Xu thế phát triển của một số thư viện trên thế giới

Các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được vai trò của thư viện như một thiết chế xã hội đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu nghiên cứu và học tập, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội và nâng cao dân trí, cho nên họ đều xây dựng các khung pháp lý để bảo vệ và phát triển sự nghiệp thư viện. Các quốc gia đều có chính sách đầu tư xây dựng các hệ thống và mảng lưới thư viện ngày càng hiện đại theo hướng biến thư viện trở thành các cơ quan thông tin, trung tâm học liệu, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu khoa học và học tập suốt đời, trung tâm lưu trữ và bảo quản di sản thư tịch; các thư viện công cộng sẽ tiến tới trở thành các trung tâm văn hoá cộng đồng, là nơi truy cập Internet, là một mắt xích của chính phủ điện tử. 

1. Các Thư viện ở Hoa Kỳ
Áp dụng công nghệ mới là kinh nghiệm nổi bật nhất trong các thư viện Hoa Kỳ. Xuất phát từ những trở ngại trong việc áp dụng công nghệ như giá thành, việc khó sử dụng và thiếu dịch vụ hỗ trợ, Hoa Kỳ có quan điểm thực tiễn cho rằng, công nghệ mới trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng thường là công nghệ không nhất thiết phải là mới tuyệt đối nếu xét về lâu dài mà chính là công nghệ có khả năng áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực ấy. Thí dụ, trong việc thu thập dữ liệu, hai công nghệ được coi là mới và việc sử dụng chúng được coi là chuẩn, chính là phần mềm hệ thống thông tin địa lý GIS, để phân diện thị trường thư viện và phân tích địa điểm góp phần thực hiện các chính sách quốc gia và khu vực, chẳng hạn nghiên cứu đặt các chi nhánh thư viện công cộng phục vụ truy cập thông tin bằng máy tính cho người thu nhập thấp và máy quét mã vạch cầm tay PDC và PDA để thu thập dữ liệu về lưu thông tài liệu và sử dụng thư viện.
Việc tổ chức thư viện thành các hệ thống cũng rất bài bản, hướng vào trọng phát triển kinh tế xã hội và thế mạnh của nước Mỹ với 4 Thư viện ở tầm quốc gia: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, Thư viện Nông nghiệp Quốc gia Hoa Kỳ, Thư viện Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ; với Hệ thống thư viện các bang và Hệ thống thư viện đại học rất hiện đại và hoàn chỉnh.

  • Thư viện quốc hội Hoa Kỳ

Thư viện Quốc hội trên thực tế là thư viện quốc gia của Hoa Kỳ, là đơn vị nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ. Đây là thư viện lớn nhất theo diện tích để sách và một trong những thư viện quan trọng nhất trên thế giới. Kho tư liệu của Thư viện  bao gồm hơn 30 triệu cuốn sách và các tài liệu in ấn khác được viết bằng 470 thứ tiếng; hơn 61 triệu bản thảo viết tay; bộ sưu tập các cuốn sách hiếm lớn nhất Bắc Mỹ, hơn 1 triệu ấn bản các văn kiện của Chính phủ Hoa Kỳ; 1 triệu ấn bản báo chí thế giới trong suốt 3 thế kỉ qua; 33.000 bộ nhật báo đóng tập; 500.000 cuộn microfilm; hơn 6.000 truyện tranh; cơ sở dữ liệu luật lớn nhất thế giới; hơn 4,8 triệu bản đồ, bản nhạc; 2,7 triệu bản ghi âm, hơn 13,7 triệu hình in và chụp bao gồm các tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng, các bản vẽ kiến trúc, …
Chức năng chính của Thư viện là sưu khảo và phân tích thông tin và tư liệu nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của các nghị sĩ Quốc hội. Thư viện Quốc hội cũng tiếp nhận từ Cục bản quyền Hoa Kỳ bản sao của tất cả sách, tiểu luận, ấn phẩm, nhạc phẩm đã đăng ký tại Hoa Kỳ. Là thư viện quốc gia của Hoa Kỳ, Thư viện Quốc hội góp phần quảng bá văn học Mỹ qua các đề án như American Folklife Center (Trung tâm Văn hóa Dân gian Mỹ), American Memory (Hồi ức Mỹ), Center for the Book (Trung tâm Sách), và Poet Laureate (Quán quân Thi ca).

 

Ảnh minh họa

Năm 1991, Thư viện Quốc hội bắt đầu sử dụng các thành tựu kỹ thuật mới và công nghệ Internet để nối kết Thư viện với các thiết chế giáo dục trên khắp nước. Cuối tháng 11 năm 2005, Thư viện công bố đề án thành lập Thư viện số thế giới, sử dụng kỹ thuật số lưu trữ sách và các tư liệu khác từ tất cả các nền văn hóa của nhân loại.
Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ là nơi biên soạn và phổ biến Khung phân loại  của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ và Khung phân loại thập phân Dewey nổi tiếng trên thế giới, là thư viện đi tiên phong trong việc soạn thảo và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, có thể phân loại và kể tên các tiêu chuẩn như sau:
Về khô mẫu trao đổi nguồn có:

Đánh dấu bằng ngôn ngữ XML các siêu dữ liệu chọn lọc từ các biểu ghi MARC21 hiện có,  cũng như từ các bản mô tả nguồn tin gốc.

  • MADS (Tiêu chuẩn mô tả siêu dữ liệu chuẩn):  Đánh dấu bằng ngôn ngữ XML các dữ liệu kiểm soát tính nhất quán từ các biểu ghi MARC21 cũng như từ các bản mô tả nguồn tin gốc.
  • EAD (Mô tả lưu trữ mã hóa) Đánh dấu bằng ngôn ngữ XML thiết kế cho việc mã hóa các phương tiện trợ giúp tìm kiếm.

               -    VRA Core (Các yếu tố căn bản mô tả nguồn tài liệu nhìn): là một chuẩn dữ liệu và một sơ đồ XML dùng để mô tả các tác phẩm thuộc nền văn hóa xem nhìn cũng như các hình ảnh tư liệu hóa các tác phẩm đó.
Về các chuẩn thư viện số có:

  • METS (Tiêu chuẩn mã hóa và truyền siêu dữ liệu): Cấu trúc dành cho việc mã hóa các siêu dữ liệu mô tả, quản lý hành chính và tổ chức)
  • MIX (Siêu dữ liệu quốc gia dành cho hình ảnh bằng ngôn ngữ XML) : Sơ đồ XML để mã hóa các yếu tố dữ liệu kỹ thuật cần để quản lý các sưu tập hình ảnh số
  • PREMIS (Siêu dữ liệu bảo quản): Từ điển dữ liệu và các sơ đồ XML hỗ trợ dùng cho các siêu dữ liệu bảo quản căn bản cần để bảo quản dài hạn các tài liệu số. 
  • TextMD (Siêu dữ liệu kỹ thuật dùng cho văn bản) – Sơ đồ XML chi tiết hóa các siêu dữ liệu kỹ thuật cho các đối tượng số dựa trên văn bản) 
  • ISO/DIS 25577 – Thông tin và tư liệu – Khổ mẫu trao đổi MARC
  • ISO 20775 - Thông tin và tư liệu –  Sơ đồ cho thông tin vè vốn tài liệu lưu trữ
  • ALTO – Siêu dữ liệu kỹ thuật dùng để nhận dạng ký tự quang học
  • AudioMD and VideoMD – Sơ đồ XML chi tiết hóa các siêu dữ liệu kỹ thuật  dành cho các đối tượng số : hình và tiếng

Về các giao thức tìm tin

Thư viện đang biên soạn Tiêu chuẩn

  • Định dạng Ngày/ giờ mở rộng  (EDTF)

Thư viện Quốc hội còn góp phần xây dựng và áp dụng các mã  ngôn ngữ theo ISO

  • ISO 639-2: Mã trình bày tên ngôn ngữ-- Phần 2: Mã Alpha-3 .
  • ISO 639-5: Mã trình bày tên ngôn ngữ-- Phần 5: Mã Alpha 3- dùng cho các họ và nhóm ngôn ngữ.

Tham gia và áp dụng Chỉ số xuất bản phẩm nhiều kỳ theo chuẩn quốc tế  (ISSN), phát triển các chính sách và các chuẩn nghiệp vụ trong TVQH liên quan đến siêu dữ liệu nội dung .

  • Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ

Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (TVYHQG) hoạt động dưới sự quản lý của Chính phủ Liên bang là thư viện y học lớn nhất thế giới, là một bộ phận của các viện y tế quốc gia. Vốn tài liệu  có hơn 7 triệu sách, tạp chí, báo cáo kỹ thuật, bản thảo, microfilm, ảnh và các hình ảnh về y học và các khoa học  liên quan, kể cả một số tác phẩm cổ và hiếm nhất của thế giới
Từ năm 1879, TVYHQG xuất bản Index Medicus, là bản hướng dẫn thư mục tới các bài đăng trong gần 5.000 tạp chí chọn lọc của thế giới . Số cuối cùng được phát hành vào tháng 12 năm 2004. Thông tin  y học còn có thể truy cập miễn phí ở CSDL PubMed, trong số hơn 15 triệu tham chiếu và tóm tắt các bài tạp chí trên mạng MEDLINE từ những năm 1960 và 1,5 triệu tham chiếu  từ những năm 1950.
TVYHQG cũng điều hành Trung tâm quốc gia thông tin công nghệ sinh học là chủ của các CSDL sinh học (PubMed nằm trong số đó), có thể truy cập miễn phí trên Internet bằng máy tìm Entrez

  • Thư viện Nông nghiệp Quốc gia Hoa Kỳ
Thư viện Nông nghiệp Quốc gia Hoa Kỳ (TVNNQG), thành lập năm 1862 là một trong những thư viện nghiên cứu nông nghiệp lớn nhất thế giới, là thư viện ở tầm quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, là cơ quan điều phối Mạng lưới thư viện nông nghiệp và mạng lưới thông tin nông nghiệp.
Ngày nay, ngoài việc phục vụ các tài liệu truyền thống, thư viện còn tổ chức các dịch vụ trực tuyến.
- AGRICOLA do Thư viện xây dựng và quản trị là cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về tài liệu nông nghiệp, có hơn 4,1 triệu biểu ghi cho các xuất bản phẩm có từ thế kỷ 15 đến nay, 78% số lượng biểu ghi là dành cho các bài tạp chí và các chương mục trong sách, 22% là sách, tạp chí  toàn văn, bản đồ, nguồn tin điện tử và tài liệu nghe nhìn. CSDL này chỉ dẫn các xuất bản phẩm từ nhiều ngành có liên quan đến nông nghiệp. bao gồm khoa học  thú y, côn trùng học, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nghề cá, kinh tế học, thực phẩm và dinh dưỡng, và các khoa học  về môi trường. AGRICOLA  xuất xứ từ  Thư mục nông nghiệp xuất bản từ năm 1942, là một bản chỉ dẫn in các trích dẫn bài tạp chí. Lần đầu tiên được số hóa trên băng từ  vào năm 1970, và các biểu ghi có thể tìm được qua các nhà cung cấp CSDL như Dialog và OCLC. Năm 1998, CSDL này có thể truy cập tự do trên World Wide Web.

- Kho tài liệu số của Thư viện Nông nghiệp Quốc gia Hoa Kỳ
Kho này được xây dựng vào tháng 4 năm 2006 dùng làm kho lưu trữ số hóa các tư liệu của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ. Kho chứa hơn 600 nghìn trang văn bản số hóa. Các xuất bản phẩm chứa trong Kho gồm các số của Tạp chí nghiên cứu nông nghiệp ( Journal of Agricultural Research) từ 1913 đến 1949 và tài liệu lưu trữ trong Niên giám của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ có từ năm 1894.
-  Các trung tâm thông tin
Thư viện Nông nghiệp Quốc gia Hoa Kỳ có nhiều trung tâm thông tin chuyên ngành để cung cấp các điểm truy cập tới nguồn lực thông tin toàn diện và cơ bản nhằm vào các khía cạnh cụ thể của các đề tài nông nghiệp. Thí dụ như Trung tâm thông tin chăn nuôi, Trung tâm thông tin thực phẩm và dinh dưỡng, Trung tâm thông tin an toàn thực phẩm, Trung tâm thông tin nông thôn, Trung tâm thông tin về chất lượng nước,…Ngoài các dịch vụ tra cứu chung hiện có ở TVQGNN, mỗi trung tâm lại cung cấp các điểm truy cập tới các nguồn lực trên Internet để tăng cường tính hiện hữu và mức độ phổ biến thông tin, Các trung tâm  có đủ biên chế  để phục vụ  người sử dụng tại chỗ cũng như qua điện thoại, fax hoặc email.

  • Thư viện Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ

Thư viện giáo dục quốc gia Hoa Kỳ (TVGDQG) là trung tâm nguồn lực thông tin giáo dục của Chính phủ Liên bang, cung cấp sưu tập tài liệu và dịch vụ thông tin cho công chúng, cộng đồng giáo dục và các cơ quan khác của Chính phủ về các chương trình, hoạt động và xuất bản phẩm của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, chính sách giáo dục Liên bang, nghiên cứu và thống kê về giáo dục. Ngoài việc phục vụ tại chỗ, các dịch vụ của Thư viện còn được thực hiện qua điện thoại, Internet, fax, thư từ và e-mail 
- Vốn tài liệu: Sưu tập trung tâm của Thư viện GDQG nhằm vào lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực liên quan như luật, chính sách công, kinh tế, quản lý đô thị, xã hội học, lịch sử, triết học, tâm lý học và khoa học thông tin. Ngoài vốn tài liệu hơn 60.000 sách, Thư viện còn lưu giữ hơn 800 tạp chí bằng tiếng Anh về giáo dục và các khoa học  liên quan, bộ sưu tập microfiche về giáo dục và các khoa học  liên quan; kho lưu trữ các tư liệu chính thức in và điện tử của Bộ giáo dục; các tài liệu về luật giáo dục. Thư viện cũng là một kho lưu chiểu thuộc Chương trình thư viện lưu chiểu Liên bang của Cơ quan ấn loát chính phủ Hoa Kỳ, phục vụ các tài liệu của các cơ quan chính quyền khác.
- Các dịch vụ : Thư viện GDQG cung cấp các dịch vụ thông tin, thống kê và tra cứu cho công chúng và đại diện của các cơ quan chính phủ khác; Thư viện hỗ trợ việc tìm và sử dụng các tài liệu của chính phủ, Ngoài ra Thư viện còn hợp tác với các thư viện khác để hỗ trợ các dịch vụ tra cứu ảo cho công chúng cũng như trả lời trực tiếp các câu hỏi của các thư viện trên khắp thế giới thay mặt cho người sử dụng của họ, cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và tìm kiếm theo chiều sâu cho cán bộ và cộng tác viên của Bộ giáo dục. Công chúng có thể yêu cầu mượn các tài liệu của Thư viện thông qua thư viện công cộng địa phương, thư viện trường học của họ. Thư viện cũng cung cấp tài liệu cho các thư viện trên toàn cầu.

  • Hệ thống Thư viện đại học Hoa Kỳ

Kể từ năm 1936, khi Thư viện Đại học Harvard được thành lập đến nay ngành thư viện đại học Hoa Kỳ đã có lịch sử hơn 370 năm, trở thành hệ thống thư viện đại học lớn nhất và hiện đại nhất thế giới. Hệ thống đó được hình thành và phát triển năng động nhờ nhận thức, quan điểm, các chủ trương, chính sách và biện pháp của Hoa Kỳ:
- Xây dựng và phát triển thư viện trên nền tảng của nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của sách và tri thức, và quan điểm thực tiễn và hiệu quả
- Nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và đầu tư phát triển thư viện   
- Tăng cường dân chủ hóa và xã hội hóa sự nghiệp phát triển thư viện nói chung và thư viện đại học nói riêng; coi trong vai trò của các hội thư viện trong việc nghiên cứu, phản biện, hợp tác, trao đổi ý kiến, tiêu chuẩn hóa, huy động nguồn lực và đào tạo cán bộ,…trong lĩnh vực thư viện
- Coi trọng vai trò của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, trong việc liên thông và đổi mới hoạt động thư viện.
2. Các thư viện ở Nga

Ảnh minh họa


Nước Nga nói riêng và Liên Xô cũ nói chung, đã có một lịch sử và truyền thống xây dựng, tổ chức và phát triển thư viện tốt đẹp cả về phương diện lý luận và thực tiễn, nổi bật nhất là việc tổ chức và quản lý tập trung hệ thống thư viện toàn quốc, có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp thư viện thế giới và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thư viện của nhiều nước trong phe xã hội chủ nghĩa (trước đây), đặc biệt là việc hỗ trợ tài liệu, hướng dẫn phương pháp luận và đào tạo chuyên nghiệp nguồn nhân lực. Trong những năm 90 thế kỷ trước, sau khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chính phủ không thể quan tâm đến các thư viện, nhất là thư viện địa phương, các thư viện không được cấp đủ kinh phi để hoạt động, đời sống cán bộ thư viện gặp khó khăn, tài liệu giảm sút do hoạt động xuất bản bị đình trệ và các thư viện thiếu tiền mua, ảnh hưởng rất nhiều việc nghiên cứu và phục vụ, tuy nhiên các thư viện vẫn tìm mọi cách để tồn tại, phát triển các hình thức dịch vụ có thu phí, kể cả việc làm môi giới mua sách báo Nga cho các thư viện nước ngoài. Ngày nay, cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế thị trường sau hơn 10 năm đất nước bị suy thoái, các thư viện Nga đã dần dần hồi phục, đa dạng hóa dịch vụ,  tăng cường hội nhập, áp dụng các chuẩn quốc tế, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin thư viện tiên tiến của Hoa Kỳ. Các thư viện đã có điều kiện vạch ra chiến lược phát triển thư viện trong thế kỷ 21 theo các hướng

  •  Hoàn thiện tổ chức và quản lý 
  •  Hiện đại hóa hoạt động bằng kỹ thuật và công nghệ mới
  •  Thực hiện mô hình mới phục vụ người sử dụng trong thế kỷ tin học hóa thư viện 
  •  Đổi mới chính sách hình thành kho thư viện 
  •  Thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ vốn tài liệu của thư viện
  • Hình thành và thực hiện chính sách quốc gia về thư viện ở Cộng hòa Liên bang Nga, kế hoạch tổng thê phát triển thư viện đến năm 2017.

Công cuộc hiện đại hóa hoạt động thư viện Nga bắt đầu từ cuối những năm 1990, đã đem lại một mẫu hình văn hoá xã hội mới cho sự phát triển thư viện. Nước Nga đã có những nỗ lực cập nhật và khuyến khích đổi mới có liên quan đến mọi khía cạnh của nghề thư viện và hoạt động thư viện với tư cách là các trung tâm thông tin, văn hoá và giáo dục .
Một cuộc cải cách toàn diện và linh hoạt màng lưới thư viện Nga và việc cập nhật về phương diện tổ chức và công nghệ đã được thực hiện dưới ảnh hưởng của các nhân tố chính sau đây:
- Chiến lược mới phát triển chính trị, kinh tế xã hội của Chính phủ
- Phân vùng sinh hoạt kinh tế xã hội và khẩn trương thể chế hóa chính quyền tự quản địa phương, đô thị hóa các dự án xã hội và văn hoá
- Sự nổi lên của xã hội thông tin toàn cầu
- Sự hình thành thị trường sản phẩm và dịch vụ thông tin có liên quan thị trường xuất bản sách;
- Sự cải tổ hệ thống giáo dục có ảnh hưởng quan trọng đối với những đặc điểm phát triển mạng lưới thư viện Nga
- Sự hình thành cơ sở và môi trường pháp lý cho hoạt động thư viện
- Việc áp dụng các công nghệ thông tin mũi nhọn trong mọi qui trình thư viện cho phép tạo lập các mạng thông tin thư viện cục bộ và hợp tác tạo điều kiện cho các thư viện Nga truy cập tới môi trường thông tin toàn cầu.
Nước Nga đã thay đổi cấu trúc nguồn lực thông tin thông qua việc mở rộng nguồn tin điện tử, đáp ứng nhu cầu tin đa dạng và tăng cường các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ; Áp dụng các phương pháp quản lý và marketing thư viện bao gồm cả các hoạt động theo dự án; Phát triển các hoạt động kinh tế độc lập của thư viện; Củng cố cộng đồng thư viện và phát triển các hình thức tiên tiến truyền thông nghề nghiệp.
Sự năng động  và tiến bộ của thư viện Nga hiện nay là cơ sở để hình thành những yêu cầu nghề nghiệp mới mà cán bộ thư viện tương lai phải đáp ứng. Cán bộ thư viện ngày nay phải là những chuyên gia công nghệ  số, có khả năng tìm và hướng dẫn tìm tin trên Internet, nắm vững kiến thức thông tin và kiến thức khoa học  tổng hợp, là người quản lý và nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực thông tin thư viện. Từ đó cần thiết phải khẩn trương  mở rộng và nâng cấp toàn diện kiến thức nghiệp vụ và thói quen công tác cho cán bộ thư viện, phát triển bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên và liên tục để họ có thể giải quyết những nhiệm vụ mới. Hiện nay hướng phát triển này là phần chính trong chính sách đào tạo cán bộ có liên quan đến hiện đại hóa thư viện một cách năng động trong môi trường truyền thông mới và là công cụ hữu hiệu để cải cách thư viện Nga, là nơi thử nghiệm những ý tưởng mới, quan niệm mới và công nghệ mới, là nơi tích lũy những kinh nghiệm đổi mới thư viện làm nó trở thành một bộ phận thực hành qua đào tạo .Đến nay, đã không còn tồn tại sự tách biệt rạch ròi giữa hoạt động thư viện và hoạt động thông tin, như một cuộc tranh luận kéo dài trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước giữa các nhà thư viện học, thư mục học và thông tin học Nga đã phản ánh. Hiện nay ở Nga tất cả các thư viện Liên bang và hơn một nửa thư viện khoa học tổng hợp, thư viện đại học và các thư viện khoa học kỹ thuật lớn đã đưa lên mạng ở dạng mở tất các các mục lục điện tử. Cuối năm 2006, hầu hết các thư viện toàn liên bang đã có mục lục điện tử trên mạng, tiềm năng thông tin này có thể được đông đảo người dùng tin quan tâm.
Sự thay đổi cơ bản này làm cho thông tin thư mục trở nên hiệu quả và linh hoạt. Người dùng tin không phải chờ các thông báo định kỳ tài liệu mới mà chỉ việc cập nhật hàng tuần, hàng ngày.

Công nghệ số cho phép mở rộng đáng kể các cơ sở nguồn tin cấp 1 và cấp 2. Như vậy là dịch vụ thư mục có chất lượng cao được phát triển rất mạnh trên nền tảng công nghệ số, tăng mức độ thuận tiện cho bạn đọc, đồng thời giảm chi phí lao động, thuận lợi cho cán bộ thư viện. 

Ảnh minh họa

Hợp tác, liên kết là nét đặc trưng tổ chức dịch vụ thư mục trong các thư viện. Có  điều là nhân tố khách quan duy nhất để mở rộng thông tin thư mục số hóa hiện còn ở mức thấp, trước hết là các thư viện cơ sở (các chi nhánh) và cá nhân bạn đọc còn chưa nối mạng internet, tuy tình trạng này ngày càng được cải thiện nhưng so với Mỹ thì việc tiếp cận của người dân tới internet của Nga tụt hậu khoảng 3-4 năm.
Hiện nay nước Nga đang trong giai đoạn kết thúc nối mạng internet cho các thư viện thuộc liên bang (thư viện vùng và thư viện thuộc Mạng lưới thư viện quốc gia). Các thư viện thành phố và thư viện đại học cũng đang tích cực nối mạng, sau đó là các chi nhánh của mạng thư viện tập trung hóa, các thư viện nông thôn, thư viện trường học. Các thư viện nhỏ (quận, huyện), các thư viện chuyên ngành của các cơ quan cũng đang dần dần được kết nối. Với những thành tựu về công nghệ và với các khuynh hướng như đã nêu trên, năm 2007 đối với nước Nga dịch vụ thư viện số hóa sẽ chiếm ưu thế, sẽ hội nhập một cách hài hòa vào hệ thống truyền thông số.
Một quyết tâm đổi mới đang được thể hiện trong Cộng đồng thư viện Nga: Đổi mới về tổ chức, đổi mới về quản lý, đổi mới về hoạt động, đổi mới về công nghệ, đổi mới về sản phẩm và dịch vụ…Tuy nhiên, để quyết tâm đó biến thành hiện thực phải có một chiến lược và lộ trình phát triển đổi mới thư viện cụ thể, phải giải quyết một số vấn đề như: xây dựng phương pháp luận đổi mới, nghiên cứu phương pháp áp dụng cái mới, nghiên cứu giảm thiểu những xung đột và phản ứng trái chiều, nghiên cứu các thông số đảm bảo nguồn lực và tiêu chí về hiệu quả của đổi mới.
Dưới đây là một số thư viện điển hình của Nga:

  • Thư viện quốc gia Nga (TVQGN)

TVQGN ở Maxcơva, là thư viện liên bang quốc gia lớn nhất Châu Âu, đứng thứ hai thế giới sau Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ.
Hàng năm, số lượng tài liệu mới bổ sung là 360 nghìn bản, trong số đó gần 20% là tài liệu nước ngoài. Ấn phẩm trong nước được bổ sung trên cơ sở “Luật lưu chiểu Liên Bang Nga” (1994) với các vật mang tin bằng giấy, điện tử, vi hình, vv. Trong công tác bổ sung tài liệu nước ngoài, Thư viện cố gắng nhận được các tư liệu có giá trị nhất về lịch sử khoa học, nghệ thuật và thông tin, chú trọng đặc biệt tới việc hình thành kho tài liệu nghiên cứu về nước Nga (Nga học).
Công dân Nga và các quốc gia khác từ 18 tuổi trở lên có quyền sử dụng TVQGN. Công tác phục vụ được tiến hành cá biệt trong 26 phòng đọc. Cứ 5 năm lại có khoảng 400-500 nghìn người đăng ký vào đọc Thư viện. Từ những năm 1990, lượt đến đọc hàng năm trung bình là 16 triệu, lượt mượn đọc là 12,4 triệu bản, trong đó 42,6 nghìn là mượn theo chế độ mượn giữa các thư viện; phục vụ sao chụp tài liệu 448,3 nghìn trang, trả lời và hướng dẫn thư mục là 307,4 nghìn lượt,…
TVQGN còn tạo cho bạn đọc tiếp cận với các nguồn tin điện tử, Internet, tiến hành các dịch vụ có thu phí, thực hiện chức năng của một Trung tâm mượn liên thư viện và mượn quốc tế lớn nhất nước Nga, tổ chức các phòng đọc ảo, phát triển cung cấp tài liệu bằng các phương tiện điện tử, hợp tác với IFLA trong chương trình “Tạo cho mọi người tiếp cận xuất bản phẩm”, giải quyết các vấn đề mạng và chuẩn bị tư liệu…góp phần điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này ngang tầm quốc tế.

Ảnh minh họa

Hoạt động của TVQGN với tư cách là một cơ quan khoa học và trung tâm phương pháp luận, hướng vào nghiên cứu các cơ sở của thư viện học và thực hiện chính sách liên bang trong lĩnh vực này, phát triển chức năng của một thư viện quốc gia: Tham gia vào việc chuẩn bị và thực hiện các chương trình quốc tế, liên bang, khu vực, văn bản pháp qui trong đó có luật thư viện kiểu mẫu của các quốc gia trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, các tiêu chuẩn về công tác thông tin, thư viện và xuất bản; phát triển hệ thống thuật ngữ thư viện học; biên soạn các sổ tay tra cứu thư viện; xây dựng mục lục liên hợp; nghiên cứu các định mức kiểu mẫu về các quá trình công nghệ trong hoạt động thư viện; phát triển Khung phân loại quốc gia BBK; tham gia hoạt dộng của Ủy ban biên mục liên khu vực, chuẩn bị và tiến hành Diễn đàn nghề nghiệp toàn Nga về những vấn đề cấp thiết phát triển sự nghiệp thư viện và các lĩnh vực hoạt động liên quan.
Với tư cách là cơ quan trung tâm ngành của Hệ thống đảm bảo thông tin khoa học cho hoạt động văn hoá, Thư viện đã tiến hành mọi loại hình thông tin trên cơ sở của các cơ sở dữ liệu tự động hóa, xuất bản các loại chỉ dẫn thông tin thư mục, tạp chí và tuyển tập thông tin phân tích, phục vụ tra cứu tin theo các yêu cầu thường xuyên và trọn gói.
Là một trung tâm giáo dục đào tạo, TVQGN tham gia vào hệ thống giáo dục sau đại học, hàng năm mở các lớp thư viện cao đẳng cho các cán bộ tốt nghiệp đại học không phải chuyên ngành thư viện, từ năm 2000 khôi phục chế độ nghiên cứu sinh, hoạt động của Hội đồng bảo vệ luận án, tổ chức thực tập cho các cán bộ thư viện trong và ngoài nước, thường xuyên tiến hành các lớp và hội thảo chuyên đề.
Hợp tác quốc tế được duy trì và mở rộng thường xuyên với các tổ chức quốc tế thuộc chính phủ hoặc phi chính phủ, các hội và tổ chức nghề nghiệp, như Liên hợp quốc, UNESCO, IFLA, Tiểu ban kỹ thuật 46 của ISO,…Thư viện thực hiện trao đổi sách quốc tế với các đối tác thuộc 98 nước, là cơ quan chủ trì biên soạn và xuất bản nhiều công trình thư mục và mục lục liên hợp đồ sộ. TVQGN đã xây dựng và đưa ra phục vụ nhiều sản phẩm và dịch vụ thông tin, bao gồm cả sản phẩm điện tử và dịch vụ truy cập trực tuyến, là thư viện đóng vai trò tích cực trong việc tiêu chuẩn hóa các khổ mẫu trao đổi và đảm bảo ngôn ngữ thông tin.  TVQGN cũng là thư viện có sáng kiến trong việc xây dựng thư viện điện tử quốc gia với các phòng đọc ảo.

  • Thư viện quốc gia dành cho người mù (TVQGDCNM)

TVQGDCNM ở Maxcơva là thư viện công cộng đầu tiên dành cho người khiếm thị. Thư viện hoạt động dưới sự điều hành của các cơ quan quản lý văn hoá Liên bang Nga với qui chế thư viện liên bang, có những sưu tập ấn phẩm dành cho người mù độc đáo và lớn nhất nước Nga (hơn 1140 nghìn đơn vị bảo quản).
Từ năm 1995 Thư viện nhận được 2 bản lưu chiểu miễn phí của các xuất bản phẩm chấm nổi và lồng tiếng. Sách và tạp chí dành cho người mù bằng tiếng nước ngoài và các xuất bản phẩm nước ngoài in phẳng của các tổ chức, các hội và các thư viện dành cho người mù quốc tế được gửi đến như những tặng phẩm và viện trợ từ thiện. Hàng năm, vốn tài liệu tăng lên tới 40-50 nghìn bản. Từ năm 1991, sách mới bổ sung được đưa vào các cơ sở dữ liệu điện tử.  TVQGDCNM là kho lưu trữ các phiên bản sách và tạp chí dành cho người mù, cho các thư viện trong và ngoài nước mượn theo chế độ Mượn liên thư viện, nghiên cứu và tổng kết các yêu cầu của người đọc và các thư viện dành cho người mù của Liên bang Nga, cùng với các tổ chức xuất bản tham gia lập kế hoạch xuất bản tài liệu cho người mù.
Những cá nhân đăng ký mượn về của TVQGDCNM (gần 14 nghìn người) là những người khiếm thị và người mù, người khuyết tật các loại không có khả năng đọc các ấn phẩm thông thường, thành viên gia đình họ, các chuyên gia làm việc với những người khuyết tật.
TVQGDCNM đang áp dụng các công nghệ tin học hiện đại. Toàn bộ các quá trình thư viện đều được tin học hóa, tổ chức các chỗ làm việc tự động để cho những người khiếm thính làm việc tự quản, sử dụng những phương tiện kỹ thuật khiếm thính và các chương trình thích nghi. Người đọc có quyền sử dụng máy tính, Internet và các nguồn thông tin khác nhau.
TVQGDCNM là trung tâm phương pháp luận khoa học của màng lưới các thư viện dành cho người mù.

  • Thư viện Nghệ thuật Quốc gia Nga (TVNTQGN)

TVNTQGN ở Maxcơva, là thư viện đầu ngành trong lĩnh vực nghệ thuật. Kho tài liệu của Thư viện có gần 2 triệu sách, tạp chí, báo, chương trình sân khấu, tài liệu nghệ thuật tạo hình (tranh chạm khắc, phiên bản, bưu thiếp, ảnh, anbum mẫu vải thời xa xưa). Diện bổ sung bao quát một phạm vi rộng lớn các khoa học nhân văn, mà trước hết là các khoa học có liên quan đến sân khấu, nghệ thuật tạo hình và hoạt động nghệ thuật khác (70% kho là các tài liệu trong và ngoài nước về sân khấu, âm nhạc, vũ kịch, điện ảnh, kịch, nghệ thuật tạo hình, dân tộc học và phục trang),
Đáng chú ý đặc biệt là kho tài liệu tranh tượng thờ (25 nghìn bản chạm khắc, tranh thuốc nước, bưu thiếp, ảnh, “tranh lễ phục thời trang” vv. Trong kho sách hiếm có sưu tập độc đáo các vở kịch dưới dạng bản thảo và in thạch bản, về cơ bản tiêu biểu cho văn học kịch trước cách mạng.
TVNTQGN là trung tâm thông tin trong lĩnh vực nghệ thuật hý trường. Từ 1994 đã tổ chức mục lục điện tử, các cơ sở dữ liệu điện tử được đăng ký vào Danh mục đăng ký cơ sở dữ liệu quốc gia.
TVNTQGN thực hiện chức năng trung tâm phương pháp luận khoa học và thông tin cho các thư viện nghệ thuật, là tổ chức cơ sở của Hội liên hiệp thư viện nghệ thuật Maxcơva và của phân ban thư viện nghệ thuật thuộc Hội thư viện Nga.
Là hội viên của IFLA và Hiệp hội quốc tế các bảo tàng sân khấu và thư viện, tham gia trong nhiều dự án thư viện và thư mục quốc tế.Thư viện có thiết bị video để quay băng, ghi hình và xem các phim video.

  • Thư viện Thiếu nhi Quốc gia Nga (TVTNIQGN)

TVTNIQGN ở Maxcơva, được thành lập năm 1969 như một thư viện quốc gia thiếu nhi của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga. Hiện là cơ quan văn hoá trung tâm chuyên trách, thực hiện chức năng của một kho ấn phẩm và các dạng tài liệu khác của toàn quốc phục vụ thiếu nhi và thiếu niên; là trung tâm nghiên cứu và chuẩn y các hình thức và phương pháp mới phục vụ thông tin, thư viện và thư mục cho thiếu nhi; là trung tâm nghiên cứu, thông tin và phương pháp luận của Nga đối với các thư viện thiếu nhi và các thư viện công cộng khác có phục vụ thiếu nhi. 

Ảnh minh họa

Nhiệm vụ cơ bản của TVTNIQGN là: tạo điều kiện cho thiếu nhi và thiếu niên tiếp xúc với sách, sử dụng các nguồn thông tin khác nhau, hình thành ở các em các nhu cầu về nhận thức, văn hóa thông tin và văn hoá đọc; bằng các phương tiện thư viện, đảm bảo cho các em thích nghi về mặt văn hoá và xã hội với những vấn đề đặc biệt trong sự phát triển (trong số đó có các trẻ em khuyết tật); hỗ trợ thông tin cho giáo dục; tổ chức thời gian nhàn rỗi cho trẻ em, bảo vệ các quyền của thiếu nhi và thiếu niên; đảm bảo về mặt khoa học, thông tin và phương pháp luận cho sự phát triển của hệ thống thư viện thiếu nhi; nghiên cứu khoa học về các vấn đề thư viện học, thư mục học và thư tịch học cho trẻ em; phát triển hợp tác quốc tế về nghiệp vụ.
Vốn tài liệu của Thư viện có khoảng 500.000 bản, trong đó có sách, tạp chí, nhạc phẩm, tài liệu nghe nhìn (hơn 75 nghìn bản), xuất bản phẩm điện tử (gần 5 nghìn bản). Từ 1970,  TVTNIQGN nhận lưu chiểu tài liệu thiếu nhi; bổ sung tài liệu nước ngoài (gần 18 nghìn bản). Từ 1990, xây dựng kho chương trình tin học (có tính chất giáo khoa và nâng cao nhận thức), hình thành sưu tập bảo tàng: sách thiếu nhi cổ, sách tặng có chữ ký của tác giả, tài liệu đến từ kho lưu trữ cá nhân của các nhà văn, Có cả những kho dự trữ-trao đổi và lưu trữ tài liệu cho trẻ em và về các vấn đề sư phạm học của việc thiếu nhi đọc sách.
Để thu hút trẻ em đến thư viện, TVTNIQGN tổ chức các cuộc tham quan thư viện, phát triển nhiều dịch vụ khác nhau (tư vấn, thư viện trò chơi, dạy và phát triển các trò chơi, lắp ráp ghép hình, sao băng ghi âm các tác phẩm âm nhạc và văn học thiếu nhi); tổ chức triển lãm tác phẩm của các họa sĩ vẽ sách thiếu nhi và sáng tác của các em; tổ chức gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, tổ chức các cuộc thi thiếu nhi đọc sách, tác giả nhỏ tuổi, thi giành thiện cảm của độc giả và khán giả.
Hiện nay, đến Thư viện đọc mỗi năm có hơn 54,6 nghìn người đọc, từ các em học sinh, đến các bậc phụ huynh, các nhà nghiên cứu, giáo viên,…; số sách mượn đọc là  667 nghìn bản. TVTNIQGN đã thực hiện hơn 250 nghìn câu trả lời, kể cả giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Để tự động hóa, Thư viện áp dụng tổ hợp chương trình kỹ thuật Hệ thống tự động – Thư viện-2.
TVTNIQGN là hội viên của Hội thư viện Nga, Hiệp hội các thư viện thiếu nhi, Hội đồng thư viện Âu-Á, Phân ban Nga của Hội đồng quốc tế sách thiếu nhi, tham gia đề cử các nhà văn thiếu nhi Nga và các họa sĩ minh họa sách thiếu nhi nhận các giải thưởng quốc tế, góp phần mở rộng quan hệ văn học giữa các quốc gia và giữa các dân tộc.

  • Thư viện Dân tộc Nga (TVDTN)

Ở Xanh Pêtecbua, là thư viện tổng hợp quốc gia lâu đời nhất của đất nước, lớn thứ hai về vốn sách báo ở Nga, một trong những cơ quan thông tin-thư mục lớn nhất thế giới, trung tâm nghiên cứu khoa học và phương pháp luận khoa học của Nga trong lĩnh vực thư viện học, thư mục học và thư tịch học ; Thư viện có nhiệm vụ trở thành nơi thu thập tất cả các sách và bản thảo chép tay của Nga. Tính đến năm 2003, kho sách của TVDTN có gần 33,8 triệu bản, được 168 nghìn người sử dụng, cho mượn hơn 12 triệu bản một năm.
Là Thư viện công cộng đóng một vai trò lớn trong việc phát triển nền khoa học, giáo dục và văn hóa của nước Nga, TVDTN tham gia các dự án khoa học ở cấp liên bang và quốc tế, nghiên cứu những vấn đề lý luận và qui luật phát triển sự nghiệp thư viện trong bối cảnh lịch sử xã hội, soạn thảo chiến lược phát triển các loại hình thư viện riêng lẻ (đặc biệt là thư viện tổng hợp), cơ sở khoa học của việc hình thành kho sách thư viện và phục vụ độc giả, quản lý và kinh tế thư viện.
Trong những năm gần đây, Thư viện áp dụng công nghệ mới và đẩy mạnh bổ sung các tài liệu trên vật mang tin phi truyền thống ; đưa ra cho người đọc sử dụng hơn 500 máy tinh nối mạng cục bộ, xây dựng trung tâm thông tin của Thư viện làm hạt nhân cho màng lưới thông tin – thư mục Nga hòa nhập với không gian thông tin thế giới.

  • Thư viện Khoa học Kỹ thuật Công cộng Quốc gia Nga

Thư viện KHKT công cộng quốc gia Nga (TVKHKTCCQG) ở Maxcơva được thành lập năm 1958, có vốn tư liệu xuất bản ở trong và ngoài nước lớn nhất Liên bang Nga về khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng, kỹ thuật, công nghệ, chế tạo máy, sinh thái học, kinh tế bao gồm gần 8 triệu đơn vị bảo quản. Lượng tài liệu nhập vào hàng năm là hơn 70 nghìn bản.
Hiện nay, Thư viện là nơi thực hiện các giải pháp đổi mới trong hệ thống tự động hóa thư viện  ИРБИС64, mà đội ngũ cán bộ chuyên môn của TVKHKTCCQG và Hiệp hội quốc tế các người sử dụng và thiết kế thư viện điện tử và công nghệ thông tin mới (ЭБНИТ) giữ vai trò chủ chốt. Hơn 3.000 thư viện ở Nga, Cộng đồng các quốc gia độc lập, Anh và Mỹ đã và đang sử dụng hệ thống này. Thư viện là nơi thường xuyên diễn ra các khóa đào tạo và hội thảo cho người sử dụng về Hệ thống. TVKHKTCCQG là thư viện khởi đầu xây dựng Mục lục liên hợp Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập về khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp, y học với khối lượng hơn 800 nghìn biểu ghi. Đã nhiều năm, TVKHKTCCQG là cơ quan tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp quốc tế, chủ yếu là các hội nghị quốc tế “Thư viện và nguồn lực thông tin trong thế giới khoa học, văn hoá , giáo dục và thương mại hiện đại” , “Công nghệ thông tin, các hệ thống máy tính và sản phẩm của các nhà xuất bản cho thư viện”   
TVKHKTCCQG là thành viên của các tổ chức quốc tế lớn trong lĩnh vực thông tin thư viện, hợp tác với nhiều thư viện, trung tâm thông tin , doanh nghiệp, nhà xuất bản và các quĩ của hơn 30 nước. Thư viện là người sáng lập Trung tâm thư viện và phân tích tin quốc tế (МБИАЦ).
3. Thư viện ở Pháp
Thư viện Quốc gia Pháp được xây dựng lại trong những năm 1988-1994, thuộc thế hệ mới các thư viện hiện đại  như ở Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật và Ai Cập (Alexandrie).
Hàng năm Thư viện dành một phần lớn ngân sách để mua tài liệu thuộc mọi loại hình, thời đại và môn ngành. Mức độ bổ sung hàng năm hiện nay là 60.000 tập.
Tin học hóa được thực hiện trong mọi nhiệm vụ và dịch vụ của Thư viện: Thư viện đảm bảo quyền truy cập tới phần lớn vốn tài liệu, kể cả việc truy cập từ xa nhờ các công nghệ truyền dữ liệu hiện đại nhất. Gallica, là thư viện số của Thư viện quốc gia Pháp được xây dựng  từ năm 1992 và mở cửa phục vụ công chúng năm 1997, là một trong những véctơ chính của nhiệm vụ này, với 60.000 lượt tra cứu hàng năm. Thư viện có website trên Internet với khối lượng truy cập khổng lồ. Áp dụng web.2.0, Thư viện đã tạo trang xã hội Facebook, hàng ngày thông báo những sự kiện được tổ chức ở các địa điểm khác nhau của thư viện. Tháng 12 năm 2010, đã có tới 1500 người tham gia và sử dụng. Ngoài Gallica, Thư viện còn mở một thư viện số cho trẻ em và thường xuyên tổ chức triển lãm ảo. 

  1. Thư viện ở Anh                                           

Thư viện Anh là thư viện quốc gia của Vương quốc Anh, và là thư viện lớn nhất thế giới tính theo số lượng tài liệu nói chung. Thư viện cũng là thư viện nghiên cứu chính với hơn 150 triệu tài liệu của hầu hết các quốc gia trên thế giới bằng mọi ngôn ngữ và nhiều dạng thức: cả ấn phẩm lẫn tài liệu số hóa. Sưu tập sách chép tay có từ năm 2000 trước công nguyên. Là thư viện lưu chiểu, Thư viện nhận được các bản sách được xuất bản ở Anh và Ailen, kể cả một tỉ lệ lớn tên sách nước ngoài phát hành ở Anh. Hàng năm Thư viện bổ sung 3 triệu tài liệu.
Thư viện Anh đưa hình ảnh của một số lượng lớn tài liệu quí hiếm (30.000 hình ảnh) trong sưu tập lên mạng tạo thành một Phòng triển lãm trực tuyến. Dịch vụ phổ biến tài liệu điện tử bắt đầu từ năm 2003, cung cấp 100 triệu tài liệu (bao gồm 280.000 tên tạp chí, 50 triệu bằng sáng chế, 5 triệu báo cáo, 476.000 luận án Mỹ và  433.000 kỷ yếu hội nghị) cho các nhà nghiên cứu và người đọc trên toàn thế giới mà trước đây không thể thực hiện được ở ngoài Thư viện vì lý do bản quyền. Theo chỉ thị của Chính phủ, Thư viện  Anh phải chịu 1 tỉ lệ nhất định chi phí hoạt động, Thư viện phải lấy phí của người sử dụng dịch vụ này mà về sau do không có lợi Thư viện phải thực hiện một loạt cải tổ để tránh thua thiệt. Khi Dịch vụ Sách Google khởi đầu, Thư viện Anh phải ký một hợp đồng với Microsoft để số hóa một số sách phục vụ bạn đọc ở Hoa Kỳ cho đến năm 2008. Số sách đã được quét này có thể tìm được trong mục lục của Thư viện Anh. Tháng 10 năm 2010, Thư viện Anh khánh thành Cổng thông tin các công trình nghiên cứu về quản lý và thương mại. Website này được thiết kế để cung cấp truy cập băng kỹ thuật số tới các báo cáo nghiên cứu, tư vấn, báo cáo công tác và các bài viết về quản lý.       
Hệ thống thư viện đại học Anh được tự động hóa hoàn toàn 
Trang web thư viện của trường đại học có đầy đủ những thông tin cần thiết giúp sinh viên tra cứu. Người đọc ở bất kỳ đâu cũng có thể biết được tài liệu mình cần đang trong tình trạng nào (khi gõ vào tên tác giả hoặc tên sách), đang ở đâu, đã có ai mượn chưa? Những tài liệu đã quá cũ hoặc ít giá trị sẽ được cất trong kho, nhưng hễ độc giả cần thì cứ gửi mail cho thư viện. Sau đó, thư viện sẽ mail hẹn ngày giờ đến lấy tài liệu.
Bình thường, sinh viên sau khi tra cứu trên mạng, biết tài liệu mình cần đang ở đâu sẽ trực tiếp đến thư viện tìm. Mười mấy tầng lầu của hai thư viện khối khoa học xã hội và khoa học tự nhiên - kỹ thuật đầy ắp sách, sắp xếp khoa học để sinh viên tự do lựa chọn. Không có người kiểm tra thẻ, sinh viên sử dụng thẻ sinh viên - cũng là thẻ thư viện - quét vào cổng từ là bước vào. Sau khi đã chọn xong tài liệu, nếu muốn mượn đem về, sinh viên đến bộ phận đăng ký đưa thẻ sinh viên, nhân viên sẽ quét máy dò và đóng mộc ngày trả lên tài liệu. Trừ thời gian tự tìm tài liệu, việc đăng ký chỉ mất khoảng một phút nếu không phải xếp hàng.
Bạn có thể mang vào những gì mình thích nhưng nếu khi ra mà cầm theo sách thư viện chưa qua kiểm tra thì máy sẽ reo lên inh ỏi. Nếu không đọc tài liệu, sinh viên cũng có thể đến thư viện để vào internet. Máy vi tính có rất nhiều trong thư viện, sinh viên thoải mái tra cứu. Muốn photo tài liệu, sinh viên mua card để có được số pin, từ đó sẽ đến máy photocopy và tự phục vụ.
5. Các thư viện ở Trung Quốc
Sự nghiệp thư viện hiện đại của Trung Quốc bắt đầu khi bước sang thế kỷ 20. Nhận thức được tình trạng kém phát triển của hoạt động thư viện nước nhà, nhiều học giả và nhà cải cách Trung Quốc đã bắt đầu có tư tưởng hướng ngoại. Trong những năm 1920,  thực tiễn và kinh nghiệm của các thư viện Mỹ  được quan tâm nhiều hơn cả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn cố gắng duy trì bản sắc riêng của mình.
Là một trong số ít nước có nền văn minh cổ đại nhất của nhân loại, Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời, độc đáo và huy hoàng về sách, thư viện và sự nghiệp thư viện truyền thống. Các thư viện Trung Quốc có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sưu tầm, lưu giữ bảo quản và phục chế sách cổ nói riêng và di sản thư tịch nói chung. Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập vào năm 1949, tính tư tưởng và tính nhân dân trong việc xây dựng và phát triển thư viện được đề cao, phương pháp thư viện học Xô viết được du nhập. Cuộc cách mạng văn hóa giữa những năm 60 đầu 70 của thế kỷ 20 đã đảy lùi sự nghiệp thư viện, với nhiều sách vở bị đốt cháy, thư viện bị tàn phá và sau năm 1976 mới khởi sắc trở lại. Sự nghiệp thư viện Trung Quốc đã có sự đổi mới mở cửa mang tính bước ngoặt vào cuối thế kỷ 20 hướng về thực tiễn và kinh nghiệm của Phương Tây đặc biệt là Hoa Kỳ. Sau năm 1978, Trung Quốc đã chuyển từ phương pháp luân thư viện học Xô viết sang mô hình đào tạo thư viện của Hoa Kỳ. Hội thư viện Hoa Kỳ đã cấp nhiều học bổng cho sinh viên và cán bộ thư viện Trung Quốc sang tu nghiệp ở đó. Trung Quốc đã coi trọng việc thành lập và vai trò của các hội thư viện cũng như các trường đào tạo cán bộ thư viện chuyên nghiệp ở trung ương và địa phương, tham gia vào các hội nghề nghiệp thông tin và thư viện của thế giới. Điểm nhấn của sự nghiệp thư viện Trung Quốc trong thời kỳ này là chuyển từ bảo quản và lưu trữ tài liệu sang tìm kiếm và giao lưu thông tin. Một số thư viện lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố lớn khác đã được xây dựng và tôn tạo theo hướng hiện đại hóa. Tin học hóa và việc sử dụng Internet với việc kiểm soát truy cập chặt chẽ đã được triển khai ở hầu hết các thư viện trung ương và thư viện tỉnh. Các dịch vụ thông tin thư viện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai. Nhiều tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng, một số công trình nghiên cứu của Trung Quốc trong lĩnh vực thư viện  đã đạt chuẩn quốc tế, mặc dàu Trung Quốc vẫn sử dụng một Khung phân loại riêng mang tính quốc gia.
Trong lịch sử Trung Quốc, mọi tiến bộ xã hội đều là động lực thúc đẩy sự nghiệp thư viện. Bước sang thế kỷ 21, với sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức và áp dụng chiến lược “Phát triển Trung Quốc bằng khoa học , công nghệ và giáo dục”, làm một môi trường mới đầy triển vọng cho sự phát triển thư viện ở nước này. 
Dưới ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế xã hội, thư viện là “Kho báu tri thức” sẽ thực hiện số hóa các nguồn tài liệu và kết nối mạng để chia sẻ nguồn lực và đa dạng hóa dịch vụ. Đây không chỉ là một cuộc cách mạng trong công nghiệp thông tin, mà còn là một giai đoạn mới trong phát triển thư viện. Thư viện số sẽ trở thành hướng phát triển thư viện tương lai. Phát triển thư viện số sẽ giúp nền văn hoá rực rỡ của Trung Quốc và mọi thành tựu của con người sẽ trở thành của cải chung của nhân loại. Các thư viện dưới đây là hướng trọng tâm của quốc gia.

  • Thư viện Quốc gia Trung Quốc (TVQGTQ)

TVQGTQ là một thư viện nghiên cứu tổng hợp và một kho lưu trữ quốc gia về xuất bản phẩm, với chức năng sưu tập, xử lý, bảo quản, tìm kiếm, sử dụng và phổ biến thông tin tri thức. TVQGTQ cũng là Trung tâm thư mục quốc gia, trung tâm thư viện số quốc gia và trung tâm nghiên cứu  phát triển thư viện học, nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới và đóng vai trò chủ đạo trong việc tiêu chuẩn hóa, số hóa và liên kết mạng trong cộng đồng thư viện Trung Quốc. TVQGTQ cung cấp các dịch vụ cho Chính phủ trung ương, các bạn đọc ưu tiên trong các cơ quan nghiên cứu, giáo dục, và công chúng. TVQGTQ cũng chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ thư viện, nghiên cứu và phát triển khoa học thông tin và thư viện, thực hiện các hiệp định văn hoá thay mặt chính phủ Trung Quốc, thúc đẩy việc trao đổi và hợp tác giữa các thư viện trong và ngoài nước.         
            Từ năm 2002,  TVQGTQ chịu trách nhiệm về 3 dự án văn hoá quốc gia then chốt: Dự án chia sẻ nguồn lực thông tin văn hoá quốc gia, Dự án in sao sách hiếm của Trung Quốc, Dự án phổ biến sách tới các vùng nông thôn. Do vậy, TVQGTQ ngày một đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hoá và phổ biến kiến thức tiên tiến.

  • Thư viện Khoa học Quốc gia 

Thư viện KHQG có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động thông tin khoa học và thực hiện chiến lược đổi mới công nghệ thư viện. Thư viện đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và tham gia vào các dự án thông tin thư viện quốc tế. Các xuất bản phẩm của Thư viện đã đóng góp không nhỏ vào hoạt động nghiên cứu khoa học và Chương trình đổi mới tri thức của đất nước.

  1. Các thư viện ở Đông Nam Á

Hoạt động trong khuôn khổ Đại hội các thư viện Đông Nam Á (CONSAL) , Cộng đồng thư viện các quốc gia ASEAN đang mở rộng các quan hệ quốc tế, đặc biệt là với Hoa Kỳ (Thư viện Quốc hội,...), Anh, Nhật Bản, Ấn độ, Trung Quốc,... để nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và tiếp cận các dịch vụ thông tin thư viện hiện đại nói chung và xây dựng thư viện số nói riêng. Một sự kiện đáng ghi nhớ là Hội thảo chung của các chuyên gia Ấn độ và ASEAN về việc lập kế hoạch xây dựng Thư viện số Khoa học Kỹ Thuật ASEAN-Ấn Độ, tổ chức tại Băngcốc, Thái Lan  hai ngày 29-30/5 năm 2007. Hội thảo nhằm tăng cường sự hiểu biết của các nhà quản lý và chuyên gia ASEAN về khái niệm thư viện số KHKT cũng như trao đổi ý kiến về những khía cạnh khác nhau liên quan đến việc tạo lập thư viện này, đặc biệt là về phương diện kỹ thuật, tài chính và quản lý. Tại đây các chuyên gia Ấn độ đã chia sẻ kinh nghiệm qua những nỗ lực của họ trong quá trình xây dựng thư viện số. Một số đề tài đã được thảo luận  tại Hội thảo: Triển vọng toàn cầu của sáng kiến thư viện số, các công cụ và công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ việc tạo lập thư viện số KHKT, bổ sung và truy cập nội dung số cho thư viện này. các quốc gia thành viên ASEAN đã thông báo về triển vọng và kế hoạch tạo ra tri thức số hoá cũng như sáng kiến thư viện số ở mỗi nước. Quỹ hợp tác ASEAN-Ấn độ sẽ hỗ trợ Thư viện số KHKT ở các quốc gia thành viên ASEAN trong 3 năm. Sau đó các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục duy trì và phát triển Thư viện này bằng nguồn lực của chính mình.
Từ năm 2000 đến nay, các thư viện ASEAN đã thực hiện nhiều dự án chung quan trọng, trong đó phải kể đến :
- Dự án Chia sẻ nguồn lực và lưu chiểu, Dự án bản quyền và Dự án phối hợp đào tạo do Singapore chủ trì, nhằm tạo điều kiện truy cập các nguồn tài liệu quốc gia của nhau, nghiên cứu chiến lược duy trì và bảo quản nguồn tài liệu lưu chiểu ở các quốc gia Đông Nam Á, sử dụng hợp pháp các loại hình tài liệu khác nhau, đặc biệt là truyền thông số và phối hợp các chương trình đào tạo về thư viện cho khu vực;
- Dự án đào tạo về giữ gìn và bảo quản tài liệu do Thái Lan chịu trách nhiệm nhằm tạo lập một chương trình đào tạo chung cho các quốc gia thành viên;
- Dự án dịch tài liệu do Philippin đăng cai nhằm thực hiện một chương trình dịch thuật giới thiệu di sản văn hoá viết của các quốc gia thành viên.
Tham gia các dự án chung, Thư viện quốc gia Malaysia thiết lập Cổng thông tin về nền quân chủ, số hoá truyền thuyết dân gian, Mạng tri thức tuổi trẻ Châu Á, CD-ROM và triển lãm ảo,...Singapore tổ chức Cổng “Những trang Singapore” giới thiệu những hình ảnh qúy hiếm số hoá về lịch sử Singapore, Kho lưu trữ tác phẩm văn học và nghệ thuật trực tuyến; Thư viện quốc gia Thái Lan thực hiện Dự án số hoá các giải thưởng văn học Đông Nam Á cũng như sách hiếm, sách cổ, các bản chép tay; Thư viện Quốc gia Việt Nam tiến hành Dự án xây dựng thư viện điện tử và thư viện số trong Hệ thống các thư viện công cộng; Brunây bắt đầu Giai đoạn 2 của Dự án số hoá “Cây thuốc và tên đường phố ở Brunây Đarusalam; Thư viện Quốc gia Inđônêsia chọn lọc để số hoá các tư liệu và hình ảnh các đền chùa ở các quốc gia  ASEAN. Ngày 19/4/2005, Philippin khánh thành Thư viện điện tử công cộng đầu tiên, lưu giữ 25 triệu trang tài liệu số hoá bao gồm sách hiếm, xuất bản phẩm nhiều kỳ, xuất bản phẩm của chính phủ, bản đồ, ảnh và luận văn, luận án của nước mình.
Website CONSAL (www.consal.org.sg) bắt đầu được xây dựng từ năm 2000, có khoảng 1.850 cán bộ thư viện và thông tin đăng ký, mỗi tháng có khoảng 4 triệu lượt truy cập. Hiện nay, các trang “Trung tâm học liệu” và “Trung tâm sự kiện” được sử dụng nhiều nhất.
Những thành tựu trong lĩnh vực hiện đại hoá hoạt động thông tin-thư viện ở khu vực Đông Nam Á không tách rời với sự quan tâm và nỗ lực của chính phủ các quốc gia ASEAN mở rộng các dịch vụ thông tin trong nước mình. Sự quan tâm đó thể hiện trong chính sách đổi mới nhằm :

Ảnh minh họa

- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng cơ sở hạ tầng
- Nhanh chóng cải thiện và tăng cường dịch vụ đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng
Để phát triển mạng lưới thư viện số, các dịch vụ trao đổi và truy cập thông tin thông qua các cổng Internet nói riêng cũng như phát triển công nghệ thông tin,  truyền thông và thương mại điện tử nói chung, các quốc gia ASEAN đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và viễn thông với Sáng kiến xây dựng một ASEAN điện tử (e-ASEAN), trên cơ sở thực hiện Hiệp định Khung e-ASEAN ký ngày 24-11-2000 giữa những người đứng đầu chính phủ của các quốc gia ASEAN. Các quốc gia thành viên cam kết sẽ tăng cường thiết kế và nâng cấp các chuẩn về cơ sở hạ tầng thông tin, tạo điều kiện dễ dàng kết nối trực tiếp lẫn nhau với tốc độ nhanh và dung lượng truyền lớn cũng như đảm bảo tính liên tác về mặt kỹ thuật giữa các nước, đồng thời phát triển nội dung số ASEAN.
Hội đồng các nhà điều chỉnh chính sách viễn thông ASEAN (ATRC) là cơ quan tư vấn cho các Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông ASEAN (TELLMIN) từ năm 2001 đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông của ASEAN.
Nhận thức được môi trường viễn thông toàn cầu đang rất năng động, ATRC tạo cơ hội cho những nhà hoạch định chính sách và các giới có thẩm quyền trong lĩnh vực viễn thông làm việc cùng nhau trên tinh thần hợp tác và hành động. Chức năng chính của ATRC là :
(a) Thảo luận và phối hợp các vấn đề chính sách, chiến lược và điều chỉnh viễn thông mà các nhà quản lý ASEAN đều quan tâm.
(b) Xác định và thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong viễn thông và tạo điều kiện dễ dàng trao đổi thông tin liên quan thông qua các hoạt động như hội thảo, đào tạo và tập huấn.
Những chính sách và cơ chế mới này có ảnh hưởng rõ rệt tới việc truy cập Internet, tăng cường trao đổi thông tin trực tuyến, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số và các dịch vụ hiện đại khác trong khu vực.
Qua tìm hiểu về xu thế phát triển hệ thộng thư viện của một số nước trên thế giới cho thấy các quốc gia đều nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành thư viện. Việc áp dụng công nghệ mới trong ngành thông tin - thư viện đã làm nâng cao năng lực tìm tin và phổ biến tri thức tới người sử dụng tốt nhất.


 
Thu Hiền lược dịch . Nguồn: seiofbluemountain, americanlibrariesmagazine,soas.ac.uk