Hội nghị tổng kết hoạt động Công nghệ thông tin – Thư viện năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2016

Chiều ngày 28/1, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Công nghệ thông tin – Thư viện năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 tại Nhà T1. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Ban chức năng và Trung tâm thuộc Đại học Thái Nguyên, lãnh đạo các đơn vị thành viên, lãnh đạo phòng Công nghệ thông tin – Thư viện và cán bộ làm công tác thông tin thư viện của các  trường, Khoa trực thuộc Đại học, Trung tâm Học liệu. Chủ trì  Hội nghị có PGS. TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên. 

 Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị đã nghe 2 Báo cáo tổng kết công tác thông tin và thư viện năm 2015 và kế hoạch công tác năm 2016 của Đại học.

Theo đó, năm học vừa qua, Trung tâm Học liệu và thư viện các đơn vị đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục ổn định và phát triển, xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng và chất lượng cao đáp ứng hầu hết các chương trình, ngành học, bậc học của Đại học, phục vụ việc giảng dạy và học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Năm 2015, đội ngũ cán bộ làm công tác Thông tin thư viện trong toàn đại học là 108 người, giảm 8 người so với năm 2014. Quy mô HSSV và học viên SĐH của Đại học Thái Nguyên là 76.301 người trong đó: Hệ chính quy (ngân sách nhà nước cấp): 47.457; Hệ cử tuyển: 725; Hệ ĐT theo địa chỉ : 2885; Hệ liên thông chính quy: 3022; Văn bằng 2 chính quy: 574; Hệ vừa làm vừa học: 12.528; Lưu học sinh: 561; Đào tạo từ xa: 3898; Thạc sỹ: 3685; Nghiên cứu sinh: 355;  Bác sĩ chuyên khoa I & II và bác sĩ nội trú: 672. Có 1131 sinh viên đang theo học chương trình 2”. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí đầu tư cho thư viện số lượng máy tính phục vụ bạn đọc, tính đến hết năm 2015 hệ thống thư viện Đại học Thái Nguyên có 955 bộ giảm so với năm 2014 là 27 bộ (bị hỏng phải thanh lý và các thư viện đang trong thời gian đề nghị nhà trường đầu tư bổ sung). Ngoài ra thư viện các đơn vị cũng đều được đầu tư bổ sung các máy móc thiết bị phục vụ công việc chuyên môn như máy in, máy photocopy đáp ứng nhu cầu như sao chép, in tài liệu của bạn đọc đồng thời giúp tăng nguồn thu cho đơn vị.

So với các năm trước, kinh phí đầu tư cho thư viện toàn Đại học trong năm 2015 được quan tâm và đầu tư rất lớn, đạt gần 9,5 tỉ đồng (năm 2014 là 6.078 tỉ đồng), trong đó nổi bật là các đơn vị như thư viện trường Đại học Nông lâm, trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông và Trung tâm Học liệu. Những đơn vị này tập trung đầu tư mạnh cho cả hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị máy móc. Các đơn vị còn lại hầu như kinh phí đầu tư trong năm chủ yếu dành cho việc bổ sung tài liệu. Tổng mức đầu tư cho bổ sung tài liệu trong toàn đại học đạt trên 3,5 tỉ.

Về nguồn tài liệu, năm 2015 tổng số tên sách trong toàn đại học được đầu tư bổ sung khá lớn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong toàn đại học. Số liệu thống kê từ các đơn vị cho thấy, năm nay tài liệu in có 103.750 tên tương đương với 789.078 bản, tăng 4.574 tên và 19.233 bản so với năm 2014. Những đơn vị có số lượng tài liệu được bổ sung nhiều nhất là trường ĐH Sư phạm, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông và Trung tâm Học liệu. Theo số liệu thống kê số tài liệu điện tử từ các đơn vị, tính đến 31 tháng 12 năm 2015, các thư viện của toàn đại học đã bổ sung, phát triển được 69.986 tài liệu điện tử, tăng 11.057 tài liệu so với năm 2014, trong đó điển hình như Trung tâm Học liệu bổ sung 43.461 tài liệu tăng 4.390 tài liệu so với năm 2014.

Trong năm 2015, hệ thống thư viện Đại học Thái Nguyên đã phục vụ 493.741 lượt bạn đọc đến sử dụng Thư viện, tăng 17,4% so với năm 2014. Số lượt tài liệu in mượn trả là 439.900 lượt, giảm 3,1% so với năm 2014. Trong khi đó số lượng bạn đọc sử dụng thư viện từ xa đã tăng vọt lên thành 2.789.774 lượt, tương đương với mức tăng trên 99%. Số liệu thống kê này cho thấy nhu cầu sử dụng các nguồn tài liệu điện tử, truy cập tài liệu từ xa của người dùng tin là rất lớn và định hướng của hệ thống thư viện Đại học Thái Nguyên về việc tăng cường tài liệu điện tử, từng bước chuyển đổi Thư viện truyền thống sang Thư viện điện tử là hoàn toàn phù hợp.

ThS. Nguyễn Ánh Nguyệt - Phó Giám đốc TTHL trình bày báo cáo tổng kết hoạt động thư viện năm 2015 và  kế hoạch công tác năm 2016 

Cũng qua báo cáo công tác Công nghệ thông tin của Trung tâm Công nghệ thông tin – Đại học Thái Nguyên cho biết: Năm học 2014 -2015, cùng với những kết quả đã đạt được của toàn Đại học, hệ thống Công nghệ thông tin với vai trò và nhiệm vụ là tham mưu, tư vấn về lĩnh vực Công nghệ thông tin ứng dụng trong quản lý, điều hành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và  nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Trung tâm Công nghệ thông tin và các Trung tâm (phòng) Công nghệ thông tin  tại các đơn vị là những hạt nhân tích cực trong việc triển khai thành các nhiệm vụ chuyên môn của toàn Đại học. Đề án “Chuẩn hóa trình độ và kĩ năng Công nghệ thông tin cho cán bộ, viên chức, giáo viên và sinh viên giai đoạn I (2013-2015); kết quả cho thấy, với gần 3000  cán bộ, viên chức, giáo viên  và trên 1000 sinh viên đạt các chuẩn quốc tế (IC3/MOS), hơn 10.000 sinh viên của 8 trường thành viên được tiếp cận môn học tin đại cương theo hướng tiệm cận chuẩn quốc tế (IC3). Xếp hạng cổng thông tin điện tử của Đại học Thái Nguyên đã được cải thiện đáng kể thông qua các hoạt động thông tin, quảng bá không chỉ của Đại học Thái Nguyên mà còn của các đơn vị thành viên. Kết quả cụ thể: Từ chỗ không được xếp hạng trong Top 100 những năm trước đây, đã không ngừng được cải thiện nâng cấp, đến cuối 2014 đã được xếp hạng 18 và tháng 8 năm 2015 đã đứng hàng thứ 7 trong khối hơn 400 trường Đại học Việt Nam. Việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở kĩ thuật Công nghệ thông tin của Đại học Thái Nguyên cũng đã được các lãnh đạo Đại học Thái Nguyên và các đơn vị chỉ đạo sát sao và đem lại những kết quả đáng mừng như: triển khai Dự án “Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin Đại học Thái Nguyên” (gần 10 tỷ VNĐ); Dự án nâng cấp hạ tầng Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hình thức E –Learning(trên 60 tỷ); Đầu tư hệ thống máy chủ CSDL, hệ thống LMS/LCMS phục vụ đào tạo trực tuyến (gần 3 tỷ VNĐ)…Ngoài ra, Trung tâm cũng triển khai các hoạt động tư vấn, thiết kế hạ tầng mạng, hệ thống website cho một số đơn vị trong và ngoài ĐHTN: tư vấn, thiết kế hạ tầng mạng cho tòa nhà T1- Đại học Thái Nguyên, tư vấn dự án nâng cấp hạ tầng mạng của trường Đại học Y Dược, triển khai một số website theo đơn đặt hàng của  Đại học Thái Nguyên và các đơn vị bạn.

PGS. TS Nguyễn Duy Hoan - Giám đốc Trung tâm Học liệu kiêm Trưởng khoa Khoa Quốc tế phát biểu tại Hội nghị

Có thể thấy, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2015, Trung tâm Học liệu  và Trung tâm Công nghệ thông tin đã đề ra nhiệm vụ công tác trong năm 2016, trong đó nhấn mạnh tới việc tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; đồng thời sớm khắc phục những hạn chế tồn tại để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo Đại học Thái Nguyên giao.

Hội nghị đã lắng nghe nhiều những ý kiến thảo luận, trao đổi sâu sắc và thân tình của những cán bộ quản lý thực sự tâm huyết với nghề thư viện đến từ Trung tâm Học liệu, trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Nông lâm, trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh…. Một nghề mà chưa được sự quan tâm thỏa đáng của toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng với những đóng góp "thầm lặng, bền bỉ" nhưng to lớn.

PGS. TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu kết luận Hội nghị

Sau khi nghe các ý kiến phát  biểu thảo luận, Phó Giám đốc Đại học một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động Công nghệ thông tin, Thư viện trong hoạt động quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại Đại học Thái Nguyên. Phó Giám đốc cũng chia sẻ những khó khăn mà các cán bộ làm công tác thư viện đang gặp phải. Bên cạnh đó, lãnh đạo Đại học Thái Nguyên cũng đã yêu cầu Trung tâm công nghệ thông tin và Trung tâm Học liệu là hai đơn vị đầu mối về hai lĩnh vực này cần sớm triển khai hoạt động tổng thể phát triển công nghệ thông tin và thư viện của Đại học Thái Nguyên từ nay tới năm 2016, tầm nhìn đến năm 2020, để các đơn vị lấy đó làm căn cứ để triển khai nhiệm vụ cho sát với nhiệm vụ chung của toàn Đại học. Trung tâm Học liệu là nơi triển khai những mạng lưới liên thư viện để giúp cho sinh viên, cán bộ giảng viên của Đại học Thái Nguyên có thể tiếp cận được nhiều hơn nguồn tri thức nhằm phục vụ việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Trung tâm Công nghệ thông tin ngoài chức năng quản lý, tham mưu cho thủ trưởng đơn vị, các trung tâm còn có thêm chức năng triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ thuật và cung cấp các dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; đặc biệt là phát triển các phần mềm ứng dụng trong đổi mới quản lý và phục vụ đào tạo.

 

Thanh Bắc (P. Phát triển và Ứng dụng thông tin điện tử)