Ưu tiên chuyển giao nội dung và dịch vụ thư viện trên thiết bị di động

Xu hướng nhanh: Thúc đẩy sự chấp nhận công nghệ trong các thư viện đại học và nghiên cứu trong vòng một tới hai năm tới.

Tóm tắt

Thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, và các thiết bị đọc điện tử sẽ chiếm phần lớn thị phần tiêu dùng thông tin hiện nay. Một nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) về thói quen của người tiêu dùng báo cáo rằng 42% trong số họ sở hữu máy tính bảng, 55% sở hữu điện thoại thông minh, và 50% có thiết bị cầm tay dành cho việc đọc điện tử. Với sự chuyển dịch sang tiêu dùng nội dung trên các thiết bị di động, bạn đọc, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên mong muốn tiếp cận với tài nguyên thư viện mọi lúc và mọi nơi. Để thích nghi với nhu cầu tăng nhanh chóng này, thư viện đại học và nghiên cứu sẽ cần tích hợp lựa chọn chuyển giao nội dung di động vào các dịch vụ thư viện của mình, bao gồm những phiên bản website thân thiện với các thiết bị di động, ứng dụng cho thiết bị di động, mục lục phù hợp cho thiết bị di động và sách điện tử. Nhiều thư viện đang thúc đẩy xu hướng này bằng việc cho mượn các thiết bị di động như máy tính bảng và thiết bị đọc số tới bạn đọc của mình, dịch vụ này cũng tương tự như việc thư viện cho bạn đọc mượn một cuốn sách in vậy. Khi nhiều loại hình thiết bị và ứng dụng di động ngày càng phát triển, thư viện sẽ cần tập trung hơn nữa vào các giải pháp mở rộng dịch vụ sang các thiết bị trung gian di động này.

Giới thiệu tổng quan

Kể từ năm 2003, nhiều nhà nghiên cứu đã tham gia vào nghiên cứu việc sử dụng hiệu quả các website thư viện đại học và nghiên cứu nhằm đưa ra cách tốt nhất để tổ chức nội dung cho người dùng tin trong môi trường số. Dù có tiến hành nghiên cứu nào đi nữa, thì tìm kiếm tài liệu cho khoá học, và xác định tài khoản người dùng cũng như thông tin chung về thư viện vẫn nằm trong số tính năng cần thiết cho bạn đọc. Một cá nhân truy cập thông tin này giờ đây đã thay đổi do sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ di động. Thư viện đại học và nghiên cứu đã triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng người dùng tin trên di động, bao gồm tạo ra phiên bản website di động, ứng dụng di động, và thiết kế website tự động thích nghi với mọi loại kích cỡ màn hình di động. Tất cả những triển khai này đã tổ chức lại nội dung trên các website nhằm hiển thị tối ưu trên các kích cỡ màn hình nhỏ hơn. Trong khi có sự ưu tiên chuyển giao các dịch vụ di động giành được sự quan tâm nhiều ở các thư viện, thì các thảo luận hiện nay đang đề cập đến làm thế nào để phục vụ bạn đọc hiệu quả nhất trên nhiều loại hình thiết bị di động khác nhau được sử dụng để truy cập nguồn lực thông tin thư viện.

Ảnh minh họa

Sự nổi lên của công nghệ di động cũng sẽ làm thay đổi luồng công việc học tập và nghiên cứu, giờ đây sinh viên và nhà nghiên cứu đang ngày càng hứng thú hơn với việc tìm kiếm trong một mục lục thư viện, đọc tóm tắt và toàn văn dưới dạng số ngay lập tức, và sau đó tìm và lưu tài liệu tham khảo thông qua website trên thiết bị di động hoặc ứng dụng di động của thư viện thay vì tới một cơ sở thư viện nào đó để mượn. Điều quan trọng  thư viện không chỉ xây dựng các tính năng cho các thông tin cơ bản về thư viện, mà còn ưu tiên những nhiệm vụ giúp cho việc tiến hành nghiên cứu có năng suất cao thông quan thiết bị di động. Tối ưu năng lực tìm kiếm của mục lục thư viện cho thiết bị di động là một trong những tính năng hữu ích nhất, cùng với việc tích hợp các cơ sở dữ liệu trực tuyến sẵn có của thư viện vào cùng một ứng dụng web hoặc ứng dụng di động của thư viện đại học và nghiên cứu sẽ tạo nên một công cụ mạnh cho bạn đọc tìm kiếm sách và bài báo từ một vị trí duy nhất trên thiết bị di động của họ.

Với sự tăng về mức độ truy cập tài liệu số trên thiết bị di động, các thư viện đại học và nghiên cứu sẽ cần tổ chức chuyển giao những nội dung sẵn có trước kia tới máy tính bảng và điện thoại thông minh, và phân phối nhiều loại hình nội dung mới hơn như sách điện tử. Thói quen đọc đang thay đổi với mức tăng sử dụng thông tin trên thiết bị di động ở cả màn hình lớn và nhỏ hơn. Xu hướng này đỏi hỏi nội dung cần được định dạng theo hình thức dễ đọc hơn cho người dùng tin. Trong khi tệp tin PDF đã và đang trở thành thói quen chung để truy cập nội dung số kể từ những năm 1990, thì chúng cũng trở nên phù hợp hơn cho máy tính cá nhân, máy tính xách tay và các thiết bị lớn khác. Những giải pháp chuyển giao nội dung trên định dạng EPUB 3 được xem như là một lưa chọn có thể phát triển tốt cho việc đọc trên các thiết bị di động nhỏ. Sinh viên và nhà nghiên cứu cũng mong muốn truy cập nhiều hơn tới tài liệu số, bao gồm sách điện tử, video, và những hình ảnh hoá dữ liệu trên thiết bị di động. Để bắt kịp xu hướng này, thư viện đại học và nghiên cứu đang làm việc với các nhà cung cấp và nhà xuất bản để phân phối sách điện tử, chủ  yếu thông qua mô hình truy cập vĩnh viễn và thuê bao hàng năm. Trong khi vấn đề bản quyền còn đang gây trở ngại cho việc lưu thông sách điện tử ở Châu Âu, thì nhiều liên minh thư viện ở Mỹ lại đang hợp tác lại với nhau để  giải quyết một rào cản bản quyền khác – đó là không có khả năng triển khai dịch vụ mượn liện thư viện đối với sách điện tử.

Những tác động đến chính sách, lãnh đạo và thực hành

Thư viện hiện nay đang bắt đầu phát triển những chính sách cho việc sử dụng thiết bị di động tại cơ sở thư viện của mình. Ví dụ, Hệ thống Thư viện Đại học Penn (Penn State University Libraries), nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của điện thoại trong đời sống hàng ngày. Thư viện đã dành riêng một khu vực sử dụng điện thoại để tránh những cuộc điện thoại mất sư yên tĩnh trong môi trường thư viện. Ngoài ra, sự cần thiết phải cập nhật chính sách bản quyền để nhận ra những tài sản số thân thiện với thiết bị di động, ví dụ như sách điện tử, đang tác động đế nhiều thư viện trên khắp thế giới. Chiến dịch “Quyền đọc điện tử” (The Right to e-Read) phát động bởi Phòng Hiệp hội Thông tin và Tài liệu Thư viện Châu Âu (European Bureau of Library Information and Documentation Association-EBLIDA) là một sáng kiến được biết trên khắp Châu Âu nhằm nâng cao mức độ hiểu biết đối với những bên liên quan như nhà xuất bản, thư viện, bạn đọc/người dùng tin, cũng như người xây dựng chính sách về thách thức mà thư viện gặp phải khi cung cấp sách điện tử và tài liệu đọc số bởi những quan ngại về bản quyền. Mặc dù vậy, một nguyên tắc “First Sales Doctrine” trong luật bản quyền Mỹ đã được thiết lập từ lâu cho phép mọi người có thể có quyền bán, cho mượn, hoặc tuỳ ý sử dụng một ấn phẩm có bản quyền mà không cần sự cho phép của người nắm giữ bản quyền.

Việc tạo thuận lợi cho phong trào nội dung và chuyển giao di động đòi hỏi một tầm nhìn lãnh đạo trong các hiệp hội thư viện, nhà cung cấp công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực, cũng như trong thư viện đại học và nghiên cứu. Ví dụ, một chương trình xây dựng Hạ tầng Di động cho Thư viện của JISC (JISC Mobile Infrastructure for Libraries Programme) đã thiết lập lên một dự án “Mobilising Academic Content Online” để phát triển một bộ công cụ thực hành tốt nhằm giải quyết những thách thức liên quan đến chuyển giao nội dung tài liệu học tập trên thiết bị di động. Tương tự như vậy, một dự án được cấp quỹ gần đây tại Đại học California Davis (University of California Davis) sẽ tạo ra một lộ trình cho các kế hoạch đầu tư có tính chiến lược vào phần mềm, tiêu chuẩn, và chuyên môn mới. Những phát triển chuyên ngành và nhiều tài nguyên thông tin trực tuyến khác hiện cũng sẵn có để giúp thủ thư hiểu biết và phát triển các ứng dụng, cũng như website thư viện phù hợp với thiết bị di động hơn.Tạp chí Techsource của Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) hiện cung cấp nhiều thông tin và đào tạo làm thế nào để cái tiến một website di động của thư viện. “23 Mobile Things” là một khoá học trực tuyến từng bước tìm hiểu tiềm năng của các công cụ di động đối với chuyển giao dịch thư viện.

Sự ưu tiên chuyển giao nội dung và dịch vụ thư viện trên thiết bị di động đã được thấy trong nhiều ví dụ thực hành. Tại hệ thống Thư viện Đại học Duke (Duke Univeristy Libraries), thư viện đang sử dụng ứng dụng xem tạp chí điện tử cho máy tính bảng để làm cho tài nguyên thông tin của thư viện trở lên thân thiên với thiết bị di động hơn, đồng thời cho phép bạn đọc của thư viện tìm duyệt, đọc, và theo dõi tạp chí khoa học hiện hành dễ dàng. Thư viện Đại học Exeter (University of Exeter) cũng triển khai một dịch vụ nội dung di động bằng việc cung cấp một danh mục tài nguyên thông tin có thể truy cập dễ dàng qua website di động và ứng dụng di động. Khi các site di động và ứng di động phát triển phổ biến, thì các thư viện đại học và nghiên cứu cũng cần cung cấp những giải pháp phù hợp cho mọi thiết bị di động, như thiết kế hỗ trợ hay tương thích mọi màn hình di động. Các website tại thư viện Đại học Toronto (Univerisity of Toronto), Đại học Princeton (Princeton University), Đại học ETH (ETH Bibliothek) và Đại học Arizona (University of Arizona) đã đảm bảo rằng việc xem thông tin có thể được tối ưu hoá cho mọi kích cỡ màn hình, thậm chí cả những màn hình vẫn chưa được sáng tạo.

 

Tổng hợp theo báo cáo của dự án “2014 Library Edition, NMC Horizon Library Project”