Cuộc khủng hoảng trong trao đổi thông tin học thuật và câu trả lời của thư viện

Bài viết giới thiệu khái niệm “khủng hoảng trong trao đổi thông tin học thuật”, bao gồm các yếu tố: sự bùng nổ thông tin, sự tăng giá tài liệu và sự giảm giá của đồng tiền.

Những tác động của cuộc khủng hoảng này tới hoạt động của thư viện cũng được đề cập, đáng chú ý nhất là sự giảm số lượng tài liệu bổ sung, ảnh hưởng tới việc phục vụ bạn đọc. Bài viết phân tích những giải pháp mà các thư viện quốc tế đã áp dụng để đương đầu với cuộc khủng hoảng này: dịch vụ cung cấp tài liệu, hợp tác và chia sẻ nguồn lực (phối hợp bổ sung, muợn liên thư viện, lập các liên minh thư viện), cũng như sự chủ động tham gia của các hiệp hội thư viện trong việc khuyến khích sự thay đổi tích cực trong dây chuyền trao đổi thông tin học thuật.

Thư viện lâu nay đã được biết đến như là nơi lưu trữ và cho phép truy cập tới một kho tài liệu “ghi lại các hoạt động của con người” (Dain và Cole 1990, tr. 25). Tuy nhiên ở nhiều nơi, vai trò này đã và đang bị thách thức bởi một hiện tượng gọi là “cuộc khủng hoảng trong trao đổi thông tin học thuật” (tiếng Anh là “scholarly communication crisis”). Cuộc khủng hoảng này gồm có ba yếu tố: sự bùng nổ thông tin, sự tăng giá tài liệu và sự giảm giá của đồng tiền. Hậu quả không thể tránh khỏi là sự suy giảm về số lượng tài liệu bổ sung vào các thư viện và điều này dẫn đến “cuộc khủng hoảng trong trao đổi thông tin học thuật”.

Trao đổi thông tin học thuật (scholarly communication) được hiểu như là quá trình tạo ra, truyền bá, bảo quản và sử dụng thông tin học thuật. Shaugnessy (1989, tr. 69) gọi đây là “một hiện tượng xã hội trong đó các hoạt động trí tuệ và mang tính sáng tạo được chuyển giao từ học giả này sang học giả khác”, quá trình này bao gồm một số yếu tố quan trọng. Theo Peek và Newby (1996, tr. 5), hiện tượng này bắt đầu từ những năm 1640, là một quá trình trong đó các học giả trong các viện hàn lâm tạo ra thông tin, còn các nhà xuất bản thì xuất bản và đóng gói thông tin. Sau đó các thư viện mua thông tin từ các nhà xuất bản. Các tài liệu nghiên cứu như sách và báo chí chuyên ngành chính là các phương tiện chuyển tải thông tin trong quá trình này.

Ảnh minh họa

Khái niệm “dây chuyền trao đổi thông tin học thuật” (scholarly communications chain) được Shaughnessy (1989, tr. 68) mô tả như là một hệ thống phức tạp của các yếu tố có quan hệ qua lại như sau:

Tác giả (học giả/nhà nghiên cứu)

Ấn phẩm trước khi in/Tài liệu hội thảo/Bản thảo/Thư điện tử/Các thông tin không chính thức khác

Các nhà xuất bản/Các hiệp hội nghiên cứu

Bài báo chuyên ngành/Kỷ yếu hội thảo/Cơ sở dữ liệu/Sách

Các dịch vụ tóm tắt và đánh chỉ số

Cán bộ thư viện và thư viện/Người đăng ký đặt mua nhỏ lẻ/Các hiệu sách

Người đọc (Các học giả/nhà nghiên cứu)

Hệ thống trao đổi thông tin học thuật đã phục vụ các học giả rất hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua trong đó các thư viện đại học và thư viện nghiên cứu đóng góp vai trò quan trọng trong sự thành công này. Với vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, quản lý và truyền bá thông tin học thuật, các thư viện có vị trí trung tâm trong toàn bộ hệ thống trao đổi thông tin học thuật (Lyman 1993), và là trung tâm của quá trình quản lý hệ thống trao đổi thông tin học thuật (Okerson 1992). Tuy nhiên, nhiệm vụ này của thư viện đã bị thách thức từ những năm 1970 khi người ta bắt đầu thảo luận về một hiện tượng gọi là “khủng hoảng trao đổi thông tin học thuật”. Vào thời gian đó, giới hàn lâm xác nhận là “một cuộc khủng hoảng tài chính đang đe dọa hoạt động của các thư viện nghiên cứu” (Shaughnessy, 1989, tr. 68).

Từ những năm 1960, người ta đã nhận thấy rằng có một sự gia tăng nhanh chóng số lượng các ấn phẩm. Dữ liệu thống kê trong cuốn Bowker annual of library… 26th edition 1981 (tr. 327) về ngành xuất bản Hoa Kỳ cho thấy “những năm 60 [của thế kỷ 20] được đặc trưng bởi sự gia tăng chưa từng thấy số lượng các đầu sách xuất bản, trung bình 7,8%/năm trong giai đoạn 1960-1969. Từ 15.012 tên sách mới năm 1960, năm 1968 số lượng này tăng hơn 2 lần, lên tới 30.387 đầu sách”.

Sự bùng nổ thông tin chậm chí còn mạnh hơn trong lĩnh vực xuất bản các ấn phẩm hàn lâm. Cuốn danh mụcUlrich’s International periodical directory (trích dẫn trong Brown, 1996, tr. 71) cung cấp biểu đồ sau đây cho thấy sự tăng trưởng của số ấn phẩm định kỳ trong thời gian từ 1951 đến 1992 (đơn vị là 1.000).

 

Cùng với sự gia tăng của sách chuyên khảo và ấn phẩm định kỳ, giá bán của các ấn phẩm này cũng tăng lên. Cummings (1992, tr. 84) cho biết trong suốt thời kỳ từ 1963 đến 1990, giá trung bình của ấn phẩm định kỳ có mức tăng trung bình hàng năm là 11,3%, trong khi đó giá bán của sách bìa cứng cũng tăng 7,22%. Nguyên nhân của sự tăng giá này có thể được giải thích là do ngành xuất bản vẫn phải phụ thuộc vào những phương pháp xuất bản chậm chạp và đắt đỏ (Frazier, 1999, tr. 33). Hơn nữa, Frazier (1999, tr. 34) lưu ý thêm là “hệ thống truyền thông học thuật được quản lý bởi các luật bản quyền khắt khe và phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của các tập đoàn thông tin đa quốc gia”. Cummings và những người khác (1992, tr. xxi) nhận thấy có một số yếu tố liên quan đến giá bán cao của các sách báo mang tính học thuật:

Các tạp chí chuyên ngành của các nhà xuất bản thương mại thường đắt hơn vì họ thường tập trung vào lợi nhuận.

Các tạp chí chuyên ngành thường có ít người đặt mua và sẽ có giá đắt hơn.

Sự tập trung của các tạp chí khoa học trong tay một số nhà xuất bản như Elvier, Pergamon, và Springer tạo nên sự độc quyền trên thị trường xuất bản. Hàng năm, các nhà xuất bản thương mại lại gia tăng sự kiểm soát của mình trong quá trình xuất bản và phân phối các tài liệu nghiên cứu chuyên môn.

Sự xuất hiện của các tạp chí điện tử đã được dự báo là giải pháp cho cuộc khủng hoảng giá cả. Tuy nhiên trên thực tế, Robnett (1998, tr. 56) chỉ ra rằng “cả các nhà xuất bản thương mại lẫn phi thương mại đều cần có vốn để thử nghiệm với hình thức xuất bản mới này”. Xuất bản điện tử yêu cầu phải có chi phí bổ sung, và các nhà xuất bản đẩy chi phí này cho các thư viện gánh chịu. Phiên bản điện tử của các tạp chí chuyên ngành thường được gộp vào cùng với bản in, và các thư viện lại phải trả thêm tiền. Một số nhà xuất bản bán quyền truy cập vào các ấn phẩm điện tử với giá cao hơn rất nhiều và thậm chí dự định không phát hành ấn phẩm dưới dạng bản in nữa (Robnett, 1998). Hơn nữa, có những vấn đề nghiêm trọng đối với tạp chí điện tử, trong đó vấn đề lưu trữ và duy trì các ấn phẩm điện tử thường được nhắc đến nhiều nhất. Vấn đề chính ở đây là tạp chí điện tử thường được mua quyền truy cập chứ không phải quyền sở hữu. Trong khi đó nếu thư viện đặt mua báo in, họ có thể giữ chúng bao lâu tùy thích.

Một yếu tố nữa tạo ra giá thành ấn phẩm cao là sự giảm giá của đồng tiền. Case và Jakubs (1999) nhận định sự sự tăng giá của tài liệu xảy ra đồng thời với việc giảm giá của đồng đô la Mỹ và Canada trong giai đoạn từ 1985 đến những năm 1990. Ở Australia, sự giảm giá của đồng đô la Australia dẫn đến tình hình tương tự khi mà “phần lớn các thư viện đại học của Australia bị buộc phải cắt giảm chi tiêu trong việc đặt mua các báo chí nước ngoài” (Smith, 1999, tr. 119).

Hậu quả của tất cả các yếu tố trên là ngày càng có ít tư liệu được bổ sung vào thư viện. Hội đồng quốc gia về trao đổi thông tin học thuật Hoa Kỳ (1979) đã quan sát thấy rằng nhiều thư viện đại học đã ngừng việc đặt mua một số báo chí chuyên ngành.

Cuộc khủng hoảng này là nghiêm trọng tuy nhiên nó diễn ra từ từ. Phần lớn các thư viện bị thâm hụt ngân sách bổ sung tài liệu. Mức tăng ngân sách hàng năm trung bình của các thư viện nghiên cứu ở Bắc Mỹ là 7,9%/năm, giá đặt mua báo tạp chí chuyên ngành lại tăng 9%/năm (thống kê của Hội thư viện nghiên cứu, 2002). Theo số liệu thống kê này, từ năm 1986, bình quân các thư viện nghiên cứu ở Bắc Mỹ mất khoảng 1/6 sức mua của mình. Sự trao đổi thông tin học thuật trong tất cả các loại hình tài liệu đều bị ảnh hưởng. Trong khi người ta chú ý nhiều hơn đến việc ngừng đặt mua báo chí, thì các loại hình tài liệu khác, ví dụ như sách chuyên khảo, thậm chí còn bị ảnh hưởng nhiều hơn. Trung bình việc bổ sung sách giảm 26% trong các thư viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ.

Đứng ở trung tâm của dây chuyền trao đổi thông tin học thuật, các thư viện đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề này. Dịch vụ cung cấp tài liệu (document delivery), trong đó thư viện mua từng tài liệu, bài báo riêng lẻ từ nhà cung cấp, là một trong những giải pháp được chọn. Một số thư viện đại học đã ngừng việc đặt mua một số lớn báo chí chuyên ngành và phụ thuộc hoàn toàn vào dịch vụ cung cấp tài liệu. Một số nghiên cứu cho thấy đây có thể là một giải pháp tiết kiệm chi phí (MacDougall và những người khác, 1986 được trích dẫn trong Woodward, 2001). Tuy nhiên một dự án nghiên cứu tại đại học Cranfield (Anh) chỉ ra rằng khoản tiết kiệm khi ngừng đặt mua báo in chỉ có được khi chúng được thay thế bằng dịch vụ cập nhật thông tin và cung cấp bài báo nhanh (Woodward, 2001). Quan trọng hơn, sự thay thế này cho phép các thư viện cung cấp các dịch vụ tốt hơn: cho phép truy cập tới nhiều loại báo hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ cập nhật thông tin và dịch vụ cung cấp thông tin cho những bài báo mới xuất bản, và đáp ứng tốt hơn với sự thay đổi nhu cầu tin của người sử dụng (Bevan và những người khác, 1998 trích dẫn trong Woodward, 2001).

Hợp tác (hay chia sẻ tư liệu) là giải pháp được ưa chuộng nhất vì các thư viện có truyền thống lâu đời trong hoạt động này.  Hình thức mượn liên thư viện, một hình thức hoạt động truyền thống, đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Trong khi dịch vụ cung cấp tài liệu chỉ áp dụng được với bài báo thì dịch vụ mượn liên thư viện có thể chuyển tải phần lớn các loại hình tài liệu như sách, băng đĩa.

Số liệu thống kê hàng năm của Hội thư viện nghiên cứu [Hoa Kỳ] năm 2002 (có thể truy cập tại địa chỉ http://www.arl.org/stats/arlstat/graphs/2001/2001t3.html) cho thấy một sự gia tăng đáng kể trong hoạt động mượn liên thư viện với sự gia tăng 206% trong giai đoạn 1986-2000 trong khi lượng đặt mua sách báo giảm khoảng 10%. Con số này dường như chỉ ra rằng việc chia sẻ tài liệu là một cách đối phó với một môi trường không thuận lợi (Simpson, 1996). Vì lý do này, mượn liên thư viện sẽ vẫn là một phương thức hoạt động sống còn của các thư viện nghiên cứu. Điểm mấu chốt ở đây, như Johnston và Witte (1996) nhận định, là sự cân bằng lâu dài giữa ngân sách cho mua tài liệu và ngân sách cho thuê quyền truy cập.

Phối hợp bổ sung là một hình thức hợp tác và chia sẻ nguồn lực khác giữa các thư viện.  Thậm chí ngay cả trước khi có khủng hoảng, các thư viện đã chủ động liên kết và chia sẻ nguồn lực (Okerson, 1992), và tham gia vào một số nỗ lực trong việc phối hợp bổ sung trong những năm qua (Case và Jakubs, 1999). Các chương trình phối hợp bổ sung thành công đề cập trong các bài viết của Evans (2000) ví dụ như Trung tâm Thư viện Nghiên cứu (CRL) ở Hoa Kỳ, “Chương trình bổ sung phối hợp” của Hệ thống Thư viện Đại học California, và Chương trình Các thư viện tại hạt Los Angeles là những ví dụ sinh động của mô hình hợp tác, trong đó các thư viện thỏa thuận rằng mỗi thư viện sẽ phụ trách một số lĩnh vực thuộc “trách nhiệm bổ sung ưu tiên” và sẽ trao đổi tài liệu với các thư viện khác trong hệ thống một cách miễn phí. Các dự án thất bại, ví dụ như Chương trình Farmington ở Hoa Kỳ, với mục tiêu liên kết các thư viện nghiên cứu trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ để phân chia trách nhiệm bổ sung cho tất cả các lĩnh vực tri thức của đa số các quốc gia trên thế giới (Evans, 2000), Kế hoạch Scandia, và chương trình Bổ sung Phối hợp Quốc gia ở Australia, phản ánh những nỗ lực của các thư viện trong việc phát triển một kho tài liệu liệu phong phú ở cấp quốc gia, đồng thời cũng mang lại những bài học quý về phối hợp bổ sung.

Một hình thức ứng phó khác của các thư viện là tham gia vào các liên minh thư viện (library consortia) để chia sẻ tư liệu. Trong các liên minh thư viện này, các hợp đồng giữa các thư viện được thỏa thuận để cung cấp các bài báo từ thư viện này tới thư viện khác. Mặc dù việc thành lập các liên minh thư viện đã trở thành truyền thống nhưng những năm gần đây đã chứng kiến sự nở rộ của các liên minh này (Thornton, 2000). Lý do là vì trong kỷ nguyên của báo điện tử, liên minh thư viện rõ ràng trở nên yếu tố sống còn cho việc mua các bộ cơ sở dữ liệu (Nabe, 2001), hay chậm chí là lựa chọn duy nhất cho nếu một thư viện muốn có được quyền truy cập vào các sản phẩm cơ sở dữ liệu điện tử (Hiremath, 2001, tr. 83). Việc giảm giá đạt được khi liên minh hành động thay mặt cho tất cả các thư viện thành viên để đàm phán về giá cả với nhà cung cấp với giá thấp hơn giá bán cho từng thư viện đơn lẻ (Hiremath, 2001). Các liên minh như OhioLINK, Galileo ở bang Georgia, VIVA ở Virginia, và Liên minh thư viện nghiên cứu Washington chỉ là một vài ví dụ của hơn 100 liên minh thư viện lớn ở Hoa Kỳ. Loại hình liên kết này rất phổ biến ở các nước khác trên thế giới, ví dụ như Ủy ban Hệ thống Thông tin Chung ở Anh, GAELIC ở Nam Phi, Hội đồng Giám đốc các Thư viện Đại học Australia (CAUL), Ủy ban Nguồn lực Thông tin Điện tử CAUL, và CALIS ở Trung Quốc (Hiremath, 2001).

Các thư viện không chỉ đối phó thụ động với cuộc khủng hoảng này mà còn chủ động tham gia vào các chiến lược/quá trình để giảm giá thành xuất bản báo chí trên thị trường xuất bản. Liên minh hàn lâm và xuất bản hàn lâm (SPARC), được hỗ trợ bởi Hội thư viện nghiên cứu Hoa Kỳ, có mục tiêu khuyến khích cạnh tranh trên thị trường báo – tạp chí chuyên ngành với những ấn phẩm có giá thành thấp, các tạp chí chuyên ngành xuất bản trên Internet và báo in. SPARC đã hỗ trợ trong việc quảng bá những cách thức xuất bản thay thế cho các nhà xuất bản thương mại, đôi khi là liên kết với các nhà xuất bản của các hiệp hội chuyên ngành. SPARC cũng hỗ trợ quảng bá phong trào “Tạo nên sự thay đổi” để khuyến khích các học giả suy nghĩ lại cách tiếp cận của họ với việc xuất bản mang tính thương mại và vai trò của họ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trong trao đổi thông tin học thuật (Prior, 2001).

Cuộc khủng hoảng trong trao đổi thông tin học thuật có những tác động đáng kể tới khả năng phục vụ người dùng tin của các thư viện đại học và thư viện nghiên cứu. Sự bùng nổ thông tin, điều đáng lẽ ra là tốt cho người đọc, cùng với giá thành ấn phẩm cao đã tạo ra những vấn đề và thách thức cho các thư viện trong việc phát triển vốn tài liệu. Với những thay đổi trong chiến lược hoạt động của các thư viện nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này, thư viện đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong dây chuyền trao đổi thông tin học thuật. Việc áp dụng một cách phù hợp các giải pháp trên vào hoàn cảnh cụ thể của từng thư viện và từng quốc gia sẽ là chìa khóa thành công trong hoạt động cung cấp thông tin của thư viện.

 

ThS. Vũ Thị Nha, VDIC, Worldbank