Vốn tài liệu báo, tạp chí trong công tác thư viện

1. Đặt vấn đề
Nhiều nghiên cứu và đánh giá đã chỉ ra rằng có bốn yếu tố để cấu thành nên một thư viện bao gồm: cán bộ thư viện, vốn tài liệu, bạn đọc, trang thiết bị cơ sở vật chất. Bốn yếu tố này bổ trợ lẫn nhau và có tầm quan trọng đối với sự phát triển của một cơ quan thông tin hay một thư viện. Chính vì vậy đã có nhiều bài tham luận trong các kỷ yếu hội thảo, công trình nghiên cứu khoa học, đề tài luận án, luận văn nói về các yếu tố này. Đặc biệt với yếu tố vốn tài liệu, một thành phần tiên quyết, bắt buộc của một thư viện đã được phân tích trong nhiều chuyên luận, đề tài với nhiều góc nhìn khác nhau. Ở trong các thư viện có chứa vô cùng nhiều loại tài liệu từ sách giấy, báo, tạp chí, vi phim, băng, đĩa… cho đến tài liệu điện tử; mỗi loại tài liệu này đều có những cách thức bảo quản và khai thác nội dung thông tin khác nhau do đó việc xử lý thông tin và đưa chúng vào phục vụ bạn đọc có những điểm riêng biệt nhất định. Trong phạm vi bài viết này cá nhân tôi muốn nói đến loại tài liệu báo, tạp chí – một loại tài liệu có hàm lượng giá trị thông tin cao về mặt nội dung có ở hầu hết trong các thư viện trên cả nước ta phục đắc lực cho nhu cầu tin của bạn đọc.

2. Cơ sở lí luận

2.1. Các khái niệm chung

2.1.1. Khái niệm vốn tài liệu
Vốn tài liệu là một bộ sưu tập bao gồm các tài liệu được xử lý, tổ chức theo những quy tắc nhất định, được bảo quản nhằm mục đích sử dụng lâu dài và có hiệu quả. [11; tr.19]

2.1.2. Khái niệm báo và tạp chí
Trên thực tế báo và tạp chí đều có một chức năng chung cơ bản là thu thập, xử lý và truyền đưa thông tin về tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin của quần chúng nhân dân. Song xét về nội dung và đối tượng phục vụ, giữa báo và tạp chí có sự khác biệt nhau.

Báo là loại tài liệu có nội dung thông tin phản ánh, chủ yếu là thông tin thời sự phải đảm bảo đạt ba yêu cầu: kịp thời, chính xác và đầy đủ, nên đối tượng phục vụ của báo thường đa dạng và có phạm vi rộng đối với mọi tầng lớp trong xã hội.

Tạp chí trên thực tế cũng là một tờ báo viết, nhưng khác với báo ở chỗ tạp chí là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể nào đó chủ yếu đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực nào đó thuộc phạm vi ngành mình, địa phương mình. Định kỳ phát hành của tạp chí thường dài hơn định kỳ phát hành của báo. [2]

2.1.3. Khái niệm công tác thư viện
Công tác thư viện là một khái niệm bao quát, được hiểu là bao gồm tất cả những hoạt động liên quan đến nghiệp vụ trong toàn bộ quá trình quản lý, tổ chức, phục vụ bạn đọc của một thư viện, được thực hiện bởi các cán bộ thư viện, hoặc các tình nguyện viên. Đôi khi khái niệm công tác thư viện còn được nhìn nhận dưới dạng lý thuyết cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thư viện mà không phải ở một thư viện hay trung tâm thông tin.

2.1.4. Khái niệm vốn tài liệu báo, tạp chí trong công tác thư viện
Từ các định nghĩa ở trên, tôi có giải thích về nhan đề như sau: Vốn tài liệu báo, tạp chí trong công tác thư viện là một bộ sưu tập tài liệu có chứa hàm lượng thông tin cao, phản ánh các vấn đề xã hội, khoa học, chuyên ngành… được tổ chức, xử lý thông tin nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ bạn đọc trong thư viện.

2.2. Các thể loại báo, tạp chí
Theo các nhà lý luận báo chí cách mạng Liên Xô cũ có thể phân chia báo và tạp chí thành bốn nhóm sau:

Nhóm thể loại thông tin (hay còn gọi là thông tấn): Bao gồm tin, tường thuật, phỏng vấn, bài phản ánh… Nhiệm vụ của nhóm này là thông tin công chúng biết cái gì đã và đang diễn ra.

Nhóm thể loại thông tin – chính luận: Bao gồm phóng sự, điều tra, ký sự, bút ký… Nhiệm vụ chủ yếu của nhóm này là cho công chúng hiểu cái gì đã và đang xảy ra như thế nào. Nhóm này đòi hỏi người viết phải có năng khiếu rõ nét hơn, kiến thức rộng hơn, nắm vững các thủ pháp dẫn dắt câu chuyện.

Nhóm thể loại chính luận: Bao gồm xã luận, bình luận, luận văn tuyên truyền… Nhiệm vụ chủ yếu của nhóm này là làm cho công chúng tin vào quan điểm của tòa soạn đối với các sự kiện và vấn đề thời sự đang diễn ra, thuyết phục và lôi kéo họ vào tầm ảnh hưởng của mình. [6]

Nhóm thể loại chính luận – nghệ thuật: Bao gồm ký, phóng sự, tiểu phẩm, ghi nhanh, điều tra, câu chuyện báo chí… Nhiệm vụ của nhóm này là góp phần đưa quan điểm đánh giá của người viết thông qua các bài viết văn học, nghệ thuật...

2.3. Ý nghĩa của tài liệu báo, tạp chí
Đối với chính trị:
 Tại Việt Nam báo và tạp chí được xem như là cơ quan ngôn luận chính thống của Nhà nước, giúp ích cho việc tuyên truyền về thể chế chính trị, vận hành, tổ chức Quốc gia. Được xem như là cánh tay đắc lực của Đảng, của bộ máy Chính phủ trong công cuộc phổ biến các ý tưởng xây dựng, kiến thiết xã hội, dân tộc….

Đối với văn hóa: Báo và tạp chí được xem như một loại tài liệu có chứa hàm lượng thông tin giá trị cao về các lĩnh vực văn hóa. Các loại tài liệu đôi khi còn được lưu trữ lại lâu dài coi như là những di sản văn hóa của dân tộc, là bằng chứng cho những sự kiện, vấn đề đã từng xảy ra.

Đối với xã hội: Báo và tạp chí giúp người đọc nhận thức được các vấn đề đã, đang hoặc sắp diễn ra đối với mình trong cuộc sống. Các vấn đề thuộc tầm vĩ và vi mô đều được nói đến giúp cho người đọc có thêm thông tin để kịp thời phản ứng, thích nghi, phục vụ cho kiến tạo một cộng đồng xã hội vững mạnh.

Hình minh họa báo và tạp chí (Nguồn: https://www.brandsvietnam.com/)

3. Vốn tài liệu báo, tạp chí trong công tác thư viện

3.1. Công tác xử lý thông tin vốn tài liệu báo, tạp chí

3.1.1. Phân loại tài liệu
Trong cuốn giáo trình Phân loại tài liệu của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà có nhận định rằng: “Phân loại tài liệu là phân loại các xuất bản phẩm, phân loại sách báo và tài liệu – một dạng sản phẩm của trí tuệ con người. Về mặt thuật ngữ, trong một số giáo trình đã dùng thuật ngữ phân loại thư viện để chỉ phân loại tài liệu. Xét về bản chất, phân loại thư viện hay phân loại tài liệu là một, tuy nhiên để phân biệt chính xác thì phân loại thư viện cần được hiểu đầy đủ là phân loại tài lệu trong thư viện nhằm mục đích phục vụ người đọc có thể sử dụng thư viện một cách một cách tốt nhất. Trên thực tế, phân loại tài liệu là một quá trình xử lý nội dung tài liệu, dùng các ký hiệu phân loại để mô tả nội dung tài liệu với mục đích xếp giá và tổ chức mục lục phân loại. Phân loại tài liệu hiểu theo nghĩa rộng hơn, nó không chỉ phục vụ cho thư viện mà còn cho các lĩnh vực khác liên quan như các công việc lưu trữ, bảo tàng, phát hành, xuất bản, triển lãm sách báo…” [4; tr.16]

Ngoài ra theo cuốn Hướng dẫn thực hành phân loại theo Bảng phân loại thập phân Dewey (Dewey Decimal Classification: A practical guide) phân loại tài liệu được định nghĩa là: “Việc sắp xếp có hệ thống theo môn loại các sách và các tài liệu trên giá hoặc trong mục lục hoặc các bảng tra cứu theo một cách thức tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người đọc và người tìm kiếm thông tin.” [4; tr.16]

Hiện nay trên thế giới để phân loại các tài liệu trong thư viện thì có một số bảng phân loại phổ biến như sau:

  • Bảng phân loại Thập phân Dewey (Deway Decimal Classification - DDC).
  • Bảng phân loại Thập phân bách khoa (Universal Decimal Classification – UDC).
  • Bảng phân loại thư viện thư mục BBK (Bibiotechno – Bibliograficheskaija Klassifikacija – BBK).
  • Bảng phân loại Thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress Classification – LCC).

Tại Việt Nam còn có sử dụng bảng phân loại dùng cho thư viện khoa học tổng hợp do thư viện Quốc gia Việt Nam biên soạn hay còn được gọi là bảng phân loại 19 lớp được phân thành 19 môn ngành lớn, trong mỗi môn ngành lại chia ra những ngành trực thuộc.

Đối với tài liệu báo và tạp chí tại các thư viện phổ biến là dạng ấn phẩm có tổng hợp nhiều nội dung thông tin, ra định kì theo một khoảng thời gian nhất định nên khi phân loại lại không chú trọng vào nội dung vì vậy lại không áp dụng các bảng phân loại mà chỉ nhấn mạnh vào đặc điểm hình thức, coi đây là một dạng tài liệu đặc biệt. Khi các số báo và tạp chí được lưu tại thư viện trở nên nhiều sẽ được đóng thành một tệp với nhau; đương nhiên sẽ là các tờ báo, tạp chí cùng tên được sắp xếp theo thứ tự cùng nhau, không trộn lẫn với các loại báo, tạp chí khác. Việc đóng thành một quyển tập các tài liệu này phụ thuộc vào chính sách, quy định của mỗi thư viện, thông thường là cứ vào một năm một lần, khi các số của báo và tạp chí đã ra hết. Tại mỗi bìa ngoài của mỗi tệp tài liệu đó sẽ có dãn nhãn đăng ký cá biệt; viết tên số báo, tạp chí cùng các số báo, tạp chí và năm phát hành.

3.1.2. Định chủ đề, từ khóa tài liệu
Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà và Vũ Thúy Bình có giải thích về các thuật ngữ này như sau:
“Định chủ đề tài liệu là một quá trình xử lý nội dung tài liệu mà kết quả được thể hiện dưới dạng đề mục chủ đề… Song nét đặc thù của của định chủ đề là sau quá trình xử lý, chúng ta sẽ rút ra được các đề mục chủ đề, phản ánh vấn đề và góc độ nghiên cứu của vấn đề trong nội dung tài liệu.” [5; tr.12]

“Định từ khóa tài liệu là quá trình phân tích nội dung tài liệu và mô tả những nội dung chính của tài liệu bằng một tập hợp các từ khóa nhằm phục vụ cho việc lưu trữ và tìm tài liệu trong cơ sở dữ liệu (CSDL). Nói cách khác, định từ khóa là thiết lập một tập hợp từ khóa làm phương tiện chỉ dẫn đến tài liệu, còn được gọi là xây dựng mẫu tìm tài liệu.” [5; tr.15]

Đối với tài liệu báo và tạp chí thì sẽ được định chủ đề, từ khóa trong từng nội dung của từng bài viết. Những thông tin được thu thập lại trong đó sẽ được góp phần xây dựng thành một bộ cơ sở dữ liệu giúp ích cho việc tìm kiếm thông tin phục vụ thỏa mãn nhu cầu tin của bạn đọc.

3.1.3. Tóm tắt tài liệu
Làm tóm tắt là trình bày bằng văn bản một cách đầy đủ, chính xác và ngắn gọn nội dung của tài liệu gốc mà không kèm theo bất kỳ lời bình luận nào từ phía người làm tóm tắt (TC: ISO 214 – Documentation - Abstracts for Pubblications and Documentation và TCVN 4524-2009).
Tóm tắt là việc trình bày ngắn gọn nội dung chính của tài liệu gốc (chủ đề, các phương diện của chủ đề, các kết luận chính) bằng một phương thức tiết kiệm ký hiệu với cấu trúc ngôn ngữ thống nhất nhằm biểu đạt thông tin cho người dùng tin dễ tiếp thu nhất. 
[8]

Tương tự với định chủ đề, từ khóa việc tóm tắt sẽ được thực hiện cho các bài viết trong báo và tạp chí.

3.1.4. Biên mục mô tả tài liệu
Biên mục mô tả tài liệu là việc tổng hợp thông tin đặc trưng của tài liệu, được trình bày theo những quy tắc nhất định giúp bạn đọc tìm kiếm tài liệu một cách dễ dàng trong hệ thống tìm tin thông qua một số thông tin cụ thể như tên tác giả, tên tác phẩm, từ khóa, chủ đề…

Công tác mô tả tài liệu phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản đó là: trực diện, chính xác, đầy đủ, thống nhất, ngắn gọn, rõ ràng.

Cũng như phân loại, định chủ đề từ khóa, tóm tắt tài liệu thì biên mục mô tả tài liệu là một quá trình xử lý thông tin của tài liệu. Trong quá trình xây dựng một bộ CSDL bài báo, tạp chí việc biên mục mô tả sẽ phải kết hợp với tất cả các công đoạn xử lý thông tin để tạo ra những biểu ghi thư mục phục vụ việc tra cứu, nhờ thông tin chỉ dẫn để bạn đọc có thể lựa chọn được loại tài liệu phù hợp với nhu cầu ở của mình, ở đây cụ thể hơn là những bài báo, tạp chí. [1]

3.2. Sản phẩm thông tin từ tài liệu báo, tạp chí

3.2.1. Mục lục
Mục lục là bảng liệt kê các tài liệu có trong vốn một thư viện hoặc một nhóm thư viện được tổ chức theo nguyên tắc nhất định nhằm giới thiệu thành phần hoặc nội dung vốn tài liệu trong thư viện. [10; tr.61]

Mục lục thư viện được thể hiện dưới nhiều hình thức như: Mục lục phiếu, Mục lục in thành sách, Mục lục tờ rơi, Mục lục bảng treo…

Mục lục có nhiều loại: Mục lục chữ cái sách, Mục lục chữ cái phân loại tài liệu,…

Đối với báo và tạp chí thì có những sản phẩm thư mục như sau:

  • Mục lục chữ cái tên bài trích báo, tạp chí.
  • Mục lục chủ đề bài trích báo, tạp chí.
  • Mục lục chữ cái tên tác giả bài trích báo, tạp chí.

3.2.3. Thư mục
Thư mục là sản phẩm thông tin cấp 2 mang tính chỉ dẫn tới tài liệu gốc. Các thông tin của thư mục được tổng hợp từ tài liệu gốc như nhan đề, tác giả, nhà xuất bản…

Một bản thư mục được biên soạn không chỉ phản ánh những tài liệu có trong thư viện đó mà còn có thể có ở phạm vi ở những thư viện và địa điểm khác.

Thư mục có nhiều loại khác nhau, căn cứ theo nội dung tài liệu thì có các loại thư mục như sau:
- Thư mục tổng hợp: cung cấp thông tin thư mục về nhiều ngành tri thức khác nhau: chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật…
- Thư mục chuyên ngành, chuyên đề: phản ánh thông tin về tài liệu thuộc một ngành, một lĩnh vực tri thức nhất định.
- Thư mục nhân vật: phản ánh tài liệu của một hoặc một nhóm nhân vật và các tài liệu viết về họ, đôi khi thư mục nhân vật chỉ phản ánh một khía cạnh của nhân vật hoăc một mảng tài liệu về nhân vật.
- Thư mục địa chí: tập hợp thông tin về tài liệu về một địa phương, một khu vực địa lý hành chính (quận, huyện, thị xã, tỉnh, thành phố) hoặc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
- Thư mục các tài liệu thư mục (thư mục bậc 2): loại thư mục đặc biệt với đối tượng không phải tài liệu thông thường mà là tài liệu thư mục.

Các bài trích báo, tạp chí có hàm lượng thông tin khoa học cao, độ chính xác lớn, với phong phú nhiều nội dung, thể loại có thể được biên soạn đưa vào các loại thư mục như đã kể ở trên. [3] [9]

3.2.4. Cơ sở dữ liệu
Theo tác giả Phạm Hoàng Nhung nhận định thì Cơ sở dữ liệu (CSDL) là tập hợp các dữ liệu có cấu trúc và liên quan với nhau được lưu trữ trên máy tính, được nhiều người sử dụng và được tổ chức theo một mô hình. Đối với thư viện là các thông tin về tài liệu, tác giả, độc giả… [7]

Tại thư viện đối với báo và tạp chí ta có thể có những bộ Cơ sở dữ liệu báo, tạp chí toàn văn; Cơ sở dữ liệu thư mục báo tạp chí…

Thiết bị Scan - Số hóa thông minh (Nguồn ảnh: IDT)

3.3. Dịch vụ thư viện khai thác vốn tài liệu báo, tạp chí

3.3.1. Đọc tại chỗ
Ngày nay đa số các thư viện đều hoạt động theo mô hình kho mở, nghĩa là bạn đọc có thể tự do lựa chọn sách trên giá và ngồi đọc tại phòng đọc trong phạm vi cho phép của thư viện. So với khoảng thời gian trước đây thư viện đã mở cửa và trở nên thân thiện hơn với bạn đọc, điều này đã giúp thu hút bạn đọc đến khai thác và sử dụng thư viện rất nhiều.

Đối với loại tài liệu báo và tạp chí thông thường được sắp xếp tại những phòng đọc tổng hợp cho bạn đọc có thể lấy xuống để đọc. Cũng có trường hợp tại một số thư viện lớn có hẳn riêng một phòng đọc, báo tạp chí để phục vụ bạn đọc.

Tài liệu báo có nội dung tổng hợp, mang nhiều thông tin xã hội hay được bạn đọc lựa chọn đọc để giải trí và cập nhật những vấn đề “nóng” trong xã hội. Với những tài liệu tạp chí chuyên ngành có nội dung học thuật hơn lại được bạn đọc chọn lựa cho nhu cầu nghiên cứu, học tập của mình.

3.3.2. Sao chép, copy
Trong nhiều trường hợp bạn đọc muốn có bản sao của tài liệu để sử dụng để đáp ứng nhu cầu tin của mình các thư viện sẽ sử dụng các công cụ thiết bị của thư viện trong việc in ấn, photo để thực hiện. Đặc biệt trong nhiều trường hợp như đã đề cập ở trên khi các cuốn tạp chí và báo được đóng thành một tệp lớn trong cả năm thì bạn đọc sẽ hoàn toàn không được thư viện cho phép mượn đem về đọc, vì vậy cách hợp lí để vẫn có thể khai tác liệu tại nhà là yêu cầu sử dụng dịch vụ sao chép, copy tài liệu.

3.3.3. Tra cứu thông tin
Để thực hiện dịch vụ này bạn đọc cần phải sử dụng đến những sản phẩm thông tin để thực hiện như đã kể ở phần 3.2. Sản phẩm thông tin từ tài liệu báo, tạp chí. Việc tra cứu thông tin bằng các công cụ tra cứu giúp bạn đọc tiết kiệm thời gian hơn để đến tìm đến những tài liệu phù hợp thỏa mãn nhu cầu tin của mình.

3.3.4. Tổ chức, triển lãm sự kiện
Thư viện tổ chức, xây dựng các sự kiện chuyên đề trong phạm vi cho phép của mình. Các sự kiện có thể phong phú từ các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cho đến cụ thể hơn là liên quan đến văn hóa đọc và sách. Với vốn tài liệu báo và tạp chí ở một số thư viện thường được đem triển lãm tại các sự kiện hội sách, ngày văn hóa đọc…

Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chi Minh đã từng đem sách cùng báo và tạp chí đem đi triển lãm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ phục vụ trong những ngày Tết.
Ngoài ra hệ thống thư viện công cộng trong cả nước có rất nhiều thư viện đã tổ chức hội triển lãm báo chí Tết.

4. Các giải pháp để phát huy giá trị của vốn tài liệu báo, tạp chí trong công tác thư viện

4.1. Khử trùng tài liệu báo, tạp chí
Tài liệu báo, tạp chí là loại tài liệu thường hay được sử dụng nhiều vì vậy đôi khi dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là đối với những tài liệu báo, tạp chí được lưu trữ lâu năm tại thư viện; các mầm bệnh luôn tiềm tàng ẩn chứa trong những loại tài liệu cũ nát. Để phục vụ bạn đọc được tốt hơn, tránh gây ra việc bị nhiễm bệnh các thư viện nên sử dụng thiết bị chuyên dụng cho việc khử khuẩn tài liệu.

Với Máy khử trùng tài liệu IDSmart bạn chỉ mất 30s để khử trùng sạch cả bên trong và bên ngoài tài liệu. Loại bỏ mối đe dọa đối với sức khỏe con người từ vi khuẩn như e.coli và golden staph, và các vi khuẩn gây dị ứng khác. Tài liệu sẽ được giữ sạch sẽ mà không bị trầy xước để đảm bảo trải nghiệm đọc sách an toàn và thoải mái cho người đọc. Sản phẩm hiện đang được Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số cung cấp.

4.2. Số hóa tài liệu báo, tạp chí
Việc số hóa tài liệu hiện đang trở thành xu hướng phổ biến trong các thư viện hiện nay khi mà số hóa tài liệu giúp lưu trữ, chia sẻ, tổ chức thông tin được tốt hơn. Hiện nay Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số có cung cấp những thiết bị Scan - Số hóa sau:
A. Số hóa sách tự động/ Bán tự động
(1) ScanRobot 2.0 MDS
(2) OS 15000 Advanced Plus - Zeutschel
(3) OS 16000 Advanced Plus - Zeutschel
(4) OS 12002 Advanced Plus - Zeutschel
(5) OS 12002 V - Zeutschel

B. Số hóa chuyên dụng - Số hóa khổ lớn
(1) Máy scan chuyên dụng khổ A3
(2) Thiết bị số hóa chuyên dụng khổ A2
(3) Thiết bị số hóa chuyên dụng khổ A1
(4) Thiết bị số hóa chuyên dụng khổ A0

C. Hệ thống scan đa dụng ScanStudio
(1) ScanStudio

D. Scanner thông minh
(1) AURA PRO
(2) Scanner ET16 Plus
(3) ET18 Pro
(4) M3000 PRO

4.3. Thiết lập hệ thống an ninh bảo đảm an toàn cho tài liệu
Việc thiết lập các kho mở, các phòng đọc chuyên biệt dành cho báo và tạp chí cũng dẫn đến việc kiểm soát vốn tài liệu phải chặt chẽ hơn, tránh việc bị thất thoát tài liệu với nhiều lí do. Để đảm bảo tài liệu không bị lấy ra khỏi khu vực của thư viện khi không được cho phép các thư viện ngày nay ứng dụng công nghệ an ninh. Có thể ứng dụng hai loại công nghệ an ninh là:

- RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến, hiện đang được rất nhiều quốc gia, công ty, tập đoàn trên thế giới nghiên cứu và sử dụng. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng. Công nghệ RFID có nhiều ưu điểm vượt trội so với công nghệ mã vạch, khi công nghệ mã vạch - là công nghệ định danh trực diện (line-of-sight technology), máy đọc cần phải tiếp xúc trực tiếp đối tượng ở khoảng cách gần để nhận dạng. Thì đối với công nghệ RFID, đầu đọc có thể xác định đối tượng ở khoảng cách xa từ vài mét tới hàng trăm mét trong môi trường không gian 3 chiều (3D).

- Điện từ EM (Electro-magnetic - Công nghệ điện từ) là hệ thống sử dụng công nghệ điện từ gắn lên các vật thể cân theo dõi trong thư viện là các tài liệu dạng in như sách, báo, tạp chí, luận văn, đồ án, bản vẽ…; tài liệu đa phương tiện như đĩa CD/DVD, băng video, cassette…; các tài liệu đặc biệt dạng vật thể và các dạng khác… Thông thường trong công nghệ EM dùng cho thư viện, sách báo, tài liệu sẽ được dán các tem từ có kích thước nhỏ gọn. Khi tài liệu được mang trái phép ra khỏi thư viện (không qua thủ tục mượn với cán bộ thư viện) thì cổng từ sẽ phát tín hiệu báo động, ngược lại nếu làm đúng quy trình thủ tục thì sẽ không có tín hiệu báo động. 

5. Kết luận
Tài liệu báo, tạp chí là một loại tài liệu đặc biệt của thư viện góp phần trong công cuộc phục vụ bạn đọc một cách hiệu quả trong việc thỏa mãn nhu cầu tin. Thông tin của loại tài liệu có thể đáp ứng được nhiều tiêu chí mà bạn đọc đặt ra như giải trí, nghiên cứu và học tập. Để đáp ứng nhu cầu tin ngày càng lớn của bạn đọc ngày nay các thư viện cần phải hiểu rõ về bản thân tài liệu này cùng cách khai thác triệt để giá trị thông tin mà tài liệu đem lại. Khi bạn đọc cảm thấy những yêu cầu tin mình đưa ra được thoản mãn thì thư viện bước đầu đã có thể thu hút được bạn đọc đến với thư viện một ngày nhiều hơn nữa.

__________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
[1] Lê Thanh Huyền, Biên mục mô tả, Trường Cao đẳng nội vụ Hà Nội, Hà Nội.
[2] Bùi Khiêm (2018), Báo Tạp chí - Sự giống nhau và khác biệt, truy cập vào ngày 08/06/2020 tại địa chỉ: http://bacninhtv.vn/tin-tuc-n3150/bao-tap-chi--su-giong-nhau-va-khac-biet.html
[3] Phan Thị Bích Liên (2012), Hoạt động thư mục, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
[4] Vũ Dương Thúy Ngà (2009), Phân loại tài liệu, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
[5] Vũ Dương Thúy Ngà, Vũ Thúy Bình (2008), Định chủ đề và định từ khóa tài liệu, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
[6] Nhận diện và phân loại các thể loại báo chí (2018), truy cập vào ngày 08/06/2020 tại địa chỉ: http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tin-tuc/tin-tuc-ho-tro-boi-duong/item/1351-nh-n-di-n-va-phan-lo-i-cac-th-lo-i-bao-chi
[7] Phạm Hoàng Nhung, Cơ sở dữ liệu – Các khái niệm cơ bản, truy cập vào ngày 08/06/2020 tại địa chỉ: https://voer.edu.vn/c/cac-khai-niem-co-ban/d11e79e2/550371a9
[8] Phạm Thị Thành Tâm (2017), Phương pháp biên soạn bài tóm tắt tài liệu, truy cập vào ngày 08/06/2020 tại địa chỉ: https://hvtc.edu.vn/tabid/558/catid/143/id/28413/Phuong-phap-bien-soan-bai-tom-tat-tai-lieu/Default.aspx
[9] Nguyễn Thị Lan Thanh, Trịnh Kim Chi (2006), Thư mục học, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[10] Nguyễn Thị Lan Thanh, Nguyễn Tiến Hiển (2004), Hướng dẫn sử dụng thư viện – thông tin, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
[11] Nguyễn Yến Vân, Vũ Dương Thúy Ngà (2010), Thư viện học đại cương, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
__________________________________________________
Bài viết: Hải Anh
Ngày đăng: 08/06/2020
Ảnh bìa: https://baoangiang.com.vn/thu-vien-tinh-noi-cung-cap-cac-thong-tin-huu-ich-a259435.html