Nỗi lo thí sinh ảo

Kết thúc hạn nhận hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã tiếp nhận được trên 10.600 hồ sơ, bằng 91% chỉ tiêu.

Các trường có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao là Đại học Y-Dược, Đại học Sư phạm, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp. Trường Đại học Y- Dược có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao nhất: trên 1.600/640 chỉ tiêu. Mặc dù Trường nhận hồ sơ xét tuyển có điểm điều kiện nhận hồ sơ bằng điểm sàn 15 điểm, song hầu hết các hồ sơ đăng ký xét tuyển đều có điểm số cao hơn điểm sàn quy định điều kiện nộp hồ sơ từ 6-8 điểm (21-23 điểm). Như vậy sẽ có sự chuyển dịch lượng lớn thí sinh có điểm thi tổ hợp xét tuyển 3 môn trên 20 điểm đăng ký sang nguyện vọng 2 của ĐHTN (trên 1.000 thí sinh).

Tiến sĩ Trịnh Văn Hùng, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Y-Dược) nhận định: Trường đã nhận được trên 200 hồ sơ đăng ký xét tuyển có mức điểm trên 25 của tổ hợp 3 môn, như vậy điểm trúng tuyển trung bình năm nay không có nhiều thay đổi so với năm 2015. Tuy nhiên, nhóm thí sinh có điểm cao không trúng tuyển sẽ có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất là vào các trường theo nguyện vọng 2 và tiếp tục nuôi hy vọng tham gia kỳ thi năm sau theo dạng thí sinh tự do, bởi lẽ nhóm thí sinh này đa số có học lực khá tốt; Thứ hai, nhóm thí sinh tốp cuối (19-20 điểm) này sẽ theo học hệ cao đẳng Y-Dược. Thực tế thị trường lao động về đối tượng học cao đẳng ngành Y-Dược vẫn thu hút nhiều, nhất là thị trương xuất khẩu lao động.

Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển tại Đại học Thái Nguyên.

Đối với Trường Đại học Sư phạm, theo PGS, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Chỉnh, Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Trường đã nhận được trên 1.700 hồ sơ đăng ký xét tuyển/1.500 chỉ tiêu, điểm số bình quân nộp hồ sơ đều cao hơn điểm sàn điều kiện nộp hồ sơ từ 1-3 điểm. Các ngành đào tạo truyền thống vẫn hút thí sinh như Sư phạm Toán, Văn, Sử, Địa, Sinh, Hóa, Vật lý, Mầm non, Tiểu học. Tuy nhiên ngành Giáo dục thể chất có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển thấp hơn so với chỉ tiêu. Đây chính là cách lựa chọn nghề nghiệp cho tương lại dựa vào nhu cầu tuyển dụng của các địa phương, trường học và xã hội trong 4-5 năm tới. Giống như trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp năm nay tuyển sinh trên 1.800 chỉ tiêu, song đến hết ngày 12-8, Trường đã tiếp nhận được gần 1.900 hồ sơ. Đặc biệt, các ngành Kỹ thuật Điện, điện tử, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa thu hút nhiều thi sinh đăng ký xét tuyển và điểm nộp hồ sơ xét tuyển cao hơn điểm sàn từ 2-3 điểm. Đặc biệt, chương trình đào tạo tiên tiến năm nay của trường cũng thu hút sự quan tâm của thí sinh, khi chương trình liên tục được đổi mới và tiếp nhận sự hợp tác từ các nước Hoa kỳ, Ôxtrâylia. Với chương trình này, ngay từ năm học đầu tiên, sinh viên phải học 1 năm tiếng Anh với sự tham gia của giảng viên nước ngoài hỗ trợ.

Đối với các trường: Đại học Khoa học, Đại học Nông lâm, Kinh tế quản trị và Kinh doanh, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa Quốc tế, mặc dù có lượng thí sinh đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển đạt gần 80%, nhưng lo lắng lớn nhất là thí sinh ảo. Tại Trường Đại học Nông lâm, hầu hết các thí sinh đến nộp hồ sơ (xét tuyển dựa vào kết quả học tập trong học bạ ba năm học THPT) thì ngay sau đó đã có thể nhận được giấy báo trúng tuyển. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hà, Phòng Đào tạo (Đại học Nông lâm): Đối với các ngành và các trường trong ĐHTN thực hiện xét tuyển qua học bạ hầu hết đều rơi vào tình trạng nhận thí sinh ảo. Nhiều thí sinh đến đăng ký, hoặc đăng ký trực tuyến, gửi hồ sơ qua bưu điện sau đó Trường liên lạc lại thì đều nhận được những câu trả lời nước đôi, lưỡng lự. Như vậy có nghĩa là những thí sinh này đã đăng ký xét tuyển vào nhiều trường theo nhiều hình thức dùng kết quả thi và dùng kết quả học tập qua học bạ sau khi tốt nghiệp THPT. Cá biệt, có những thí sinh có tên đăng ký xét tuyển vào cả 6 trường.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học: Với trên 120 nghìn chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố xét tuyển theo học bạ thì thí sinh sẽ “thoải mái” làm hồ sơ dự tuyển trong cả nước. Đây chính là lượng thí sinh ảo sẽ xuất hiện cùng một tên ở rất nhiều trường. Nếu như, sau khi xét tuyển đợt 1 các trường chưa đủ chỉ tiêu, thì trong đợt 2 sẽ tiếp tục xét tuyển dự trên quy định của Bộ là không nâng điểm mà giữa nguyên như điểm sàn. Xét về hình thức thì đây là cơ hội để các trường “lấp” đầy chỉ tiêu, nhưng trên thực tế mức độ thí sinh ảo sẽ tiếp tục tăng lên khi nguyện vọng xét tuyển được mở rộng hơn  lên từ 4 nguyện vọng chọn ngành đào tạo/2 trường lên 6 nguyện vọng chọn ngành đào tạo/3 trường đại học.

Mặc dù các trường chưa công bố điểm chuẩn, nhưng đã có thể thấy xu hướng chọn nghề đào tạo của thí sinh, gia đình, xã hội đang tạo áp lực cho các trường đại học cần tích cực đổi mới và cập nhật thị trường, nhu cầu nguồn nhân lực lao động trong nước, quốc tế mang tích dài hơi. Vấn đề thí sinh ảo phần nào đã phản ánh một số ngành nghề đã bão hòa về nguồn nhân lực trong xã hội, khiến cho thí sinh, gia đình phải toan tính lựa chọn cách tốt nhất cho tương lai. Đồng thời cảnh báo một vấn đề nữa là chính những thí sinh ảo này sau khi vào học một trường đại học nào đó mang tính “tạm trú” sẽ tiếp tục tham gia kỳ thi năm sau theo dạng tự do, như vậy sẽ tăng mức độ thí sinh ảo kể cả sau khi đã nhập học.

 

Trinh An

Nguồn http://baothainguyen.org.vn/