Đại học Thái Nguyên: Thêm nhiều cơ hội cho thí sinh

Những thí sinh không trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ở nguyện vọng 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nhưng có điểm đạt từ mức điểm sàn trở lên sẽ tiếp tục tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Hiện nay, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu, mở ra cơ hội cho các thí sinh.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập trường tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đến thời điểm này đạt gần 90% chỉ tiêu.

Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã chính thức thông báo tuyển sinh bổ sung  nguyện vọng 2 là gần 2.000 chỉ tiêu vào các trường đại học và gần 800 chỉ tiêu vào học hệ cao đẳng (Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, hệ Cao đẳng Đại học Y - Dược, hệ Cao đẳng Khoa Ngoại ngữ). Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh nguyện vọng 1 mới đạt trên 70% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy năm học 2014-2015 và 50% chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng, song lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào các trường không hề thấp hơn so với chỉ tiêu cần tuyển. ĐHTN đã nhận được trên 6.000 hồ sơ tham gia xét tuyển nguyện vọng 2.

Một số ngành điểm điều kiện trúng tuyển trong đợt xét tuyển bổ sung này đã tăng lên đột biến so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Điển hình như ngành Luật của Đại học Khoa học điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 đối với khối C là 19,5, cao hơn so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 là 3,5 điểm; tương tự ngành Luật khối D1 của trường này lấy 17,5, cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 là 1,5 điểm. Đặc biệt, đối với một ngành đào tạo truyền thống của Đại học Sư phạm, điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 cũng tăng đột biến. Đó là các ngành Sư phạm Vật Lý, khối A lấy 20,5 điểm, tăng 4,5 điểm so với nguyện vọng 1, khối A1 lấy 18,5 điểm, tăng 2,5 điểm so với nguyện vọng 1; ngành Sư phạm tiếng Anh lấy điểm trúng tuyển cao nhất là 20 điểm (chưa nhân hệ số 2 cho môn ngoại ngữ), tăng 7 điểm so với nguyện vọng 1; tiếp đến là Sư phạm Ngữ văn lấy 21,5, tăng 5 điểm so với nguyện vọng 1, Sư phạm Lịch Sử lấy 19 điểm, tăng 4 điểm so với nguyện vọng 1.

Có một số lý do khiến điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 của một số ngành tăng do chỉ tiêu xét tuyển không còn nhiều. Ngành cần bổ sung nhiều nhất trong tốp điểm trúng tuyển cao là Luật còn thiếu 40 chỉ tiêu, một số ngành của Sư phạm cũng chỉ thiếu nhiều nhất là 35, ít nhất là 10 chỉ tiêu. Một lý do nữa là điểm số tham gia đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 của thí sinh trong khối các ngành này cũng cao, vì vậy đã đẩy mức điểm trúng tuyển lên cao hơn điểm sàn và điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Thực tế này các trường sẽ được bổ sung thêm nguồn sinh viên đầu vào chất lượng cao. Nhưng bên cạnh đó cho thấy một số thí sinh khi tham gia lựa chọn nguyện vọng bổ sung đã có những tính toán chưa thật chuẩn cho nghề nghiệp tương lai, dẫn đến có trường hợp điểm cao hơn nguyện vọng 1 của trường mà vẫn không trúng tuyển.

Một số ngành học năm nay ĐHTN không tổ chức thi tuyển, mà tổ chức xét tuyển trực tiếp qua kết quả học tập tại bậc THPT, do chưa đủ chỉ tiêu cũng tiến hành xét tuyển bổ sung dựa trên kết quả thi tuyển sinh, lấy thang điểm trúng tuyển bằng mức điểm sàn theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Hiện nay nhóm đối tượng xét tuyển này còn thiếu 315 chỉ tiêu, trong đó các ngành của Trường Đại học Nông lâm thiếu nhiều nhất là 190 chỉ tiêu, kế tiếp là Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thiếu 150 chỉ tiêu.

Với một số ngành nghề đào tạo thuộc nhóm các ngành kỹ thuật năm nay có nhiều cơ hội trúng tuyển nguyện vọng bổ sung. Trường Đại hoc Công nghệ Thông tin và Truyền thông có chỉ tiêu tuyển sinh là 1.500 chỉ tiêu, trong đó xét nguyện vọng 2 vẫn còn 510 chỉ tiêu. Tiếp đến là Trường Đại học Khoa học còn 190 chỉ tiêu, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp còn trên 300 chỉ tiêu; Trường Đại học Nông lâm còn 683 chỉ tiêu; Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh còn 140 chỉ tiêu; Trường Đại học Sư phạm còn 60 chỉ tiêu; Khoa Ngoại ngữ và Khoa Quốc tế còn gần 300 chỉ tiêu. Trừ một số ngành điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 tăng (như đã nói), điều kiện xét tuyển nguyện vọng bổ sung còn lại của các trường này đều chỉ lấy thang điểm bằng mức điểm sàn mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã quy định. Như vậy, cơ hội trúng tuyển đối với các thí sinh (so chỉ tiêu và với lượng hồ sơ đăng ký) sẽ nhiều hơn. 

Theo kế hoạch, ĐHTN sẽ kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào ngày 10-10-2014. Đến nay, số sinh viên trúng tuyển đã đến làm thủ tục nhập học được gần 10.000  trên 11.185 tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy mục tiêu hoàn thành kế hoạch tuyển sinh năm học 2014-2015 của ĐHTN đã gần cán đích, chỉ còn 10%, trong khi điều kiện tuyển sinh bổ sung của đa số các trường đều đặt ra ở mức tối thiểu là bằng điểm sàn.

Theo http://www.baothainguyen.org.vn/