Văn hóa đọc: Còn nhiều trăn trở!

Trong thời đại kỷ nguyên số với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, con người đứng trước vô vàn sự lựa chọn trong việc khai thác các tài nguyên tri thức. Từ đó mà văn hóa đọc của người Việt nói chung và của giới trẻ nói riêng đã dần chuyển hướng sang những cách thức phong phú và đa dạng hơn. Tuy nhiên, kèm theo đó văn hóa đọc lại tiềm ẩn nguy cơ bị mai một bởi sự lấn lướt của các phương tiện truyền thông hiện đại. 

Ngày nay, sự phát triển của truyền thông và công nghệ đã mang đến cho người đọc nhiều nguồn tiếp cận tri thức khác nhau, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với nguồn sách, báo, thuận lợi cho sự phát triển của văn hóa đọc. Bên cạnh cách thức truyền thống với sự tiếp cận trực tiếp qua những cuốn sách, báo, bạn đọc giờ đây có thể khai thác thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau như: máy tính, sách điện tử, điện thoại…Từ đó mang đến sự chuyển động sâu sắc cả về cấu trúc, tính chất, chức năng cũng như các mối quan hệ tương tác của nó với chủ thể và với môi trường tồn tại cho văn hóa đọc.

Nếu như, văn bản truyền thống hay văn bản giấy là một công trình ngôn ngữ với sự kết hợp chủ yếu giữa các yếu tố từ vựng và một chút các yếu tố phi từ vựng thì văn bản dưới hình thức điện tử vừa là công trình ngôn ngữ vừa là công trình phi ngôn ngữ, trong đó, có thể có cả âm thanh, hình ảnh, sự chuyển động mà kỹ thuật số có thể tạo ra. Với ưu điểm: tiện lợi, nhanh gọn, có thể đọc ở mọi lúc, mọi nơi và tìm kiếm nhanh, lưu trữ dễ, tra cứu thuận lợi, văn bản điện tử đang dần lấn át và tác động lớn đến văn hóa đọc của giới trẻ. Phương tiện mang tin, sách báo thay đổi, công nghệ số, sách báo điện tử dần thay thế sách báo in giấy; số lượng người đọc sách ngày càng ít hơn, cách đọc, mục đích đọc cũng có nhiều thay đổi theo hướng thực dụng, chú trọng nhiều đến cách đọc chức năng hơn cách đọc nội dung;…

Tuy nhiên, bên cạnh những tính năng vượt trội đó, chất lượng đọc sách điện tử cũng như đọc mạng thường không cao. Chúng ta lại không thể kiểm soát được nội dung, chất lượng thông tin trong các cuốn sách, khiến cho người đọc bị nhiễu tin và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, những nội dung không lành mạnh. Nhiều thông tin trên trang mạng không được kiểm chứng gây rối loạn và sai lệch trong cách tiếp cận. Đọc mạng người ta có ấn tượng đầy ắp nhưng vụn vặt rời rạc. dễ mất đi sự tập trung và thiếu trọng điểm. Nếu không phải người có bản lĩnh thì sẽ dễ dàng bị cuốn theo những mảnh vỡ của thông tin mạng. Đây là đặc điểm đối lập với thói quen đọc truyền thống. Đọc truyền thống do lượng sách có hạn, mục đích cụ thể, đọc thường tập trung, người đọc có thể dọc đi đọc lại, đối chiếu trước sau và kiểm chứng được tính chính xác của thông tin.Bởi vậy, không thể phủ nhận vai trò của các phương tiện truyền thông hiện đại trong phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, nếu đọc sách theo hình thức hiện đại mà không có cách đọc phù hợp, không biết chọn lọc sách thì sẽ không đạt được hiệu quả, thậm chí còn đem lại nhiều tác động tiêu cực đến tư tưởng và hình thành những thói quen xấu cho người đọc.

 

Các phương tiện điện tử đang dần lấn át văn hóa đọc truyền thống (nguồn: internet)

 

Trước những thực trạng đó, vấn đề cổ động, tuyên truyền, quảng bá sách có giá trị văn hóa, bổ ích về tinh thần và tri thức cần phải được coi trọng và nâng cao hơn nữa. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và truyền thông, hệ thống thư viện, tủ sách công cộng cũng phải tham gia bằng những phương thức hoạt động mới, sinh động và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn nữa là sự định hướng từ nhà trường, gia đình để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các bạn trẻ. Trong nước hiện nay có rất nhiều phong trào kêu gọi xây dựng văn hóa đọc. Nhưng nếu không giải quyết vấn đề từ cội rễ: xây dựng thói quen, kỹ năng và tình yêu đọc sách cho mỗi con người từ khi họ còn thơ bé, thì các hoạt động đó vẫn mãi là bề nổi.

Việc đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người. Tuy nhiên, cho dù là đọc hay nghe nhìn đều phải biết chọn lọc để tiếp thu, cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Văn hóa đọc là thành tựu của một quá trình tự giác của người đọc. Người đọc phải hướng đến sách như một nhu cầu tự thân để làm phong phú trí tuệ và tâm hồn mình, biết tôn trọng sách, tôn trọng những người sáng tạo nên sách để từ đó biết khai thác một cách đúng đắn những giá trị mà sách mang lại.