Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan

Khái quát về các đặc điểm tự nhiên và xã hội của Hà Nội (đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, động thực vật, biến đổi hành chính và đặc điểm kinh tế xã hội, v.v. của Hà Nội). 

Các thành tạo địa chất có tuổi khác nhau, lịch sử hình thành và phát triển của chúng. Đó chính là các thành tạo địa chất có tuổi khác nhau từ nguyên đại Trung sinh (Mezozoi) cho đến Kỷ Nhân sinh (Đệ tứ). Các hoạt động kiến tạo và tân kiến tạo, kiến tạo hiện đại.

Tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và những năm tiếp theo của thế kỷ XXI, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển về mọi mặt cả mở rộng thêm về không gian cũng như chất lượng đô thị để xứng đáng với các danh hiệu đã được trao tặng và đạt được chuẩn mực của một thủ đô tiên tiến. Từ ngày 1/8/2008, Hà Nội đã được mở rộng gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích tự nhiên là 3.344,47 km2 và dân số khoảng 6.233.000 người và sẽ còn gia tăng trong những năm tiếp theo. Một Hà Nội “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” ngày nay là mục tiêu cần phải đạt được trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Hiện nay, Hà Nội có nhiều thuận lợi để làm được điều đó. Với diện tích tự nhiên và dân số nêu trên cho thấy, các nguồn tự nhiên và nguồn lực nhân văn của Hà Nội rất đa dạng và phong phú, lại được sự quan tâm nhiều của Trung ương và Chính phủ. Mặt khác, hiện nay, Thủ đô Hà Nội đã mở rộng mối quan hệ với các tỉnh và vùng kinh tế trong nước, cũng như với nhiều thủ đô và nhiều nước trên thế giới và khu vực. Đó là những cơ hội tốt.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trên con đường phát triển. Trước hết, trong quy hoạch: Hà Nội sẽ được quy hoạch nh thế nào? Các khu dân cư, khu công nghiệp, khu hành chính, khu thương mại sẽ được bố trí ra sao và ở đâu? Dân số sẽ là bao nhiêu người vào năm 2020, 2030? Sức chịu tải của không gian Hà Nội sẽ được tính toán như thế nào? Môi trường Hà Nội sẽ được cải thiện ra sao? Các tai biến thiên nhiên sẽ được kiểm soát ra sao? v.v. Nghĩa là làm thế nào để “sống với sự đa dạng” (living with diversity) và “xâydựng thích nghi với thiên nhiên” (building adapting to nature) là những chủ đề hành động do các nhà Địa lý đưa ra cho những năm đầu của thế kỷ XXI. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học của Hà Nội và của cả nước, trong đó có các nhà Hà Nội học phải quan tâm ngay từ bây giờ.

Từ trước đến nay cũng đã có nhiều sách viết về Đất và Người Hà Nội - về mảnh đất ngàn năm văn hiến. Song, thực tế cho thấy, trong khi số lượng các công trình viết về nền văn hiến, về con người Hà Nội, về văn hóa - lịch sử Hà Nội rất nhiều, thì số các công trình viết về thiên nhiên Hà Nội, về đất Hà Nội, về sự biến đổi trải qua thăng trầm như thế nào của vùng đất này lại rất khiêm tốn. Đây cũng là một thách thức. Có lẽ để phát huy đầy đủ các cơ hội thuận lợi, trước hết, trong những năm tới, Hà Nội cần có những nghiên cứu, đánh giá cơ bản và tiềm năng các nguồn lực, trong đó tập trung nhiều hơn cho các nguồn lực tự nhiên, để phục vụ cho quy hoạch phát triển bền vững. Cụ thể là giải quyết mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển và mức độ tổn thương lãnh thổ như thế nào.

Từ trước đến nay, các tài liệu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội chủ yếu mới đề cập đến các nguồn lực nhân văn, chưa quan tâm đúng mức về các nguồn lực tự nhiên. Các nguồn lực tự nhiên có thể được chia thành 2 nhóm: “nền rắn” là các thành tạo địa chất và địa hình mà trên đó con người có thể sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để bố trí các công trình với những mục tiêu khác nhau và tài nguyên khoáng sản được sử dụng trực tiếp hay làm nguyên liệu cung cấp cho các ngành kinh tế khác. Hai nhóm nguồn lực tự nhiên trên đây đều thuộc nguồn tài nguyên không tái tạo được.

Nhân sắp kỷ niệm 1000 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tập thể chúng tôi được giao nhiệm vụ tìm hiểu bước đầu về các nguồn lực tự nhiên của Hà Nội. Vì vậy, chúng tôi chọn tên cuốn sách là “Hà nội: địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan”.

Về các nguồn lực tự nhiên. Trước hết, các điều kiện tự nhiên của lãnh thổ, bao gồm cả sự tiến hóa địa chất và địa mạo (phát triển địa hình) khu vực. Bởi vì, chính 2 điều kiện này đã góp phần hình thành và phân hóa các yếu tố tự nhiên khác nhau mà trên đó con người sinh sống. 

Các đặc điểm địa chất là nền tảng để phát triển địa hình, sinh thành khoáng sản, hình thành lớp thổ nhưỡng; 

Địa hình được hình thành và phát triển dưới tác động tương hỗ giữa các quá trình nội sinh (có nguồn năng lượng cung cấp từ sâu trong lòng Trái đất) và ngoại sinh (có nguồn năng lượng từ mặt trời). Địa hình được công nhận là một loại tài nguyên đặc biệt phục vụ cho công tác quy hoạch lãnh thổ do nó đóng vai trò quan trọng quyết định nhiều đến sự phát triển của mỗi vùng đất, quyết định sự phân số năng lượng và vật chất dẫn đến tính phân dị của lãnh thổ. Nó được con người sử dụng cả trực tiếp lẫn gián tiếp để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình.

Như vậy, cả khoáng sản, địa hình, thổ nhưỡng cũng như các yếu tố tự nhiên khác đều là nguồn lực tự nhiên phục vụ cho các ngành sản xuất trong đời sống xã hội. Song, các loại khoáng sản và thổ nhưỡng chỉ được sử dụng một cách gián tiếp thông qua các khâu chế biến (đối với khoáng sản) và trồng trọt (đối với thổ nhưỡng). Còn địa hình lại được sử dụng vừa trực tiếp (phục vụ cho du lịch) vừa được sử dụng gián tiếp (xây dựng các công trình dân sự và quốc phòng).

Do đó, việc tìm hiểu các điều kiện địa chất và địa mạo của Hà Nội là một trong những vấn đề quan trọng phục vụ cho định hướng qui hoạch tổng thể phát triển bền vững lãnh thổ trong tương lai, công việc này trước đây không được coi trọng và thường bị bỏ qua khi xây dựng qui hoạch phát triển. Do đó, nhiều lúc, nhiều nơi đã xảy ra những sự cố đáng tiếc. Đặc biệt, trong những năm gần đây và có thể trong tương lai, các tác động của con người vào môi trường tự nhiên ở thủ đô Hà Nội ngày càng giă tăng. Điều đó cũng có nghĩa là các tai biến thiên nhiên (động đất, trượt lở, xói lở bờ sông, v.v.) cũng có xu thế ngày càng gia tăng. Trong thời đại ngày nay, con người cũng được xem là một tác nhân địa mạo - địa chất rất quan trọng. Đặc biệt, khi trình độ khoa học công nghệ càng cao, nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng nhiều, mức độ tác động vào thiên nhiên càng lớn. Kết quả là sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mất cân bằng của các hệ tự nhiên sẽ.

Do đó, để đảm bảo cho tương lai, mỗi chúng ta, đặc biệt là các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần nắm được những điều kiện cơ bản nhất về tự nhiên nơi mình đang sống cũng như qui luật về sự hình thành và phát triển, cũng như xu hướng biến đổi trong tương lai của chúng. Tình hình về thiên tai trong những năm vừa qua ở nhiều nơi trên thế giới và cả ở nước ta là lời cảnh báo tốt nhất để chúng ta đừng đối xử quá “tàn nhẫn” đối với thiên nhiên. Bởi vì các yếu tố của tự nhiên tự bản thân nó đã là tài nguyên. Một khi đã là tài nguyên, thì con người cần phải biết sử dụng nó một cách khôn ngoan nhất. Thực tế cho thấy, xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người càng cao. Dân số càng đông, việc sử dụng các nguồn tài nguyên càng nhiều. Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, Con người + Tài nguyên = Tai biến (bao gồm cả ô nhiễm và thiên tai).

Ký hiệu xếp giá: 555.9731/PHA 

Vị trí: Kho sách Tham khảo tầng 3- Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

 

TTHL