Người Việt ít đọc sách: Vấn đề không mới

Theo công bố được Bộ VHTTDL đưa ra trong dịp ngày hội đọc sách tổ chức hồi cuối tháng 4 năm nay, trung bình mỗi người Việt Nam đọc chưa đến 1 cuốn sách mỗi năm. Một đất nước với truyền thống hiếu học nhưng lại ít người đọc sách, hơn nữa không phải là một vấn đề mới, vậy chăng đây là một nghịch lý?

Câu hỏi cũng như vấn đề này thực chất không mới, nó đã được nhắc đến rất nhiều trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông. Cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị được tổ chức để bàn bạc về thực trạng này và sẽ còn tiếp tục được tổ chức cho đến khi thực sự tìm ra một giải pháp hữu hiệu.

Nhiều người cho rằng, không đọc sách thì có sao? Trước đây, không đọc sách thì không có kiến thức còn ở thời đại này, để có thông tin chẳng thiếu gì cách mà phải mất thời gian để đọc sách. Quả thật nói vậy cũng chẳng sai nhưng mà lại chưa đúng. 

Mỗi người Việt đọc chưa đến 1 quyển sách mỗi năm - con số khiến nhiều người giật mình

Không sai là bởi trước khi xã hội phát triển như hiện nay, nếu không đọc sách thì đồng nghĩa với việc không có kiến thức. Còn bây giờ, muốn tìm kiếm 1 thông tin rất đơn giản chỉ cần vào internet, tìm kiếm trên Google, không quá 1 phút đã có hàng trăm đến hàng nghìn kết quả. Đơn giản, dễ dàng như thế thì việc con người ngày càng lười đọc sách chẳng có gì là khó hiểu. Chưa đúng là bởi việc tìm kiếm quá dễ dàng thông tin, việc có thể cóp nhặt từ internet mọi thứ cần thiết cho công việc, cho học tập đã và đang làm cho con người ngày càng lười học tập và tư duy. Những kiến thức dễ dàng tìm kiếm kia cũng nhanh chóng bị quên lãng chứ không lưu lại lâu như khi chúng ta học được chúng từ một cuốn sách. 

Sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, của giải trí truyền hình và nhiều hình thức giải trí khác nữa đã lấy hết thời gian của con người, Không còn thời gian nào dành cho việc đọc sách..

Hàng trăm lý do để giải thích cho vấn đề không mới này. Trước đây nhiều người đọc sách bởi họ cần thông tin, cần tri thức và bên cạnh đó đọc sách còn là một hình thức giải trí. Còn bây giờ, để giải trí thì đã có phim ảnh, truyền hình, trò chơi điện tử những sản phẩm công nghệ tiên tiến… Bên cạnh đó, trong một xã hội phát triển, nhịp sống của mỗi con người gấp gáp, hối hả hơn cũng là điều tất yếu. Giữa bao bộn bề, lo toan, cuộc sống, gia đình, công việc, học tập…để tìm một khoảng lặng cho việc đọc sách cũng là một việc khó với nhiều người. Mặt khác, xã hội hiện đại tuy đem đến cuộc sống đầy đủ hơn cho người dân nhưng cũng mang đến nhiều thói quen không tốt ảnh hưởng đến tư duy, cách nhìn nhận suy nghĩ cũng như hành động của một bộ phận không nhỏ. Ví dụ có thể nhìn thấy ngay đó là việc hàng nghìn các cửa hàng internet mọc lên như nấm là nơi để nhiều bạn trẻ tiêu phí thời gian cho việc vùi đầu trong một thế giới ảo, với những trò chơi ảo và những trang mạng đen. Những quán cà phê, quán nhậu nhan nhản khắp đường lớn, phố nhỏ là nơi để người ta tìm đến gặp gỡ, chuyện trò, tám chuyện thay vì đọc sách….Vài năm gần đây một trào lưu mới đã xuất hiện nhưng ngay lập tức đã tạo nên một cơn sóng mạnh thu hút không chỉ với giới trẻ mà còn nhiều lứa tuổi và thành phần khác cũng tham gia đó là mạng xã hội. Cơn lốc của My Space, Twitter, Yume, Zing Me và đặc biệt là Face Book là lấy đi không chỉ thời gian rảnh rỗi và còn cả thời gian dành cho công việc và học tập của một cộng đồng lớn những thành viên tham gia…
Và còn nhiều, nhiều những lý do khác nữa để lý giải cho việc ngày càng có ít người thích đọc sách, không cần thiết phải liệt kê hết.

Thực tế, chúng ta không phủ nhận những giá trị mà truyền hình, điện ảnh, các trò chơi hiện đại hay các phương tiện nghe nhìn nói chung mang lại cho con người. Bởi suy cho cùng tất cả những thứ đó đều do con người tạo ra để phục vụ mục đích giải trí của mình. Tuy nhiên khi các phương tiện này lấn át văn hóa đọc sẽ làm cho con người trở nên thụ động, lười suy nghĩ, tư duy vì thế cũng sẽ không phát triển như những người ham đọc sách. Lý do là bởi việc tiếp cận thông tin qua cách thức nghe, nhìn đơn giản và nhanh hơn nhiều so với thời gian đọc và hiểu một cuốn sách. Việc tham gia vào một mạng xã hội không xấu, nó chỉ xấu khi chúng ta quá lạm dụng và tiêu phí nhiều thời gian để sống trong một cuộc sống ảo, nơi mà cái gì cũng đẹp nhưng chưa chắc đã thật. Trong khi đó, nếu chỉ cần bớt 1 chút thời gian vào Face Book hay các mạng xã hội mỗi ngày là chúng ta đã có thời gian để đọc sách – thứ giúp cho mỗi chúng ta thêm hiểu biết và những giá trị thật.

Chính vì việc đọc sách quan trọng như vậy nên khi vấn đề người Việt ngày càng ít đọc sách mới trở thành đề tài nóng thường xuyên được bàn tới, đặc biệt khi mà Bộ VHTTDL công bố con số mỗi người Việt Nam không đọc hết 1 cuốn sách mỗi năm, con số khiến nhiều người giật mình.

Trẻ em nông thôn không có được nhiều sự lựa chọn như trẻ em thành phố. Số đầu sách ít ỏi, lại cũ là một trong những nguyên nhân thờ ơ với sách

Có thể nói dù xã hội có phát triển, dù ngày càng có nhiều thiết bị công nghệ hiện đại thì tất cả cũng không thể thay thế việc đọc sách. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã nhấn mạnh vấn đề này trong ngày Hội sách 2013: “Đọc sách là một thói quen đẹp nhưng đang bị mai một, vì thế cần có những chiến lược, chương trình để thu hút mọi người quan tâm hơn đến sách”.
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một cuộc họp báo đã nói về vấn đề này: “Ở nước ngoài, nhìn đâu cũng thấy người đọc sách. Người ta đọc sách ở phòng chờ sân bay, trên các bến xe hay trong tầu điện ngầm. Người Việt không có thói quen như thế”. Còn theo TS. Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS thì: một dân tộc không đọc sách sẽ không thể phát triển được, sẽ phải sống trong nghèo khổ.
Còn rất nhiều những ý kiến, những nhận định của các nhà quản lý,  nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà khoa học…về sự quan trọng của việc đọc sách cũng như vấn đề người Việt không có thói quen đọc sách. Vấn đề này đã là một đề tài không mới, là một thực trạng diễn ra từ khá lâu. Ngoài những lý do chung đã nêu ở trên, thực tế người Việt ít đọc sách là bởi sự lười biếng hay bởi họ không thích, hoặc còn một lý do gì khác? Vì nói cho cùng Việt Nam là một dân tộc hiếu học, ít đọc sách hẳn là phải có những yếu tố tác động khác. 
Dù vậy, vài năm gần đây thực trạng ít đọc sách của người Việt Nam đã và đang có chiều hướng thay đổi.
 
Theo thống kê từ Cục xuất bản, Bộ VHTTDL những năm gần đây trung bình mỗi năm nước ta công bố hơn 20.000 đầu sách với khoảng 250 triệu bản in. Nhìn vào con số đó cũng như sự tăng trưởng của ngành xuất bản thời gian này sẽ thấy thực trạng người Việt ít đọc sách đã và đang thay đổi tích cực.
 
Thực chất con số thống kê về việc người Việt đọc chưa hết 1 quyển sách mỗi năm khiến nhiều người quan ngại là bởi chưa nhìn bao quát hết vấn đề. Người Việt Nam vốn ham học, thích tìm hiểu, dân tộc Việt có truyền thống hiếu học. Người Việt coi giặc dốt nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Trong lịch sử dân tộc thời đại nào Việt Nam cũng có nhiều những tri thức lớn, trong số đó có nhiều danh nhân được cả thế giới biết đến. Vì thế nói người Việt không thích đọc sách hay ít đọc sách là chưa hoàn toàn đúng. 
 
Là một đất nước nước nông nghiệp, tỉ lệ người dân nông thôn và thành phố có sự cách biệt lớn. Có tới 70% dân số Việt Nam là người nông dân, đó là con số của những năm gần đây còn ở thời điểm 10-20 năm trước người nông dân chiếm đến 80% dân số. Cuộc sống của người nông dân chủ yếu gắn với đồng ruộng, chăn nuôi, họ ít được học và cũng không có nhiều điều kiện để tiếp cận với sách, báo, tri thức nói chung…Thành phần đọc sách ở Việt Nam là những cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên hay nói cách khác là những đối tượng sống ở thành phố có điều kiện tiếp cận tri thức và cần đọc sách để phục vụ cho công việc của mình., số lượng này chỉ chiếm 30% dân số. Như vậy khi chia trung bình mới dẫn đến con số người Việt đọc chưa nổi 1 quyển sách mỗi năm.
 
Tất nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự thật về việc chúng ta cũng đã có phần trễ nải đọc sách trong nhiều năm qua bởi những tác động đến từ cuộc sống công nghiệp. Dù không phải tất cả thì ít nhất  cũng đã có một bộ phận không nhỏ trở nên lười biếng với việc đọc sách. Tuy nhiên nhìn vào con số thống kê 3 năm gần đây của ngành xuất bản sẽ thấy nhiều tín hiệu đáng mừng cho văn hóa đọc của Việt Nam.
Năm 2011, ngành xuất bản đã xuất bản hơn 27.000 đầu sách với gần 294 triệu bản sách tăng lần lượt so với năm 2010 là 7%.
 
Năm 2012, công tác đăng ký kế hoạch xuất bản với Cục xuất bản ( Bộ Thông tin và Truyền thông) là 41.635 đầu sách. Xác nhận kế hoạch xuất bản là 40.627 đầu sách, phát hành hơn 812 triệu bản. Số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 16.413 đầu sách với hơn 181 triệu bản. Trong đó, xuất bản phẩm của 64 nhà xuất bản là 16.413 sách với 181,770 triệu bản; xuất bản phẩm không kinh doanh là 114 sách với 295 nghìn bản. 
Đấy mới chỉ là con số thông kê sách được xuất bản, còn chưa tính đến những số lượng sách trên internet, sách điện tử..Hiện nay ở Việt Nam có khoảng vài chục diễn đàn và website chia sẻ e book không bản quyền với đủ mọi ngôn ngữ và thể thoại từ sách chuyên ngành đến truyện nước ngoài, truyện trong nước và truyện tranh…với số lượng thành viên không lồ. Chỉ nói riêng thành viên tham gia e-thuvien.com đã có tới 750.000 người. Bên cạnh đó còn hàng chục trang web đọc sách lớn khác như: vuthuquan.net; sachhayonline,..cũng đều thu hút một lượng thành viên lớn. Mỗi một trang web và diễn đàn kiểu này thường có đầy đủ các đầu sách như: Văn học trong nước, Văn học nước ngoài, Lịch sử, Kinh tế, Khoa học, Triết học, Tôn giáo, Thi ca, Dã sử, Truyện tranh…Nếu vào xem sẽ dễ dàng nhận thấy số lượng đầu sách ở các trang web này lớn hơn nhiều số lượng sách ở các cửa hàng sách hiện nay. Số lượng lớn, nội dung đa dạng phong phú, sách cũ từ hàng chục, hàng trăm năm cho đến sách đang “hót” đều có cả. Những kho sách ở các trang web này cho phép người dùng có thể tải về để đọc trên máy tính, điện thoại, máy tính mảng…một cách rất đơn giản, tiện lợi. Đáng nói là đa phần việc đọc hay tải sách từ những trang web này đều miễn phí, chính vì thế chúng thu hút một số lượng người đọc vô cùng lớn. Những thành viên của các trang web này là những người không mua sách in ( hoặc rất ít mua), như vậy con số thông kê việc người Việt đọc bao nhiêu sách chỉ dựa vào số lượng sách xuất bản và bán được là chưa đầy đủ.
 
 
Bên cạnh đó không thể không nhắc đến vấn nạn sách lậu diễn ra lâu nay trên thị trường. Trung bình 1 quyển sách lậu có giá bán rẻ hơn so với sách chính thống từ 40-50%, thế nên mới có sự việc 1 quyển sách nổi tiếng số lượng bản in lậu nhiều gấp mấy lần bản chính thống. Và tất nhiên không thể thống kê đầy đủ số sách in lậu, cũng như không thể tổng hợp số lượng người mua sách lậu.
 
Nếu nhìn vào số lượng thành viên của các trang web sách hay những hội yêu sách, mê sách..ngày càng tăng nhanh sẽ thấy rằng nhận định người Việt ít đọc sách là chưa hoàn toàn đúng và có phần chủ quan. Mặc dù cũng có một bộ phần thờ ờ với sách nhưng đấy chỉ là một con số nhỏ.
 
Nói vậy không có nghĩa là chúng ta đã hài lòng về việc đọc sách của mình bởi vẫn còn rất nhiều, rất nhiều người Việt chưa đọc sách, không được đọc sách, không có điều kiện để chạm vào kho báu tri thức nhân loại. Điều này mới là một thực tế cần suy ngẫm,
 
Ở Châu Âu, ví dụ như Pháp, trung bình mỗi người dân đọc từ 20 cuốn sách/1 năm. Người ở vùng nông thôn, người nông dân đọc trung bình khoảng 5 cuốn sách/1 năm còn những người dân ở thành phố, tầng lớp tri thức đọc khoảng 30-40 cuốn/1 năm, 1 số ít đọc 50 cuốn/1 năm. Tuy nhiên nếu so với Châu Âu thì khó mà theo kịp bởi ai cũng biết nền văn hóa của họ đã được xây dựng hàng nghìn năm bởi những tầng lớp quý tộc trong xã hội.
 
Nói ngay ở khu vực Châu Á chúng ta cũng thua gần hết các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore, Malyasia, Thái Lan…Tại Malaysia cách đây 10 năm, số sách người dân đọc trung bình là 2 cuốn/1 năm nhưng cho đến năm 2011, 2012 con số này đã lên trên 10 cuốn/1 năm. Sở dĩ việc đọc sách của Malaysia có thể thay đổi nhanh chóng như vậy là bởi Chính phủ đã có chiến lược và những hành động cụ thể trong việc xây dựng thói quen đọc sách của người dân.
 
Ở Việt Nam, 70% người dân nông thôn không có hoặc ít có điều kiện tiếp cận với sách. Thực tế, sách cần cho mọi người, mọi đối tượng trong xã hội. Sách giúp con người có thêm kiến thức, tri thức, sự hiểu biết, từ đó giúp ích cho cuộc sống của mỗi người. Vì thế người dân nông thôn cũng như người nông dân cũng rất cần đọc sách. Điều quan trọng là định hướng đúng đắn loại sách phù hợp với từng đối tượng. Để số sách đọc trung bình mỗi năm của người Việt Nam sẽ tăng từ 0,8 ( chưa bằng 1) quyển/ năm lên 10 -20 quyển/năm thì cần phải có kế hoạch, chiến lược.  Vấn đề này là công việc của các cơ quan quản lý ngành văn hóa, giáo dục cũng như các ban, ngành liên quan khác. Với truyền thống hiếu học sẵn có, hy vọng trong tương lai gần cùng với những cơ chế, chính sách và chiến lược của Nhà nước,  Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có số lượng sách được đọc và tỉ lệ người đọc sách đứng vị trí cao trong khu vực.
 
Để có thể giải quyết triệt để vấn đề ngươi Việt ít đọc sách và xây dựng một nền văn hóa đọc phát triển ở Việt Nam cần có những chính sách, kế hoạch cụ thể. Bởi thực tế hiện nay hơn 50% dân số Việt không có hoặc ít có điều kiện tiếp cận với sách
 
Hơn 50% người dân không có hoặc ít có điều kiện đọc sách là một thực tế đang diễn ra do khoảng cách văn hóa giữa nông thôn và thành phố vẫn còn 1 khoảng lớn. Trẻ em ở các vùng quê dù có được đi học thì cũng chỉ có duy nhất 1 loại sách để đọc đó là sách giáo khoa. Còn với người lớn dù muốn đọc, muốn tìm mua 1 quyển sách cũng không dễ dàng gì khi mà đa số sách, báo, ấn phẩm xuất bản…đều được phát hành ở thành phố. Một số tỉnh thành hiện nay cũng đã xây dựng hệ thống thư viện công cộng và mở các cửa hàng bán sách tuy nhiên con số này rất ít. Chính từ những khó khăn và  hạn chế đó dần dần tạo thành thói quen “không cần đọc sách” của người dân nói chung. Vì vậy, để người dân đọc nhiều sách, thích đọc sách hay xây dựng nền văn hóa đọc của Việt Nam trước hết cần phải có một hệ thống cơ sở đầy đủ rồi sau đó mới là vấn đề tuyên truyền, khuyến khích thói quen đọc sách.
 
Thực tế đang diễn ra hiện nay tại các tỉnh, các địa phương vùng nông thôn cho thấy rõ mạng lưới thư viện hoạt động rất kém hiệu quả. Nhiều địa phương không có thư viện, nhà sách công cộng, cũng không có hiệu sách, nếu có thì cũng hoạt động cầm chừng, tạm bợ. Rất ít thư viện, tủ sách cơ sở được đầu tư mới mà chủ yếu là được dựng lên chắp vá, hoặc được sửa chữa dùng lại các phòng cũ của nhà văn hóa.  Sách, báo với nội dung nghèo nàn, số lượng quá ít và cũ nát không thể hấp dẫn người đọc. Để giải quyết tình trạng này Nhà nước cần có những thiết chế văn hóa cơ sở để đời sống văn hóa của người dân nông thôn có thể cải thiện. Vấn đề này vẫn biết là cần có nguồn tài chính lớn vì thế đế có thể đầu tư toàn diện là việc khó, nhưng là việc cần làm, phải làm để nâng cao dân trí và phát triển xã hội.
 
Người dân nông thôn ít có điều kiện tiếp cận với sách do thiếu hệ thống thư viện, nhà sách công cộng, rất ít cửa hàng sách...ở một vài nơi nếu có thì số lượng đầu sách cũng lèo tèo không đa dạng...
Bên cạnh việc chờ đợi hệ thống cơ sở hạ tầng, thư viện, nhà sách, tủ sách…ở các địa phương được xây dựng hoàn thiện và đầy đủ thì một việc vô cùng quan trọng khác phải làm đó là hình thành văn hóa đọc cho người dân nói chung, đặc biệt cần tạo thói quen đọc sách ngay từ bây giờ cho lứa tuổi nhi đồng.
 
Có nhiều người cho rằng, đọc sách là sở thích, người không thích sách thì không thể tạo ra sở thích này được. Điều đó không đúng, vì nếu không được khuyến khích, không được tiếp cận thì con người không ý thức được sở thích của mình. Nhất là với lứa tuổi nhi đồng, các e còn quá nhỏ để có thể tự định hướng bản thân. Điều này có thể thấy rõ ở các quốc gia phát triển, người ta đã dạy trẻ em biết đọc sách, yêu sách từ khi còn rất nhỏ.
Món quà đầu đời dành cho 1 đứa trẻ tại Phần Lan là một giỏ sách

        Hệ thống giáo dục ở Việt Nam chưa thực hiện việc hình thành và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Trong tất cả các cấp học, học sinh chỉ được tiếp cận với 1 loại sách duy nhất đó là sách giáo khoa. Nhà trường, giáo viên không phổ biến cho học sinh tầm quan trọng của sách cũng như hướng dẫn cách lựa chọn, tìm sách hay. Thực trạng giáo viên chỉ chăm chăm dạy hết kiến thức, giáo trình trong sách giáo khoa vì bản thân giáo viên cũng không mấy khi đọc sách là hậu quả của việc ít đọc sách thời gian trước đây. Theo một cuộc điều tra gần đây của ngành giáo dục có trên 80% giáo viên không còn đọc sách thiếu nhi bởi họ đã trở thành người lớn. Vì thế giáo viên cũng không biết được học sinh của mình đang đọc những gì và cần bổ sung hay hạn chế những gì. Có tới 72% giáo viên tiểu học và THCS thừa nhận rằng họ không gợi ý được cho học sinh của mình nên đọc sách gì ngoài những sách học trong chương trình nhà trường. Ngoài việc trông đợi sự giáo dục đọc sách từ nhà trường thì gia đình cũng là một nhân tố vô cùng quan trọng tạo nên thói quen đọc sách của trẻ nhỏ. Vậy nhưng, có 79% phụ huynh không cùng con đọc sách, 86% phụ huynh không hề đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào kể cả họ có con trong lứa tuổi thiếu nhi. Trong khi đó, ở phương Tây, gia đình cũng như nhà trường vô cùng chú trọng vào việc xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ. Bởi theo họ thì sách chính là của cải, từ việc đọc sách hàng ngày con người có thể phát triển trí tuệ, bồi dưỡng kiến thức để làm giàu cho gia đình, cho đất nước.
 
Ví dụ như ở Phần Lan – một quốc gia có nền giáo dục được coi là chuẩn mực nhất thế giới hiện nay. Mỗi đứa trẻ Phần Lan khi sinh ra, món quà đầu tiên chúng được nhận là một giỏ sách.
Ai cũng biết về trí tuệ siêu việt của người Do Thái nhưng không biết vì sao dân tộc họ lại sinh ra những con người có bộ óc thông minh đến thế. Một dân tộc chỉ với hơn 13 triệu dân nhưng sinh ra gần 40% chủ nhân của các giải Nobel; 1/3 trên tống số các nhà triệu phú đang sống và làm việc tại Mỹ là người Do Thái; 20% giáo sư tại các trường đại học hàng đầu hiện nay; 3 nhân vật sau Công nguyên cho đến hiện tại có tác động lớn nhất đến lịch sử nhân loại là Chúa Jesus, Karl Marx và Alber Einstein…là người Do Thái.  Sự tò mò về một dân tộc với những con người thông tuệ hấp dẫn cả thế giới. Vậy nhưng, bí mật của người Do Thái không hề phức tạp như chúng ta tưởng tượng. Là một quốc gia sở hữu 40% giải Nobel, việc phát triển trí tuệ do đó rất được người Do Thái quan tâm và họ xây dựng thói quen này cho trẻ em từ khi mới sinh. Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Để sách hấp dẫn trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý. Mặc dù chỉ có 8 triệu dân nhưng ở Israel có tới hơn 1.000 thư viện công cộng với nhiều sách quý. Bên cạnh việc hình thành, xây dựng thói quen đọc sách từ khi nằm nôi cho trẻ nhỏ, người Do Thái hiện vẫn sử dụng hình ảnh con lừa thồ sách để dạy các con mình: nếu chỉ dừng ở việc đọc mà không biết ứng dụng thì trí tuệ đó cũng chỉ là trí tuệ chết. Và để có thể ứng dụng, trẻ em Do Thái không ngừng đọc sách và tích lũy kiến thức từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.
 
Người Do Thái có trí thông minh vượt trội bời họ đọc sách từ khi còn rất nhỏ và không ngừng đọc trong suốt cuộc đời mình...

Pháp lại là một ví dụ khác. Được biết đến như một trong những quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, người Pháp được xây dựng thói quen đọc sách từ tấm bé. Ở các trường Trung học cơ sở của Pháp ( tương đương lớp 6-9 ở Việt Nam) chương trình học của các em phải đọc toàn văn 36 tác phẩm từ thời thượng cổ như trường ca Homere, cho đến các tác phẩm trung cổ và hiện đại. Trung bình mỗi niên học, các em phải đọc 9 tác phẩm. Khi học đến cấp 3, học sinh Pháp phải biết qua năm thế kỷ văn học, nghĩa là từ thế kỷ XVI cho đến nay. Để thi tốt nghiệp cấp 3, tùy vào ngành học là kỹ thuật hay văn chương các em sẽ phải trình bày từ ba cho đến 10 tác phẩm trọn vẹn. Đây chính là lý do vì sao người Pháp lại giỏi văn chương, nghệ thuật đến vậy. 

Các thư viện tại Pháp được xây dựng và đầu tư rất quy mô với số lượng cũng như các thể loại sách vô cùng phong phú

Ngoài việc đưa sách vào trường học, dạy cho học sinh biết đọc sách yêu sách từ nhỏ, chính phủ Pháp còn có những chính sách để người dân đọc sách nhiều hơn. Ví dụ hỗ trợ, giảm thuế cho ngành xuất bản để ổn định giá sách, dù biến động thị trường những năm gần đây khá mạnh nhưng giá sách ở Pháp không hề tăng. Thị trường sách ổn định là yếu tố quan trọng trong đời sống văn hóa. Không chỉ có vậy, ở đất nước này, người đọc sách thậm trí không cần mua sách bởi hệ thống thư viện ở đây vô cùng phát triển. Thành phố lớn hay nhỏ cho đến địa phương và vùng quê đều có thư viện. Các trường đại học, trung học cũng có thư viện riêng. Với những làng xa xôi, hẻo lánh thì có xe thư viện lưu động của Nhà nước tổ chức định kỳ để phục vụ người dân. Tất cả các thư viện đều phong phú đầu sách và dồi dào về số lượng, hơn nữa vì khuyến khích dân đọc sách nên các thủ tục mượn sách ở thư viện cũng rất đơn giản. Bên cạnh đó ở những địa điểm công cộng như nhà ga, bến tầu điện, siêu thị…cũng có những hiệu sách trong đó sách được bán với giá rất rẻ. Trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm thì có quầy để sách báo cho người dân đọc miễn phí…Điều này là câu trả lời cho câu hỏi vì sao người Pháp có thể đọc 20-50 quyển sách/ 1 năm.
Quay trở lại Việt Nam, để có thể phát huy tinh thần hiếu học vốn có của dân tộc trong mỗi người dân thiết nghĩ cần phải có những chính sách thay đổi của Nhà nước. Trong đó quan trọng nhất là việc đầu tư phát triển hệ thống thư viện, nhà sách công cộng trên cả nước và đưa việc đọc sách vào các trường học. Nếu có thể thực hiện được những vấn đề này thì có lẽ trong tương lai không xa, số sách người Việt đọc mỗi năm sẽ không thua bất kỳ quốc gia phát triển nào.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hương

Nguồn tin: H.D sưu tầm (www.cinet.vn)