“Embedded librarianship"– Vai trò mới của cán bộ thông tin thư viện

Từ khoảng năm, bảy năm trở lại đây, một mô hình hoạt động của cán bộ thư viện đang rất thịnh hành tại các thư viện đại học của Mỹ và một số quốc gia phát triển khác, có tên tiếng Anh là “embedded librarianship”, tạm dịch là mô hình “cán bộ thư viện tại chỗ”. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số đặc điểm cơ bản của mô hình này. 

Có khá nhiều định nghĩa khác nhau về “embedded librarian”. Từ “embed” mang nghĩa là “gắn vào” hay “nhúng vào”, và bản thân nó đã thể hiện đầy đủ cốt lõi hoạt động và quan điểm về cán bộ thư viện tại chỗ. Đó là cán bộ thư viện tham gia một cách trọn vẹn vào hoạt động của người dùng tin, để từ đó hiểu công việc và nhu cầu tin của họ, chủ động chia sẻ công việc của họ và trở thành một bộ phận không thể tách rời của nhóm người dùng tin đó.

Tính gắn kết, “nhúng vào” môi trường của người dùng tin có thể hiểu ở khía cạnh địa lý và khía cạnh quan điểm, ý nghĩa. Về mặt địa lý, cán bộ thư viện có thể đặt phòng làm việc của mình ngay tại hoặc gần nơi sinh sống, công tác của nhóm người dùng tin. Về mặt ý nghĩa, cán bộ tại chỗ vẫn làm việc trong tòa nhà của cơ quan TTTV, với sự hỗ trợ của công nghệ và truyền thông, họ tham gia vào các hoạt động của người dùng tin. Ví dụ một cán bộ thư viện tại chỗ ở New York thực hiện các nghiên cứu, chủ trì các chủ đề thảo luận, sửa các bản tin, cung cấp các tài liệu cho một nhóm công ty có trụ sở ở Los Angeles. Thậm chí, tại Đại học Cộng đồng Vermont (Mỹ), cán bộ thư viện chuyển sang mô hình thư viện tại chỗ từ xa (ảo hoàn toàn - all – virtual embedding model), theo đó họ tham gia các khóa học trực tuyến và tham gia hệ thống quản trị khóa học trực tuyến cho các khóa học truyền thống (học viên lên lớp nghe giảng) nhưng không bao giờ dự giờ các lớp truyền thống này.

Mô hình cán bộ thư viện tại chỗ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ vững chắc giữa cán bộ thông tin thư viện và một nhóm bao gồm những người cần tới kiến thức thông tin của cán bộ thông tin thư viện. Mối quan hệ ngày càng phát triển thì kiến thức và sự hiểu biết của cán bộ thông tin thư viện về công việc và mục tiêu của nhóm người dùng tin ngày càng lớn, từ đó dẫn tới sự “cảnh báo” (alert) ngày càng cao hơn về nhu cầu thông tin và kiến thức của nhóm đó. Mức độ liên quan tới công việc của nhóm người dùng tin của cán bộ thư viện tại chỗ cũng giống như bất kỳ thành viên nào khác của nhóm. Sự liên quan càng lớn thì cán bộ thư viện tại chỗ càng có nhiều đóng góp mang tính linh hoạt, tùy biến (customized), phức tạp, mang giá trị gia tăng đối với nhóm. Sự đóng góp này nhiều khi vượt xa hơn giới hạn của dịch vụ tham khảo truyền thống. Cán bộ thư viện tại chỗ có chức năng như một thành viên thực thụ của nhóm người dùng tin như chia sẻ trách nhiệm và kết quả (outcomes) với nhóm.

Quan điểm mới này nghe qua có vẻ giống với quan điểm về liên lạc viên (liason) mà nhiều thư viện thế giới và Việt Nam đang áp dụng, nhưng thật ra, cán bộ thư viện tại chỗ không chỉ làm cầu nối giữa người dùng tin với cơ quan, đơn vị của họ như liên lạc viên mà còn tham gia trực tiếp và trọn vẹn vào công việc của người dùng tin. Ví dụ như một cán bộ thư viện tại chỗ phụ trách một lớp học về công nghệ thông tin sẽ cùng học viên dự giờ, làm bài tập, thảo luận, ngoại khóa, và đi khảo sát thực tế. Từ đó, cán bộ thư viện tại chỗ có hiểu biết căn bản về nội dung học tập của học viên, nhu cầu tin của họ, và cả đặc điểm tâm sinh lý của học viên, nhờ đó có sự hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ thông tin thư viện phù hợp nhất với học viên.

Sự khác biệt giữa cán bộ thư viện tại chỗ và cán bộ thư viện truyền thống thậm chí còn lớn hơn nữa, có thể thấy thông qua bảng so sánh sau của tác giả Shumaker (2010).

So sánh vai trò và hoạt động của cán bộ thư viện truyền thống và cán bộ thư viện tại chỗ

Cán bộ thư viện truyền thống

Cán bộ thư viện tại chỗ

Hỏi – đáp, phản hồi (cán bộ chờ để được hỏi, mang tính thụ động)

 

Tham gia (sử dụng các mối quan hệ gần gũi để xác định nhu cầu và tìm ra giải pháp cho người dùng tin)

Tương tác với người dùng cá nhân (mẫu thuẫn với thực tế hoạt động của người dùng tin là thường phải làm việc theo nhóm)

Tương tác với một nhóm người dùng (mang lại hiệu quả nhiều hơn khi làm việc cho cả một nhóm thay vì chỉ cho một cá nhân)

Hoạt động theo tiêu chuẩn, khuôn mẫu (có một số quy tắc, chuẩn mực được đề ra và cần phải tuân theo)

Hoạt động mang tính tùy chỉnh, linh hoạt (hiểu nhu cầu của nhóm người dùng tin, phục vụ họ theo cách thức đã được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của nhóm)

Giao tiếp, tương tác đơn lẻ (phục vụ cho một mục đích, công việc đơn lẻ nào đó)

Tham gia vào các dự án, hoạt động nhóm (tham gia trọn vẹn, toàn diện vào một quy trình, một chương trình, dự án hoặc khóa học của người dùng tin)

Phục vụ người dùng tin (cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho người dùng tin)

Thiết lập quan hệ đối tác với người dùng tin (hoạt động của cán bộ vượt ra khỏi khuôn khổ một dịch vụ, trở thành một đối tác và thành viên của nhóm người dùng tin)

 

 Để thực hiện được vai trò của cán bộ thư viện tại chỗ, theo David Shumaker (2010), cách thức thực hiện bao gồm các vấn đề sau:

  • Xây dựng mối quan hệ gắn kết với một nhóm người dùng tin cụ thể
  • Tập trung tìm hiểu công việc và nhu cầu tin của họ
  • Chia sẻ mục tiêu của họ và chủ động đóng góp vào quá trình đạt được mục tiêu đó
  • Trở thành một phần không thể thiếu và không thể tách rời của nhóm người dùng tin đó

Thực tế cho thấy, để thực hiện được vai trò này, một cán bộ thư viện tại chỗ không chỉ cần có kiến thức, năng lực và thái độ làm việc chuyên nghiệp mà còn cần sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo cơ quan, đơn vị chủ quản và cơ quan công tác, cơ sở đào tạo của học viên.

Cán bộ thư viện tại chỗ đang tìm cách trở thành một nhân tố quan trọng đối với mục tiêu của tổ chức mà họ cộng tác. Họ cung cấp dịch vụ hướng tới chất lượng tốt (well-focused service) – vốn yêu cầu sự liên hệ giữa cán bộ thư viện và nhóm khách hàng trong ngữ cảnh giải quyết một vấn đề (context of a problem environment), vượt xa khỏi việc trả lời các câu hỏi tham khảo đơn lẻ và bước vào vai trò của một chuyên gia hữu hình giúp đỡ người dùng giải quyết cả một vấn đề.

Có thể kết luận rằng, mục tiêu của mô hình cán bộ thư viện thực địa vượt xa tính “dịch vụ”, mà mang tính hợp tác (partnership), thể hiện vai trò chủ động và bình đẳng giữa cán bộ thư viện tại chỗ và người dùng tin. Ẩn sau đó là ý tưởng về việc sử dụng thông tin một cách hiệu quả - vốn rất quan trọng với rất nhiều tổ chức doanh nghiệp và xã hội mà giờ đây cán bộ thông tin thư viện không thể đứng ngoài mà phải tham gia một cách toàn diện vào các tổ chức đó – không phải cho mình, mà cho tổ chức đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Drewes, K. & Hoffman, N. (2010). Academic embedded librarianship: an introduction. Retrieved from http://www.lib.umd.edu/binaries/content/assets/public/architecturelibrary/embedded-librarian.pdf

Carlson, J. & Kneale, R. (2011). Embedded librarianship in the research context: navigating new waters. Retrieved from

http://crln.acrl.org/content/72/3/167.full

Oyler, P. G. (2013). Xu hướng phát triển của thư viện đại học và thư viện chuyên ngành. Bài giảng tại tọa đàm “Xu  hướng phát triển của thư viện đại học, thư viện công cộng tại Hoa Kỳ: gợi mở cho Việt Nam”, tổ chức tại Thái Nguyên, năm 2013.

Shumaker, D. & Talley, M. (2009). Models of embedded librarianship: final report . Retrieved from http://hq.sla.org/pdfs/embeddedlibrarianshipfinalrptrev.pdf

Student News Daily (2014). Kansas teen uses 3D print to make hand for boy. Retrieved from

http://www.studentnewsdaily.com/daily-news-article/kansas-teen-uses-3-d-printer-to-make-hand-for-boy/

Weibel, K. (2013). Thư viện công cộng Hoa Kỳ hỗ trợ hoạt động phát minh, đổi mới công nghệ & tương lai của thư viện công cộng Hoa Kỳ. Bài giảng tại tọa đàm “Xu  hướng phát triển của thư viện đại học, thư viện công cộng tại Hoa Kỳ: gợi mở cho Việt Nam”, tổ chức tại Thái Nguyên, năm 2013.

 

(Vũ Minh Huệ, Nông Bích Ngọc – Phòng Công tác Nghiệp vụ)

(Trích từ bài đăng trong Kỷ yếu hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt dodọng thư viện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tháng 12 năm 2015).