên cứu, …Công cụ xem lướt hoặc tìm kiếm của cơ sở dữ liệu này cho phép truy cập vào các văn bản toàn văn.

Thư viện điện tử của Ngân hàng Thế giới: www.worldbank.org/elibrary

Thư viện điện tử là một trong những bộ sưu tập tài liệu phong phú nhất về lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, là cổng thông tin trực tuyến cho phép tìm kiếm tài liệu. Tài liệu trực tuyến thường được cập nhật ngay khi ấn phẩm in được phát hành.

Để đáp áp ứng nhu cầu ngày càng phát triển phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập với mô hình thư viện mở, thư viện điện tử thì việc giới thiệu và hướng dẫn tìm kiếm nguồn thông tin tại TTHL đến tới bạn đọc là rất ý nghĩa và quan trọng, đặc biệt là các bạn sinh viên mới nhập học. Những buổi giới thiệu và hướng dẫn khai thác nguồn tài nguyên do TTHL tổ chức là khâu quan trọng trong việc giới thiệu cho các em một môi trường tự học hiện đại, thiết thực.

 

Thanh Bắc (P. CNTT)